© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Tin học THCS Quyển 4, Bài thực hành 6. Thêm màu sắc và định dạng trang chiếu

Chủ nhật - 13/10/2019 12:48
Hướng dẫn soạn, trả lời câu hỏi và bài tập Tin học THCS Quyển 4, Bài thực hành 6. Thêm màu sắc và định dạng trang chiếu
(Thời lượng: 2 tiết)
A - Mục đích, yêu cầu
■ Tạo được màu nền cho các trang chiếu.
■ Thực hiện được các thao tác định dạng văn bản trên trang chiếu.
■ Áp dụng được các mẫu định dạng cho các trang chiếu và cả bài trình chiếu.

B - Những điểm cần lưu ý và gợi ý dạy học
a) Mục đích của bài tập 1 là để HS làm quen với các bước tạo màu nền cho trang chiếu. Đây là một bài thực hành đơn giản và SGK chỉ đưa ra yêu cầu chung về kết quả thực hành (tạo màu nền đơn sắc, màu nền trộn từ hai màu, nền là mẫu có sẵn hoặc nền là một hình ảnh có sẵn), các hình đi cùng bài thực hành chỉ có ý nghĩa minh hoạ.
Mục lưu ý của bài tập 1 là các kĩ năng bổ sung, giới thiệu thêm các thao tác cụ thể để chọn màu chưa có sẵn trên hộp thoại Format Background, chọn màu trộn và chọn hình ảnh để làm nền cho trang chiếu.
GV cần dành thời gian và yêu cầu HS tự đọc và tự khám phá. Nên khuyến khích HS mạnh dạn thực hiện và thử nhiều lựa chọn khác nhau, kể cả các màu trộn từ hai màu với các tuỳ chọn khác nhau, so sánh các kết quả nhận được và tự rút ra kết luận.
Để hiểu rõ hơn về nền và màu nền của trang chiếu, GV cần lưu ý điểm khác biệt sau đây: Mỗi đối tượng trên trang chiếu, kể cả các khung văn bản, đều được sắp xếp trên một lớp tách riêng (trừ phi chúng được gộp thành một đối tượng), các lớp nằm chồng lên nhau. Có thể xem nền của trang chiếu là lớp cuối cùng. Khi chúng ta đặt màu nền cho trang chiếu tức là ta “tô màu” cho lớp nền, còn khi ta chèn hình ảnh để làm nền trang chiếu, hình ảnh này được đặt ở dưới mọi đối tượng khác, chỉ trên lớp nền. Kích thước của hình ảnh sẽ được thay đổi để che kín diện tích trang chiếu.
Trong trường hợp hình ảnh được chèn vào trang chiếu bằng lệnh Insert → Picture (thay cho lệnh Format → Background), hình ảnh đó sẽ nằm ở lớp
trên cùng. Nếu muốn sử dụng hình ảnh đó làm nền trang chiếu, ta phải chuyển hình ảnh đó xuống lớp cuối cùng bằng lệnh Send Backward → Send to back trong nhóm lệnh Arrange trên dải lệnh ngữ cảnh Format (xuất hiện khi hình ảnh được chọn) và có thể cần phải thay đổi kích thước của hình ảnh để che kín trang chiếu.

b) Tương tự, mục đích của bài tập 2 là để HS làm quen và thực hành cách áp dụng mẫu định dạng và rút ra kết luận về tác dụng của mẫu. Với kiến thức nhận được trong bài lí thuyết, HS dễ dàng làm được các bài này.
GV nên dành thời gian thích hợp để HS có thể áp dụng nhiều mẫu khác nhau. Khuyến khích HS mạnh dạn thử và tự rút ra kết luận.

c) Sau đây là một vài tình huống thường hay gặp khi áp dụng các loại mẫu. Có thể gặp các tình huống này kể cả trong soạn thảo văn bản và trong phần mềm trình chiếu.
■ Áp dụng mẫu định dạng cho các trang chiếu đã được đặt nền là một ảnh có sẵn, kết quả nhận được có thể không giống hoàn toàn như mẫu (xem hình dưới).
hinh anh trinh chieu

■ Sau khi áp dụng mẫu, màu sắc, vị trí và kích thước của văn bản không giống hoàn toàn như mẫu.
Phần dưới đây trình bày nguyên lí chung, GV nên biết để giúp HS xử lí tình huống khi cần thiết.

1. Nền được thiết kế sẵn của mẫu bài trình chiếu có thể gồm không chỉ màu sắc của lớp nền hoặc ảnh nền mà còn gồm các đối tượng đồ hoạ khác nằm ở các lớp trên lớp nền. Kết quả hiển thị kết hợp các đối tượng đó cho ta cảm giác đó là một lớp duy nhất, nhưng thực ra chúng nằm trên các lớp khác nhau. Khi áp dụng mẫu định dạng cho các trang chiếu đã được đặt nền là ảnh có sẵn, ảnh được đưa xuống lớp dưới cùng làm ảnh nền. Vì thế các đối tượng đồ hoạ có sẵn khác của mẫu có thể nằm ở các lớp trên hình ảnh nền và chúng có thể che khuất hoàn toàn hay một phần hình ảnh nền. Nếu hình ảnh làm nền được che khuất hoàn toàn, ta nhận được kết quả giống như mẫu. Ngược lại, vẫn còn một phần ảnh nền được hiển thị và kết quả nhận được sẽ khác mẫu.

2. Khi thực hiện các thao tác chỉnh sửa và định dạng nội dung trang chiếu PowerPoint, người ta thường chia các thao tác đó thành hai loại: chỉnh sửa trực tiếp (ví dụ chọn khung văn bản trên trang chiếu và định dạng màu chữ hoặc kéo thả chuột để thay đổi kích thước hoặc vị trí của khung văn bản,...) và chỉnh sửa thông qua mẫu (ví dụ áp dụng mẫu bố trí hoặc mẫu định dạng cho trang chiếu được chọn). Trong hai loại chỉnh sửa này, tác dụng của chỉnh sửa trực tiếp có mức độ ưu tiên cao hơn chỉnh sửa thông qua mẫu. Điều này có nghĩa rằng, nếu ta thực hiện các chỉnh sửa và định dạng trực tiếp để thay đổi các thuộc tính của một đối tượng trên trang chiếu, sau đó áp dụng mẫu cho trang chiếu, những thuộc tính đã được thay đổi trực tiếp vẫn giữ nguyên, mặc dù mẫu bao gồm cả sự thay đổi các thuộc tính đó với giá trị khác. Ví dụ, khi thay đổi màu chữ của tiêu đề trang chiếu sang màu đỏ, sau đó áp dụng một mẫu có tiêu đề trang chiếu với chữ màu xanh, màu chữ của tiêu đề vẫn giữ nguyên màu đỏ.
Vì vậy, để có kết quả mong muốn khi áp dụng một mẫu bài trình bày, trước khi áp dụng không nên thực hiện bất cứ thao tác chỉnh sửa trực tiếp nào. Điều này cũng giải thích rằng trong số các bước tạo bài trình chiếu, sau khi chuẩn bị nội dung cần áp dụng mẫu trước khi thực hiện bất cứ thao tác nào khác.
GV nên lưu ý HS để thực hiện đúng quy trình, tránh mất thời thực hiện các chỉnh sửa không cần thiết về sau. Tuy nhiên, không cần phải giải thích chi tiết như trên. Nếu cần thiết có thể hướng dẫn HS tự tìm hiểu.

d) Nội dung chính của bài thực hành là bài cuối cùng, bài tập 3. Trong bài này, HS tiếp tục làm việc với kết quả thực hành đã được lưu trong bài thực hành 4. Cần kiểm tra trước để đảm bảo tệp trình chiếu Ha Noi đã được lưu trong máy tính. GV nên yêu cầu HS tiếp tục thực hành với sản phẩm của chính mình trong bài trước.
Bài tập 3 cũng yêu cầu HS thực hiện các thao tác định dạng văn bản đã biết để đặt lại phông chữ, cỡ chữ và màu chữ, đồng thời thay đổi vị trí khung văn bản của trang tiêu đề. GV cần hướng dẫn HS đọc trước mục lưu ý tiếp ngay sau yêu cầu để biết các thao tác cụ thể cần thực hiện.
Khi đánh giá kết quả thực hành của HS, GV không nên sử dụng hình minh hoạ trong SGK để so sánh. Kết quả thực hành của HS có thể khác nhau, nhưng quan trọng hơn là HS thực hiện được các thao tác theo trình tự đúng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây