© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Những phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Thứ tư - 14/02/2018 20:51
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của người dân Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn,... Sau đây là những phong tục truyền thống đẹp của người Việt trong dịp Tết đến xuân về.
cung ong cong ong tao

Tết ông Công, ông Táo
Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đã dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông Công, ông Táo, lễ cúng truyền thống phải có cá vàng để tiễn ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp. Vì theo quan niệm dân gian, đây là ngày mà Ngọc Hoàng sẽ trách phạt hay thưởng gia chủ dựa trên những gì mà ông Táo báo cáo.
cho tet 1
   
Đi chợ Tết
Chợ Tết có không khí khác hẳn với những phiên chợ thường ngày trong năm. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua, người bán tấp nập.
 
Trong chợ Tết, người ta mới bày bán tất cả mọi thứ từ hoa, quả, lá, cành, … đến mứt dừa, mứt gừng, … đủ các loại mứt, cá, thịt, mực khô, cá khô, … bia rượu, … Chợ còn bán những thứ không ăn được, nhưng vô cùng cần thiết cho ngày Tết như phong bao lì xì, giấy dán, ...
 
Cái thú mua sắm trong ngày Tết vẫn là chuyện đương nhiên, gần như không một nhà nào lại không “đi sắm Tết”. Mọi người đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để cảm nhận không khí ngày Tết, dù nhà giàu hay nghèo, nhu cầu mua sắm ngày Tết là điều không thế thiếu.
 
goi banh
 
Gói bánh
Gói bánh chưng, bánh tét là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp. Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện “bánh chưng, bánh dầy” từ thời vua Hùng khi chọn người kế vị ngai vàng. Lang Liêu đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dầy, tượng trưng cho Trời, Đất. Nhờ hai thứ bánh này mà ông được vua cha truyền ngôi. Ngày nay, bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp đẽ của dân tộc ta.
 
Để gói được bánh chưng, bánh tét thì người gói phải là người có bàn tay khéo léo và tỉ mĩ mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì ấm cúng hơn.
 
Rước ông bà
Chiều 30 tháng Chạp, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị thức ăn và trái cây được xếp thành mâm cỗ để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đây là dịp cả gia đình sum vầy, quây quần tưởng nhớ đến vong linh ông, bà, … và cùng nhau kể chuyện năm cũ, chúc nhau sức khoẻ, ước nguyện năm mới thành công hơn.
don giao thua
   
Đón giao thừa
Ngay tại thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lúc 0h - Lễ cúng giao thừa bắt đầu. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời.
 
Ở nước ta, tại thời điểm giao thừa Nhà nước sẽ tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới và Chủ tịch nước sẽ đọc thư chúc Tết đến mọi người dân, cầu mong một năm mới phát triển và thịnh vượng.
 
du xuan
 
Một số phong tục ngày đầu tiên của năm mới
Ngày đầu tiên của năm mới sẽ có tục “Xông đất”, “hái lộc”, “chúc Tết”, “mừng tuổi”, “xuất hành”, “đi lễ chùa”, “thăm mộ tổ tiên’, “du xuân”, “chơi Tết”,…
 
Ông cha ta có câu: “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Cha là bên nội để lại cho ta dòng họ vì thế được xem là quan trọng. Mẹ là bên ngoại cho ta thân thể làm người, vì thế mà phải trân quý. Thầy là người cho ta hiểu biết nên phải biết kính mến. Tất cả đều thể hiện đạo lý: “Cây có cội, nước có nguồn, con cháu có ông bà tổ tiên”, “Chim có tổ người có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”, … rất sâu sắc và thâm thuý của người Việt Nam.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây