© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề cương ôn tập kiểm tra cuối học kì 1, môn Ngữ Văn 7 KNTT

Thứ ba - 19/12/2023 09:20
Đề cương ôn tập kiểm tra cuối học kì 1, môn Ngữ Văn 7 KNTT
Đề cương ôn tập kiểm tra cuối học kì 1, môn Ngữ Văn 7 sách kết nối tri thức. Đề cương gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận, ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa. Chúc các em thi tốt.
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ I - MÔN NGỮ VĂN 7 KNTT

I. HÌNH THỨC KIỂM TRA:
1. Hình thức: Trắc nghiệm kết hợp tự luận
2. Thời gian: 90 phút
3. Cách thức tổ chức kiểm tra: Tổ chức kiểm tra chung

II. KHUNG MA TRẬN:
Phần I: Đọc hiểu (6 điểm). (Trả lời 7 câu hỏi trắc nghiệm, 3 câu hỏi tự luận )
- Truyện, tản văn, tùy bút (Ngữ liệu ngoài SGK)
Nhận biết:
- Phương thức biểu đạt, người kế chuyện, ngôi kể.
- Chi tiết tiêu biểu, nhân vật...
- Tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản.
- Từ láy; số từ, phó từ; thành phần trạng ngữ và thành phần chính của câu được mở rộng bằng cụm từ...
- Các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, điệp ngữ, nói quá.
Thông hiểu:
- Hiểu được tác dụng của ngôi kế, người kể.
- Hiểu được ý nghĩa của chi tiết, hình ảnh.
- Hiểu tác dụng của biện pháp tu từ, từ láy...
- Hiểu được đặc điểm của nhân vật.
- Hiểu nội dung, bài học, thông điệp từ văn bản.
Vận dụng:
- Nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn nhận cuộc sống/ con người của tác giả qua tác phẩm/ đoạn trích truyện.
- Nêu được ấn tượng về chi tiết/ sự việc/ nhân vật trong văn bản, những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của bản thân sau khi đọc văn bản.

Phần II: Viết. (4 điểm)
Viết bài văn biểu cảm về con người.
Nhận biết: Nhận biết được yêu cầu của một bài văn biểu cảm về con người.
Thông hiểu: Viết đúng về nội dung, về hình thức (từ ngữ, diễn đạt, bố cục văn bản)
Vận dụng: Viết được một bài văn biểu cảm: biết cách dẫn dắt giới thiệu đối tượng biểu cảm; biết cách nêu các đặc điểm chủ yếu của đối tượng biểu cảm và có kết hợp bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân một cách hợp lí. 
Vận dụng cao: Có sự sáng tạo trong việc lựa chọn đặc điếm biểu cảm và cách biểu hiện xúc của người viết; thể hiện được thái độ, tình cảm của người viết với người đó; nêu ảnh hưởng, sức tác động của con người đó đối với bản thân. Có sáng tạo trong cách diễn đạt.
--------------------------------------
NGỮ LIỆU ÔN TẬP
Đề 1
Tháng tư lại về với nắng mới vàng tươi rực rỡ. Khắp phố phường, sắc xanh non mỡ màng của lá bàng, lá sấu, bằng lăng làm bừng sáng cả không gian. Chầm chậm đạp xe trên phố, chợt thoảng thơm trong gió một làn hương ngọt ngào, khiến lòng nôn nao khó tả. Ghé vào gánh hàng hoa của bà lão ngồi dưới tán bàng đầu con phố nhỏ, tôi nhận ra ngay những bông móng rồng đầu mùa vàng rộm nổi bật trên nền xanh mướt của lá chuối tươi. Bà lão mỉm cười hồn hậu nhìn tôi ôm cả gói hoa lên hít hà và nhẹ nhàng đặt vào giỏ xe với biết bao nâng niu, trìu mến.
Mỗi mùa hoa là một lần bà nội tôi phải ngồi phân xử đúng sai cho bọn trẻ, bởi đứa thì bảo hoa móng rồng thơm mùi chuối tiêu trứng cuốc, đứa lại bảo thơm mùi mít chín. Tôi thì đứng ngay dưới gốc cây, nhắm tịt cả hai mắt lại hít lấy hít để rồi bảo giống mùi vani của thứ bánh kẹo trên phố tôi đã từng ăn. Cuộc tranh cãi chỉ đến hồi kết thúc khi bà sai chúng tôi vin những cành cây mềm mại rủ xuống, nhẹ nhàng hái hoa cho vào rổ.
[] Bao năm rồi, bà tôi giờ không còn nữa. Hoa móng rồng vẫn nở thơm vườn nhà mỗi độ giao mùa. Chúng tôi ngày càng xa quê nhưng màu hoa ấy, làn hương ấy luôn là một phần thẳm sâu trong nỗi nhớ quê hương. Để mỗi tháng tư về, tôi lại tìm đến gánh hàng của bà lão vừa từ làng hoa bên kia sông qua chuyến đò sớm sang phố, mang chút hồn quê thảo thơm đến với mọi người.
(Lam Hồng, Hoa móng rồng, http://www.baonamdinh.vn/ ngày 15/4/15)

Câu 1. (0,5 điểm) Văn bản trên đã viết theo thể loại gì?
A. du ký               B. tuỳ bút             C. hồi kí               D. truyện ngắn

Câu 2. (0,5 điểm) Nhân vật tôi đã cảm nhận như thế nào về mùi hương của hoa móng rồng ?
A.  mùi chuối tiêu trứng cuốc
B.  mùi mít chín
C.  mùi vani của thứ bánh kẹo trên phố
D.  mùi hương ngọt ngào

Câu 3. (0,5 điểm) Điều gì khiến người viết thấy lòng nôn nao khó tả ?
A. vì nắng mới vàng tươi rực rỡ
B. vì sắc xanh non của lá bàng, lá sấu, bằng lăng
C. vì làn hương ngọt ngào thoảng thơm trong gió
D. vì thương nhớ về bà của mình

Câu 4. (0,5 điểm) Giải thích nghĩa của từ hồn hậu trong câu :  Bà lão mỉm cười hồn hậu nhìn tôi ôm cả gói hoa lên hít hà và nhẹ nhàng đặt vào giỏ xe với biết bao nâng niu, trìu mến.
A. hiền lành, tốt bụng
B. thuần hậu, ôn hoà
C. thật thà, tốt bụng
D. nhân hậu, hiền từ

Câu 5. (0,5 điểm) Trong câu văn: Hoa móng rồng vẫn nở thơm vườn nhà mỗi độ giao mùa. có những phó từ nào?
A. vẫn, mỗi           B. vẫn, nở             C. mỗi, mùa          D. vẫn, thơm

Câu 6. (0,5 điểm) Nội dung đoạn trích được tổ chức theo trình tự nào sau đây?
A. từ quá khứ đến hiện tại                   B. từ hiện tại ngược về quá khứ
C. theo mạch cảm xúc                         D. tự lập luận theo mạch suy luận

Câu 7. (0,5 điểm) Chỉ ra thành phần được mở rộng trong câu: Bao năm rồi, bà tôi giờ không còn nữa.
A. Trạng ngữ, vị ngữ
B. Chủ ngữ, vị ngữ
C. Trạng ngữ, chủ ngữ
D. Cả ba đáp án trên đều sai

Câu 8. (0,5 điểm) Ý nào thể hiện đúng nhất chủ đề của ngữ liệu trên ?
A. tình yêu đất nước                             B. tình yêu cuộc sống
C. tình yêu thiên nhiên                         D. tình yêu gia đình

Đề 2:
QUÀ CỦA BÀ
Bà tôi bận lắm, cặm cụi công việc suốt ngày. Nhưng chả lần nào đi chợ mà bà không tạt vào thăm hai anh em tôi, cho chúng tôi khi thì tấm bánh đa, quả thị, khi thì củ sắn luộc hoặc mớ táo. Ăn quà của bà rất thích, nhưng ngồi vào lòng bà nghe bà kể chuyện còn thích hơn nhiều.
Gần đây, bà tôi không được khỏe như xưa nữa. Đã hai năm nay, bà bị đau chân. Bà không đi chợ được, cũng không đến chơi với các cháu được. Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi: khi thì mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra. Chiều qua, đi học về, tôi chạy đến thăm bà. Bà ngồi dây, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!
Bà ơi bà! Ô mai sấu bà cho, cháu sẽ chia cho bố cháu, mẹ cháu và anh cháu... Cháu biết rồi, bà ơi... Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái. Rồi bà rửa, bà ngâm muối, bà phơi. Bà gói thành từng gói nhỏ, bà đợi các cháu đến bà cho...
(Theo Vũ Tú Nam)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản
Câu 2 (0,5 điểm). Tìm một cụm chủ - vị có vai trò mở rộng câu trong câu: "Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái".
Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong câu văn sau: “Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!”
Câu 4 (1,0 điểm). Theo em, tác giả muốn gửi gắm điều gì qua văn bản trên?

Đề 3:
Một đồng nghiệp nữ có giọng nói lớn, trước kia ở nhà thường tức giận, động tí là lớn tiếng trách mắng người nhà. Một ngày nọ, chồng của đồng nghiệp trở về nhà, lo lắng nói với cô rằng, hôm qua anh bỏ quần áo bẩn vào máy giặt mà quên giặt. Cô không nói năng gì, lắc đầu biểu thị không vấn đề.
Đến tối, con trai đi học về, thấy mẹ đang nấu ăn, thì cẩn thận dè dặt bước đến nói rằng, cậu làm bài thi không tốt, xin mẹ đừng mắng cậu, lần sau cậu nhất định sẽ làm bài tốt. Cô xoa đầu con, cười và xua xua tay, biểu thị không sao.
Đến lúc ăn cơm tối, không khí trên bàn ăn khác với mọi ngày, vô cùng ấm áp. Con trai vui vẻ nói: “Mẹ à, hôm nay mẹ thật đẹp”. Cô hỏi tại sao, Cậu con trai nói: “Bởi vì hôm nay cả ngày mẹ không tức giận, lúc nào cũng cười”.
Lúc đó, cô rất cảm động, cô cảm nhận được sự ấm áp của gia đình. Buổi sáng, vì cô đau họng nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ nói với cô rằng, bởi vì bình thường cô thường xuyên nổi nóng, nói lớn, khiến bệnh viêm họng càng sưng đau hơn. Bác sĩ căn dặn cô rằng, sau này cần nói nhỏ nhẹ dịu dàng.
Chúng ta ra ngoài, đối nhân xử thế thường biểu hiện rất ôn hòa và có lễ độ. Nhưng hễ về nhà, đối diện với cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái, lại thường biểu hiện chán nản, nóng nảy, khắc bạc và lãnh đạm. Chớ quên rằng có gia đình thì mới có bạn. Người nhà càn cần chúng ta đối xử dịu dàng. Do đó, chớ mang tâm trạng xấu cho người.
(Gia phong tốt cần dịu dàng - Quà tặng tâm hồn)

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại gì?
A. Truyện cổ tích
B. Truyện ngắn
C. Truyện ngụ ngơn
D. Truyện cười

Câu 2: Xác định kiểu câu sau: “Cô xoa đầu con, cười và xua xua tay, biểu thị không sao.”
A. Câu ghép
B. Câu đơn
C. Câu có nhiều vị ngữ
D. Câu có nhiều chủ ngữ

Câu 3: Xác định ngơi kể của văn bản?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Ngôi thứ tư

Câu 4: Nhân vật người mẹ trong câu chuyện trên có hành động gì khi cậu con trai làm bài thi chưa tốt?
A. Cô xoa đầu con, cười và xua xua tay, biểu thị không sao.
B. Nóng giận
C. Vui mừng
D. Bình thường.

Câu 5: Không khí trên bàn ăn ngày hôm đó như thế nào?
A. Ấm áp
B. Căng thẳng
C. Tĩnh lặng
D. Buồn tẻ.

Câu 6: Văn bản trên đề cao tình cảm gì?
A. Tình cảm anh em.
B. Tình cảm gia đình
C. Tình bạn bè
D. Tình thầy cô

Câu 7: Vì sao người mẹ cảm động?
A. Nhờ lời nói của bác sĩ
B. Nhờ lời nói của người con
C. Nhờ lời nói của người chồng
D. Cô hiểu ra giá trị của cuộc sống

Câu 8: Trong các câu sau, câu nào là câu chủ đề?
A. Chớ quên rằng có gia đình thì mới có bạn.
B. Người nhà càng cần chúng ta đối xử dịu dàng.
C. Do đó, chớ mang tâm trạng xấu cho người nhà.
D. Cô không nói năng gì, lắc đầu biểu thị không vấn đề.

Trả lời câu hỏi / Thực hiện yêu cầu:
Câu 9. Qua những hành động, thái độ, lời nói của nhân vật người mẹ trong câu chuyện, em hãy rút ra đặc điểm của nhân vật này?
Câu 10. Từ nội dung câu chuyện, em rút ra bài học gì cho bản thân về cách cư xử trong cuộc sống? (1,0 điểm)

Đề 4:
CÀNH MAI TẾT
Tối nay đi chợ mua hoa mai, đi cùng mấy bạn lãnh đạo công ty. Tụi tôi hổng ai lựa cây đẹp nhất hay rẻ nhứt, chẳng hẹn nhau nhưng tất cả đều chọn người bán - nhà quê nhứt, hiền lành nhứt, thật thà nhứt để mua. Và đây cũng là một trong những lý do để tôi và gia đình này thân thiết được với nhau lâu bền.
Hồi đó, chắc cỡ mười lăm mười sáu tuổi, cũng độ này, tôi đạp xe chở Ba đi chợ Tết. Dưới chân cầu Đúc, cha con dừng lại trước một nhánh mai gầy, (là tự lượng cái túi tiền của mình), tui nhảy xuống hỏi giá, chú đó nói ba chục.
“Hai chục được hôn chú?”
Ba kéo tay tui lại, “Thôi đừng, con” rồi móc ra ba chục.
Trên đường về, ngồi nâng niu nhánh mai sau lưng tôi, ba thỏ thẻ: “Con Biết sao hôn? Người ta trong đồng chặt ta bán để kiếm tiền đi chợ Tết đó con. Hổng ai muốn đem cái may mắn của mình đi bán đâu, nhưng họ nghèo lắm mới làm vậy đó. Mười ngàn mình ăn cũng hết mà”.
Bây giờ, mỗi lần về quê ăn Tết, mấy ngày hai chín ba mươi, tui hay lấy xe máy chở mấy đứa cháu ra trước đầu chợ tỉnh, tìm những người bán mai nhánh mà tấp vô. Mua xong, chở về cho hàng xóm hay ai đó, rồi quay ra mua tiếp. Mấy đứa cháu, cố nhiên, sẽ thắc mắc. Tui sẽ nói với chúng y trân những gì đã từng nghe từ ba mình vậy đó.
“Hèn gì, con thấy lúc cậu tấp xe vô, họ mừng quá trời luôn.”
Mong rằng khi mấy đứa nhỏ lớn lên, tự làm ra tiền đi sắm Tết, chúng sẽ không còn thấy những cảnh này. Sẽ không còn ai phải chặt những nhánh mai trước sân nhà mang ra chợ, đổi về một cái Tết. Sẽ không còn những cánh tay mỏi nhừ vì cầm chúng quá lâu. Sẽ không còn những ánh mắt khẩn cầu khi thấy một chiếc xe trờ tới. Khi đó, chúng sẽ vẫn dang tay với cuộc đời, nhưng theo một cách khác hơn.
(Hồng Hải, Thương được cứ thương đi, NXB Dân trí, 2017, tr. 191 - 193) 

Đề 5:
Bà tôi mất hai năm sau đó, lúc tôi đang học lớp tám. Đối với tôi, đó là một tổn thất lớn lao. Tôi khóc bà đến sưng cả mắt. Mấy tháng sau, nhớ bà, tôi vẫn còn khóc. Bà không chỉ là bà tôi, bà còn là bạn tôi. Hồi nhỏ, nếu không có bà, tôi chẳng biết chơi với ai. Trong các cháu của bà, bà thương tôi nhất. Cũng trong các cháu của bà, tôi thương bà nhất. Thế mà bây giờ bà ngủ, ngủ hoài, như chú Hoan. Bà sẽ không bao giờ dậy nữa bà bỏ tôi một mình. Những hôm về làng, tối nào tôi cùng ra đứng trước hiên nhìn xuống chợ Đo Đo, tôi thấy hình ảnh bà ẩn hiện trong những chùm đèn lấp lánh. Và tôi khóc, sầu nhớ và phiền muộn, nước mắt nhòe cả má. Khi đi ngủ, tôi nhìn thấy bà trong cơn mơ. Bà mỉm cười hiền lành và đầy yêu thương, và trong khi gãi lưng cho tôi ngủ, bà lại thủ thỉ kể những câu chuyện cũ xưa trong đó chàng Thạch Sanh ngồi lẻ loi nơi ven rừng hát bài tình ca cũ xưa để đánh thức nàng công chúa bị nhốt trong hang đại bàng. Trong giấc mơ đẹp đẽ và buồn rầu đó, tôi chính là chàng Thạch Sanh dũng cảm, còn nàng công chúa hoạn nạn không ai khác hơn là Hà Lan. Chúng tôi bước ra từ trong câu chuyện của bà. Còn bà bước ra từ trong trái tim khôn nguôi thổn thức của tôi. Cho đến bây giờ, dù bà mất đã lâu, bà luôn luôn ở trong trái tim tôi.
(Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc, NXB trẻ, 2015, tr. 64 - 65

Đề 6:
Hôm nay tôi dậy sớm hơn bình thường. Tôi chọn bộ quần áo thật đẹp. Tôi trang điểm thật xinh. Hôm nay là đợt hóa trị cuối cùng của tôi. Bốp vẫn phải đi học như bình thường nhưng nó nói, nhất định học xong nó sẽ vào viện ngay lập tức với tôi. Nó nói ngày quan trọng của tôi nó phải có mặt. Nó còn nói, đáng lẽ nó xin cô nghỉ học để vào viện chăm mẹ nhưng nó phải đến lớp để cùng các bạn gấp rút gấp xong 1000 con hạc. Cái mặt nó rất nghiêm túc làm tôi thấy thật hạnh phúc. Lần thứ tám là lần nghỉ dưỡng chính thức trọn vẹn nhất của tôi. Hết ăn, ngủ, ăn, rồi lại bật nhạc ầm ĩ. Kể cùng hơi buồn vì chỉ còn hai ngày nữa xa resort yêu quý của tôi và các em điều dưỡng đáng yêu. Chặng đường khó khăn nhất trong cuộc chiến này sắp qua. Tôi đã làm được, yeahhhh! Giờ tôi sẽ nghĩ đến việc ăn mừng thế nào và mục tiêu chinh phục Fanxipan sắp tới của mình.
Cuối cùng cũng đến ngày thứ ba của đợt hóa chất cuối cùng, ngày 3-12-2015. Hôm nay, tôi rất thong dong, đủng đỉnh ăn sáng, cà phê các kiểu mới vào viện. Tôi đã hứa với Bốp sẽ ở viện đến khi con tan học về. Tôi phải truyền thật chậm đợi Bốp. Nó không muốn bỏ lỡ ngày quan trọng này. Hôm nay nó nói nó sẽ phải làm cực kỳ nhanh thì mới gấp đủ 1000 con hạc. Vậy là tôi cứ ung dung nằm vừa chuyền vừa chơi trong resort. Việc ăn và ngủ quá nhiều trong mỗi lần truyền hóa chất làm tôi tăng cân đáng kể. Thật lạ, vì điều trị hóa chất xong nhìn tôi còn đỡ thê thảm hơn lúc mới biết tin mình bị ung thư. Tôi phải chỉnh những chai nước truyền thật chậm để đợi con. Bố tôi vẫn cứ giục như mọi khi, còn tôi hôm nay muốn nấn ná lâu một tí trước khi chia tay resort. Gần truyền xong chai cuối cùng cũng là lúc Bốp vào. Trời thì se se lạnh rồi mà người nó nhĩ nhại mồ hôi vì chạy từ dưới lên cho nhanh không sợ mẹ về mất. Tay nó ôm một bọc to đùng, che kín cả mặt nó. Đó là một túi nilon rất to, trong đó là 1000 con hạc lung linh màu sắc mà Bốp và các bạn ở lớp đã gấp cho tôi.
- Mẹ ơi, con đếm đi đếm lại rồi đấy. Chắc chắn đủ 1000 con hạc. Bây giờ con và mẹ cùng ước nhé!
Nói rồi nó chắp tay nhắm mắt thì thào: “Con ước cho mẹ con khỏi bệnh ung thư vĩnh viễn.” Tôi cũng thì thào trong xúc động: “Con ước cho con được sống đến khi con trai cưới vợ.”
Biết đâu câu chuyện 1000 con hạc là có thật, biết đâu tôi sẽ khỏi bệnh vĩnh viễn... 
Bốp còn vẽ một bức tranh tặng mẹ kèm theo dòng chữ: Last day of chemo. Mẹ đã vượt qua tất cả. ngày 3-12-2015. Tôi là người mẹ hạnh phúc nhất thế gian này. Cảm on trời đất đã mang Bốp đến cho tôi, đã cho tôi đứa con trai quá tuyệt vời. Tôi còn có thể xin điều gì hơn thế. Ước mơ được sống đến lúc con trai cưới vợ liệu có phải quá tham lam không vì ông trời đã cho tôi quá nhiều.
Có người nói giai đoạn hóa trị là khó khăn nhất nhưng tôi lại thấy thật đơn giản vì tôi luôn có gia đình và con trai ở bên. Cảm ơn bố mẹ đã đồng hành cùng con trong suốt chặng đường. Dù rằng con đã nói dối cả nhà ngày con truyền hóa chất để bố mẹ đừng vào, dù rằng đôi lúc con thấy tủi thân lắm vì cứ phải ở viện một mình nhưng con thật vui vì gia đình mình đã cùng nhau vượt qua cuộc chiến này rất nhẹ nhàng và vui vẻ. Cảm ơn tất cả anh chị em bạn bè đã không bao giờ coi tôi là người bệnh để tôi luôn phải tôi là người bình thường. Cảm ơn Hưng Việt yêu quý của tôi, các bác sĩ và các em điều dưỡng tuyệt vời làm cho tôi thích vào viện đến vậy. Resort đắt lắm, giờ tôi hết tiền rồi, ở nhà thôi, không vào nữa đâu!
(Bùi Thu Thủy, Bốp à! Mẹ bị ung thư, NXB Văn học, 2016, tr. 146 - 149)

Đề 7:
MẸ CHO CON MƯỢN ĐIỆN THOẠT CHÚT?
- Mẹ cho con mượn điện thoại một chút?
- Con vừa xem tivi rồi, mượn điện thoại làm gì?
- Con muốn xem gorira, chiến binh khổng lồ.
- Mẹ chỉ cho mượn 10 phút thôi đấy nhé, con xem nhiều không tốt.
Đây là hội thoại hàng ngày của vợ tôi và con trai lên 8 tuổi. Con tôi ngoan, hiền lành, có trí tưởng tượng và óc sáng tạo rất tốt, nhưng cũng như bao đứa trẻ khác trong thời đại công nghệ số cháu cũng rất mê điện thoại. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu hôm kiểm tra sức khỏe định kỳ ở trường, cô không yêu cầu phụ huynh đưa Kiên (tên con trai tôi) đi khám cận thị. Vợ chồng tôi tá hỏa khi bác sĩ viện mắt nói con bị cận thị cả hai bên mắt. Bên trái hai điốp, bên phải 3 điốp.
- Cháu có ai rủ mắc và chảy nước mắt không?
- Có ạ.
- Cháu có thường xuyên xem tivi và điện thoại không?
- Có bác sĩ ạ.
Cháu bị cận cả hai bên mắt, thêm nữa mắt nhìn rất yếu, cần phải giảm thời gian xem tivi, điện thoại, uống thuốc bổ, điều tiết mắt và nhỏ thuốc mắt. Bố Mẹ cho con đi cắt kính nhé.
Cận thị là vấn đề khá phố biến ở trẻ ngày nay vì bố mẹ bận rộn, lơ là nên thường tặc lưỡi cho con xem thiết bị điện tử để yên thân làm việc của mình. Vợ chồng tôi cũng thế. Tôi dẫn con ra quầy đo kính mà thấy buồn quá, vậy là đôi mắt của con tôi đã bị tổn thương. Trong lúc chờ lấy thuốc, Kiên lại lèo nhèo:
- Bố cho con mượn điện thoại một chút.
- Từ giờ, bố sẽ cho con xem theo giờ, nhưng trước mắt một tháng tới con phải cai tivi và điện thoại đã.
Tối đó, khi Kiên đã đi ngủ, tôi lên mạng xem từ khóa về tác hại do các thiết bị điện tử và công nghệ gây ra. Có quá nhiều nguy cơ: nguy cơ về mắt, nguy cơ rối loạn tâm thần, nguy cơ béo phì, nguy cơ cong cột sống, giảm tập trung chú ý... Có những sự việc nghiêm trọng hơn liên quan đến vấn đề an toàn thông tin cá nhân. Đọc đến đây tôi nhớ đến người bạn tôi. Cô ấy là một người rất yêu con, “nghiện” con, thường xuyên post những ảnh về con lên trang cá nhân. Bé Hạt kháu khỉnh đáng yêu, đôi mắt đen lay láy, miệng chúm chím xinh xắn, ai nhìn cũng thích. Có lần cô bạn đăng hình cô bé diễn thời trang ở trường, thì hai ngày sau một trang mạng về thời trang trẻ em tự ý lấy hình bé Hạt đưa lên làm PR, quảng cáo. Thậm chí, admin trang web còn thay đổi phần thân để cho bé mặc những bộ đồ hở hang... Cô bạn tôi tá hoả lên, liên lạc với admin trang web đòi xóa những hình ảnh phản cảm đó. May sao, những tấm hình đó chỉ trôi nổi trên mạng một tuần.
Công nghệ phát triển cùng sự bùng nổ của các mạng xã hội nhưng kéo theo nó là sự không an toàn mà mỗi người cần lưu tâm Như: nguy cơ về thể chất (các bệnh về mắt, béo phì, cong cột sống); nguy cơ tâm sinh lý (rổi loạn tâm thần, giảm tập trung chú ý...); nguy cơ an toàn thông tin cá nhân (mất thông tin, sử dụng ảnh không xin phép, ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân). Nhưng trong thời buổi công nghệ rất khó để không sử dụng các thiết bị công nghệ, các mạng xã hội nên bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Như con trai tôi tuy cấm được ở nhà nhưng đến trường, rồi bạn bè, liệu có cấm được con? Nếu cấm đoán nhiều quá con trẻ sẽ sinh ra nói dối để được xem, được chơi.
Ngày xưa, tôi cũng từng rất mê điện tử, nhưng lúc đó biết suy nghĩ rồi nên mới gần tách ra được để chú tâm vào việc học. Các tỷ phú Bill Gates, Steve Jobs... những “ông trùm” về công nghệ nhưng luôn yêu cầu con cái hạn chế sử dụng điện thoại, iPad...
“Từ giờ vợ chồng mình phải thống nhất là hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại của Kiên. Mỗi ngày chỉ cho xem 20 phút thôi nhé.” Tôi quả quyết nói với vợ.
(Phạm Trung, Mẹ ơi, ở đâu con mới được an toàn, NXB Thanh niên, 2019, tr. 43-46)

Đề 8:
Thuở nhỏ, theo ông ngoại vào Huế trên những chuyến tàu thống nhất khởi hành từ chập choạng tối, ông thường dạy tôi phải thuộc hết các ga chính mà tàu sẽ đi qua. Thế là tôi học chăm chú, thuộc như bảng cửu chương, để nhẩm lại không lỡ mà không may có khi bị lạc, nhất tôi sẽ thấy tự yên lòng minh khi biết mình đang ở đâu.
Từ bé đến lớn, bố mẹ không mua cho tôi nhiều quần áo đẹp, điện thoại, xe đạp, xe máy hiện đại,... Tôi hoặc mặc lại đồ của bố, hoặc dùng lại đồ của mẹ, và thoảng ba, bốn năm mẹ sẽ cho tôi đi mua vài đồ dùng mới, vừa đủ để dùng cho ba, bốn năm tiếp. Nhưng có hai thứ mà bố mẹ có thể dành hết tiền bạc và thời gian ra để cho tôi: Đó là sách và những chuyến đi.
Bố tôi thường thích cho tôi đi xa bằng đường bộ hơn là những chuyến bay. Bố dạy tôi tên các quốc lộ, các địa danh, các con đường đất nước; bố kể cho tôi nghe qua về lịch sử doanh nhân nổi tiếng của vùng đất đó (điều mà tôi đã từng biết qua một lần từ những cuốn sách), bố cũng chỉ cho tôi tên các loài cây dại ven đường, công dụng chữa bệnh hay làm thức ăn của chúng. Cũng như ông ngoại, bố dặn tôi phải nhớ, một cách sâu sắc nhất, thứ tự từng tỉnh thành chính của đất nước dọc theo quốc lộ, để lỡ không may có khi bị lạc, tôi sẽ không sợ hãi vì biết mình đang ở đâu và phải về đâu.
Năm ngoái, tôi không đi cùng bố mẹ, tôi và bạn đi tàu vào Huế rồi thuê xe máy phượt đèo Hải Vân để vào Đà Nẵng, còn bố mẹ và em trai tôi bay thẳng từ Hà Nội. Tôi giấu bố mẹ nhưng bố mẹ vẫn biết, bố không trách mắng, chỉ hỏi tôi duy nhất một điều: “Con vẫn nhớ đường quay về chứ?”. Ngày quay lại Huế, tôi mải chơi nên rẽ ngang qua con đường xuyên qua những cồn cát, phi lao của Lăng Cô, rẽ ngang cả sang một đường mòn đi ra phá Tam Giang, có lúc tưởng lạc mà lo sợ cái gật đầu chắc chắn với bố đêm trước, nhưng rồi vẫn về nhà bình an.
Hôm nay, cùng mẹ chạy về Thanh Hóa lo chút việc, tôi ngồi nhìn qua ô cửa những đồng ngô bát ngát xanh, nắng xuyên dài theo cột khói lửng lơ giữa mênh mông đồng lúa. Như một thói quen, tôi ngồi ngắm lại trong đầu nơi mình đang đi, và tôi thấy bố đang ngồi cạnh, khoác vai tôi và hỏi: “Con vẫn nhớ đường quay về chứ?”
Có! Bố ơi! Dù ở nơi đâu! còn sẽ luôn nhớ đường để trở về nhà.
(Dương Minh Tuấn, Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn và những chuyện chưa kể. NXB Văn học, 2017, tr. 34 – 35)

Đề 9 :
NHỮNG QUẢ BÓNG BAY
Một cậu bé da đen đang chơi đùa trên bãi cỏ. Phía bên kia đường, một người đàn ông đang thả nhẹ những quả bóng lên bầu trời, những quả bóng đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng, và có cả màu đen nữa.
Cậu bé nhìn khoái chí, chạy tới chỗ người đàn ông, hỏi nhỏ:
- Chú ơi, những quả bóng màu đen có bay cao được như những quả bóng khác không ạ?
Người đàn ông quay lại, bất giác giấu đi những giọt nước mắt sắp lăn nhẹ trên đôi gò má, ông chỉ lên những đám bóng bay lúc này chỉ còn là những chấm nhỏ và trả lời cậu bé:
- Có chứ, những quả bóng màu đen cũng sẽ bay cao như những quả bóng màu khác, và cháu cũng vậy.
Cậu bé nở một nụ cười rạng rỡ cảm ơn người đàn ông và không quên ngắm những quả bóng bay đang tung bay trên bầu trời rộng lớn.

(Chuyên mục Phong cách của báo điện tử ngoisao.net, ngày 22/10/20)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây