Bài Kiểm Tra

https://baikiemtra.com


Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn, có đáp án và hướng dẫn giải.
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.
Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta.
Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao đến thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước.
(Một thời đại trong thi ca - Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh - Hoài Chân)
 
1. Nội dung cơ bản của đoạn văn là gì?
2. Anh/chị hiểu như thế nào về các từ “chữ tôi”, “bề rộng”, “bề sâu”, “lạnh” được sử dụng trong đoạn văn?
3. Phân tích nét đặc sắc trong nghệ thuật diễn đạt của nhà phê bình Hoài Thanh qua đoạn văn trên.
 
Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ảnh bình minh
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
4. Nêu các nội dung cảm xúc của khổ thơ.
5. Nêu ý nghĩa của các hình ảnh “nắng đốt”, “mưa dội” và nhịp điệu của câu thơ đầu.
6. Nêu cảm nhận của anh/chị về giá trị biểu cảm của các hình ảnh ở hai câu thơ sau,
 
PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (3 điểm):
Viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về câu chuyện sau:
Ngày xưa, bên sườn của một ngọn núi lớn có một tổ chim đại bàng. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào một trại gà dưới chân núi. Một con gà mái tình nguyện ấp quả trứng lớn ấy. Đến ngày kia, trứng nở ra một chứ đại bàng con xinh đẹp, nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi lớn như một con gà. Chẳng bao lâu sau, đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà không hơn không kém. Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn. Một ngày, đang chơi đùa trong sân, đại bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời. “Ôi! – đại bàng kêu lên “ Ước gì tôi có thể bay cao như những chú chim đó”. Bầy gà cười ầm lên: “Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh là một con gà và gà không biết bay cao”. Đại bàng tiếp tục ngước nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình bầy gà lại bảo nó rằng điều ấy không thể xảy ra. Cuối cùng, đại bàng đã tin là thật. Rồi đại bàng không mơ ước nữa và tiếp tục sống như một con gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm gà, đại bàng chết.
 
Câu 2 (4 điểm)
Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân.
Phân tích tư tưởng - cảm hứng “Đất Nước của Nhân dân” của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện qua đoạn trích Đất Nước (trường ca Mặt đường khát vọng).
 
----------------------------------
 
ĐÁP ÁN

PHẦN I
1. Để hiểu đúng nội dung đoạn văn này cần xác định đúng vị trí của nó trong dòng mạch nội dung của tiểu luận Một thời đại trong thi ca. Đây là bài viết có ý nghĩa tổng quát, tạo nền cho toàn bộ công trình Thi nhân Việt Nam. Sau khi phân tích nguyên nhân xuất hiện phong trào Thơ mới, quá trình đấu tranh với phái thơ cũ để chiếm lĩnh chỗ đứng trên thi đàn, nhà phê bình Hoài Thanh đi vào vấn đề mà ông cho là quan trọng nhất - vấn đề tinh thần Thơ mới.
Nhà phê bình cho rằng Thơ mới là thơ của thời đại “chữ tôi”, tinh thần cơ bản của Thơ mới là ý thức cá nhân. Khẳng định sự mới mẻ của thời đại thi ca này, đồng thời Hoài Thanh cũng chỉ ra bi kịch của thế hệ thi sĩ Thơ mới khi ra đời trong chế độ thực dân nửa phong kiến, dân tộc mất chủ quyền. Đoạn văn trích dẫn thuộc nội dung này.
Đoạn văn đã nêu lên nỗi cô đơn, sự bế tắc của thế hệ thi sĩ Thơ mới khi tự ý thức cao về cá nhân, đào sâu vào bản thể.
 
2. Qua cách diễn đạt hình ảnh của Hoài Thanh, nhiều từ trong đoạn văn mang ý nghĩa ẩn dụ.
- “Chữ tôi”: ý thức về cá nhân, về bản thể.
- “Bề rộng”: các mối liên hệ với quá khứ, với xung quanh, với cộng đồng.
- “Bề sâu”: tự nhận thức về mình, nhu cầu và khát vọng của cá nhân.
- “Lạnh”: cảm giác về tinh thần - bơ vơ, bế tắc.
3. Chú ý những đặc sắc về diễn đạt:
- Dùng từ ngữ giàu hình ảnh, cụ thể mà giàu sức gợi, sức khái quát.
- Ý và lời văn nhịp nhàng, đăng đối khi chỉ ra những ngả đường sáng tác (cũng là cốt lõi cảm xúc, linh hồn) của những thi sĩ Thơ mới tiêu biểu, để ngay sau đó nêu lên sự bế tắc của họ bằng phép loại trừ lần lượt.
Đoạn văn chứng tỏ sự nắm bắt chính xác đặc điểm tâm hồn các thi sĩ Thơ mới tiêu biểu cùng cách viết tài hoa của nhà phê bình Hoài Thanh.
4- Khổ thơ thuộc phần cuối bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi
- Đất nước được ấp ủ rồi hoàn thành trong một thời gian dài - từ những năm đầu toàn quốc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp đến sau ngày cuộc kháng chiến thắng lợi, dân tộc lại độc lập, tự do (1948 - 1955). Bài thơ mang ý muốn tạo dựng bức tượng đài đất nước từ trong đói nghèo, nô lệ vùng lên chặt đứt gông xiềng áp bức để giành độc lập, tự do, lại trường kì kháng chiến, đánh tan kẻ thù tàn bạo để bảo vệ quyền độc lập, tự do thiêng liêng ấy.
- Khổ thơ mang dáng dấp tổng kết con đường lịch sử gian nan và vẻ vang đất nước vừa đi qua, ca ngợi sức mạnh, vẻ đẹp của con người cách mạng, con người kháng chiến trên dặm dài lịch sử ấy.
5. Các hình ảnh “nắng đốt”, “mưa dội” kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính cụ thể với ý nghĩa biểu tượng (thử thách, khó khăn trên con đường lịch sử).
Nhịp điệu của câu thơ đầu; chú ý từ “theo” (diễn tả sự tiếp nối) - Vừa qua hết thử thách, khó khăn này lại gặp ngay thử thách, khó khăn khác: “Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh”.
6. Cần hiểu ý nghĩa biểu tượng của các hình ảnh:
- “Vầng trán”: sự tìm tòi, suy nghĩ, trí tuệ cách mạng...
- “Trời đất mới”: nền độc lập, tự do, tương lai của đất nước.
- “Lòng ta”: tâm hồn, tình cảm...
- “Ánh bình minh”: Cảm xúc lạc quan về tương lai tươi sáng của đất nước...
Sức mạnh của con người cách mạng, con người kháng chiến, vẻ đẹp của đất nước Việt Nam trên con đường lịch sử: kết hợp hài hoà trí tuệ và tình cảm, sự tỉnh táo và niềm tin. Đó cũng là nguyên nhân của mọi thắng lợi vẻ vang vừa qua và cơ sở để dân tộc vững bước đi tới tương lai.
 
Phần II:
Câu 1.
Câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, bài học lớn lao cho cuộc đời, lẽ sống của mỗi con người chúng ta. Khi viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình từ câu chuyện có thể dựa theo mấy ý cơ bản sau;
* Mối quan hệ giữa con người với cội nguồn, với môi trường sống, hoàn cảnh xã hội: Do động đất, quả trứng đại bàng lăn xuống trại gà dưới chân núi. Quả trứng được gà mái mẹ ấp để nở thành chú đại bàng con. Đại bàng lớn lên với bầy gà... Đó là do hoàn cảnh khách quan. Chúng ta không trách chú đại bàng về điều ấy.
- Vấn đề là dù sống trong môi trường nào, hoàn cảnh nào, con người ta cũng không được quên cội nguồn của mình, phải biết tự hào về nguồn gốc của mình.
- Con người phải biết thích nghi nhưng cũng không nên lệ thuộc hoàn toàn vào môi trường sống, không nên để hoàn cảnh trói buộc mình. Chiến thắng hoàn cảnh để giữ vững và vươn lên những điều cao quý là trách nhiệm, là niềm vui của con người chân chính.
* Con người với những thói quen, những định kiến: Đại bàng mơ ước bay cao được như những chú chim. Nhưng mỗi lần nói lên mơ ước ấy nó lại bị bầy gà chế giễu. Dần dần đại bàng tự xem mình chỉ là gà và không mơ ước nữa. Vậy là đại bàng đã thua những định kiến, đã sống theo những thói quen,
- Những định kiến nặng nề có thể giết chết nghị lực, ước mơ của con người.
- Con người không nên xuôi mình theo các thói quen xấu mà cần tự nhận thức đúng và biết sửa chữa, điều chỉnh bản thân,
* Con người với khát vọng, niềm tin: Trong cuộc sống, con người cần nuôi dưỡng trong mình những khát vọng chân chính, cần giữ vững niềm tin chính đáng. Chỉ có như vậy, cuộc sống mới thực sự có nguồn vui, có ý nghĩa.
 
Câu 2.
* Giới thiệu chung về trường ca Mặt đường khát vọng; chương thơ Đất Nước, khẳng định “Đất Nước của Nhân dân” là tư tưởng - cảm hứng chủ đạo của chương thơ.
- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành cùng cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của dân tộc. Trường ca Mặt đường khát vọng ghi nhận một bước tiến vượt bậc trên con đường sáng tác của một nhà thơ - trí thức trẻ gắn bó máu thịt cùng số phận đất nước. Tác phẩm được hoàn thành tại chiến khu Trị Thiên vào năm 1971. Đây là những năm tháng nóng bỏng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ trên cả hai miền Nam, Bắc.
- Ra đời trong không khí cả nước ra trận, trong bối cảnh thời đại phát huy triệt để sức mạnh toàn dân khi đối chọi với kẻ thù giàu có và tàn bạo bậc nhất thế giới. Mặt đường khát vọng thể hiện sự trưởng thành nhanh chóng của thế hệ học sinh, sinh viên ở các thành thị miền Nam. Thế hệ này nhận thức ngày càng sâu sắc về truyền thống đất nước, vẻ đẹp nhân dân, từ đó thấm thía hơn trách nhiệm của mình, siết chặt đội ngũ xuống đường. Những suy tư sâu sắc cùng những tình cảm thiết tha của Nguyễn Khoa Điềm với tư cách đại diện cho thế hệ ấy đã làm nên sức lay động lớn của bản trường ca.
- Đoạn trích Đất Nước thuộc chương 5 của Mặt đường khát vọng. Đây là chương thơ tập trung thể hiện những khám phá, nhận thức về đất nước, về nhân dân, từ đó gợi nhắc trách nhiệm ở thế hệ trẻ - “Đất Nước của Nhân dân” trở thành tư tưởng chủ đạo của chương thơ, chi phối mọi khám phá, nhận thức của nhà thơ.
* “Đất Nước của Nhân dân” thật ra là tư tưởng chung của thời đại, tư tưởng bao trùm cả nền văn học cách mạng và kháng chiến của chúng ta từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Với Nguyễn Khoa Điềm khi viết chương Đất Nước, tư tưởng ấy đã trở thành nhiệt hứng và được thể hiện một cách mới mẻ, đặc sắc.
- Huy động tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt sử dụng rất nhiều chất liệu văn hoá dân gian, sự vật, hình ảnh gần gũi của đời sống, sinh hoạt thường ngày. Tất cả những trì thức, hình ảnh ấy đã thấm hòa trong cảm xúc, đã thông qua trái tim thiết tha xúc động của nhà thơ.
- Kiểu thơ trữ tình - chính luận với hình thức nhân vật anh tâm tình, luận bàn với em, Quá trình anh tâm tình, giãi bày cảm xúc với em đồng thời cũng là quá trình phân tích, lí giải về đất nước. Với giọng điệu thơ ngọt ngào, sâu lắng ấy, Nguyễn Khoa Điềm lần lượt làm sáng tỏ “Đất Nước của Nhân dân”.
* Tư tưởng - cảm hứng “Đất Nước của Nhân dân” được Nguyễn Khoa Điềm soi chiếu, triển khai trên nhiều bình diện:
- “Đất Nước của Nhân dân” trên chiều dài thời gian lịch sử: bình diện này được thể hiện qua đoạn thơ dài từ “Em ơi em/ Hãy nhìn rất xa…” đến “Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân”.
- Nhìn lại suốt bốn nghìn năm nay, nhân dân là tầng tầng lớp lớp những con người bằng mồ hôi và máu xương của mình đã lao động dựng xây, chiến đấu bảo vệ đất nước.
- Đối với nhân dân, “cần cù làm lụng” hay ra trận đánh giặc đều là lẽ tự nhiên vì sự tồn vong của đất nước. Khi đất nước thanh bình, họ “côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó” trên những cánh đồng, mảnh vườn thân thuộc. Khi đất nước có nạn ngoại xâm, họ sẵn sàng ra trận, đem cuộc đời mình bảo vệ nền độc lập chủ quyền của đất nước...Nhân dân không cần ghi tên vào sử sách, không cần tượng đồng bia đá mà lặng thầm, vô danh hi sinh vì đất nước (Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra đất nước.,.).
- Chính một nhân dân như thế là lực lượng hàng đầu để sáng tạo, giữ gìn và truyền lại mọi của cải vật chất, mọi giá trị tinh thần làm nên đất nước muôn đời. Vai trò to lớn của nhân dân trong trường kì lịch sử được diễn tả bằng những hình ảnh cụ thể, gần gũi mà hàm ý khái quát, triết lí sâu sắc:
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân...
Lịch sử dài lâu của đất nước không được Nguyễn Khoa Điềm nhắc tới qua trình tự các triều đại, dòng họ, qua những chiến công hiển hách hay tên tuổi cá nhân kiệt xuất mà luôn gắn với bao thế hệ nhân dân - những con người, những cuộc đời bình dị, vô danh mà vô cùng cao cả.
* “Đất Nước của Nhân dân” trên bề rộng không gian địa lí: bình diện này được thể hiện, tập trung qua đoạn thơ “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu... Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”.
 - Nguyễn Khoa Điềm đã liệt kê một hệ thống danh lam thắng cảnh, sự tích núi sông trên các miền đất nước để khẳng định sự hoá thân của cuộc đời nhân dân. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu thuộc nhiều miền đất nước. Hệ thống hình ảnh này đã diễn tả vẻ đẹp phong phú của đạo lí, tâm hồn, lối sống, phẩm chất Việt Nam...
- Trên cơ sở liệt kê, Nguyễn Khoa Điềm đi đến khái quát, đúc kết:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta.
Một triết lí có tính khái quát cao mà không hề khô khan khi thấm đượm cảm xúc, khi qua giọng điệu cảm thán với niềm cảm phục sâu sắc.
* “Đất Nước của Nhân dân” trên bình diện phong tục tập quán, bản sắc văn hoá - Chính qua quá trình lịch sử dài lâu mà những phong tục tập quán tốt đẹp được hình thành, củng cố, bản sắc văn hoá được xây đắp vững bền.
- Văn hoá dân tộc thấm hoà hầu khắp các hình ảnh, câu chuyện...được nói tới trong đoạn trích (truyện cổ tích của mẹ, miếng trầu bà ăn, cây tre làng, tục búi tóc sau đầu, câu ca dao gừng cay muối mặn, cái kèo cái cột, hạt gạo một nắng hai sương,..). Qua những điều thật cụ thể, gần gũi, Nguyễn Khoa Điềm đã gợi lên sự muôn thuở vững bền, bề dày văn hoá của một dân tộc.
- Một đất nước có lịch sử bốn ngàn năm, từng chiến thắng bao thiên tai và thế lực ngoại xâm tàn bạo bởi biết gắn với nhân dân, mà nhân dân đó luôn hướng về cội nguồn, biết quý trọng đạo lí tổ tiên (Hàng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ), biết quý trọng nghĩa tình hơn của cải và có đức tính bền chí kiên gan (Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội/ Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/  Đi trả thù mà không sợ dài lâu).
- Khi ca ngợi những phong tục tập quán, phẩm chất văn hoá cao đẹp của nhân dân như vậy, Nguyễn Khoa Điềm đã mang tới cho bạn đọc niềm tin vào sự vững bền của đất nước. Đất nước là của nhân dân, mà nhân dân thì mênh mông, vĩ đại và bất tử, vì thế đất nước này mãi trường tồn cùng với nhân dân.
Đặt trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt lúc bấy giờ, niềm tin này thật đáng quý. Nó thực sự là một nguồn sức mạnh để con người Việt Nam đánh Mĩ và thắng Mĩ.
* Kết luận: Khẳng định những khám phá mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước, về nhân dân. Thành công ấy bắt nguồn từ một hồn thơ giàu trí tuệ mang trong mình cảm xúc chân thành, tha thiết của người nghệ sĩ gắn bó máu thịt cùng vận mệnh dân tộc.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây