© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”

Thứ ba - 12/03/2024 11:38
Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”
Truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường” là một truyện châm biếm, phê bán sâu sắc. Từ hình ảnh người đẽo cày mà ta có thể suy rộng ra mọi người trong xã hội, nếu ai cũng nghĩ và làm như anh chàng đẽo cày này thì chẳng bao giờ thành công được cả.
Đầu tiên, người thợ mộc cũng là một người có chí làm ăn. Bởi lẽ, anh đã dốc hết vốn liếng để mua gỗ về làm “nghề đẽo cày” sinh sống - Một nghề chân chính làm ra đồng tiền bằng chính mồ hôi, sức lực của mình. Lại biết chọn vị trí buôn bán đông đúc, sầm uất: “ngay vệ đường lắm người qua kẻ lại”. Có thể nói đặc điểm này ở nhân vật người thợ mộc là khá có tầm nhìn và lương thiện.

Tuy nghiên, khi có một ông cụ góp ý: “Phải đẽo cày cho cao, cho to thì mới dễ cày”. Anh ta chưa suy nghĩ chín chắn đã vội cho ngay là phải. Đẽo ra một đống cày loại vừa to, vừa cao. Tiếp đến, hôm khác có bác nông dân bảo: “Đẽo thế này thì cày sao được! Phải đẽo nhỏ hơn, thấp hơn mới dễ cày”. Anh nghe cũng có lý, nên chẳng tìm hiểu kỹ càng mà bắt tay ngay vào việc đẽo ra một đống cày khác vừa thấp, vừa nhỏ. Lại thêm, chợt có người đến nói: Ở miền núi người ta cày bằng voi, nên phải đẽo cày to gấp đôi, gấp ba thì tha hồ mà lãi. Thế là, anh ta đem bao nhiêu gỗ còn lại đẽo tất cả loại cày để cho voi cày. Cuối cùng, cả đống gỗ đi đời nhà ma, không có cái nào bán được, tiền mất tật mang.

Có thể nói rằng anh thợ mộc là một người ba phải. Nghe ai nói anh cũng cho là đúng mà chẳng chịu suy luận lại, đánh giá lại lời nói, lời góp ý đánh giá của mọi người có đúng không, có chính xác không? Thêm nữa, qua ba lần đẽo ba loại cày cho ta thấy anh thợ mộc là một người thật thà, lương thiện, dễ tin người ai nói cũng nghe, không có chính kiến, không có lập trường vững vàn. Cuối cùng, bao nhiêu đức tính tốt, suy nghĩ làm ăn lương thiện lại không đạt được thành công.

Truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường” xây dựng nên nhân vật người thợ mộc để nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống phải tự trau dồi kiến thức, phải tự bản thân học hỏi đúc rút ra những gì đúng đắn. Phải biết đánh giá những ý kiến của người khác, phân biệt rõ đúng – sai, để không phải đi vào vết xe đổ của người thợ mộc kia. Thêm nữa, khi làm một việc gì đó không nên “đem ra giữa đường” cho thiên hạ bàn tán bởi lẽ, người thiên hạ hiểu biết góp ý thì ít mà kẻ dòm ngó soi mói thì nhiều, nó làm cho ta mất phương hướng, mất tập trung vào việc đang làm.

Ngày nay “Đẽo cày giữa đường” đã trở thành một thành ngữ quen thuộc, nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ khởi nghiệp giữa đường, đừng vội tin lời góp ý mà hãy sáng suốt nhận định đúng sai, có như thế bạn mới thành công trong cuộc sống.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây