© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bình giảng bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Ma lực nào tạo nên sự cuốn hút ghê gớm của bài thơ "Qua Đèo Ngang"? Tên một con đèo, địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã đi vào thơ, đã làm cho tên tuổi Bà Huyện Thanh Quan trở thành bất tử.
Hãy khẽ ngâm và lắng nghe âm điệu réo rắt, du dương của bài thơ kiệt tác này:

"Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta"

Bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật tả cánh Đèo Ngang lúc chiều tàn và nỗi lòng của người lữ khách.

1. Câu thơ phá đề mở ra một không gian nghệ thuật là "Đèo Ngang", một thế gian nghệ thuật là “bóng xế tà", một tâm trạng nghệ thuật, đó là sự ngạc nhiên của người lữ khách lần đầu "bước tới" một miền đất lạ. "Bóng xế tà" là lúc ngày tàn, mặt trời đã gác núi, cảnh vật đi dần vào trang thái yên tĩnh nghỉ ngơi. Khoảnh khắc ấy đối với li khách đứng trước con đèo xa lạ, sao mà chẳng buồn? Chữ "tà" của vần thơ như một tiếng lòng ngân nga, rung động man mác buồn:

"Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà"

Hai chữ "bước tới" gợi cho người đọc đoán định thời điểm nữ sĩ viết bài thơ này 150 năm về trước, đó là khi nữ sĩ trên đường thiên lí vào Kinh đô Phú Xuân nhậm chức nữ quan "Cung trung giáo tập" của triều Nguyễn.

Câu thơ thứ hai mở ra một thế giới, một cảnh sắc nơi con đèo "Đệ nhất hùng quan " của Đại Việt. Cũng có cỏ và cây, tất cả phải "chen " với đá. Cũng có lá nhưng phải "chen " với hoa, hoa dại, hoa mua, hoa sim. Điệp từ "chen" gợi tả cảnh hoang vu, hoang dại của thiên nhiên nơi con đèo. Hai tiếng "đá ” và "lá ” ở giữa câu thơ vần với nhau (vần lưng) phối âm với vần chân (tà - hoa) đã làm cho nhạc điệu trầm bổng réo rắt, đọc lên nghe rất thú vị:

"Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa "

2. Từ trên con đèo, người lữ khách nhìn về chân núi, trông về dòng sông dưới chân đèo xa xa. Điểm nhìn hướng về mấy chú tiều phu đang "lom khom" gánh củi dưới núi, rồi trông về mấy nhà "lác đác" chợ bên sông. Từ láy “lom khom ” gợi tả sự vất vả của tiều phu khi gánh củi đè nặng trên vai, đang từng bước từng bước xuống dốc núi. Từ tượng hình “lác đác ” làm nổi bật sự thưa thớt, lèo tèo mấy lều chợ miền núi ngày xưa. Nghệ thuật đảo ngữ và phép đối làm cho không gian nghệ thuật Đèo Ngang thêm phần hoang sơ, hoang vắng.

Trước cảnh vật ấy, thế giới ấy, lữ khách càng cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Bút pháp tả cảnh ngụ tình của nữ sĩ rất tinh tế. Cảm xúc của thi nhân như thấm sâu vào dáng hình "lom khom ", vào đường nét “lác đác trong màu vàng nhạt, vàng thẫm của "bóng xế tà"

"Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà "

Miền đất lạ, tuy có núi và sông, có mấy nhà chợ, có vài chú tiều phu, nhưng đối với lữ khách lúc chiều tàn vẫn hoang vắng cô liêu.
3. Trời tối dần, bóng hoàng hôn bao phủ Đèo Ngang. Bút pháp nghệ thuật của thi pháp Đường thi được nữ sĩ vận dụng tài tình. Cảnh đèo trở nên hoang vắng khi tiếng chim cuốc gọi đàn, khi tiếng chim gia gia giục giã.

Con cuốc cuốc kêu hoài như tiếng của "người xưa " thiết tha "nhớ nước đau lòng"... Cái gia gia gọi bầy trong nỗi niềm "thương nhà mỏi miệng" . Tiếng chim rừng gọi đàn cũng chính là tâm trạng "nhớ nước", “thương nhà ” của li khách. Nữ sĩ từ Kinh kì Thăng Long của đất "Đài, Ngoài ", nơi chôn nhau cắt rốn của mình lần đầu đi vào xứ "Đàng Trong" sao khôn khỏi "nhớ nước" và "đau lòng"? Thương loài chim rừng "đau lòng" và "mỏi miệng " chính là tiếng than tự thương mình. Ở phần luận bài "Qua Đèo Ngang " khi nhạc rừng cũng là khúc nhạc lòng buồn thương của nữ sĩ:

"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia "

Một lần nữa, phép đối của luật Đường, biện pháp đảo ngữ được vận dụng một cách điêu luyện làm cho vần thơ vang lên trong nhạc điệu du dương, trong ngôn từ hài hòa cân xứng. Có thể nói đây là những vần thơ truyền cảm nhất, khi nói về một nỗi buồn đẹp: nhớ nước, thương nhà.

4. Hai câu kết cực tả nỗi niềm cô đơn, lẻ loi của lữ khách khi đứng trên đỉnh đèo Ngang lúc hoàng hôn. Chầm chậm bước, rồi "dừng chân đứng lại" nhìn cao, nhìn xa, nhìn về 4 phía chỉ thấy “trời non nước” bát ngát mênh mông. Giữa vũ trụ bao la ấy, nữ sĩ cảm thấy nỗi riêng của lòng mình tan ra thành "mảnh". Chẳng thấy quê nhà, chẳng có người thân thương (chồng, con), chỉ có "ta với ta".

"Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta "

Ba chữ “ta với ta ” đã thể hiện một cách sâu sắc xúc động nỗi buồn nhớ gia lình quê hương, nồi niềm lẻ loi, cô đơn của nữ sĩ. Tâm trạng ấy một lần nữa tác giả lói đến rất thơ trong bài "Chiều hôm nhớ nhà"

"Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn"

"Thơ là tiếng lòng của thi nhân", thi sĩ Tổ Đông Pha đã nói như vậy. Ba chữ "ta với ta" trong bài "Qua Đèo Ngang " nói lên nỗi buồn cô đơn lẻ loi của khách li hương. Trong câu thơ của Nguyễn Khuyến:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta ”

thì ba chữ “ta với ta ” thể hiện một tình bạn tri âm tri kỉ. Bác cũng là ta, ta cũng là bác, hai ta chan hòa trong một tình bạn thắm thiết thủy chung, cao đẹp. Qua đó, ta càng thấy rõ cá tính sáng tạo của hai nhà thơ Nôm lỗi lạc của dân tộc.

Trong bài thơ "Qua Đèo Ngang" có tả thực, có ước lệ tượng trưng, có lối tả phác họa chấm phá, có lấy động nói tĩnh, lấy điểm để gợi diện, lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm cảnh, cho thấy một hồn thơ rất tài hoa. Cảm xúc và tâm hồn nữ sĩ, nỗi buồn cô đơn, nỗi nhớ quê, nhớ nhà của khách li hương như thấm sâu vào cảnh vật.

Nghệ thuật gieo vần, phép đối và đảo ngữ, tả cảnh ngụ tình đã làm cho nhạc điệu thơ du dương, réo rắt. Ngôn từ trang nhã, điệu thơ trang trọng, khoan thai. Đó chính là ma lực tuyệt vời của áng thơ tuyệt bút này. Đó là hồn thơ của Bà Huyện Thanh Quan từng làm cho triệu triệu người ngâm nga ngưỡng mộ "Qua Đèo Ngang" gần hai thế kỉ nay.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây