Mở đầu trang 168: Tây Nguyên là vùng có nhiều tiềm năng, tuy nhiên cũng có không ít những khó khăn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vậy điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội của vùng có đặc điểm gì? Những ngành kinh tế nào được xác định là ngành thế mạnh? Trong quá trình phát triển, những vấn đề môi trường nào cần quan tâm và giải quyết?
Trả lời:
- Đặc điểm điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội:
+ Điều kiện tự nhiên: địa hình, đất chủ yếu là cao nguyên với đất ba-dan; nguồn nước dồi dào, nhiều thác và hồ; diện tích rừng lớn, tính đa dạng sinh học cao; khoáng sản bô-xít; mùa khô kéo dài.
+ Đặc điểm dân cư: quy mô dân số nhỏ, 2021 khoảng 6 triệu người, nhiều dân tộc sinh sống, là vùng thưa dân nhất, dân cư phân bố không đều, nguồn lao động dồi dào.
+ Đặc điểm xã hội: nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, các dân tộc nhiều kinh nghiệm sản xuất, cộng đồng dân tộc luôn đoàn kết.
- Những ngành kinh tế thế mạnh: nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp (sản xuất điện, khai thác bô-xít) và du lịch.
- Những vấn đề môi trường cần quan tâm và giải quyết: suy giảm tài nguyên rừng, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô.
I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
Câu hỏi trang 168: Dựa vào thông tin và hình 15.1, hãy:
- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của vùng Tây Nguyên.
- Trình bày phạm vi lãnh thổ của vùng Tây Nguyên.
Trả lời:
- Đặc điểm vị trí địa lí: tiếp giáp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; giáp 2 nước là Lào và Cam-pu-chia. Vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng và đối ngoại của nước ta.Vị trí tạo thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa với các quốc gia trong tiểu vùng sông Mê Công và các vùng khác trong cả nước.
- Phạm vi lãnh thổ: diện tích tự nhiên khoảng 54,5 nghìn km2, chiếm 16,5% diện tích cả nước. Bao gồm 5 tỉnh là: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Câu hỏi trang 170: Dựa vào thông tin và hình 15.1, hãy trình bày các thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng Tây Nguyên.
Trả lời:
- Địa hình, đất: chủ yếu là núi và cao nguyên, nhiều cao nguyên xếp tầng với mặt bằng rộng lớn; đất ba-dan màu mỡ => phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả quy mô lớn.
- Nguồn nước: vùng là nơi đầu nguồn của nhiều hệ thống sông. Các sông Sê San, Srê Pôk có thế mạnh phát triển thủy điện. Có nhiều thác, hồ tạo cảnh quan phát triển du lịch, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
- Sinh vật: diện tích rừng lớn, chiếm 17,4% diện tích rừng cả nước. Rừng có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài sinh vật quý hiếm: voi, bò tót, hươu, nai, cây pơ mu, cây nghiến,… Các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia: Yok Đôn, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin => vừa có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, vừa là thế mạnh phát triển du lịch sinh thái.
- Khoáng sản bô-xít trữ lượng nhiều nhất cả nước => tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều ngành công nghiệp.
- Hạn chế: mùa khô kéo dài gây thiếu nước cho sản xuất và đời sống, nguy cơ cháy rừng cao, các thiên tai => ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.
III. Đặc điểm dân cư và xã hội
Câu hỏi trang 170 : Đọc thông tin, hãy nhận xét về đặc điểm dân cư của vùng Tây Nguyên.
Trả lời:
- Tây Nguyên có quy mô dân số nhỏ, năm 2021 dân số khoảng 6 triệu người (chiếm 6,1% dân số cả nước); tỉ lệ gia tăng tự nhiên là 1,25%; tỉ trọng dân số nhóm từ 15 - 64 tuổi chiếm 66,1% dân số vùng; tỉ số giới tính là 101,7 nam/ 100 nữ. Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc như: Kinh, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho, Tày, Nùng, Hmông,…
- Là vùng thưa dân nhất nước ta, mật độ dân số là 111 người/km2. Dân cư phân bố không đều, tập trung đông ở các đô thị: Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt,… Tỉ lệ dân thành thị chiếm 28,9% dân số toàn vùng 2021.
- Nguồn lao động dồi dào, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 17%, lao động nhiều kinh nghiệm trong trồng và chế biến sản phẩm của cây công nghiệp lâu năm.
Câu hỏi trang 171: Đọc thông tin, hãy nhận xét đặc điểm văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.
Trả lời:
- Nền băn hóa đa dạng, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. Là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị như: nhà Rông, nhà Dài, các lễ hội, âm nhạc dân gian. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Các dân tộc có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và có nhiều nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, chế tác nhạc cụ âm nhạc,…
- Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng.
IV. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế
Câu hỏi trang 172: Dựa vào thông tin và hình 15.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả của vùng Tây Nguyên.
Trả lời:
- Là một trong những vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn, chiếm 48,7% diện tích cây công nghiệp lâu năm của cả nước (2021).
+ Cà phê: là sản phẩm chủ lực, chiếm gần 93% diện tích trồng cà phê cả nước. Đắk Lắk đứng đầu cả nước về diện tích (30%) và sản lượng (28,5%), tiếp đến là Lâm Đồng và Đắk Nông. Cà phê có giá trị xuất khẩu lớn.
+ Hồ tiêu: đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng, trồng nhiều ở Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.
+ Cao su, điều có diện tích và sản lượng đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ, được trồng nhiều ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
- Cây ăn quả có giá trị và được trồng nhiều là: sầu riêng, bơ, chôm chôm,… Năm 2021, chiếm gần 10% diện tích cây ăn quả của cả nước. Hai tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn là Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Câu hỏi trang 172: Dựa vào thông tin và hình 15.2, hãy nhận xét về sự phát triển và phân bố lâm nghiệp của vùng Tây Nguyên.
Trả lời:
- Vùng có diện tích rừng lớn, chiếm 17,4% diện tích rừng cả nước, tỉ lệ che phủ rừng đạt 46,3% (2021), cao hơn mức trung bình cả nước.
- Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng năm 2021 đạt 753,7 nghìn m3, khai thác gỗ gắn với phát triển công nghiệp, chế biến. Các tỉnh có sản lượng gỗ khai thác lớn là Đắk Lắk và Kon Tum.
- Trồng rừng được đẩy mạnh, diện tích rừng trồng mới hàng năm khoảng 14 nghìn ha (giai đoạn 2010 - 2021). Kết hợp trồng rừng với phát triển cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, lâm sản ngoài gỗ => tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Gia Lai, Đắk Lắk là 2 tỉnh có diện tích rừng trồng mới nhiều. Hoạt động phục hồi rừng và bảo vệ các vườn quốc gia cũng được chú trọng.
Câu hỏi trang 174: Dựa vào thông tin và hình 15.2, hãy:
- Trình bày sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp của Tây Nguyên.
- Xác định trên bản đồ các nhà máy thủy điện của vùng.
Trả lời:
- Sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp của Tây Nguyên:
+ Công nghiệp khai khoáng: trữ lượng bô-xít lớn, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng bô-xít thành a-lu-min từ năm 2008. Có 2 nhà máy với sông suất mỗi nhà máy khoảng 650 nghìn tấn a-lu-min/năm, phân bố ở Lâm Đồng và Đắk Nông. Khai thác bô-xít được đầu tư thiết bị công nghệ cao, đảm bảo năng suất, chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác.
+ Thủy điện: sản xuất thủy điện phát triển mạnh, công suất điện của vùng đóng góp khoảng 20% tổng công suất cho hệ thống điện quốc gia. Các nhà máy thủy điện lớn là: I-a-ly (720 MW), Sê San 4 (360 MW), Đồng Nai 4 (340 MW),…
+ Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống được đẩy mạnh. Một số sản phẩm chính là cà phê, chè,…
+ Những năm gần đây phát triển điện năng lượng tái tạo ở Đắk Lắk, Đắk Nông.
- Các nhà máy thủy điện của vùng: I-a-ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, An Khê - Ka Nak, Srê Pôk, Đrây Hling, Buôn Kuôp, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.
Câu hỏi trang 174: Dựa vào thông tin và hình 15.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố du lịch của vùng Tây Nguyên.
Trả lời:
- Năm 2021, dịch vụ chiếm 39,9% GRDP của vùng, du lịch được xác định là thế mạnh của ngành. Vùng đón hơn 2,6 triệu lượt khách nội địa và 19 nghìn lượt khách quốc tế (2021).
- Sản phẩm du lịch đa dạng: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu quốc tế.
- Các địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng: TP Đà Lạt; Vườn quốc gia Yok Đôn, Bản Đôn; cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Măng Đen; I-a-ly,…
- Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đang xây dựng các khu du lịch quốc gia và khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng.
V. Các vấn đề môi trường trong phát triển ở Tây Nguyên
Câu hỏi trang 175: Đọc thông tin, hãy trình bày một số vấn đề về môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.
Trả lời:
- Diện tích rừng tự nhiên và chất lượng rừng bị suy giảm, đang phá vỡ cân bằng sinh thái, làm xói mòn đất, hạ mực nước ngầm, ảnh hưởng sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Rừng bị suy giảm do nhiều nguyên nhân: mở rộng diện tích cây công nghiệp, phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản,…=> Việc bảo vệ, phục hồi diện tích rừng tự nhiên, tăng diện tích rừng trồng là nhiệm vụ quan trọng.
- Tình trạng thiếu nước vào mùa khô xảy ra ở hầu hết các địa phương, làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng, suy thoái đất đai, thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Nguyên nhân do mùa khô kéo dài, diện tích rừng bị suy giảm, tác động của biến đổi khí hậu.
=> Tăng cường bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước, nâng cấp và xây dựng hệ thống thủy lợi.
Luyện tập - Vận dụng
Luyện tập 1 trang 175 : Dựa vào bảng 15.2, hãy nhận xét diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng của vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2021.
Trả lời:
Nhìn chung diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng của vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2021 có sự thay đổi theo hướng, giảm diện tích rừng tự nhiên và tăng diện tích rừng trồng, cụ thể:
- Diện tích rừng tự nhiên giảm dần qua các năm, từ 2653,9 nghìn ha (2010) giảm xuống còn 2090,8 nghìn ha (2021), giảm 563,1 nghìn ha.
- Diện tích rừng trồng tăng đều qua các năm, từ 220,5 nghìn ha (2010) đã tăng lên 480,3 nghìn ha (2021), tăng 259,8 nghìn ha.
Như vậy có thể thấy, diện tích rừng tự nhiên đã giảm nhiều hơn so với diện tích rừng được trồng mới trong giai đoạn này.
Vận dụng 2 trang 175: Sưu tầm hình ảnh, video clip và các tư liệu về nét văn hóa truyền thống đặc sắc của một dân tộc ở Tây Nguyên.
Trả lời:
Lễ hội đâm trâu:
Lễ hội đâm trâu là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Ê Đê, thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới hoặc trong các dịp quan trọng khác như mừng nhà mới, cúng bến nước, cầu mùa... Lễ hội thể hiện lòng biết ơn của con người đối với Yàng (thần linh) và tổ tiên, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.