Bài Kiểm Tra

https://baikiemtra.com


Vì sao nói: Đông Kinh nghĩa thục là một cuộc vận động duy tân yêu nước?

Trong đêm trường của chính sách cai trị ngu dân thâm độc do thực dân Pháp và tay sai áp đặt; cộng thêm sự trì trệ, lạc hậu của chế độ khoa cử phong kiến, nếp sống xã hội tù đọng khép kín với nhiều hủ tục nặng nề của nền sản xuất nhỏ đình đốn thì sự xuất hiện của Đông kinh nghĩa thục là một làn gió mới trong lành, là một hồi trống bừng tỉnh. Trong từng lĩnh vực cơ bản, nhạy cảm nhất của xã hội, Đông kinh nghĩa thục đều có những đường lối, chủ trương, đề ra kế hoạch, biện pháp hành động cụ thể.
a. Về giáo dục, tư tưởng - văn hóa, Đông Kinh nghĩa thục có các chủ trương:
 
- Chủ trương chống cựu học (nền giáo dục cũ) với các giáo lý cũ Nho học lỗi thời cản trở đất nước phát triển. Tờ Đăng cổ tùng báo ra ngày 27/6/1907 vạch rõ: “…Bao nhiêu cái khổ sở, nhục nhằn ở nước Nam ta cũng vì cái dốt mà ra cả”. Dốt vì nền cựu học đè nặng tư tưởng lại bị thực dân Pháp lợi dụng để trị. Do đó các chí sĩ đề ra giải pháp: Mở trường khai hoá nền dân trí dấy phong trào chống nền giáo dục cũ hủ lậu vì nó là “kẻ thù của tiến bộ và văn minh”
 
- Chống bọn hủ nho và chế độ Khoa cử hư danh, xa rời cuộc sống:. Đỗ Chân Thiết mỉa mai tả các thí sinh chạy theo khoa cử giống như: người tù, kẻ trộm, chuột trong hang, mèo ăn vụng, tôm nhảy cẩng, giun co ro. Đó là những kẻ “trói gà không chặt, dài lưng tốn vải”, cố làm quan để có mũ cao, áo dài, vinh thân phì gia, thoát ly các hoạt động thực tiễn; coi nhẹ kinh doanh, công thương, sản xuất lưu thông…
 
- Chống chữ Hán, thúc đẩy học và phổ biến chữ quốc ngữ: Chính Phan Châu Trinh từng nói: “Không bỏ chữ Hán không cứu được nước Nam”. Do chữ quốc ngữ nhiều ưu điểm hơn chữ Hán, các chí sĩ chủ trương đưa chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán làm ngôn ngữ viết chính thức để phổ cập cho mọi người học tập dễ dàng, đoạn tuyệt được giai đoạn cựu học, bước vào thời kỳ mới.. Các nhà duy tân nhận rõ: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước”; và kêu gọi: “Người trong nước nên đi học lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ em đều biết chữ và người ta có thể dùng chữ quốc ngữ để ghi chép việc đời xưa, chép việc đời nay. Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy” (Dẫn theo Chương Thâu- phần Tài liệu tham khảo). Sau một thời gian, kết quả rất khả quan: thói quen dùng quốc ngữ dần phát triển rộng rãi; văn xuôi và ngôn ngữ viết trên sách báo có những bước tiến; giao lưu văn hóa với nước ngoài cùng hoạt động dịch thuật tài liệu, sách báo nước ngoài (kể cả của phương Tây) đã làm đời sống tư tưởng, văn hóa thông thoáng hơn trước 1907. Vốn từ Việt cũng được bổ sung từ mới, làm phong phú, giàu có, hiện đại thêm tiếng Việt bởi các từ du nhập phương Tây như: cách mạng, nghị trường, dân chủ, hợp quần, óc cạnh tranh, kinh tế…Các sách sử cũ cũng được biên soạn lại theo tinh thần mới, ngôn ngữ mới nên việc diễn đạt hiện đại hơn, đơn giản, dễ hiểu hơn, làm cho công chúng dễ tiếp thu hơn.
 
- Thúc đẩy việc dạy, học, thi cử theo phương pháp mới: Trước tiên, Trường chủ trương thầy trò ăn mặc, tác phong tân thời, noi theo hình mẫu cụ Phan Châu Trinh mặc comlê, thắt cavát như người Âu; bỏ búi tó, cắt tóc ngắn. Thầy không giảng lối thầy đọc, trò chép, mà mở mang tranh luận, thầy hay nêu vấn đề thời sự từ sách báo để cả lớp cùng thảo luận, phát biểu chính kiến. Giáo trình nội dung tiến bộ, bổ ích, học trò nam nữ có thể cùng ngồi nghe thầy giảng, bình đẳng trong tranh luận. Các phương pháp sư phạm hiệu quả, kể cả kiểu mới được áp dụng như: Giảng sách, diễn thuyết, đọc báo, bình văn, thảo luận nhóm nhỏ và nhóm lớn, tọa đàm, đóng kịch phân vai…
 
Trường đề nghị sửa đổi phép thi, bỏ học văn biền ngẫu, bổ khuyết thêm phần câu hỏi thi đề tài quốc ngữ, toán; loại những kiểu đánh giá mang tính hình thức để chú trọng vào thực chất. Trong thi cử, phần câu hỏi đã khêu gợi, hướng cho học sinh tự do tư tưởng, độc lập suy nghĩ (Ví dụ thước đo thực học không phải là thông tỏ điển chương mà phải có kiến thức nền tảng rộng- cả xã hội, tự nhiên; có tầm nhìn xa; biết ngoại ngữ- trước hết là Pháp ngữ…). Trước đây trong môn sử, văn…, nội dung thường chứa đựng sự kiện, tác phẩm của Việt Nam, Trung Quốc, nay Trường bổ sung thêm phần phương Tây.
 
Tóm lại, Trường chủ trương sửa đổi để những điều học sinh học và thi không trái ngược, không xa rời giữa học với thực tế phải làm, phải xử lý trong cuộc sống.
 
- Đề cao tính nhân bản, phát huy sáng tạo trong dạy và học: Quan điểm nhà trường dứt khoát thầy không phải là quan tòa, thẩm phán mà là những vị cố vấn nhiệt thành, học vấn sâu rộng, đạo đức gương mẫu. Thầy phải lịch sự, tôn trọng nhân cách trò, truyền giảng được những gì mà người Việt chân chính, hiểu đạo nghĩa phải hành động đối với Tổ quốc, đồng bào.
 
- Coi trọng vai trò quảng bá tri thức, nâng cao uy tín trường, thúc đẩy vận động duy tân của báo chí: Cuốn “Văn minh tân học sách”- được coi là thể hiện cương lĩnh của Đông kinh nghĩa thục, đã nêu rõ vai trò báo chí của các nước Âu, Mỹ, Nhật, Trung đối với dân chủ, tiến bộ xã hội. Từ đó hô hào nước ta mở nhiều tờ báo với những chủ bút có năng lực, giàu tâm huyết để thông qua ngôn luận đả phá được đầu óc bảo thủ, trì trệ của hủ nho và những người lạc hậu; đưa tri thức khoa học, văn hóa mới, tư tưởng tự cường, cạnh tranh… đến mọi người Việt- từ quan đến dân, già, trẻ, các tầng lớp dân cư.
 
- Đề cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc: Thông qua các môn học lịch sử, địa lý và các hoạt động khác, Đông kinh nghĩa thục dần dấy lên phong trào vận động, nhấn mạnh lòng yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc, ngầm kêu gọi người Việt ủng hộ, tham gia các hoạt động chống Pháp, giành độc lập đất nước. Nhiều bài học, bài giảng được diễn tả dưới hình thức thơ lục bát dân gian cho dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, dễ quảng bá rộng rãi. Các chủ đề chính là: biểu dương thành tựu dựng nước, giữ nước của cha ông, lên án ách thống trị thực dân Pháp, tố cáo tội ác của thực dân và đầu óc hủ bại của quan lại, hủ nho, kêu gọi mọi người đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.
 
- Giáo dục sơ đẳng (xu hướng phổ thông) và giáo dục chuyên môn: Mặc dù mới ở mức độ khai phá, nhưng Đông Kinh ngĩa thục đã có ý thức phân luồng giáo dục phổ cập (các chương trình sơ trung) cho quảng đại người dân và giáo dục chuyên sâu cho những người có nhu cầu học nghề, phục vụ phát triển sản xuất trong xã hội. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta, Đông kinh nghĩa thục đã từ bỏ việc đồng nhất ý niệm giáo dục và thi cử trong chế độ cũ, trường đã có bước tiến lớn là tách rời thi cử ra khỏi giáo dục. Trong cuốn “Quốc dân độc bản” đã nói rõ: “Khoa cử và nhà trường là 2 cái đối lập nhau… Thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hướng của mình. Những người giàu có nên cho con em ra nước ngoài vào học các trường thực nghiệp để khuyếch trương nghề nghiệp của mình, như thế vinh quang hơn cái học khoa cử vạn lần”. Quan niệm mới chính là một cuộc cách mạng mới về tư tưởng, vì Đông Kinh nghĩa thục cho rằng: Học không chỉ nhằm đỗ đạt, làm quan mà mục đích chính để làm người hữu dụng. Nhà trường đã chuyển từ học chế xưa chuyên phục vụ cho số ít sang nền giáo dục phổ cập cho đa số dân chúng, đồng thời chú ý đào tạo “cán bộ chuyên môn cho các ngành nghề, lĩnh vực”. Đông Kinh nghĩa thục còn phân định rõ khoa học phổ thông và khoa học chuyên môn- chuyên ngành. Tác phẩm “Quốc dân độc bản” luận giải: Khoa học phổ thông là khoa học chung mà sĩ, nông, công, thương đều cần đến. Khoa học chuyên môn thì chỉ dành cho các chuyên gia của 4 giới sĩ, nông, công thương nói trên. Muốn đi sâu vào chuyên môn, trước hết phải học phổ thông đã.
 
b. Về mặt xã hội, tập tục, nếp sống:
 
Đông Kinh nghĩa thục chống tư tưởng thiên mệnh, các tín điều bảo thủ, trì trệ của Nho gia và các hủ tục xã hội: Chống ở đây là áp dụng đối với các hủ nho có tư tưởng hẹp hòi cố chấp, tự cao, tầm nhìn hạn chế, cố thủ trong tín điều Nho giáo, tự huyễn hoặc hay bất hợp tác với Pháp bằng cách ở ẩn, buông xuôi theo “Thiên mệnh”. Chính những người này cũng là nguyên nhân làm cho nước yếu, dân hèn, bảo thủ, chống sự tiến bộ cải cách. Các nhà hoạt động của Đông kinh nghĩa thục đã lên án mạnh mẽ cách ăn mặc, đầu tóc, tư duy, lối tiếp xúc quan hệ, thói bài bạc, ưa tĩnh nhàn… của hủ nho nệ cổ và một bộ phận dân chúng đều không hợp với khoa học, văn minh, cần thay đổi nhanh mới tương thích với thời đại mới và góp được sức cho các phong trào yêu nước lúc đó. Hãy nghe một bài thơ chống hủ tục, thói xấu được phổ biến như sau:
 
“… Bỏ nghề cờ bạc tham dâm,
Bỏ nghề dại chợ, khôn nhà bấy lâu,
Bỏ tranh phi, bỏ lý sự cùn,
… Điều tục lụy, điều chi cũng đổi,
Đổi cho rồi, các thói bấy lâu”.
(Thanh Lăng: Bản lược đồ văn học Việt Nam, NXB Trình bày; Sài Gòn, 1967; tr 95).
 
c. Về kinh tế:
 
Giáo dân để dân nâng cao dân trí, tân dân để dân bỏ hủ tục, có nhận thức mới, dám cải tạo xã hội; nhưng muốn nước mạnh phải dưỡng dân- đó cũng là mục tiêu của phong trào. Dưỡng cho dân giàu là thúc đẩy dân chúng mở mang công thương nghiệp; đi vào kinh doanh sản xuất, thương mại để kinh tế phát triển, của cải xã hội dồi dào. Về lý luận, Đông Kinh nghĩa thục phân tích rõ những nguyên nhân làm kinh tế đất nước trì trệ, kém cỏi, chỉ ra việc cần loại bỏ tư duy cũ: “Trọng nông, ức thương”, đồng thời chính các nhà sáng lập, vận động phong trào còn trực tiếp đi đầu trong hoạt động mở hiệu buôn, công ty công nghiệp; lập đồn điền, lập các “nông hội”, hô hào dùng hàng nội hóa… để chấn hưng kinh tế. Cụ Đỗ Chân Thiết mở hiệu buôn “Đồng Lợi Tế” chuyên buôn bán hàng nội hóa và hiệu thuốc bắc “Tụy Phương” gần ga Hàng Cỏ. Cụ còn chung vốn với cụ Phương Sơn lập hội đi các tỉnh thu mua gạo về bán ở Hà Nội. Cụ Nguyễn Quyền và Hoàng Tăng Bí cho ra đời công ty “Đông Thành Xương” buôn bán tạp hóa ở phố Hàng Gai. Phong trào lập hội kinh doanh lan rộng ra khắp nước. Nhiều hiệu buôn nổi lên như: Hưng Lợi Tế (Hưng Yên); Sơn Thọ (Việt Trì); Phương Lâu (Thanh Hóa); Triều dương thương quán (Nghệ An); Liên Thành (Quảng Nam); Minh Tân khách sạn (Sài Gòn); Hiệu thuốc “Từ bình đường” (Bến Tre); Tân Hợp Long (Long Xuyên)…v.v.
 
Một số người còn bỏ tâm sức đi thăm dò khai thác mỏ hay lập đồn điền, lập trại trồng cây lương thực. Ví dụ đồn điền ở châu Yên Tập (Hưng Hóa), Mỹ Đức (Hà Đông). Tuy không thành công lớn nhưng phong trào đã chứng tỏ đầu óc tư duy mới, dám nghĩ, dám làm, mở ra được những hướng mới trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
 
d. Việc phối hợp với phong trào yêu nước khác:
 
Các lãnh tụ và thành viên cốt cán Đông kinh nghĩa thục đều coi các hoạt động công khai của phong trào chỉ là sách lược tạm thời, họ không ảo tưởng vào hảo tâm của Pháp. Họ muốn kết hợp cải cách với bạo động; ủng hộ liên kết chặt với Phan Bội Châu, tổ chức Duy tân Hội, phong trào Đông Du và tán thành chủ trương bạo động đánh Pháp của cụ Phan; có lúc, có nơi đã tổ chức tập quân sự, trữ dấu vũ khí. Họ kính trọng nhưng liên hệ không chặt với cụ Phan Châu Trinh và có tiếp xúc với cụ Đề Thám, giúp đỡ khởi nghĩa Yên Thế…v.v
 
Tóm lại, Đông Kinh nghĩa thục là một cuộc vận động duy tân yêu nước, một phong trào sôi nổi tập trung vào những vấn đề xã hội nhạy cảm là cải cách giáo dục, nâng cao dân trí, đổi mới nhận thức văn hóa- tư tưởng, làm tâm điểm cho các hoạt động canh tân khác và cả hoạt động chính trị, bạo động, trù bị võ trang bí mật… Tư tưởng xuyên suốt là cách mạng dân tộc - chống Pháp, dân chủ - bài phong kiến, nhằm giải phóng dân tộc, hướng đến xây dựng xã hội tư bản theo kiểu châu Âu.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây