© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi GDCD 6, bài số 6: Biết ơn

Thứ bảy - 01/04/2017 04:21
Hướng dẫn trả lời câu hỏi GDCD 6, bài số 6: Biết ơn, Thư của một học sinh cũ
Câu hỏi: Hàng năm, người dân cả nước về dự ngày giỗ Tổ vua Hùng vào thời gian nào?
 
Hàng năm, người dân cả nước về dự giỗ Tổ vua Hùng vào ngày 10/3 Âm lịch.
 
Câu hỏi: Việc làm đó thể hiện điều gì?
 
Việc làm đó thể hiện lòng biết ơn các vua Hùng đã có công dựng nước Việt Nam ngày nay. Nhà nước đã quyết định lấy ngày 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ của dân tộc.
 
Câu hỏi: Ngày 20/11 hàng năm là ngày kỉ niệm gì?
 
Ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày các thế hệ học sinh ghi nhớ, tri ân công lao của thầy cô giáo đã và đang dạy dỗ mình để thể hiện lòng biết ơn.
 
Câu hỏi: Hàng năm chúng ta kỉ niệm ngày 8/3 để làm gì?
 
Ngày 8/3 hàng năm là ngày Quốc tế Phụ nữ, là ngày tôn vinh những người phụ nữ; ghi nhớ công lao những người bà, người mẹ để thể hiện lòng biết ơn những người đã có công sinh thành và nuôi dạy chúng ta.
 
Câu hỏi: Hàng năm chúng ta kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ vào ngày tháng nào?
 
Vào ngày 27/7 Dương lịch.
 
Câu hỏi: Kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 để thể hiện điều gì?
 
Đó chính là thể hiện lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, những người đã có công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống hoà bình như ngày nay.
 
Câu hỏi: Qua câu chuyện “Thư của một học sinh cũ”, em thấy thầy Phan đã giúp đỡ Hồng như thế nào?

Qua câu chuyện “Thư của một học sinh cũ”, em thấy thầy Phan đã giúp đỡ Hồng:
 
- Hồng quen viết tay trái, thầy Phan thường xuyên sửa bằng cách cầm tay phải của Hồng để hướng dẫn Hồng viết.
 
- Thầy khuyên Hồng: “Nét chữ là nết người”.
 
Câu hỏi: Trước lời khuyên của thầy, Hồng đã làm gì?
 
- Ân hận vì làm trái lời thầy.
 
- Quyết tâm thực hiện lời chỉ bảo của thầy Phan là viết tay phải.
 
Câu hỏi: Suốt hai mươi năm xa thầy, Hồng vẫn có ý nghĩ gì?
 
- Suốt hai mươi năm xa thầy, Hồng vẫn luôn nhớ kỉ niệm về thầy, nhớ lời thầy dạy, nhớ ơn thầy đã rèn cách viết cho mình.
 
- Tìm được địa chỉ và viết thư thăm thầy.
 
Câu hỏi: Vì sao đã hơn hai mươi năm Hồng vẫn không quên thầy giáo cũ?
 
Đã hơn hai mươi năm, Hồng vẫn không quên thầy giáo cũ, bởi vì, những ngày đầu tiên đi học, Hồng tập viết bằng tay trái, thầy giáo Phan đã cầm tay phải của Hồng để hướng dẫn Hồng tập viết, thầy khuyên nhủ Hồng bao điều. Dù đã hai mươi năm, Hồng vẫn nhớ và trân trọng lời chỉ bảo của Thầy.
 
Câu hỏi: Ý nghĩa và việc làm của Hồng nói lên điều gì?
 
Ý nghĩa và việc làm của Hồng đã thể hiện lòng biết ơn thầy giáo, một truyền thống đạo đức của dân tộc ta “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
 
Câu hỏi: Chúng ta biết ơn ai? Vì sao?
 
- Biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những người đã sinh thành và nuôi dưỡng ta.
 
- Biết ơn những người đã giúp đỡ ta lúc khó khăn, hoạn nạn - những người đã mang đến cho ta những điều tốt lành.
 
- Biết ơn những thầy cô giáo đã dạy dỗ chúng ta.
 
- Biết ơn những anh hùng, liệt sĩ - những người đã có công trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình như ngày nay.
- Biết ơn Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc.
 
- Biết ơn các nước anh em, bầu bạn quốc tế đã giúp đỡ chúng ta về vật chất và tinh thần để bảo vệ và xây dựng đất nước.
 
Câu hỏi: Thế nào là sự biết ơn?
 
Biết ơn là sự bày tỏ thái độ trân trọng, tình cảm và những việc làm đền ơn, đáp nghĩa đôi với những người đã giúp đỡ mình, với những người có công với dân tộc, đất nước.
 
Câu hỏi: Ý nghĩa của lòng biết ơn là gì?
 
- Truyền thống của dân tộc ta là sống có tình có nghĩa, thủy chung trước sau như một. Trong các mối quan hệ, sự biết ơn là một trong những nét đẹp truyền thống ấy.
 
- Biết ơn cũng tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
 
- Biết ơn làm đẹp nhân cách con người.
 
Câu hỏi: Những việc làm nào của em đã thể hiện lòng biết ơn?
 
- Tặng hoa mẹ nhân ngày 8/3;
- Thăm thầy cô giáo nhân ngày 20/11;
- Mua tăm ủng hộ người nghèo;
- Thắp hương, đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ;
- Đóng góp giúp đỡ các bạn con thương binh liệt sĩ, gia đình khó khăn.
 
Câu hỏi: Theo em, những biểu hiện nào ngược lại với lòng biết ơn?
 
Có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt trước những người đã giúp đỡ mình; không tham gia, hoặc miễn cưỡng trước những việc làm như: mua tăm ủng hộ người nghèo, thăm nghĩa trang liệt sĩ, đóng góp giúp đỡ các bạn con thương binh liệt sĩ, không nhớ thầy cô giáo đã dạy dỗ mình...
 
Câu hỏi: Câu tục ngữ nào nói về hành vi biểu hiện ngược lại với lòng biết ơn?
 
Tục ngữ:
 
+ Ăn cháo đá bát.
+ Qua cầu rút ván.
 
Câu hỏi: Theo em, phải rèn luyện lòng biết ơn như thế nào?

- Phải thăm hỏi, chăm sóc, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ;
- Tôn trọng người già, người có công, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa;
- Kiên quyết phê phán những người có thái độ vô ơn, thờ ơ, bạc bẽo...
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây