Bài Kiểm Tra

https://baikiemtra.com


Đề kiểm tra 1 tiết, Ngữ Văn 6, học kì II

Đề kiểm tra 1 tiết, Ngữ Văn 6, học kì II, gồm hai phần: Trắc nghiệm và Tự luận, có đáp án và hướng dẫn giải.
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu 1: Hai truyện “Bài học đường đời đầu tiên”“Bức tranh của em gái tôi” có gì giống nhau về ngôi kể và thứ tự kể?
A. Ngôi thứ ba, thứ tự kể thời gian.
B. Ngôi thứ nhất, thứ tự kể sự việc.
C. Ngôi thứ nhất, thứ tự kể thời gian và sự việc.
 
Câu 2: Chi tiết nào không thể hiện được sự hùng vĩ của “Sông nước Cà Mau”?
A. Rộng hơn ngàn thước.
B. Hai bên bờ mọc toàn cây mái giầm,
C. Nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác.
D. Rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.
 
Câu 3: Bài học đường đời đầu tiên mà Dế choắt nói với Dế Mèn là gì?
A. Ở đời không được ngông cuồng, dại dột sẽ chuốc vạ vào thân.
B. Ở đời phải cẩn thận khi nói năng, nếu không sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình.
C. Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình.
D. Ở đời phải trung thực, tự tin, nếu không sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình.
 
Câu 4: Vì sao người anh trong “Bức tranh của em gái tôi” thấy xấu hổ khi xem bức tranh em gái vẽ mình?
A. Em gái vẽ mình xấu quá.
B. Em gái vẽ mình đẹp hơn bình thường.
C. Em gái đã vẽ mình bằng tâm hồn trong sáng và lòng nhân hậu.
D. Em gái đã vẽ sai mình.
 
Câu 5. Hai cách so sánh: “như một pho tượng đồng đúc”, “như một hiệp sĩ Trường Sơn oai linh hùng vĩ” về dượng Hương Thư trong bài “Vượt thác” cho thấy nhân vật là người như thế nào?
A. Khoẻ mạnh, vững chắc, dũng mãnh, hào hùng.
B. Mạnh mẽ, không sợ gian khổ.
C. Dày dạn kinh nghiệm chèo thuyền vượt thác.
D. Chậm chạp nhưng mạnh khỏe khó ai địch được.
 
Câu 6. Chi tiết nào sau đây không thể hiện được vẻ đẹp cường tráng của Dế Mèn?
A. Đôi càng mẫm bóng với những cái vuốt nhọn hoắt.
B. Hai cái răng đen nhánh nhai ngoàm ngoạp.
C. Cái đầu nối từng tảng rất bướng.
D. Rủ Dế choắt trêu đùa chị Cốc.
 
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Câu 1 (3 điểm) Viết một đoạn văn khoảng 6 đến 8 câu tóm tắt truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi”.
Câu 2 (4 điểm) Hãy nêu cảm nhận của em về vùng đất Cà Mau qua bài “Sông nước Cà Mau” mà em đã được học.
 
--------------------------
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án C B C C A D
 
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Câu 1 (3 điểm): Yêu cầu cần đạt:
Hình thức:
- Tóm tắt bằng lời văn của mình.
- Đúng hình thức đoạn văn.
- Đảm bảo không quá 10 câu.
- Liên kết chặt chẽ.
Nội dung:
- Đảm bảo đầy đủ các ý của cốt truyện.
- Thái độ của người anh trước và sau khi tài năng cua em gái được phát hiện.
- Em gái tham gia dự thi tranh quốc tế đã vẽ chân dung anh trai.
- Anh nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và tự thức tỉnh.
 
Câu 2 (4 điểm)
Cần đảm bảo cơ bản các ý sau:
- Đây là một vùng đất bao la, mênh mông với kênh rạch chằng chịt...
- Con người sống giản dị, cách sinh hoạt độc đáo,...
- Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống vừa chi tiết, cụ thể, vừa bao quát rộng lớn.
- Qua đó ta hiểu thêm một vùng đất tận cùng phía Nam Tổ quốc, yêu hơn cảnh thiên nhiên, con người ở vùng đất này.
 
BÀI LÀM THAM KHẢO
 
Đoạn trích “Sông nước Cà Mau” của nhà văn Đoàn Giỏi là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học thiếu nhi nước ta. Tác phẩm đã được in tái bản nhiều lần và được dựng thành phim, từ truyện trở thành phim “Đất Phương Nam” vẫn chiếm được tình cảm mến mộ của đông đảo công chúng. Tác phẩm này đã cho chúng ta một cái nhìn khá hoàn chỉnh về cảnh quan sông nước vùng đất Cà Mau.
 
Cảnh sông nước trên mảnh đất Cà Mau – cực Nam của Tổ quốc được tác giả miêu tả theo một trình tự nhất định, và lần lần đi theo trình tự đó, chúng ta dần mở ra trước mắt mình cảnh quan của sông nước Cà Mau. Mở đầu là đoạn văn miêu tả đầy ấn tượng chung ban đầu về vùng đất Cà Mau, tác giả chưa đi sâu vào một hình ảnh cụ thể nào mà chỉ nêu ra những hình ảnh khái quát đã được tác giả cảm nhận qua thị giác và thính giác.
 
Cà Mau là một vùng không gian rộng lớn mênh mông với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng nhện, tất cả được bao trùm bởi một màu xanh của trời nước và được ôm trọn trong tiếng rì rào bất tận của rừng cây, của sóng và của gió. Màu xanh nơi đây đã trở thành một màu sắc nổi bật, bởi bầu trời màu xanh, làm cho mặt nước cũng xanh, lại thêm xung quanh toàn một màu xanh của cây lá. Một màu xanh đơn điệu kết hợp với tiếng rì rào triền miên, đơn điệu như đang ru ngủ thính giác. Tiếng rì rào ấy chính là từ biển Đông và vịnh Thái Lan đang ngày đêm không ngớt vọng về theo hơi gió muối.
 
Cảnh kênh rạch của vùng Cà Mau lại càng thêm đặc biệt và ấn tượng, tác giả đã liệt kê ra những cái tên lạ kèm theo những lời giải thích cho cái tên thật thú vị, như kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía, rạch Mái Giầm,… Cách đặt tên những con kênh rạch cũng cho thấy bản chất hoang sơ của tự nhiên, con người chất phác mà giản dị, không mĩ lệ. Dòng sông Năm Căn hiện lên với vẻ đẹp vừa rộng lớn, hùng vĩ lại hoang dã, “con sông mênh mông rộng lớn hàng ngàn thước, nước đổ ầm ầm ra biển ngày đêm như thác… rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận…”
 
Có thể thấy, nhà văn không chỉ có cái nhìn tinh tế mà còn miêu tả rất tài tình bức tranh phong cảnh thiên nhiên ấy, làm sống dậy trước mắt người đọc một cảnh tượng về cái chợ ở vùng cuối cùng của Tổ quốc. Chợ Năm Căn hiện lên với vẻ đẹp trù phú, độc đáo, sự trù phú thể hiện qua khung cảnh rộng lớn, tấp nập hàng hóa, thuyền bè san sát “những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng sông chiếu rực trên mặt nước mui những khu phố nổi…”. Chợ Năm Căn còn độc đáo ở chỗ họp ngay trên sông nước, nhà bè như những khu phố nổi và thuyền bán hàng len lỏi khắp mọi nơi, có thể mua bán mọi thứ mà không cần bước ra khỏi thuyền, tiếng nói của người bán hàng đa dạng thuộc nhiều dân tộc. Tất cả đã tô điểm màu sắc độc đáo cho chợ này hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.
 
Sau khi đọc xong tác phẩm, bức tranh về vùng sông nước Cà Mau vẫn còn nguyên vẹn ngay trước mắt ta với những nét đẹp riêng độc đáo. Tác giả Đoàn Giỏi đã không chỉ cho chúng ta được tham quan, tìm hiểu về một vùng đất mới mà còn truyền cảm hứng cho chúng ta về tình yêu thiên nhiên đất nước.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây