© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi GDCD 9, bài 14: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân.

Thứ tư - 06/09/2017 00:12
Hướng dẫn trả lời câu hỏi GDCD 9, bài 14: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân.

Câu hỏi: Lao động là gì? Ý nghĩa của lao động?

Hướng dẫn trả lời:  - Lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra của cải vặt chát và các giá trị tinh thần cho xã hội;

- Lao động là hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của con người, là nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của đất nước và nhân loại.

Câu hỏi: Theo em, quyền làm việc của công dân được thể hiện như thế nào?

Hướng dẫn trả lời: Quyền làm việc của công dân được thể hiện:

- Công dân có quyền làm việc, quyền tự do sử dụng sức lao động đem lại thu nhập cho bản thân và có ích cho xã hội.

- Công dân có quyền tạo ra việc làm, bất kì hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được công nhận là việc làm.

- Quyền làm việc là sử dụng sức lao động để làm ra sản phẩm vật chất, tinh thần hoặc thực hiện một dịch vụ nhất định.

Câu hỏi:  Thế nào là quyền tự do sử dụng sức lao động?

Hướng dẫn trả lời: Quyền tự do sử dụng sức lao động của công dân được thế hiện:

+ Quyền tự do chọn nghề nghiệp, tìm kiếm công việc và nơi làm việc phù hợp với nhu cầu;

+ Tự do học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp mà không bị phân biệt đối xử về thành phần xã hội, tín ngưỡng, dân tộc...

Câu hỏi: Vì sao nói lao động là quyền của công dân?

Hướng dẫn trả lời: Mọi công dân có quyền tự do sử dụng sức lao động của mình để học nghề, tìm kiếm việc làm, lựa chọn nghề nghiệp có ích cho xã hội, đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình.

Câu hỏi: Tại sao nói lao động là nghĩa vụ của công dân?

Hướng dẫn trả lời: - Mọi người có nghĩa vụ lao động để tự nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình.

- Mọi người đều phải tham gia lao động, góp phần tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, duy trì và phát triển đất nước.

- Lao động là nghĩa vụ đôi với bản thân, với gia đình, đồng thời cũng là nghĩa vụ đối với xã hội, với đất nước của mỗi công dân.

Câu hỏi: Thế nào là hợp đồng lao động?

Hướng dẫn trả lời: Để thiết lập quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động phải kí kết một văn bản, gọi là hợp đồng lao động.

- Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Câu hỏi: Việc hợp đồng lao động được tiến hành theo phương thức và nguyên tắc như thế nào?

Hướng dẫn trả lời: Việc kí kết hợp đồng lao động được tiến hành theo phương thức thương lượng, thoả thuận, trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Câu hỏi: Nội dung hợp đồng lao động gồm những vấn đề gì?

Hướng dẫn trả lời: Nội dung hợp đồng lao động bao gồm:

+ Công việc phải làm, thời gian, địa điểm làm việc;

+ Tiền lương, chế độ bảo hiểm đối với người lao động;

+ Điều kiện về an toàn và vệ sinh lao động;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên kí kết hợp đồng;

+ Thời hạn hợp đồng.

Câu hỏi: Có các loại hợp đồng lao động nào?

Hướng dẫn trả lời: Có các loại hợp đồng lao động sau:

+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời gian, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

+ Hợp đồng lao động theo mùa hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Câu hỏi: Trách nhiệm của Nhà nước như thế nào trong giải quyết việc làm cho người lao động?

Hướng dẫn trả lời: Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức; cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư phát triển kinh doanh để giải quyết việc làm cho người lao động.

- Các hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm, sản xuất, kinh doanh thu hút lao động đều được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ.

Câu hỏi: Bộ luật Lao động được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và sửa đổi bổ sung vào thời gian nào?

Hướng dẫn trả lời: Ngày 23 - 6 - 1994, Quốc hội khoá IX của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động và ngày 2 - 4 - 2002, kì họp thứ XI, Quốc hội khoá X thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Câu hỏi: Để bảo vệ quyền lợi cho trẻ chưa thành niên, Luật Lao động có những điều cấm gì?

Hướng dẫn trả lời: Luật Lao động có những điều cấm:

- Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc;

- Cấm sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại;

- Cấm lạm dụng sức lao động của người lao động dưới 18 tuổi;

- Cấm cưỡng bức, ngược đãi người lao động;

Câu hỏi: Luật Lao động quy định tuổi của người lao động là bao nhiêu tuổi?

Hướng dẫn trả lời: Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động.

Câu hỏi: Trách nhiệm của bản thân công dân là gì?

Hướng dẫn trả lời: Tuyên truyền, vận động gia đình, xã hội thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động của người công dân.

- Góp phần đấu tranh chống những biểu hiện sai trái, trái pháp luật trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây