© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi học kì 2 Ngữ văn 10 sách Cánh diều năm 2024

Thứ tư - 01/05/2024 04:33
Đề thi học kì 2 Ngữ văn 10 sách Cánh diều năm 2024, có đáp án kèm theo.
Phần 1: Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:
ĐẤT NƯỚC Ở TRONG TIM
Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm
Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.
Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao
Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng
Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận
Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.
Với người láng giềng đang lúc lâm nguy
Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế
Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể
Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.
Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan
Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại
Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi
Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.
Với chuyến du thuyền đang "khóc" giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.
Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
"Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại"
Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.
Từ mái trường này em sẽ lớn lên
Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.
Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!
(Chu Ngọc Thanh)
Câu 1 (1,0 điểm): Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Cho biết phương thức biểu đạt chính của bài thơ.
Câu 2 (1,0 điểm): Bài thơ trên nói về sự kiện gì? Cảm xúc của tác giả trong bài thơ?
Câu 3 (1,0 điểm): Việc trích dẫn ý kiến của thủ tướng trong bài thơ có tác dụng gì?
Câu 4 (1,0 điểm): Nêu ý nghĩa của hai dòng thơ:
Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.

Câu 5 (2,0 điểm). Hãy rút ra thông điệp của bài thơ? Từ thông điệp ấy, anh/chị thấy bản thân mình cần học tập và phát huy điều gì để làm rạng danh con người Việt Nam.

Phần 2: Viết (4 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học em đã được học.

Đáp án đề thi học kì 2
Môn Ngữ văn 10 Cánh diều
Phần 1: Đọc hiểu
Câu Đáp án Điểm
Câu 1 - Thể thơ: tự do
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
1,0 điểm
Câu 2 – Bài thơ trên nói về sự kiện:
+ Dịch cúm Covid-19 đang diễn ra và sự đoàn kết của cả nước trước đại dịch.
+ Tấm lòng nhân ái của đất nước ta với láng giềng và công dân các nước khác trên du thuyền.
+ Trách nhiệm của chính phủ Việt Nam với công dân của mình ở vùng dịch.
– Cảm xúc của tác giả trong bài thơ: yêu thương, tự hào
1,0 điểm
Câu 3 – Tác giả trích dẫn ý kiến của thủ tướng: “Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”
– Tác dụng:
+ Làm bài thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu tính biểu cảm, giàu sức thuyết phục.
+ Thể hiện tinh thần, truyền thống nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam: tinh thần tương thân tương ái của người Việt và trách nhiệm cao cả, sự quan tâm lớn lao của chính phủ với công dân của mình.
1,0 điểm
Câu 4 Ý nghĩa của hai dòng thơ:
– Đề cao lòng nhân ái, tình yêu thương. Khẳng định “nhân ái” chính là sức mạnh lớn nhất giúp con người vượt qua mọi nỗi sợ hãi.
– Khi trong mỗi con người ai cũng có lòng nhân ái thì sẽ tạo nên một xã hội văn minh, đoàn kết; con người sẽ không còn sợ sự cô độc, lạc lõng.
1,0 điểm
Câu 5 – Thông điệp của bài thơ: Hãy sống yêu thương nhân ái và trách nhiệm.
– Đưa ra những điều bản thân em cần học tập và phát huy.
Gợi ý: Các em có thể tham khảo
+ Rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân.
+ Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
+ Thể hiện tình yêu thương, lòng nhân ái và trách nhiệm bằng các hành động thiết thực.
+ Sống có ước mơ hoài bão, góp phần phát triển đất nước.
+ Lên án lối sống vô trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm.
2,0 điểm

Phần 2: Viết (4 điểm)
Câu Đáp án Điểm
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
0,25 điểm
0,25 điểm
2,5 điểm








0,5 điểm
0,5 điểm
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học em đã được học.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:
- Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả, bối cảnh lịch sử (nếu cần) và khái quát giá trị của tác phẩm.
-Nêu tóm tắt nội dung chính của tác phẩm.
- Phân tích giá trị của tác phẩm (nội dung và nghệ thuật)
- Đánh giá (nhận xét, bình luận) về thành công của tác giả trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật
- Khái quát về vị trí, ý nghĩa của tác phẩm đối với sự nghiệp văn học của tác giả.
- Nêu ấn tượng và cảm xúc của anh/chị về các yếu tố đã phân tích.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây