© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hồn chữ Y Phương

Thứ bảy - 12/11/2016 09:50
Hồn chữ Y Phương
Y Phương đã thổi vào thơ một điệu hồn tha thiết sương núi hương rừng; một điệu hồn quấn quyện tình quả, tình cây, tình hoa, tình đá; một điệu hồn nghiêng ngả câu hát Hà Lều, đẫm men đàn tính, đàn then...
Nhà thơ Y Phương (tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước). Anh tự giới thiệu về quê mình:

Bước đá
Bước mây
Bước mùa đông
Bước mùa hè
Cây đàn tính dây trong dây đục...
Hoa cháy đỏ miền rừng Phja bjooc
Dòng Khuổi Slao con gái tắm cùng trăng


Miền quê ấy trong thơ anh thật đẹp, thật hiếu khách, thật phóng túng kiểu vùng cao:

Lên Cao Bằng xin đừng làm lạ
Mời rượu cả chum mời quả cả cây...
Đi qua bản không vào nhà là người già trách đấy
Tết tháng giêng hẹn từ tháng bảy
Tin nhau không nói nhiều lời
(Lên Cao Bằng)


Y Phương từng nhận giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội, hai lần giải thưởng văn học (loại A) của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh tự giới thiệu về mình trong trường ca Chín tháng:

Tôi
Trán dô
Mũi thô
Môi dày
Chân đi dép bốn hai vẫn thừa năm ngón...


Ai đó viết thế thì dễ được coi là cường điệu, nhưng với Y Phương, dẫu biết anh đã nói quá lên, người đọc vẫn nhận thấy trong đó một chất giọng chân thành! Sở dĩ nói vậy bởi trong thơ, anh đã không ít lần găm vào trí nhớ người đọc những "tiền giả định" đáng tin cậy làm "khế ước" cho điều đó. Nhiều người thích những câu thơ này của anh:

Nhà em tận miền đông
Nhà anh mãi miền tây
Từ anh sang em
Đi hỏng đôi giày
(Đi tìm)


Chẳng mấy ai để ý đấy là giày cỏ, giày vải hay giày da, nhưng lại rất ấn tượng về cái khoảng cách Từ anh sang em không thể đếm bằng bao quả núi, không thể đếm qua mấy con khe, không thể tính theo khoảng cách đường chim bay hay số ngày cuốc bộ ấy. "Đơn vị tính" Đi hỏng đôi giày có lẽ ngành khoa học đo lường chưa từng công nhận, nên cũng có thể tạm gọi đây là hệ đo (hoặc cách tính) kiểu Y Phương. Cố nhiên, đấy là cách tính của thơ, cũng như định nghĩa "Mùa hoa", anh viết:

Mùa hoa
Người đàn bà
Mặt đỏ phừng
Đủ sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm
Lên núi
Mùa hoa
Người đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ


Viết về mùa hoa mà đâu thấy bóng dáng một loài hoa, đến một bông hoa cũng không có nốt. Mùa hoa, mùa xuân, tuổi xuân hay sức xuân? Rất nhiều tưng bừng tiềm tàng sau lời kể xen trong lời tả làm cho bài thơ có vẻ đẹp ý nhị và sâu sắc bởi cái tứ được xác lập kín đáo trên cơ sở chuyển nghĩa giữa tiêu đề và sự phát triển một tuyến song hành những yếu tố phân ly của biểu tượng.

Y Phương triệt để khai thác những khả năng tạo nghĩa của cấu trúc ngôn từ, miễn sao lời ăn tiếng nói đời thường trở nên hồn vía. Chẳng hạn: về hành tung của sông Hồng, anh cảm nhận bằng phép nhân hoá rất tự nhiên:

Em vỗ đến chân trời xa tắp
Em vừa đi vừa sinh ra đất


Diễn tả hiện tượng sông Hồng bồi đắp phù sa như thế vừa thật vừa gợi đến bất ngờ. Với một người bạn Tuổi ba mươi vẫn gái - Một mình, anh mua nón làm quà mà khi trao tặng bỗng lặng người suy ngẫm:

Chưa có quai
Biết đội
Hay cầm
(Nón mùa thu)


Dân gian nói: "Chòng chành như nón không quai - Như thuyền không lái như ai không chồng". Cứ ngỡ vui vì tặng được bạn một món quà nhỏ, mà tặng xong lại thấy áy náy thế nào! Một chiếc nón nặng trĩu tâm tình của cả người tặng và người được tặng, một chiếc nón "nỗi niềm", "thân phận". Hoặc một trường hợp khác, anh viết về tâm trạng của người con trai khi yêu:

Vàng bạc với đá quí
Anh cất vào trong rương hòm khoá kĩ
Nhưng em, anh biết cất giấu vào đâu
Thôi đành - Nuốt em vào trong bụng
(Cất giấu)


Lời thơ có vẻ khẩu khí chất chứa một tình cảm mãnh liệt, và cách cất giấu người yêu, cất giấu tình yêu... vào trong bụng này thuộc diện "có một không hai". Có khi anh viết nhẹ như không, chẳng thấy dấu vết lao tâm khổ tứ gì mà giàu tính biểu cảm. Thơ sau một lần được về thăm con chốc lát:

Thức dậy đi nào hòn đất thó
Con hãy đái cho cha một bãi thật to
Để cha bôi lem lên hàng râu rậm


Không cầu kì mà ấn tượng, mong ước cũng như tình cảm của người cha giản dị mà cảm động, thấm đẫm nhân văn.
Đã có không ít câu thơ hay về đất nước, nhưng khi nghe Y Phương cắt nghĩa:

Âm ấm một bên vú phì nhiêu - Đất,
Nong nóng một bên vú mọng căng - Nước,
Đất Nước sinh ra từ ngực người đàn bà
(Chín tháng)


vẫn thấy anh góp được cho thi ca một tiếng nói riêng: cội nguồn đất nước gắn liền với sự hoá thân vĩ đại và thiêng liêng của tượng hình người mẹ. Trường hợp khác, sau kì nghỉ tết, các con lần lượt đi trả phép, anh viết về sự trống trải, vắng lặng đến tê tái:

Gió, lửa, than, nắng
Thi nhau rét
(Vắng con)


Đến cả những thứ dường như sinh ra đã mang thuộc tính nóng cũng thi nhau rét, hỏi còn có gì lạnh hơn? Còn đây là vẻ đẹp mát dịu, mịn màng, tinh khiết của làn da một cô gái:

Khi mặt trăng lặn
Nó thoát vào da thịt em
(Da thịt em)...


Nhìn chung, thơ Y Phương kiệm lời mà hàm súc:

Anh đi không vung tay
Cởi áo vắt vai
Phăm phăm bước
(Đi tìm)


Lẽ thường, đi không vung tay phải đi chậm, đây lại phăm phăm bước, thật không dễ hình dung. Thơ Y Phương có khi thể hiện sức nén căng của chữ nghĩa:

Có người đàn bà bị phụ tình
Không kể ai biết
Cả chính mình


Người bị phụ tình thường khó giấu, giấu người khác đã khó, giấu chính mình còn khó gấp nhiều lần. Biết bao giông bão trong những con chữ có bề ngoài bình lặng.

Không chỉ ý tại ngôn ngoại, anh còn sáng tạo ra những từ ngữ, hình ảnh so sánh ẩn dụ. Đó là hình ảnh một em bé: ngấu nghiến ăn - nừng nực nuốt (nừng nực chứ không phải ừng ực; nừng nực cũng là nội động từ, nhưng miêu tả động thái nuốt nguồn sữa liên tục khi em bé bú mẹ). Đó là hình ảnh các ông bà già miền núi: phì phà cười như lửa (phì phà chứ không phải hì hà, phì phà thể hiện âm vực tiếng cười của người có tuổi, cũng có nét nghĩa tiếng cười lẫn tiếng lửa reo). Đó là hình ảnh:

Chợ Lồng Tổng
người đông
người nhiều
người dài
(người dài: nghĩa trong câu chỉ đoàn người nối nhau đi chợ).


Đó là hình ảnh: cháu bé vừa đầy tháng - non nỏn như vành trăng... Có thể nói: các chữ nừng nực, phì phà, người dài, non nỏn trong các câu thơ trên; hoặc chữ khe khẽ rất tinh tế trong câu thơ Cỏ lấp lánh - Khe khẽ ướt, sự hợp nghĩa tài tình giữa các chữ long lanh hoi hoi trong câu thơ Tiếng trẻ trâu long lanh hoi hoi như đồng cỏ là những gợi ý thú vị đối với các nhà nghiên cứu từ vựng, phong cách, ngôn ngữ học.

Y Phương không thiên về thơ lục bát. Tuyển thơ Y Phương (NXB Hội Nhà văn, 2002) gồm một trường ca và 113 bài thơ chỉ có vài bài lục bát (mà tất cả đều là "lục bát biến thể"). Bài Tên em là sông anh viết trong ngày thi vào trường viết văn Nguyễn Du (1982). Người ta đi thi thường hồi hộp, lo lắng chuyện bài vở, nhưng chàng trai trong bài thơ lại hồi hộp vì một... cái tên bạn gái! Không biết có phải vì vừa gặp, và cũng chỉ là những dạt dào chộn rộn "đầu mày cuối mắt" chưa đâu vào đâu mà anh mới để bài thơ "biến thể" và ngắt dòng theo đồ hình tự do:

Tên em là sông
Dòng sông nhỏ chảy quanh đồng của anh
Dòng sông vừa trắng vừa xanh
Tên em là bến
Cho anh đợi đò?


"Tên em là sông" - câu thơ ngắn gọn, bất chấp sự thiếu hụt khuôn âm (lục) để xác định "đối tượng" của mình. Bài Lời ru (1986) anh kể lại những hoài niệm đau đáu về người bà. Như những tiếng nấc ngắt quãng, tâm trạng ăn năn của người cháu đã tạo nên hiệu quả biểu niệm của câu lục bát biến thể:

Bà ru
Tôi không ngủ
Nằm nghe
Tiếng ru hóm hém
Lập loè
Bà trông


Ba chữ "Tôi không ngủ" như thể trồi ra trong khuôn âm lục bát, có tác dụng nhấn mạnh, cuốn hút sự chú ý về phía chủ thể (trong khi mạch chính của bài thơ là hướng về đối tượng: người bà). Một kỉ niệm ấu thơ, bà ru trưa không chịu ngủ (hay không ngủ được vì mải ngẫm nghĩ về bà) mà tập trung để ý vào sắc thái tiếng ru và hình dung sự quan sát của bà. Mạch thơ của Y Phương thường được cắt ra như thế, chỉ một hoặc vài chữ một dòng, dài ngắn trải ra không đều (đọc tuyển thơ kể trên, chỉ thấy đúng một lần anh viết dòng thơ 12 chữ, trong khi đó có rất nhiều dòng một chữ). Nhìn khối chữ nhấp nhô, trồi thụt dễ liên tưởng đến mấy câu trong bài thơ Thắng cố và thổ cẩm với đề từ E Sun gửi Y Phương của nhà thơ Lò Ngân Sủn:

Có người bảo
Thơ mày
Như thổ cẩm
Lượn muôn sắc hoa văn
Phăm phăm
Đèo dốc


Điều đó đối với Y Phương đúng cả ở nghĩa đen và nghĩa bóng. Thơ Y Phương đậm đà hương sắc vùng cao, ý thơ khoáng đạt và biến hoá bất ngờ. Anh sở trường diễn đạt những dòng thơ ngắn, thậm chí có những bài rất ngắn. Các bài Con hổ, Con người, Người đàn bà,... gồm có ba dòng; cá biệt bài Chén nước gồm mười chữ, duỗi hết cỡ cũng chỉ đúng hai dòng:

Anh biết mình như chén nước
Chớ rót đầy


Bài thơ cô đúc như một triết lí. Triết lí tưởng chừng giản đơn thế nhưng thấp thoáng phía sau của hai dòng chữ ấy là ngổn ngang nỗi đời từng trải.

Y Phương đã thổi vào thơ một điệu hồn tha thiết sương núi hương rừng; một điệu hồn quấn quyện tình quả, tình cây, tình hoa, tình đá; một điệu hồn nghiêng ngả câu hát Hà Lều, đẫm men đàn tính, đàn then...

Nguyễn Trọng Hoàn

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây