© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Câu hỏi tự luận Sinh học 12, đề 1.

Thứ ba - 09/01/2018 04:00
Câu hỏi tự luận Sinh học 12, đề 1, có đáp án
Câu 1. Đột biến gen là gì và có những dạng nào? Nêu nguyên nhân và cơ chế phát sinh đột biến gen?

Câu 2. Thế nào là kĩ thuật di truyền? Plasmit? ADN tái tổ hợp? Vectơ tách dòng (thể truyền)? Nêu phương pháp hình thành ADN tái tổ hợp.

Câu 3. Tại sao nói chọn lọc tự nhiên là quá trình thúc đẩy sinh giới tiến hóa theo hướng đa dạng và thích nghi với môi trường sống.

Câu 4. Khi khảo sát về hệ nhóm máu O, A, B của một quần thể người tại một thành phố có 14500 dân, trong đó gồm 3480 người máu A; 5075 người máu B; 5800 người máu AB; 145 người máu O.
a) Xác định tần số tương đối các alen quy định nhóm máu và viết cấu trúc di truyền của quần thể.
b) Có bao nhiêu người có máu A đồng hợp?

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

Câu 1.
I. Định nghĩa và các dạng đột biến gen:
- Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen, liên quan tới một hoặc một số cặp nuclêôtit trong gen, xảy ra tại một điếm nào đó trên phân tử ADN.
- Đột biến gen thường gặp các dạng: mất, thêm, thay thế, đảo vị trí cặp nuclêôtit.
 
II. Nguyên nhân và cơ chế phát sinh đột biến gen:
1. Nguyên nhân:
a. Nguyên nhân bên ngoài: Do tác động của các tác nhân lí - hóa học
a1 : Các tác nhân vật lí: Gồm các tia phóng xạ, tia tử ngoại, tia X, li tâm siêu tốc, sốc nhiệt, chùm nơtron ...
a2: Các tác nhân hóa học: Gồm các chất như EMS, 5BƯ, NMU..., các chất độc, chất kích thích, chất gây mê khác.
- b. Nguyên nhân bên trong: Do sự rối loạn các quá trình sinh lí, sinh hóa của môi trường hội bào.

2. Cơ chế phát sinh:
- Các tác nhân đột biến trên gây ra những sai sót trong quá trình tự sao của ADN hoặc trực tiếp biến đổi cấu trúc của nó.
Sự sai sót nuclêôtit nào đó thoạt tiên xảy ra trên một mạch của ADN dưới dạng tiền đột biến ở lần tự sao thứ nhất. Nếu enzim sửa chữa kịp thời sửa sai thì dạng tiền đột biến trở lại dạng bình thường, nếu sai sót đó không được sửa chữa thì qua lần tự sao thứ hai, nuclêôtit lắp sai đó sẽ liên kết với nuclêôtit bổ sung với nó làm phát sinh đột biến gen.
 
Ví dụ:
 b1

- Đột biến gen không chỉ phụ thuộc vào loại tác nhân, liều lượng hoặc cường độ của tác nhân mà còn tùy thuộc đặc điểm cấu trúc của gen. Gen bên vững thường ít bị đột biến, trong khi gen kém bền vững thường dễ bị đột biến sinh ra nhiều alen mới.
 
Câu 2.

1. Thế nào là kĩ thuật di truyền: Là kĩ thuật thao tác trên vật liệu di truyền, dựa vào những hiểu biết về cấu trúc hóa học của axit nuclêic và di truyền vi sinh vật.
Một trong các phương pháp phổ biến nhất hiện nay của kĩ thuật di truyền là phương pháp cấy gen, chuyển gen cần thiết từ tế bào cho sang tế bào nhận bằng cách dùng plasmit làm thể truyền (vectơ).

Ví dụ: Cấy gen tổng hợp Insulin từ tế bào cho của chuột sang tế bào nhận là vi khuẩn E.Coli.

2. Plasmit: Là ADN dạng vòng, chứa từ 8000 - 200000 cặp Nuclêôtit/ ADN cua plasmit tự nhân đôi độc lập với ADN của NST. Mỗi tế bào vi khuẩn có thể chứa vài đến vài chục plasmit.

3. ADN tái tổ hợp:
+ Là phân tử ADN được tổ hợp trong ống nghiệm từ các nguồn ADN của các loài khác nhau theo một quy trình kĩ thuật nhất định nào đó.
+ Mỗi phân tử ADN tái tổ hợp gồm một phân tử ADN plasmit hay một thể thực khuẩn (phage) nguyên vẹn gọi là thể truyền, nối với một đoạn ADN được ghép vào thể truyền (gọi là ADN ngoại lai hay gen cần ghép).

4. Vectơ tách dòng:
+ Vectơ là ADN có vai trò là vật trung gian trong việc mang ADN ngoại lai từ tế bào cho sang tế bào nhận bằng phương pháp tải nạp, biến nạp.
+ Có hai loại vectơ là plasmit và phage trong đó plasmit được dùng phổ biến vì có các đặc điểm kích thước bé, để tổng hợp nhân tạo (invitro), số bản sao cao và dễ xâm nhập vào tế bào vật chủ.
+ Trong các loại phage thì Lambda thường được sử dụng nhất vì phần giữa chứa các gen không liên quan đến quá trình tái sinh, dễ cấy gen cần thiết vào đoạn này.

5. Phương pháp hình thành ADN tái tổ hợp:
a. Phương pháp sử dụng các đầu dính: Khi sử dụng cùng 1 loại enzim cắt hạn chế Restrictase các ADN được tạo ra các đầu dính có thể dính lại nhau và được nối bởi enzim nối ligase, tạo ra AON tái tố hợp (cơ chế lăn đai thùng).

b. Phương pháp nối trực tiếp hoặc tạo ra đầu bổ sung:
Nếu enzim cắt hạn chế cắt thẳng phân tử ADN thì việc nối ADN theo 2 cách:
+ Cách 1: nối trực tiếp bằng cách xúc tác bởi enzim ADN ligase của phage T4.
+ Cách 2: Tổng hợp đầu dính bổ sung nhờ enzim transferase tận cùng, rồi nhờ enzim ligase nối lại với nhau.

Câu 3.
1. Động lực chọn lọc tự nhiên (nguyên nhân): Do sinh vật phải đấu tranh sinh tồn với nhân tố chọn lọc là môi trường sống.

2. Cơ sở của chọn lọc tự nhiên: Dựa vào tính biến dị và di truyền của sinh vật:
а. Tính biến dị: Các biến dị cá thế là nguồn nguyên liệu cung cấp cho quá trình chọn lọc.
b. Tính di truyền: Qua sinh sản, các biến dị có lợi với bản thân sinh vật được bảo tồn, tích lũy qua các thế hệ.

3. Nội dung quá trình chọn lọc tự nhiên: (Thực chất của chọn lọc tự nhiên) là quá trình gồm hai mặt được tiến hành song song:
+ Đào thải các cá thể mang biến dị có hại.
+ Tích lũy các cá thể mang biến dị có lợi.

4. Kết quả chọn lọc tự nhiên:
a. Hình thành mọi đặc điểm thích nghi của sinh vật đối với môi trường sống: chọn lọc tự nhiên tác động thông qua đặc tính biến dị và di truyền đã là nhân tố chính trong quá trình hình thành các đặc điểm thích nghi trên cơ thể sinh vật:
BD + DT + CLTN = Thích nghi

b. Hình thành tính đa dạng: Theo ĐacUyn loài mới được hình thành dần dần qua nhiều dạng trung gian, dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên theo con đường phân li tính trạng:
+ Nguyên nhân phân li tính trạng: Chọn lọc tự nhiên xảy ra trên quy mô rộng lớn, qua thời gian lịch sử lâu dài.
+ Kết quả phân li tính trạng: Hình thành loài mới:
BD + DT + CLTN + PLTT = Đa dạng

Câu 4.
a. Tỉ lệ các nhóm máu:
Nhóm A = 0,24 Nhóm AB = 0,4
Nhóm B = 0,35 Nhóm 0 = 0,01
+ Gọi p: Tần số tương đối alen IA
q: Tần số tương đối alen IB
r: Tần số tương dối alen IO => p + q + r = 1 (*)
 
Nhóm máu A B AB O
Kiểu gen IAIA + IAIO IBIB + IBIO IAIB IOIO
Tần số kiểu hình p2 + 2pr = 0.24 q2 + 2qr = 0,35 2pq = 0,4 r2 = 0,01
 
+ Ta có : r2 = 0,01 = (0,1)2 => r = 0,1.
+ q2 + 2qr + r2 = 0,35 + 0,01 = 0,36 = (0,6)2.
+ (q+r)2 = (0,6)2 => q+r = 0,6 => q = 0,6 - 0,1 = 0,5.
Từ (*) => p = 1 - (q+r) = 1 - (0,5 + 0,1) = 0,4.
+ Cấu trúc di truyền của quần thể:
p2IAIA + 2prIAIO + q2IBIB + 2qrIBIO + 2pqIAIB + r2IOIO = 1.
<=> 0,16IAIA + 0,08 IAIO + 0,25IBIB + 0,lIBIO + 0,4IAIB + 0,01IOIO = 1
 
b. Số lượng người máu A đồng hợp:
14500 x 0,16 = 2320 người.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây