© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bài kiểm tra sức khoẻ cộng đồng

Thứ ba - 23/03/2021 19:01
Bài kiểm tra sức khoẻ cộng đồng
Đề cương ôn tập kiểm tra Sức khoẻ cộng đồng dành cho sinh viên Y dược

Câu 1. Trình bày định nghĩa môi trường? Phân loại môi trường? Phân tích mối liên hệ quan giữa các loại môi trường đó?

- Môi trường là bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh thái.
- Phân loại môi trường: theo mục đích nghiên cứu có thể phân thành 3 loại:
+ Môi trường tự nhiên: bao gồm các yếu tố thiên nhiên như vật lý, hóa học, sinh học tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người hoặc ít chịu sự chi phối của con người.
+ Môi trường xã hội: là các mối quan hệ giữa người với người, tạo nên sự thuận lợi hoặc trở ngại cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân và cộng đồng con người.
+ Môi trường nhân tạo: bao gồm tất cả những yếu tố vật lý, sinh học, xã hội do con người tạo nên và chịu sự chi phối của con người.
Trong thực tế cả 3 loại trên đều tồn tại, tác động qua lại hết sức chặt chẽ.

Câu 2. Ô nhiễm không khí là gì? Phân loại các nguồn gây ô nhiễm không khí?

- Ô nhiễm không khí là sự có mặt của các chất có trong khí quyển sinh ra từ hoạt động của con người hoặc các quá trình tự nhiên với nồng độ đủ lớn và thời gian đủ lâu, sẽ ảnh hưởng đến sự thoải mái, dễ chịu, sức khỏe, lợi ích của con người và môi trường.
- Có thể phân loại nguồn gây ô nhiễm không khí thành 2  loại:
* Nguồn gây ô nhiễm không khí tự nhiên:
- Núi lửa
- Bão cát
- Cháy rừng
- Sự phân hủy sinh học tự nhiên
- Sự phân tán của các thành phần tự nhiên trong không khí (phấn hoa)
* Nguồn gây ô nhiễm không khí nhân tạo:
- Ô nhiễm không khí do công nghiệp
- Ô nhiễm không khí do nông nghiệp
- Ô nhiễm không khí do sinh hoạt
- Ô nhiễm không khí do rác thải sinh hoạt

Câu 3. Phân biệt thông tin và truyền thông?

* Thông tin:
- Có thể diễn ra một lần.
- Không đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau giữa bên truyền và bên nhận.
- Chỉ hạn chế trong thông tin và kiến thức.
- Chỉ đòi hỏi người ta tăng thêm kiến thức.
* Truyền thông:
- Đòi hỏi phải diễn ra liên tục .
- Đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau giữa bên truyền tin và bên nhận. Đây là yêu cầu bắt buộc.
- Mở ra cả thái độ và tình cảm, kỹ năng .
- Đòi hỏi phải tạo ra được sự thay đổi về nhận thức và hành động.

Câu 4. Trình bày tính chất lý học của môi trường nước?

* Độ đục:
- Độ đục của nước được hình thành bởi các chất lừng như: đất sét, phù sa, các chất hữu cơ, chất mùn.
- Đơn vị đo độ đục là NTU hoặc FTU. Tiêu chuẩn nước uống độ đục là ≤ 2 NTU.
*Mùi vị:
- Nước uống không được có mùi, nếu có mùi là nước bị nhiễm bẩn, mùi của nước có thể là do các nguyên nhân sau:
-  Do những chất khoáng như muối sắc
-  Do khí hòa tan trong nước như H2S, clo thừa,…
-  Do thực vật bị thối rửa hay bị phân hóa.
* Màu sắc:
Nước uống không được có màu, nước ao hồ thường có màu vì lẫn chất bùn hoặc rêu tảo. Nước ngầm sâu thường có màu vàng do chất sắt tạo nên.
* Nhiệt độ:
Nước uống phải có nhiệt độ tương đối ổn định, thường khoảng 15℃. Mọi sự thay đổi nhiệt độ của nước có thể giúp ta nghi ngờ nước bị nhiễm bẩn từ ngoài vào.
* Độ pH:
Theo khuyến cáo của WHO, nước uống được cần có pH nằm trong khoảng 6,5 – 8,5. Vì pH của nước ảnh hưởng đến tất cả quá trình xử lý nước, các quá trình này có tác dụng làm giảm virus và vi khuẩn gây hại, nên có thể xem pH có ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe.

Câu 5. Trình bày phân loại rác thải trong bệnh viện? Thùng và túi đựng rác y tế cần đạt một số yêu cầu cơ bản gì?

Dựa trên độ độc hại, rác thải trong bệnh viện có thể được chia thành 3 loại:
- Chất thải sinh hoạt.
- Chất thải độc hại, chất thải y tế.
- Chất thải hóa học, phóng xạ.
* Thùng và túi đựng rác cần đạt một số yêu cầu cơ bản sau:
- Túi là túi nhựa PE hoặc PP.
- Kích thước phù hợp với từng loại chất thải và có kí hiệu ghi chú trên thân túi, thùng.
- Bên ngoài túi, thùng phải có đường kẻ ngang tại 2/3 túi, thùng và ghi chú không đựng quá vạch này.
- Thùng đựng rác phải có chân đạp để mở.
- Các loại rác thải không được trộn lẫn với nhau, nếu trộn lẫn thì phải xử lí hỗn hợp như xử lí loại rác có độ độc hại cao hơn.

Câu 6. Tư vấn sức khỏe bao gồm bao nhiêu bước? Trình bày các bước tư vấn sức khỏe?

* Tư vấn sức khỏe gồm 8 bước:
- Tiếp đón niềm nở, quan tâm.
- Hỏi thăm tình hình, tìm hiểu vấn đề.
- Khuyến khích đối tượng bộc lộ vấn đề.
- Lắng nghe đối tượng trình bày.
- Cung cấp thông tin, cách giải quyết và động viên đối tượng quyết định.
- Giải thích những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
- Giúp đỡ và thống nhất kế hoạch hành động.
- Đặt lịch hẹn gặp lại và chào tạm biệt.

Câu 7. Biện pháp phòng chống và xử lý ô nhiễm môi trường đất?

a. Giải pháp phòng chống ô nhiễm đất
* Xử lí tốt chất thải công nghiệp.
- Phải có hệ thống xử lý tốt chất thải, nước thải và khí thải. Tái sử dụng triệt để, hạn chế tối đa việc thải bừa bãi các chất thải.
- Kiểm tra thường xuyên quy trình khai thác, sản xuất, lưu trữ và phân phối trong hoạt động công nghiệp tránh rơi vãi, rò rỉ, thoát ra ngoài gây ô nhiễm.
* Xử lí tốt chất thải hàng ngày.
- Xử lý phân: xây dựng hố xí tự hoại hoặc hố xí 2 ngăn.
- Xử lý rác thải: các biện pháp xử lý rác thải thông dụng bao gồm đốt rác, chôn vùi và ủ rác.
- Với chất thải lỏng: làm sạch tự nhiên bằng hố sinh học, cánh đồng lọc,... hoặc các biện pháp nhân tạo.
* Kiểm soát chặt chẽ hóa chất bảo vệ thực vật.
- Kiểm soát bằng luật pháp bằng cách cấm các chất có độc tính cao, lâu phân hủy, quản lý chặt chẽ quá trình xuất nhập khẩu hóa chất bảo vệ thực vật.
- Giáo dục con người sử dụng tác dụng của hóa chất bảo vệ thực vật và tác hại của chúng.
* Chống xóa mòn đất: bằng biện pháp trồng cây giữ đất.
b. Xử lí đất bị ô nhiễm:
- Cải tạo đất, bồi hoàn độ phì nhiêu cho đất bằng phân chuồng, phân xanh đã hoại sạch mầm bệnh.
- Làm tơi xốp, thoáng khí giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Khử phèn, mặn, chua cho đất.
- Chọn những biện pháp canh tác phù hợp với những vùng đất bị ô nhiễm.
- Giữ vệ sinh, nên đi ủng và bảo hộ lao động khi canh tác.
- Giáo dục nâng cao ý thức người dân.

Câu 8. Trình bày 1 bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh có liên quan đến lớp học?

Bệnh: Biến dạng cột sống.
* Nguyên nhân:
- Bàn ghế không hợp tiêu chuẩn vệ sinh.
- Do ánh sáng trong lớp học không đầy đủ, học sinh phải xoay ra hướng ánh sáng.
- Do tư thế ngồi học không đúng như vẹo đầu, vặn người, ngồi xổm.
- Do lao động quá sớm khi còn nhỏ ở tư thế gò bó.
* Hậu quả của bệnh bại liệt hoặc lao cột sống.
- Hình dạng vẹo:
Có 4 dạng  (chữ C thuận và ngược, chữ S thuận và ngược)
Có các mức độ vẹo: I nhẹ, II vừa, III nặng.
- Ảnh hưởng của biến dạng cột sống:
Ở mức I chưa có ảnh hưởng gì.
Mức II đã có ảnh hưởng đến hình dạng tư thế và chức năng hô hấp của học sinh.
Mức III có ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng hô hấp, ở học sinh gái có thể ảnh hưởng đến sự phát triển khung chậu.
- Biện pháp đề phòng:
Bàn ghế phải phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh đã quy định.
Lớp học phải có hệ thống chiếu sáng tốt (ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo).
Học sinh phải đeo cặp hai vai.
Ngồi học đúng tư thế (ở trường và nhà).
Phòng tránh các bệnh truyền nhiễm và nâng cao thể trạng.
Không lao động nặng lúc quá sớm.....

Câu 9. Định nghĩa chất thải? Phân loại chất thải?

- Chất thải là những chất phức tạp đa dạng được sinh ra trong quá trình sinh hoạt và lao động của con người.
- Phân loại:
* Phân loại theo nguồn gốc chất thải:
Chất thải trong sinh hoạt: được sản sinh ra trong phạm vi gia đình, trong cộng đồng dân cư ở các đô thị.
Chất thải trong phạm vi công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, khai thác mỏ, địa chất.
* Phân loại theo dạng chất thải:
Chất thải lỏng như: nước phân, nước tiểu, nước chế biến thức ăn, nước tắm rửa giặt giũ trong phạm vi gia đình, nước ở cộng đồng dân cư, đường phố, nước mưa...
Chất thải đặc như: phân người, phân gia súc, rác nhà ở, rác ở trên đường phố, ở cơ quan và ở các chợ.

Câu 10. Trình bày các biện pháp phòng tác hại nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp?

- Biện pháp kĩ thuật công nghệ sản xuất:
Công nghệ sản xuất sạch, tự động hóa,...
Thay thế nguyên liệu, nhiên liệu độc bằng thứ không độc.
Tổ chức lao động hợp lí.
- Biện pháp kỹ thuật vệ sinh:
Cách ly bộ phận độc hại khỏi môi trường chung.
Đảm bảo thông gió tốt: đưa không khí sạch vào nơi làm việc và hút không khí bẩn có chứa bụi; hơi độc hại giữ lại và xử lý riêng.
Chiếu sáng hợp lý và đủ theo tiêu chuẩn.
Duy trì thường xuyên trật tự, vệ sinh, ngăn nắp,... nơi làm việc.
- Biện pháp phòng hộ cá nhân: biện pháp này chỉ thực hiện khi các biện pháp trên đã được ứng dụng.
Là biện pháp cuối cùng của mọi biện pháp kỹ thuật.
Ưu tiên bảo vệ đầu, mặt, mắt, tai, đường hô hấp, chống khí độc và bụi nguy hiểm đều phải dùng mặt nạ đúng, đủ, có hiệu quả.
Biện pháp phòng hộ cá nhân phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo phẩm chất.
- Biện pháp kinh tế.
Khám tuyển: phải tuân theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Khám định kỳ:
Phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Xét nghiệm chuyên khoa bênh nghề nghiệp.
Can thiệp khi cần thiết.
- Giáo dục nâng cao trình độ:
Với nhân viên y tế: đào tạo để có khả năng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Với người lao động:
Bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng vệ sinh nói chung, vệ sinh an toàn lao động.
Giúp họ có ý thức và thực hành tự bảo vệ mình.
- Biện pháp hành chính pháp luật: là biện pháp có tính cưỡng chế sau khi đã giải thích, thuyết phục, vận động.

Câu 11. Trình bày định nghĩa và mục đích của giáo dục sức khỏe?

a. Định nghĩa:
- Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (GDSK) giống như giáo dục chung, là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến suy nghĩ và tình cảm của con người, nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và thực hành các hành vi lạnh mạnh để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
b. Mục đích của GDSK:
- Chia sẻ những kiến thức mới hoặc làm thay đổi những kiến thức sai lầm.
- Giới thiệu những hành vi mới hoặc làm thay đổi những hành vi cũ có hại cho sực khỏe.
- Hướng dẫn những kĩ năng thực hành (hành động) mới hoặc làm thay đổi cách thực hiện hành vi cũ.
- Để giúp cho mỗi người tự tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng bằng chính những hành động và nổ lực của bản thân trên cơ sở người dân biết:
- Tự chịu trách nhiệm và tự quyết định lấy những hoạt động và biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình.
- Tự giác chấp nhận và duy trì các lối sống lạnh mạnh, từ bỏ những thói quen, tập quán có hại cho sức khỏe.
- Biết sử dụng các dịch vụ y tế có thể có được đẻ giải quyết các nhu cầu sức khỏe và vấn đề sức khỏe của mình.
Mục đích quan trọng của TT – GDSK là làm cho mọi người từ bỏ các hành vi có hại và thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe, đây là một quá trình lâu dài, cần phải tiến hành theo kế hoạch, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, với sự tham gia của ngành y tế và các ngành khác.

Câu 12. Trình bày những khái niệm và nguyên tắc vệ sinh bệnh viện?

* Những khái niệm:
- Làm sạch: là một quá trình loại bỏ hoàn toàn các chất ngoại lai (vd: chất bẩn, tổ chức cơ thể) ra khỏi dụng cụ, thường được dùng bằng nước và xà phòng hoặc các enzyme. Làm sạch là một bước cần thực hiện trước khi khử khuẩn và tiệt khuẩn.
- Khử khuẩn: là quá trình loại bỏ hầu hết hoặc tất cả vi sinh vật gây bệnh trên dụng cụ nhưng không diệt bào tử vi khuẩn.
Trong bệnh viện, khử khuẩn thường được thực hiện bằng cách ngâm dụng cụ vào trong dung dịch hóa chất hoặc bằng phương pháp Pasteur.
- Tiệt khuẩn: là một quá trình tiêu diệt hoặc loại bỏ tất cả các dạng của vi sinh vật sống bao gồm cả bào tử vi khuẩn. Tiệt khuẩn mang ý nghĩa tuyệt đối, nghĩa là một vật dụng sau khi được tiệt khuẩn sẽ không còn một loại VSV nào sống sót.
* Nguyên tắc vệ sinh bệnh viện:
- Bắt đầu từ phòng sạch nhất đến phòng bẩn nhất, từ trong cùng ra cửa.
+ Người ta chia làm 3 khu vực:
- Khu sạch: không trực tiếp liên quan đến chăm sóc người bệnh (khu hành chính, nhà kho, phòng nhân viên).
- Khu kém sạch: có liên quan đến việc chăm sóc người bệnh như phòng khám, phòng thay băng,..
- Khu vực nhiễm bẩn nặng: bao gồm nhà vệ sinh, thùng rác, khu thụt rửa,…
- Vệ sinh khẩn cấp: các vệt máu, dịch, chất bài tiết, chất nôn,… phải làm vệ sinh ngay.
- Vệ sinh hàng ngày: tiến hành ở các khoa phòng hằng ngày.
- Tổng vệ sinh: toàn bị các trang thiết bị như bàn ghế, quạt, sàn nhà,… được làm vệ sinh.

Câu 13. Phân tích các kỹ năng cơ bản của truyền thông GDSK?

* Tiếp xúc với người dân phải thân mật.
- Tạo không khí thân mật, gần gũi để người dân tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ.
- Chào hỏi ân cần, nói đủ nghe, không nói quá to hoặc quá nhỏ.
- Động tác, tư thế thoải mái, lịch thiệp, tự tin, nhìn bao quát, thân thiện.
- Nét mặt: thay đổi tùy theo tình huống, luôn niềm nở tươi cười.
- Ăn mặc chỉnh tề, phù hợp với đối tượng.
- Tìm hiểu, quan sát người dân đã hiểu, biết, làm gì về vấn đề sức khỏe.
- Có nhiều vấn đề, nhiều việc người dân đã hiểu và đã biết làm, nếu chúng ta nói lại nhiều người dân thấy không có gì mới do vậy họ không chú ý, nhưng cũng có những vấn đề người dân đã làm nhưng chưa đúng ta cần phải hỏi để biết chỉnh sửa ngay cho người dân để họ làm đúng.
- Bổ sung đầy đủ và đúng những điều người dân cần biết, cần làm để thực hiện những việc làm có lợi cho sức khỏe.
- Tập trung vào những điều đối tượng chưa biết sẽ tăng tính hấp dẫn và hiệu quả của hoạt động truyền thông- giáo dục sức khoẻ.
- Mô tả chính xác những nội dung cần biết, cần làm.
- Chính xác trong quá trình truyền thông-giáo dục sức khoẻ về một vấn đề sức khỏe nào đó có tác dụng tạo nên chuẩn mực và hành vi tốt, lành mạnh để duy trì và bảo vệ sức khỏe người dân.
- Giải thích rõ lợi ích của việc thực hiện hành vi mới có lợi cho sức khỏe.
- Tìm hiểu lí do cản trở việc thực hiện tốt hành vi mới có lợi cho sức khỏe.
=> Tìm ra các lý do khách quan, chủ quan, lý do cản trở chính là gì? Không hiểu biết hay khó làm?
Cách làm:
- Từ tốn đặt vấn đề và nghe người dân phát biểu.
- Tổ chức thảo luận nhóm để nắm bắt thông tin.
- Nếu đối tượng có điều kiện thì nên để họ tự ghi ra giấy.
- Dùng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu.
- Dùng ngôn ngữ địa phương để giải thích
- Không nên dùng từ chuyên môn, văn hoa, bóng bẩy và thận trọng sao cho phù hợp với từng loại đối tượng.
- Đưa ra được các ví dụ cụ thể ở ngay tại cộng đồng để minh họa.
Ví dụ đưa ra phải đảm bảo ở ngay tại địa phương, cùng nhóm dân tộc, cùng hoàn cảnh để gây lòng tin ở người dân được tuyên truyền.
- Sử dụng các phương tiện trực quan để minh họa giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo như: tranh lật, sách tranh, áp phích…
- Khuyến khích và lắng nghe đối tượng đặt câu hỏi.
Cần tạo sự thoải mái, gần gũi để người dân dễ thổ lộ những thắc mắc của bản thân.
Động viên, khích lệ…tạo sự thuận lợi cho người dân hỏi. Có vậy mới giúp họ vượt qua những cản trở mà lâu nay ảnh hưởng đến sự thay đổi hành vi mới có lợi cho sức khỏe cộng đồng
- Giúp người dân nhắc lại, làm lại những điều mà người dân đã được nghe, đã được hướng dẫn.
Nếu sai cần chỉnh sửa lại, nếu đúng thì một lần nữa giúp người dân nhớ lâu hơn nhắc lại còn có ý nghĩa giúp người dân cam kết thực hiện hành vi mới.
- Động viên, hỗ trợ người dân thực hiện và duy trì hành vi mới có lợi cho sức khỏe.

Câu 14. Trình bày các phương pháp và phương tiện truyền thông GDSK?

- Nói chuyện sức khỏe.
- Những câu chuyện kể.
- Nghiên cứu tình huống.
- Thảo luận nhóm.
- Áp phích.
- Tranh lật.
- Các loại phim, đèn chiếu.
- Đài phát thanh.
- Vô tuyến truyền hình.
- Các phương pháp:
Phương pháp trực tiếp giữa người truyền tin và người nhận tin.
Phương pháp gián tiếp
- Phương tiện:
Ngôn ngữ nói
Cử chỉ, điệu bộ
Ngôn ngữ viết
Các phương tiện trực quan và phương tiện nghe nhìn

Câu 15. Trình bày các bước thay đổi hành vi sức khỏe? cho ví dụ?

- Bước 1: chưa quan tâm đến sự thay đổi hành vi (từ chưa hiểu biết đến hiểu biết nhưng chưa chấp nhận).
Ví dụ: sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục dẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, cái sẽ có lợi nhiều hơn so với những hạn chế  nhỏ của bao cao su như giảm khoái cảm và chi phí rất nhỏ cho việc mua bao cao su. Đây là giai đoạn khó khăn nhất cho các nhà truyền thông giáo dục sức khỏe để thuyết phục đối tượng đến thay đổi hành vi.
- Bước 2: đã quan tâm để thay đổi hành vi (từ chưa chấp nhận đến chấp nhận thay đổi hành vi).
Ví dụ: để giúp đối tượng thay đổi hành vi cần tiếp tục đưa thông tin về nguy cơ của bệnh tật với hành vi cá nhân và giúp họ nhận thấy được lợi ích của việc thay đổi hành vi.
- Bước 3: chuẩn bị thay đổi hành vi (từ chưa có ý định đến có ý định thực hiện).
Ví dụ: giúp đối tượng thiết lập kế hoạch cụ thể cho tiến trình thay đổi, hướng dẫn cho đối tượng những việc cần chuẩn bị để vượt qua một số khó khăn tạm thời có thể xảy ra trong những ngày đầu tiên thay đổi thói quen.
- Bước 4: hành động (thực hiện hành vi mới).
Ví dụ: việc thay đổi hành vi dùng chung bơm kim tiêm ở người tiêm chích ma túy thì việc cung cấp bơm kim tiêm sạch sẽ hỗ trợ đối tượng thay đổi hành vi. Hay việc cung cấp bao cao su để hướng đối tượng có thói quen dùng bao cao su trong quan hệ tình dục.
- Bước 5: duy trì hành vi đã thay đổi (hành vi mới).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây