Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Không có gì tự đến đâu con
Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.
Mùa bội thu phải một nắng hai sương.
Không có gì tự đến, dẫu bình thường
Phải bằng cả bàn tay và nghị lực
Như con chim suốt ngày chọn hạt
Năm tháng bao dung nhưng khắc nghiệt lạ kỳ.
Dẫu bây giờ bố mẹ - đôi khi
Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi
Có roi vọt khi con hư và dối
Thương yêu con đâu đồng nghĩa với chiều.
Đường con đi dài rộng rất nhiều
Năm tháng nụ xanh giữ cây vươn thẳng
Trời xanh đấy nhưng chẳng bao giờ lặng
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình.
(Trích Không có gì tự đến đâu con- Nguyễn Đăng Tấn,
Lời ru vầng trăng, NXB Lao động, 2000, tr 42)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên?
Câu 2. Theo văn bản, để quả ngọt, hoa thơm, mùa bội thu thì phải trải qua quá trình như thế nào?
Câu 3.
Anh/chị hiểu thế nào về nội dung của các dòng thơ sau:
Trời xanh đấy nhưng chẳng bao giờ lặng
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình.
Câu 4. Từ lời khuyên đối với con trong văn bản trên, anh/ chị nhận thức được điều gì?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa sự nỗ lực của bản thân trong cuộc sống?
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong đoạn trích Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng,
Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12 tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.118)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về chất trữ tình - chính luận trong đoạn thơ.
ĐÁP ÁN
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1. Thể thơ: thơ tự do
Câu 2. Theo tác giả, để quả ngọt phải tháng ngày tích nhựa, hoa thơm khi trải qua nắng lửa, mùa bội thu thì phải phải một nắng hai sương.
Câu 3. Nội dung của hai câu thơ:
- Từ hiện tượng tự nhiên: Trời xanh nhưng vẫn có gió, có nắng, vẫn có lúc bão giông, tác giả muốn nhắn gửi cuộc sống không phải lúc nào cũng phẳng lặng, êm đềm mà tiềm ẩn nhiều khó khăn, trở ngại, rủi ro, thách thức.
- Phải tự mình vượt qua, tự mình đứng dậy, tự vươn lên bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Mỗi người tự quyết định cuộc đời của mình.
Câu 4. Trình bày được nhận thức của bản thân:
- Không có gì tự đến. Muốn có quả ngọt, thành công phải tự mình nỗ lực kiên trì, bền bỉ thực hiện mục tiêu, lí tưởng của mình.
- Thành công là kết quả của một quá trình tích lũy, vun đắp bằng công sức và tâm trí, bằng bàn tay và nghị lực.
Phần II. Làm văn
Câu 1. Viết đoạn văn về ý nghĩa sự nỗ lực của bản thân trong cuộc sống
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Ý nghĩa sự nỗ lực của bản thân trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự tự nỗ lực trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
- Nỗ lực giúp ta chủ động và tự giác trong mọi mục tiêu, phát huy được những năng lực của bản thân, bản lĩnh đối mặt với thử thách, có sức mạnh vượt qua khó khăn để đi tới thành công; thúc đẩy con người suy nghĩ và hành động tích cực để hoàn thiện bản thân; đóng góp thành quả tốt đẹp cho cộng đồng xã hội.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. Phân tích đoạn trích trong “Đất nước” (Nguyễn Khoa Điềm), từ đó nhận xét về chất trữ tình chính luận được thể hiện trong đoạn trích.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
- Phân tích đoạn trích
- Nhận xét về chất trữ tình chính luận trong đoạn trích.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm.
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích
* Phân tích đoạn trích:
Nội dung: Sự phát hiện độc đáo, mới mẻ của tác giả về nguồn gốc, sự hình thành của đất nước:
- Đất Nước tồn tại từ rất lâu như một lẽ tự nhiên gắn kết các thế hệ;
- Đất Nước rất gần gũi, thân thương tồn tại ngay ở những điều bình dị nhất (trong đời sống vật chất/tinh thần …). Đất Nước phát triển gắn liền với các giá trị truyền thống: truyền thống yêu thương tình nghĩa - sự tích trầu cau, truyền thống đấu tranh bất khuất: “biết trồng tre mà đánh giặc”; qua phong tục tập quán “Tóc mẹ thì bới sau đầu”; qua lối sống tình nghĩa “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”; qua những sự vất vả nhọc nhằn “hạt gạo phải một nắng hai sương …”; qua cái đời thường, giản dị: “cái kèo, cái cột, hạt gạo”.
- Từ các biểu hiện trên, tác giả quy nạp trong câu thơ cuối mang ý nghĩa khẳng định: Đất Nước đã hình thành, đã phát triển và sẽ mãi tồn tại bền bỉ trong chiều dài của thời gian, chiều sâu của văn hóa, phong tục tập quán.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ tự do à cảm xúc bộc lộ tự nhiên, mãnh liệt;
+ Giọng thơ trữ tình - chính luận: vừa tha thiết ngọt ngào vừa suy tư, sâu lắng.
+ Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi như lời tâm sự
+ Khai thác hiệu quả chất liệu văn hóa dân gian (lời dẫn mở đầu của câu truyện cổ tích, các thành ngữ, các câu chuyện cổ…)
+ Cách sử dụng các cấu trúc câu: “Đất Nước lớn lên, Đất Nước có từ, Đất Nước bắt đầu…” khẳng định quá trình hình thành, phát triển của Đất Nước.
+ Viết hoa từ Đất Nước để thể hiện sự trân trọng, tự hào.
=> Cảm nhận về hình tượng Đất Nước không kì vĩ, xa xôi, trừu tượng mà gần gũi, gắn liền với đời sống tâm hồn của nhân dân à Cách tiếp cận đất nước ở tầm gần, trong những giá trị của đời thường nên đã phát hiện ra một gương mặt mới của Đất nước: giản dị, thân quen; làm sáng tỏ tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”
* Nhận xét về chất trữ tình, chính luận trong đoạn trích:
- Đoạn trích là sự kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố chính luận và trữ tình, giữa lí trí và tình cảm, mang đậm chất suy tưởng, triết lí.
+ Chất trữ tình: giọng điệu thiết tha, ngôn ngữ tâm tình, gần gũi; hình ảnh thơ bình dị, gợi hình gợi cảm…. à nói về vấn đề lý luận nhưng không khô khan, tác động mạnh mẽ vào cảm xúc.
+ Chất chính luận: là một lập luận chặt chẽ nhằm thuyết phục người đọc nhận thức về sự tồn tại tất yếu của Đất Nước, về những giá trị trường tồn của dân tộc, về sự gắn bó máu thịt của mỗi cá nhân với Đất Nước.
- Nhìn nhận vẻ đẹp Đất Nước từ sự kết hợp hai yếu tố chính luận và trữ tình, nhà thơ đã đem đến cho người đọc một góc nhìn mới mẻ về chủ đề Đất Nước, khiến đoạn thơ có sức lay động, truyền cảm; gợi dậy trong tâm thức người đọc cả một bề dày và chiều sâu văn hóa nghìn đời của dân tộc với những nét rất đặc thù, rất đáng tự hào. Đồng thời, điều này cũng làm cho nội dung đoạn thơ thêm sâu sắc, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm với dân tộc.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt
e. Sáng tạo
Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của thơ Nguyễn Khoa Điềm, của đoạn trích ...; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.