Bài Kiểm Tra

https://baikiemtra.com


Đề kiểm tra 1 tiết, Ngữ Văn 6, học kì II (Đề số 4)

Câu 1 (2 điểm)
Trình bày ngắn gọn giá trị nội dung và đặc sắc nghệ thuật của văn bản “Vượt thác” (Võ Quảng).

Câu 2 (3 điểm)
Khi được tin Lượm đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ, tác giả đã thay đổi cách xưng gọi như thế nào? Vì sao?

Câu 3 (5 điểm)
Cảm nhận của em về nhân vật Dế Mèn trong bài “Bài học đường đời đầu tiên” (Tô Hoài).
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
Câu 1. (2 điểm)
- Giá trị nội dung:
+ Miêu tả cụ thể, sinh động cảnh vượt thác trên sông Thu Bồn.
+ Ngợi ca sức mạnh lao động của con người giữa thiên nhiên hùng vĩ.
-> Tác giả thể hiện tình cảm yêu quý, cảm phục đối với cảnh đẹp và con người của quê hương.
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Nghệ thuật đặc tả cảnh đã tạo cho bài văn có sức hấp dẫn, lôi cuốn.
+ Tài quan sát tinh tế, kết hợp với trí tưởng tượng mạnh mẽ.
+ Các thủ pháp so sánh, nhân hóa -> Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, giàu sức sống.
+ Sử dụng nhiều điểm nhìn (trực tiếp, di động) giúp cho nhà văn quan sát rộng, miêu tả cụ thể.
 
Câu 2 (3 điểm)
- Nghe tin Lượm hi sinh, tác giả đã hai lần gọi Lượm là “đồng chí”; “Chú đồng chí nhỏ”.
- Cách gọi như vậy vừa chân tình vừa trân trọng.
- Tác giả coi Lượm như một người bạn, người đồng chí chiến đấu.
 
Câu 3 (5 điểm)
- Dế Mèn trong tưởng tượng của em là chàng trai hùng dũng, mạnh mẽ, oai phong.
- Dế Mèn cũng mang những khuyết điểm như “xốc nổi”, “ngông cuồng” -> Bệnh kiêu căng, tự phụ.
- Dế Mèn là người biết hối hận và xót thương.
-> Từ nhân vật Dế Mèn, em rút ra được nhiều bài học: sống khiêm tốn, không tự cao, tự đại; biết yêu thương, đoàn kết, chia sẻ với người khác.
 
BÀI LÀM THAM KHẢO
 
Thế giới loài vật, muông thú hay côn trùng – luôn là thế giới ẩn chứa nhiều bí mật và chúng ta luôn có khao khát, ước mơ khám phá cuộc sống của thế giới đó. Truyện “Dế mèn phiêu lưu ký”, nhà văn Tô Hoài đã dựng lên một câu chuyện đầy sinh động về cuộc sống của côn trùng, mà ở đây là cuộc phiêu  lưu của chú Dế mèn. Những chặng đường, những câu chuyện, những tình huống gặp phải trên chuyến hành trình của mình đã giúp chú Dế mèn nhận ra nhiều bài học quý báu cho bản thân mình.

Có lẽ ngã rẽ đầu tiên mà nhân vật Dế mèn phải đối mặt là khi cậu được mẹ cho ra ở riêng. Lúc đó, chàng như một chú Dế mèn mới lớn, thông minh, cường tráng, khỏe mạnh. Trong cái thế giới nhỏ bé ấy, chú Dế mèn thực sự tự mãn với khả năng của mình. Và để vẽ lên chân dung một chú Dế oai phong, lẫm liệt, nhà văn Tô Hoài không tiếc lời khi mô tả cái càng khỏe khoắn, bộ răng trên miệng, bộ vuốt ở chân… tất cả đều toát lên vẻ đẹp, sức hấp dẫn của một chú Dế mèn mới lớn.

Tự hào về sự khỏe khoắn, cường tráng ấy của mình mà tự lúc nào cậu đã biến mình thành một chú dế hung hăng, hống hách, nghịch ngợm thậm chí là có chút khoác lác nữa. Cậu đã nghĩ ra đủ trò để chọc chị Cốc hay đổ tội cho chú Dế choắt, vốn là một chú dế gầy gò, yếu đuối.

Khi đọc đến đoạn trích trong sách giáo khoa, “bài học đầu tiên” của truyện ngắn Dế mèn phưu lưu ký, những bạn nhỏ chúng ta không khỏi có lúc cảm thấy căm ghét chú Dế mèn bởi những cử chỉ quát mắng mấy chị Cào Cào, cách xưng hô rất bề trên với chú Dế choắt hay đá ghẹo với anh Gọng Vó… những chi tiết, tình huống này vừa xấc xược, tự mãn đúng như lứa tuổi mới lớn, đầy tự hào về bản thân mình.

Chi tiết Dế mèn bắt nạt chú Dế choắt có lẽ là chi tiết sinh động nhất của một chú Dế mới lớn. Chi tiết này cũng đầy thực tế phản ánh những kẻ thường ỷ thế kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Ở đây, chú Dế choắt tự nhận mình là kẻ yếu ấy thế nhưng chú Dế mèn vẫn không chịu tha. Và điều đau lòng với các bạn nhỏ chúng ta là chú Dế choắt đã bị chính Dế mèn ức hiếp đến chết.

Tuy nhiên, điều khiến cho tác phẩm Dế mèn phưu lưu ký của nhà văn Tô Hoài nói chung và nhân vật Dế mèn-nhân vật chính trong truyện vẫn nhận được sự yêu thương của chúng ta chính là sự phục thiện của Dế mèn. Qua bao nhiêu chuyện xảy ra với mình, Dế mèn đã nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống. Từ ghét, những bạn nhỏ chúng ta đã chuyển sang yêu thương với chú Dế mèn. Bằng việc chôn cất Dế choắt, đứng lặng rất lâu và nghĩ về bài học, nghĩ về những gì mà mình đã gây ra cho mọi người, Dế mèn đã dần nhận ra những sai lầm của mình…

Sau bài học đầu đời đến với mình ấy, Dế mèn đã thấm thía nhiều bài học cho mình. Chàng bỗng dưng chán ngán cuộc sống quẩn quanh, tầm thường bên những bờ ruộng, Dế mèn quyết tâm ra đi, ngao du khắp chốn để mở rộng tầm mắt, suy nghĩ về sự đời. Trong chuyến hành trình cuộc đời ấy, Dế mèn đã trải qua bao nhiêu chuyện, kết bạn với nhiều người như Dế Trũi, rồi giao đấu với võ sĩ Bọ Ngựa… kết bạn với Dế Trũi, giúp Dễ Trũi vượt qua khó khăn…cho ta thấy một Dế mèn rất khác, đó là người sống trọn tình, trọng nghĩa.

Không những thế, Dế mèn còn là chú dễ dũng cảm, trung thực và giàu lòng nghị lực. Khi ngao du thiên hạ, phưu lưu với cuộc đời, cậu đã gặp bao nhiêu chuyện oái oăm, gặp bao nhiêu chuyện bất công, và khi chứng kiến những cảnh trướng tai, gai mắt ấy, Dế mèn đều sẵn sàng ra tay lấy lại công bằng cho mọi người. Đặc biệt, trong cuộc phưu lưu ấy, có lần Dế mèn bị bắt giam trong hầm kín của lão Chim Trả, cậu không hề nhụt chí mà luôn lạc quan, nghĩ cách để thoát khỏi nguy hiểm.

Và khi đọc Dế mèn phưu lưu ký, bạn đọc nhỏ tuổi, thậm chí là cả người lớn đều kính phục trước lý tưởng mà chú Dế mèn muốn xây đắp, đó là ước mơ xây dựng một cuộc sống mà muôn loài cùng sinh sống với nhau như anh em, trân trọng, yêu quý nhau, không bắt nạt lẫn nhau. Ước muốn của chú Dế mèn cũng chính là ước muốn của tác giả, của con người chúng ta.

Mượn câu chuyện của chú Dế mèn, tác giả Tô Hoài muốn nói tới câu chuyện của con người, nhất là muốn gửi gắm bài học tới các bạn nhỏ, những cậu bé, cô bé chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành. Đó là sự khiêm tốn, nhường nhịn, không được ba hoa như chú Dế mèn. Nhưng khi gây ra lỗi lầm thì phải biết phục thiện, phải yêu thương cuộc sống, yêu thương những người xung quanh như chú Dế mèn trong chuyện vậy.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây