© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải Ngữ văn 6 sách Chân trời sáng tạo, bài 1: Thánh Gióng

Chủ nhật - 04/02/2024 09:50
Giải Ngữ văn 6 sách Chân trời sáng tạo, bài 1: Thánh Gióng - Trang 20, 21,22.

* Chuẩn bị đọc

Em nghĩ như thế nào về việc một cậu bé ba tuổi bỗng nhiên trở thành dũng sĩ?
Trả lời:
Việc một cậu bé ba tuổi bỗng trở thành dũng sĩ là một việc rất thần kì, đến hoang đường và khó tin. Tuy nhiên điều này chứng tỏ rằng cậu bé đó chắc chắn thuộc dòng dõi thần linh, có sức mạnh và tài năng hơn người, xuất hiện để gánh vác một sứ mệnh cao cả. 
 

* Trải nghiệm cùng văn bản

Dự đoán trang 21. Sự ra đời và những biểu hiện khác thường của cậu bé dự báo sự việc sắp xảy ra như thế nào?
Trả lời:
Sự ra đời và những biểu hiện khác thường của cậu bé dự báo sắp có một việc lớn, một sự kiện nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả dân tộc sắp xảy ra. Và sự việc đó cần có một con người có tài năng, sức mạnh kì lạ, phi thường như cậu đứng ra gánh vác. 

Suy luận trang 21. Từ “chú bé” được thay bằng từ “tráng sĩ” khi kể về Thánh Gióng. Sự thay đổi này trong lời kể có ý nghĩa gì?
Trả lời:
Sự thay đổi trong lời kể đã khẳng định sự thay đổi của Thánh Gióng: khi từ xưng hô được thay đổi, nghĩa là cậu cũng chính thức chuyển biến từ một chú bé thành một người trưởng thành, với sức mạnh, tài năng phi phàm, với khả năng chiến đấu hơn người.
Giờ đây, cậu đã có thể đứng lên, gánh lên niềm tin tưởng của cả dân tộc, lao về phía trước, chiến đấu với quân thù. Như vậy, sự thay đổi về danh xưng, đã giúp xác định được vai trò, vị trí của nhân vật trong từng giai đoạn của câu chuyện.

Suy luận trang 22. Việc kể về những dấu tích đánh giặc của Thánh Gióng trong đoạn kết có ý nghĩa gì?
Trả lời:
- Việc kể về những dấu tích đánh giặc của Thánh Gióng có ý nghĩa:
Giải thích những sự vật, hiện tượng (bụi tre ngà, ao hồ liên tiếp…), các sự kiện lịch sử của dân tộc theo một chiều hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận với người dân
Thể hiện sự tự hào, trân trọng và biết ơn của người dân đối với người anh hùng dân tộc đã chiến đấu hết mình vì độc lập dân tộc, với những sự kiện lịch sử hào hùng đã trải qua.
 

* Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1 trang 22. Liệt kê một số chi tiết kì ảo gắn liền với các sự việc sinh ra và lớn lên, ra trận và chiến thắng, bay về trời của nhân vật Gióng.
Trả lời:
Các chi tiết kì ảo gắn liền với nhân vật Thánh Gióng là:
- Sự việc sinh ra và lớn lên:
Được sinh ra một cách kì lạ: Bà mẹ ướm chân - thụ thai, 12 tháng mới sinh; cậu bé lên ba không nói, cười, đi, đặt đâu nằm đấy.
Khi sứ giả đi tìm người tài giỏi cứu nước, thì Gióng bỗng cất tiếng nói mời sứ giả vào - đó là tiếng nói đầu tiên của cậu
Cậu bé mới 3 tuổi yêu cầu sứ giả nói với nhà vua nhu cầu về việc rèn áo giáp sắt, ngựa sắt và roi sắt và khẳng định sẽ phá tan lũ giặc.
Sau khi sứ giả rời đi, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không biết no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ
- Ra trận và chiến thắng:
Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong, lẫm liệt
Vỗ tay vào mông ngựa, ngựa hí dài mấy tiếng vang dội
Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác.
Roi sắt gãy, tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.
- Bay về trời: Gióng một mình một ngựa, lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay về trời

Câu 2 trang 22. Nhân vật Gióng đã nói gì với mẹ và sứ giả khi biết tin nhà vua đang tìm người tài đánh giặc cứu nước? Theo em, vì sao khi nghe Gióng nói, sứ giả “vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ”?
Trả lời:
- Khi biết tin nhà vua đang tìm người tài đánh giặc cứu nước, Gióng đã:
Nói với mẹ: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây"
Nói với sứ giả: "Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này"
- Khi nghe Gióng nói, sứ giả:
Kinh ngạc vì: một đứa trẻ ba tuổi lại có thể nói ra những lời đanh thép xin đi đánh giặc, và yêu cầu những món đồ vô cùng to lớn, nặng nề
Mừng rỡ vì: tình thế đất nước đang rất nguy nan, vừa lúc tìm được một người tài có năng lực kì lạ như Gióng thì quả là kịp thời

Câu 3 trang 22. Văn bản trên đã sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ nhân vật Gióng. Em hãy liệt kể các từ ngữ đó thành hai nhóm theo hai thời điểm: trước và sau khi Gióng “vươn vai” thành tráng sĩ để ra trận đánh giặc.
Trả lời:
- Các từ để chỉ nhân vật Gióng:
Trước khi Gióng vươn vai thành tráng sĩ để ra trận: cậu bé, đứa trẻ, đứa bé, chú bé
Sau khi Gióng vươn vai thành tráng sĩ để ra trận: tráng sĩ, Phù Đổng Thiên Vương

Câu 4 trang 22. Từ kết quả liệt kê ở câu 3, hãy cho biết từ ngữ nào được lặp lại nhiều lần nhất và việc lặp lại ấy có tác dụng như thế nào?
Trả lời:
- Từ "tráng sĩ" được lặp lại nhiều lần nhất (7 lần)
- Tác dụng của việc lặp lại nhiều lần từ "tráng sĩ":
Khẳng định sự phi thường, vĩ đại và tầm quan trọng của nhân vật Gióng - người anh hùng, dũng sĩ dùng sức mạnh của mình để tiêu diệt kẻ thù, đem lại bình yên cho nhân dân
Thể hiện sự kính trọng, yêu mến, ngưỡng mộ, tự hào của nhân dân dành cho anh hùng Gióng
Thể hiện quan niệm của nhân dân về những người anh hùng giúp dân trừ bạo, diệt địch bằng sức mạnh phi thường - được ưu ái gọi là "tráng sĩ"

Câu 5 trang 22. Nhân vật truyền thuyết thường xuất hiện nhằm thực hiện một nhiệm vụ lớn lao. Nhiệm vụ của Gióng là gì và quan trọng như thế nào?
Trả lời:
Nhiệm vụ của Gióng là đánh đuổi quân xâm lược.
Nhiệm vụ đó quan trọng và lớn lao: vì nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, nếu không có người anh hùng như Gióng ra tay diệt định, có thể cả cộng đồng, dân tộc phải chịu cảnh lầm than, mất nước

Câu 6 trang 22. Theo một số bạn, truyện Thánh Gióng lẽ ra nên kết thúc ở câu “Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người và ngựa từ từ bay lên trời”. Các bạn ấy cho rằng: phần văn bản sau câu văn này là không cần thiết, vì không còn gì hấp dẫn nữa. Em có đồng ý như vậy không? Vì sao?
Trả lời:
- Em không đồng ý với ý kiến của bạn.
- Bởi vì phần sau văn bản đã giúp:
Chứng minh sự hiện diện của Thánh Gióng trong lịch sử là có thật, qua những di tích mà Gióng để lại cho nhân dân (tên làng, xã, ao hồ...) giúp tăng tính "thật" của câu chuyện
Thể hiện tình yêu mến, kính trọng, tự hào của người dân dành cho người anh hùng Gióng (lập đền thờ, tổ chức lễ hội)

Câu 7 trang 22. Sau khi đọc truyện Thánh Gióng, em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta?
Trả lời:
Sau khi đọc Thánh Gióng, em cảm thấy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm là một truyền thống tốt đẹp và có từ lâu đời của dân tộc ta. Khi đất nước lâm nguy thì dù là già trẻ, gái trai, ai ai cũng ra sức giúp nước. Điều đó thể hiện qua hình ảnh cả làng góp gạo, góp áo nuôi lớn Gióng để cậu ra trận đánh giặc. Và hình ảnh cậu bé 3 tuổi đã lên tiếng xin đi đánh giặc cứu nước. Truyền thống quý báu ấy đến ngày nay vẫn được giữ gìn và phát huy. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây