© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đinh hướng gợi ý để đạt điểm cao môn Ngữ Văn THPT Quốc gia

Thứ hai - 22/04/2019 03:42
Ngữ văn là một trong ba môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) đối với hai tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Để đạt điểm cao đối với môn học này, thí sinh cần lưu ý những điểm như sau:
Theo đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc của đề thi Ngữ văn năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước, chỉ thêm phần kiến thức Ngữ văn của lớp 11. Cấu trúc của đề thi gồm có hai phần: Đọc hiểu văn bản (4 câu hỏi nhỏ) và Làm văn (2 câu hỏi lớn). Các câu hỏi tăng mức độ khó dần theo ma trận: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
 
Thứ nhất, phần Đọc hiểu văn bản (3 điểm): Đề thường cho một đoạn/bài thơ hoặc một đoạn văn xuôi không nằm trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành.
 
Câu 1 (0,5 điểm). Thí sinh cần nắm vững và trả lời chính xác từ khóa các đơn vị kiến thức: (1) Phương thức biểu đạt (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh và hành chính công vụ). (2) Phong cách chức năng ngôn ngữ (thông tấn/báo chí, sinh hoạt, khoa học, nghệ thuật/văn chương, chính luận và hành chính). (3) Thao tác lập luận (giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, bình luận và so sánh). (4). Các hình thức diễn đạt của văn bản (diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành và tổng-phân-hợp).
 
Câu 2 (0,5 điểm). Đề thường hỏi “Theo tác giả, vấn đề được nói đến trong văn bản là gì”?. Thí sinh cần lấy ngữ liệu từ văn bản và trả lời ngắn gọn câu hỏi theo ý tác giả chứ không phải suy nghĩ của bản thân mình.
 
Câu 3 (1 điểm). Câu hỏi thường có dạng như “Anh/Chị hiểu như thế nào…”, “Nhận xét về…” ý kiến được nêu trong văn bản. Thí sinh cần gạch ngang đầu dòng và trình bày tường minh vấn đề được nói đến. Cũng có thể đề yêu cầu chỉ ra một biện pháp tu từ (BPTT) trong ngữ liệu và phân tích tác dụng. Với câu hỏi này, thí sinh lưu ý trình bày qua hai ý: đó là BPTT nào, thể hiện ở đâu và căn cứ vào ngữ liệu để phân tích hiệu quả nghệ thuật mà BPTT đó mang lại.
 
Câu 4 (1 điểm). Kiểm tra khả năng vận dụng thấp của thí sinh thông qua một số câu hỏi kiểu như: “Anh/Chị có đồng tình với ý kiến…không”? Vì sao? Hoặc là: “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với Anh/Chị”? Với những câu hỏi dạng này, thí sinh cần trình bày qua một đoạn văn ngắn từ 5-7 dòng, lập luận chặt chẽ, có chính kiến rõ ràng: đồng tình/không đồng tình/kết hợp cả hai/rút ra một bài học có ý nghĩa nhất từ thông điệp của văn bản.
 
Thứ hai, phần Làm văn (7 điểm): Bao gồm Nghị luận xã hội (2 điểm) và Nghị luận văn học (5 điểm).
 
Câu 1. Nghị luận xã hội: Đề thi yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bày tỏ suy nghĩ của bản thân về một vấn đề được nêu ra từ phần Đọc hiểu. Thí sinh cần chú ý những yêu cầu sau:
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: có thể trình bày đoaṇ văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành (0,25 điểm).
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận, nghĩa là không viết lạc đề (0,25 điểm).
- Triển khai vấn đề nghị luận: lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ yêu cầu đề ra (1 điểm).
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt (0,25 điểm).
-  Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới m ẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận (0,25 điểm).
 
Câu 2. Nghị luận văn học thường có các dạng: Nghị luận về một đoạn thơ/bài thơ; Nghị luận về một đoạn trích/tác phẩm văn xuôi; Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; Nghị luận về một khía cạnh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học.
 
Điểm mới của kì thi THPT Quốc gia năm 2018 là câu nghị luận văn học có liên hệ với kiến thức Ngữ văn lớp 11 (chiếm 20 phần trăm số điểm). Vì vậy, thí sinh cần nắm vững từ tác giả, phong cách nghệ thuật của tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung cho đến nghệ thuật của tác phẩm. Thí sinh cần ôn tập có điểm nhấn một số tác phẩm văn học hiện đại của lớp dưới như: “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam); “Chữ người từ tù” (Nguyễn Tuân); “Chí Phèo” (Nam Cao); “Vội vàng” (Xuân Diệu); “Tràng giang” (Huy Cận); “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử); “Từ ấy” (Tố Hữu) và “Chiều tối” (Hồ Chí Minh).
 
Để làm tốt câu nghị luận văn học, thí sinh cần lưu ý những yêu cầu và trình tự làm bài như sau:
- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề (0,25 điểm).
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0, 25 điểm).
- Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
+ Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm).
+ Phân tích/cảm nhận nội dung và nghệ thuật của vấn đề cần nghị luận (2,25 điểm)
+ Liên hệ với tác phẩm lớp 11 (1 điểm). Với phần liên hệ này, thí sinh cần chỉ ra điểm giống nhau (đề tài, chủ đề), khác nhau (tác giả, hoàn cảnh sáng tác, phong cách nghệ thuật mỗi tác giả) của hai vấn đề cần nghị luận.
+ Khái quát vấn đề cần nghị luận: Khẳng định vai trò của tác giả, tác phẩm đối với bạn đọc.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt (0,25 điểm).
- Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận (0,5 điểm).

Từ định hướng gợi ý, chúc các em học sinh lớp 12 ôn tập thật tốt để có những điểm số khả quan ở kì thi THPT Quốc gia sắp tới.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây