Bài Kiểm Tra

https://baikiemtra.com


Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn (Đề số 5)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn, gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn, có đáp án và hướng dẫn trả lời.
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Để hiểu rõ hơn quan niệm của các bà mẹ Pháp về tương lai của con cái, chúng tôi xin dẫn một ví dụ khác từ bà mẹ có ba người con đang học phổ thông:
Không ai biết trước được tương lai, nhưng nếu mong đợi thì trước tiên là cháu có một việc làm mà cháu thích. Tôi không muốn cháu cứ phải học thật nhiều, nếu mà cháu không thích thú gì sự học hành đó. Nếu có cháu nào thích làm thợ nề thì cứ làm thợ nề. Điều quan trọng là chúng hạnh phúc với công việc của chúng. Tôi không thúc đẩy chúng học nhiều nếu điều đó không phù hợp với cháu, không nên làm như vậy. Quan trọng là có một công việc để kiếm sống, tôi không nói với cháu là dứt khoát con phải làm bác sĩ. Các bậc cha mẹ đều muốn con mình trọn vẹn, thập toàn, nhưng tôi thì không, vì “nhân vô thập toàn mà.” - chị nói.
Nhiều bà mẹ Pháp đã cho biết mục tiêu ưu tiên của họ là giáo dục con trưởng thành, phát triển về mọi mặt, nhất là khả năng tự lập để bước vào đời, để sống cuộc sống của chính mỗi người con và biết sống với người khác trong một xã hội nhiều khác biệt, chứ họ không ép con theo đuổi bất kỳ hình mẫu nào theo sự hình dung của họ nếu điều đó không phù hợp với con.
Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc. Chuyện học hành bằng cấp cũng cần thiết vì điều này tăng thêm sự lựa chọn nghề nghiệp cho con về sau, nhưng chỉ là một trong nhiều con đường của cuộc sống, chứ không quyết định cho tương lai và hạnh phúc của con.
(Theo: Tuổi trẻ online)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên.
Câu 2. Xác định nội dung của văn bản trên.
Câu 3. Theo tác giả bài viết, mục tiêu quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái là gì ?
Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả không? Vì sao?
Câu 4. Từ đoạn trích trên Anh/Chị có suy nghĩ gì về vấn đề định hướng, lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT?
 
II. LÀM VĂN
Câu 1. Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ ) trình bày suy nghĩ của Anh/Chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “…Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc”
 
Câu 2. Cảm nhận của Anh/Chị về cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.
(Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu)
 
Từ đó liên hệ với đoạn:
 
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
(Trích “Từ ấy”, Tố Hữu)
 
Để nêu nhận xét về sự vận động và phát triển của cái tôi trữ tình Tố Hữu qua hai đoạn thơ trên.
 
----------------------------

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 - Phương thức biểu đạt: Nghị luận, tự sự.
Câu 2 - Trong đoạn trích, tác giả đã đề cập đến quan điểm định hướng nghề nghiệp và mục tiêu giáo dục của các bà mẹ ở Pháp đối với con mình.
+ Cụ thể là chú trọng về tính tự chủ của con khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, sở thích của bản thân, khả năng tự lập của con để bước vào đời.
Câu 3 - Theo tác giả bài viết trên, mục tiêu quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái là hình thành tính tự làm chủ cuộc sống cho con.
Câu 4 - Bày tỏ suy nghĩ chân thành, sâu sắc của bản thân, thể hiện suy nghĩ hợp lí, thuyết phục về vấn đề hướng nghiệp.
- HS có thể trình bày theo hướng:
+ Tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
+ Các yếu tố cần thiết để quyết định lựa chọn nghề nghiệp (sở thích, năng lực, điều kiện hoàn cảnh…)
+ Hiện trạng nhiều học sinh trong quá trình học tập chưa có định hướng rõ ràng, còn dựa dẫm ỷ lại vào gia đình, lựa chọn một cách thực dụng hoặc chỉ chạy theo xu thế xã hội.
+ Cách để quyết định lựa chọn đúng đắn (nhận thức giá trị bản thân, tham khảo ý kiến tư vấn của những người xung quanh, tìm kiếm thông tin thực tế).
 
II. LÀM VĂN
Câu 1. Suy nghĩ về ý kiến “Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc.”
- Giải thích: Nội dung ý kiến: thể hiện quan điểm đúng đắn, đề cao yếu tố quan trọng - thái độ tích cực, say mê, yêu thích đối với công việc. Đó là nền tảng cho lựa chọn nghề nghiệp, định hướng cho tương lai.
- Chứng minh: có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một số hướng giải quyết:
+ Vai trò quan trọng của công việc đối với cuộc sống của mỗi người.
+ Thái độ tích cực, say mê, yêu thích nghề nghiệp có những tác động tích cực như thế nào đối với con người.
- Giải pháp:
+ Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của thái độ lao động;
+ Rèn luyện thái độ nghiêm túc về việc lựa chọn hướng về một công việc trong tương lai.
+ Gia đình có sự tôn trọng quyết định lựa chọn của con cái nhưng vẫn cần theo sát, tư vấn giúp con lựa chọn tốt hơn.
- Bàn luận, nêu bài học nhận thức và hành động: Phê phán những quan niệm chưa đúng trong việc lựa chọn nghề nghiệp: chọn nghề theo xu hướng thời thượng, chỉ chú trọng những nghề được xã hội đề cao, hứa hẹn thu nhập cao mà không tính đến khả năng, niềm đam mê của bản thân, nhiều gia đình chưa hiểu con mình, còn định hướng nghề nghiệp mang tính gò ép.
 
Câu 2. So sánh hai đoạn trích thơ trong “Việt Bắc” và “Từ ấy”.
* Mở bài.
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam với phong cách thơ trữ tình - chính trị, mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng dân tộc đậm đà. Những chặng đường thơ Tố Hữu gắn liền với các chặng đường cách mạng của dân tộc. Từ ấy và Việt Bắc là hai bài thơ tiêu biểu.
- Hai đoạn trích nói riêng và hai bài thơ nói chung thể hiện sự vận động và phát triển cái tôi trữ tình của Tố Hữu.
 
* Thân bài.
- Giải thích cái tôi trữ tình: Là tâm trạng, cảm xúc, cảm nhận riêng của nhà thơ về cuộc sống. Cảm nhận về cái tôi trữ tình trong đoạn thơ ở bài “Việt Bắc”.
- Cái tôi hóa thân thành cái ta, hội tụ sức mạnh lớn lao của cả dân tộc.
- Cái tôi nhân danh Việt Bắc – trung tâm của kháng chiến, đầu não của cách mạng, trái tim của dân tộc với khí thế ra trận hào hùng sôi nổi; với niềm hãnh diện, tự hào, tin tưởng vào chiến thắng.
- Cái tôi mang tầm vóc sử thi và cảm hứng lãng mạn với cách sử dụng nhuần nhuyễn các từ láy, các biện pháp tu từ.
Liên hệ với cái tôi trữ tình trong đoạn thơ ở bài “Từ ấy”.
- Là cái tôi tự nguyện gắn bó với quần chúng lao khổ, với cuộc đời rộng lớn, với đất nước, nhân dân.
- Là cái tôi khát khao được cống hiến hết mình cho lí tưởng, thể hiện ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ.
- Là cái tôi nhận thức sâu sắc về sức mạnh của khối đoàn kết.
- Là cái tôi đầy háo hức, trẻ trung, sôi nổi, say sưa, chân thành: cách sử dụng phép điệp; từ ngữ giàu ý nghĩa và sắc thái biểu cảm.
 
* Kết bài.
- Từ “Từ ấy” đến “Việt Bắc” thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ của cái tôi trữ tình song hành với bước chuyển của cách mạng Việt Nam. Từ cái tôi của một trí thức yêu nước say mê, hạnh phúc khi bắt gặp lí tưởng Đảng trong “Từ ấy” phát triển thành cái ta nhân danh cách mạng và dân tộc lớn lao, cao đẹp trong Việt Bắc; đó là sự chuyển biến từ nhận thức lí thuyết đến trải nghiệm thực tế trong hành trình cách mạng của người chiến sĩ.
- Hai đoạn thơ nói riêng, hai bài thơ nói chung nồng nàn hơi thở của thời đại và tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây