© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Soạn Ngữ văn lớp 10 sách Cánh diều, bài 3: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

Chủ nhật - 11/08/2024 21:19
Soạn Ngữ văn lớp 10 sách Cánh diều, bài 3: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm - Trang 87, ...
Trong sinh hoạt cộng đồng, sự đồng thuận luôn là vấn đề được mọi người quan tâm. Vì sự đồng thuận đó, mỗi chúng ta không ít lần được đặt vào tình huống phải thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, có khi bằng lời nói trực tiếp, có khi bằng bài luận. Để viết bài luận thuyết phục, ngoài việc nắm vững quy cách triển khai bài văn nghị luận nói chung, bạn phải chứng tỏ được nhiều điều: sự hiểu biết về chuẩn mực ứng xử, tinh thần cảm thông chia sẻ với đối tượng được thuyết phục, niềm tin tưởng vào điều mình đang hướng tới, nét lịch lãm, tế nhị trong cách sử dụng ngôn ngữ, ... 

Yêu cầu
- Nêu được thói quen hay quan niệm cần từ bỏ
- Chỉ ra được các biểu hiện hoặc khía cạnh của thói quen hay quan niệm cần từ bỏ
- Phân tích được tác động tiêu cực của thói quen hay quan niệm đó đối với cá nhân và cộng đồng
- Nêu những giải pháp mà người được thuyết phục có thể thực hiện để từ bỏ một thói quen hay quan niệm không phù hợp

Phân tích bài viết tham khảo
Điện thoại thông minh và người dùng, ai là ông chủ?
- Luận điểm 1: Nêu thói quen cần từ bỏ
- Luận điểm 2: Bày tỏ thái độ cảm thông, hiểu biết, chia sẻ để gây thiện cảm hay tạo nên ấn tượng tích cực cho đối tượng được thuyết phục.
- Luận điểm 3: Chỉ ra các biểu hiện của thói quen cần từ bỏ và phân tích mặt tiêu cực của thói quen đó.
- Luận điểm 4: Bày tỏ tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ của mình đối với người được thuyết phục
- Luận điểm 5: Khái quát lại vấn đề, nâng lên thành bài học nhận thức, ứng xử. 

* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 90:
Trả lời:

- Người viết cần tạo được sự gắn kết với người đọc, khi thuyết phục cần đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng hợp lý, chính xác. Để tăng tính thuyết phục, người viết không chỉ nêu ra những luận điểm chung, thể hiện cách đánh giá khách quan mà còn phải đan xen những cảm nhận, đánh giá của cá nhân, tạo sự tin tưởng với người đọc. 

Câu 2 trang 90:
Trả lời:

- Vị thế của người thuyết phục có cần được thể hiện. Tuỳ vào mục đích, nội dung và đối tượng thuyết phục, người viết có thể lựa chọn vị thế phù hợp thông qua cách xưng hô, cách sử dụng một số ngôn ngữ đặc biệt, cách đặt câu,....

Câu 3 trang 90:
Trả lời:

Khi triển khai nội dung thuyết phục, việc suy đoán về những lí lẽ phản bác của người được thuyết phục cho thấy cái nhìn sâu rộng của người viết về nội dung trình bày, có thể dự đoán được những tình huống bất ngờ và đưa ra phương hướng giải quyết hợp lý, từ đó khiến người nghe thêm tin tưởng và bị thuyết phục hoàn toàn. 

* Thực hành viết
1. Chuẩn bị viết
 Lựa chọn vấn đề: thói quen / quan niệm cần từ bỏ: Viết đoạn văn thuyết phục bạn bè từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà.

2. Tìm ý, lập dàn ý
-Thói quen cần từ bỏ có những biểu hiện gì cụ thể?
+ không đọc lại bài đã học, lười làm bài tập, làm đối phó, chép bài bạn,....
-Vì sao cần phải từ bỏ thói quen ấy? Nó đã ảnh hưởng không tốt đến bạn và môi trường hoặc cộng đồng như thế nào?
+ Là một thói quen xấu gây ảnh hưởng đến bản thân và cả những người xung quanh
+ Không thể bổ sung kiến thức bài học dẫn đến tình hình học tập sa sút
+ Hình thành thói quen ỷ lại vào bạn bè, ảnh hưởng đến bạn bè trong lớp
+ Thầy cô lo lắng, bố mẹ buồn phiền
-Việc từ bỏ thói quen hay quan niệm ấy nên được thực hiện ra sao?
+ Thiết lập thời gian biểu cho thời gian làm bài tập về nhà hợp lí
+ chủ động, tự giác hoàn thiện bài tập
+ Tìm bạn đồng hành giúp đỡ
-Tôi và tập thể có thể hỗ trợ gì cho bạn
+ Hướng dẫn làm những bài tập khó
+ Học nhóm

3. Lập dàn ý
- Mở bài: nêu thói quen hay quan niệm mà người viết chuẩn bị thuyết phục người khác từ bỏ có thể gợi ra buổi cảnh của việc thuyết phục và xác định vị thế phát ngôn của người viết.
-Thân bài
+ Biểu hiện của thói quen hay quan niệm cần từ bỏ
+ Lý do nên từ bỏ thói quen hay quan niệm đó
+ Cách từ bỏ và các bước từ bỏ thói quen hay quan niệm không phù hợp
+ Dự đoán sự đồng tình, ủng hộ của những người xung quanh khi người được thuyết phục từ bỏ thói quen hay quan niệm không phù hợp
-Kết bài: nêu ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen hay quan niệm đã được đề cập
Dàn ý bài viết tham khảo thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà
- Mở bài: Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Để duy trì thành tích học tập tốt, bên cạnh việc chăm chú nghe giảng, học tập trên lớp, thời gian tự học thông qua làm bài tập về nhà cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các học sinh có thói quen không làm bài tập ở nhà.
- Thân bài
+ Biểu hiện của thói quen không làm bài tập ở nhà:  không đọc lại bài đã học, lười làm bài tập, làm đối phó, chép bài bạn,....
+ Lí do nên từ bỏ thói quen không làm bài tập:  Là một thói quen xấu gây ảnh hưởng đến bản thân và cả những người xung quanh,   Không thể bổ sung kiến thức bài học dẫn đến tình hình học tập sa sút, Hình thành thói quen ỷ lại vào bạn bè, ảnh hưởng đến bạn bè trong lớp, Thầy cô lo lắng, bố mẹ buồn phiền,.....
+ Cách từ bỏ và các bước từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà: Thiết lập thời gian biểu cho thời gian làm bài tập về nhà hợp lí,  chủ động, tự giác hoàn thiện bài tập, Tìm bạn đồng hành giúp đỡ
+ Dự đoán sự đồng tình, ủng hộ của những người xung quanh khi được thuyết phục từ bỏ thói quan không làm bài tập
- Kết bài: nêu ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà

4. Viết 
Henry Brooks Adams từng nói: “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái”. Quả đúng là như vậy, phương pháp học tập đúng đắn sẽ tạo nên hiệu quả tích cực. Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Để duy trì thành tích học tập tốt, bên cạnh việc chăm chú nghe giảng, học tập trên lớp, thời gian tự học thông qua làm bài tập về nhà cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các học sinh có thói quen không làm bài tập ở nhà.
         
Vậy bạn có biết tại sao học sinh chúng ta ngày càng lười làm bài tập không? Với tôi, tôi cảm thấy bài tập về nhà rất khó và làm tốn rất nhiều thời gian, vì vậy tôi thường trì hoãn việc làm bài của mình. Vậy còn các bạn thì sao? Nhiều học sinh cho rằng học tập là một nhiệm vụ bắt buộc nên luôn thực hiện nó một cách đối phó. Cũng có nhiều học sinh cho rằng thời gian học tập trên lớp là đủ và không muốn phải tiếp tục học khi về nhà. Và cũng có những học sinh cảm thấy áp lực trong học tập, chán ghét và sợ hãi việc học. Đó là những lí do hình thành thói quen không làm bài tập về nhà ở phần lớn học sinh hiện nay. Sau mỗi buổi học trên lớp, giáo viên thường giao cho học sinh một số câu hỏi bài tập để củng cố thêm kiến thức. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân ra khỏi lớp học, đôi khi chúng ta sẽ quên ngay mọi lời giáo viên nói. Và khi trở về nhà, chúng ta bị thu hút bởi những cuộc vui, bởi những trò chơi điện tử hay đơn giản là vì lười nên không muốn làm gì cả. Thói quen làm bài tập ở nhà của học sinh hiện nay chủ yếu là đối phó. Chúng ta thường tìm lời giải trên mạng rồi chép lại mang đến lớp nộp để giáo viên kiểm tra mà không hề tự cố gắng làm bài. Hoặc chăm hơn một chút, có những học sinh sẽ tự ngồi làm bài tập về nhà nhưng chỉ làm một cách qua loa, không đầu tư nhiều thời gian và công sức. Cũng có những bạn sẽ không làm ở nhà mà đến lớp, sát giờ học mở vở ra mới nhận ra có bài tập và vội vàng làm hoặc sẽ mượn bài của các bạn trong lớp chép. Và cũng sẽ có những bạn không quan tâm đến việc có bài tập, không làm và đến lớp học với một cái đầu trống rỗng. Có lẽ những biểu hiện trên đều đã từng xuất hiện trong chính chúng ta ít nhất một lần trong đời. 

Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu. Vậy nếu không thể từ bỏ thói quen ấy, điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn chúng ta đều biết bất kì thói quen xấu nào cũng hình thành nên những tính cách xấu. Nếu không làm bài tập ở nhà dần trở thành một thói quen, chúng ta sẽ trở thành một con người lười biếng, ì trệ, luôn phụ thuộc vào người khác. Không chỉ trong học tập mà trong bất kì công việc nào của cuộc sống, thói quen trì hoãn sẽ khiến ta không bao giờ hoàn thành được điều mình mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Câu nói ấy đến nay vẫn còn nguyên những giá trị. Học tập và tiếp nhận lí thuyết ở trên lớp thôi chưa đủ, quan trọng chúng ta cần phải biết vận dụng những kiến thức được học vào thực hành làm bài tập và áp dụng trong cuộc sống. Tự mình hoàn thành bài tập ở nhà chính là một cách giúp chúng ta rèn luyện thực hành. Nhờ đó, kiến thức tiếp thu được ở trên lớp sẽ được hiểu sâu và kĩ hơn. Ngược lại, nếu không làm bài tập ở nhà, kiến thức chúng ta tiếp thu sẽ nhanh chóng bị lãng quên, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Việc hằng ngày đến lớp mượn vở bạn bè để chép đôi khi còn gây phiền hà với bạn bè xung quanh, đánh mất niềm tin ở bạn bè. Hơn nữa, nếu tất cả các học sinh đều không cố gắng ôn luyện làm bài tập, giáo viên sẽ không thể có những bài học hiệu quả. Việc thiếu ý thức làm bài tập ở nhà của học sinh không chỉ khiến bố mẹ buồn phiền mà thầy cô, nhà trường cũng vô cùng lo lắng.  

Không làm bài tập ở nhà đang dần trở thành một thói quen xấu có ở mọi học sinh. Vậy chúng ta cần làm gì để loại bỏ thói quen ấy? Chúng ta biết rằng để từ bỏ một thói quen không phải là công việc dễ dàng. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện từ những điều nhỏ nhất. Trước hết, bạn hãy thiết kế cho mình một thời gian biểu hợp lý. Đối với bài tập về nhà, bạn đừng để khi hôm sau có tiết thì hôm nay mới làm, hãy hoàn thành nó vào ngay buổi tối mà các bạn học môn đó. Bởi đó là lúc kiến thức của bạn đang được lưu trữ tốt nhất và việc làm bài tập sẽ khiến bạn nhớ bài lâu hơn, học tập hiệu quả hơn. Như vậy, khi đến tiết học sau, bạn có thể chủ động và tự tin đến lớp khi tất cả các bài tập đã được hoàn thành. Bạn hãy tự tạo cho mình một không gian học tập hiệu quả bằng cách tách biệt với các thiết bị di động, những thứ có thể làm mình bị sao nhãng, ảnh hưởng. Trong một buổi tối, bạn có thể dành ra 1-2 tiếng để tự học và đặt thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 10-15 phút. Với những bài tập khó, bạn có thể nhắn tin nhờ thầy cô hướng dẫn hoặc trao đổi với bạn bè. Một cách học hiệu quả đó chính là chúng ta học nhóm cùng với bạn bè của mình. Như vậy bạn vừa có thể tiếp thu kiến thức từ bạn bè, vừa có thể tự rèn luyện bản thân, nhận ra được những nhược điểm của mình và tìm cách khắc phục. Thay vì để bố mẹ, thầy cô nhắc nhở làm bài tập, chúng ta nên chủ động và tự giác hoàn thành công việc của mình. Bởi học tập là nghĩa vụ của học sinh, chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, đừng nghĩ việc hoàn thành bài tập ở nhà như một trách nhiệm nặng nề, hãy nghĩ đó là quá trình bạn đang hoàn thiện mình. Kiến thức khi chúng ta tự học và chủ động tiếp nhận là những kiến thức được chúng ta lưu giữ lâu và hiệu quả nhất. 

Có thể các bạn sẽ cho rằng thời gian học ở trên lớp là quá nhiều vậy còn học ở nhà làm gì? Hoặc các bạn sẽ cảm thấy việc học và làm bài tập liên tục như vậy sẽ giống như một con “mọt sách”. Cũng có những bạn cho rằng giáo viên giao quá nhiều bài tập khiến chúng ta cảm thấy áp lực và sợ hãi việc học. Những điều các bạn thắc mắc đều hợp lý với tâm lý của phần lớn học sinh hiện nay. Vậy bạn thử nghĩ mà xem, nếu một ngày giáo viên không giao cho các bạn những bài tập ôn luyện, nếu một ngày bạn đã lãng quên hoàn toàn việc tự học ở nhà và nếu một ngày, kiến thức của tất cả học sinh đều chỉ phụ thuộc vào những giờ phút học ít ỏi trên lớp, điều gì sẽ xảy ra? Kiến thức đến với con người nếu không được ôn tập và rèn luyện sẽ nhanh chóng tan biến. Như vậy, làm sao những học sinh có thể nắm vững tri thức để cống hiến cho cộng đồng? Làm sao nền giáo dục có thể phát triển? Làm sao con người và xã hội mới có thể trở nên văn minh? Việc không làm bài tập ở nhà có thể thấy chỉ là một thói quen rất nhỏ nhưng nếu không tìm cách từ bỏ, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách con người cũng như trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng hệ thống giáo dục cần đổi mới phương pháp giao bài tập để học sinh cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Thay vì giao bài tập về nhà, giáo viên có thể giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức cho buổi học sau. Như vậy, học sinh sẽ có được tâm thế chủ động hơn khi đến lớp. Thay vì giao những bài tập viết, giáo viên có thể giao học sinh những bài tập thực hành, làm việc theo nhóm để học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Như vậy, dù học tập theo hình thức nào, ý thức tự giác, chủ động của học sinh vẫn luôn là yếu tố vô cùng quan trọng. 

Nếu có thể từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà, chắc chắn bạn sẽ đạt được kết quả học tập mong muốn và theo đuổi được ước mơ của mình.  Hãy rèn luyện cho bản thân sự tự giác, chủ động không chỉ trong học tập mà còn trong mọi mặt đời sống. 

5. Chỉnh sửa, hoàn thiện
- Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để đảm bảo không bỏ sót ý.
- Thay thế những từ ngữ có thể tạo nên giọng điệu thuyết phục không thích hợp, chẳng hạn những từ ngữ toát lên sắc thái mệnh lệnh, quyết đoán: không được, cần phải,...Bỏ những ý, những câu dễ tạo ra phản ứng ngược từ phía người được thuyết phục.
- Bổ sung những ý, những câu thể hiện sự cảm thông, chia sẻ cần thiết với đối tượng được thuyết phục nếu thấy còn thiếu.
- Chỉnh lại những điểm thiếu nhất quán và chưa phù hợp với bối cảnh thuyết phục trong việc sử dụng các đại từ xưng hô.
- Đảm bảo không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu và tổ chức câu văn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây