© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bình giảng bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương.

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
(...) Theo sử liệu, Hạ Tri Chương - tác giả bài thơ Hồi hương ngẫu thư - đậu tiến sĩ, làm quan trên 50 năm dưới triều vua Đường Huyền Tông, từ lúc trai trẻ đến năm 86 tuổi mới cáo quan, nghỉ hưu, trở về quê hương.
 Vừa đặt chân tới làng thì gặp một sự việc bất ngờ khiến ông xúc động. Thế là ông ngẫu hứng viết bài thơ này. Bài thơ có hai chữ “ngẫu thư” không có nghĩa đây là sự tình cờ bộc lộ một cách tự nhiên mà bắt nguồn từ một nỗi niềm day dứt, một tình yêu quê hương sâu nặng, thường trực bất cứ lúc nào cũng có thể bật ra thành tiếng nói, thiết tha, chân thành nhất. Do đó, bài thơ có kết cấu cũng như hình ảnh, ngôn ngữ không có gì cầu kì trau chuốt. Lời thơ cứ tự nhiên kể theo sự việc đã xảy ra, nhưng nội dung cảm xúc thật là sâu lắng, xúc động. Bài thơ thuật thể Đường thi, thất ngôn tứ tuyệt - bản dịch chuyển thành lục bát - gồm hai phần.

Hai câu đầu vừa kể, vừa tả về bản thân mình:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi ”
(Khi đi trẻ, lúc về già,
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Nhà thơ sử dụng từ trái nghĩa và hình ảnh đối chọi rất chỉnh. Ở câu một, từ tiểu li (nhỏ đi) trái nghĩa với đại hồi (lớn về). Hình ảnh tuổi trẻ xa gia đình đối chọi với hình ảnh lúc già về lại quê hương. Ở câu hai cũng xuất hiện hình ảnh đối: tiếng nói không thay đổi - tóc đã rụng nhiều (chữ Hán vô cải: không đổi, tồi: thay đổi).

Hai câu thơ ngắn gọn, với những từ trái nghĩa, những hình ảnh đối chọi như thế khái quát được quãng đời xa quê, làm nổi bật sự thay đổi vế vóc dáng và tuổi tác, đồng thời bước đầu biểu lộ tình cảm quê hương của nhà thơ. Câu một tự sự để biểu cảm, câu hai miêu tả để biểu cảm. Đây là phương thức bộc lộ tình cảm một cách gián tiếp. Ngôn từ và hình ảnh cứ nhẹ nhàng cất lên, thấm thía biết bao cảm xúc, nghe như đằng sau có một tiếng thở dài. Nhà thơ nhìn thấy quê hương, cất tiếng nói theo giọng của quê hương (hương âm), rồi tự ngắm mình, tự nghĩ về mình, thấy mình thay đổi nhiều quá trước quê hương, làng xóm.

Sang hai câu sau thì sự lạ ấy đã xảy ra:

"Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”
(Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở nơi nào lại chơi?)

Bản thân nhà thơ thay đổi đã đành. Song dường như đằng sau sự việc trẻ con gặp mặt không nhận ra người quen cũng phần nào nói lẽn sự thay đổi của quê hương. Điều độc đáo ở đây là nhà thơ tả hình ảnh và tiếng cười nói ríu rít hồn nhiên của trẻ con khi gặp nhà thơ. Các cháu không những không chào đón thân mật trong quan hệ họ hàng, làng xóm mà lại hỏi một câu nghe đến não nuột: "Ông là khách ở nơi nào, làng nào, thành phố nào đến chơi...?". Rõ ràng, trong khi mình thay đổi, thì quê hương cũng đổi thay. Mình thì đi từ trẻ đến già mới quay về, còn ở quê hương thì tuổi già bạn bè cùng trang lứa đã vắng bóng, chỉ còn lại lũ trẻ ngây thơ.

Ngẫm ra, trong hoàn cảnh cụ thể bấy giờ của nhà thơ, một ông lão 86 tuổi thì điều đó đúng và thật xót xa. Làng quê chỉ còn nhi đồng ra đón, chứng tỏ những người cùng tuổi với nhà thơ nay đã thưa vắng nhiều. Ở thế kỉ thứ VIII (năm 744, Hạ Tri Chương về quê) xa xưa ấy "nhàn sinh thất thập cổ lai hi " - người thọ bảy mươi xưa nay hiếm. Do đó, trở về nơi chôn nhau cắt rốn, mà bị xem như khách thì quả là chua xót. Các em nhỏ càng ngây thơ cười nói, hỏi han bao nhiêu, nỗi lòng nhà thơ càng tan nát bấy nhiêu. Tình huống và giọng điệu của hai câu cuối bài thơ vừa hài, vừa bi như muốn cười ra nước mắt.

Có thể nói, bài thơ "Hồi hương ngẫu thư" đã biểu hiện một cách chân thực sâu sắc mà hóm hỉnh tình yêu quê hương thắm thiết, tinh tế, đáng trân trọng của một viên quan lớn ở đời Đường trong khoảnh khắc vừa đặt chân về quê cũ. Cũng là tiến nói của tình quê, nhưng nếu Lí Bạch từ nơi xa vọng về, nhớ quê, thì Hạ Tri Chương đứng ngay trên mảnh đất quê nhà mà giãi bày tấm lòng tha thiết đối với quê hương. Yêu quê hương, cũng chính là yêu Tổ quốc. Tâm hồn của hai thi sĩ ấy thật cao đẹp.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây