© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bình giảng: Lòng yêu nước của Ilia Erenbua

Thứ sáu - 10/05/2019 14:22
Đây là một phần của bài báo Thử lửa mà Ilia Erenbua công bô cuối tháng sáu năm 1942, và thời điểm cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc - Liên bang Xô Viết - đang diễn ra gay gắt, quyết liệt, căng thẳng, một mất một còn. Tác giả đặt ra vấn đề quan trọng, vấn đề sống và chết. Vấn đề này được gắn quyện vào lòng yêu nước để từ đó bật ra câu hỏi mà mỗi một thành viên của đất nước, mọi cá nhân phải trả lời: lòng yêu nước là gì ? Lòng yêu nước đó có quan hệ gì đến cuộc đời của các thành viên của đất nước đó không? Ý nghĩa của cái chết vì Tổ Quốc?
Xuất phát điểm của lập luận về lòng yêu nước là kiểu khái quát từ cụ thể đến trừu tượng, từ cái riêng đến cái chung, từ cái bộ phận đến cái toàn thể: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất”, yêu cái cây, yêu cái phố nhỏ, yêu vị thơm chua mát,… tức là yêu những gì gắn bó với con người, gần gũi với con người, không thể thiếu được của con người trong suốt cuộc đời của họ. Các vật được yêu cũng đa dạng, phù hợp với tâm tính, sở thích của từng người. Các vật đó giữ vai trò khác nhau đối với mỗi người, có khi nó quan trọng đối với người này, có khi nó ít nghĩa hơn đối với người kia. Nhưng không sao, tất cả cái riêng biệt đó sẽ tạo ra cái chung, cái toàn thể. Lòng yêu nước chính là sự gắn kết các cái khác biệt ấy. Vì thế lòng yêu nước phong phú, đa dạng trong hình thức biểu hiện, nhưng cũng có thể nói gọn rằng những gì gắn bó với con người, là một phần không thể thiếu trong lòng yêu nước.
 
Tác giả đi từ cá nhân, từ cái riêng tư. Tác giả mở rộng sang các miền quê khác nhau: người vùng Bắc, người xứ Uycơren, người xứ Giêoocgi... Bộ mặt đất nước mở rộng dần ra, các đặc điểm các vùng khác nhau vốn đi gần gũi thân quen với những con người và vùng đó cũng hiện ra. Các chỉ số đo lòng yêu nước được gia tăng và mở rộng, từ con người đến thiên nhiên, đất trời: từ thân cây mọc là là mặt nước, đến bóng thuỳ dương tư lự, từ tiếng ong bay khẽ đến dòng suối óng ánh bạc, từ rượu vang cay xè đến sương mờ quê hương... Ngòi bút của tác giả cứ dẫn dắt theo kiểu liệt kê, vừa kể vừa phác tả để cô đúc lại thành cái đường bệ của dòng Nêva. “Đường bệ như nước Nga đường bệ” cô đúc lại thành điện Cơremlanh với “những tháp cổ ngày xưa dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai”. Lòng yêu nước đả được khái quát tập trung thành biểu tượng tinh thần vinh quang.
 
Tác giả đã đưa ra một hình ảnh so sánh, có giá trị thuyết phục cao: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vppnga, con sông Vônga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ Quốc. Lòng yêu Tổ Quốc, lòng yêu nước quả là “lớn đến nhường nào”. Hình ảnh so sánh đã dẫn tới một suy luận khái quát hợp lý; “Mất nước Nga thì tôi còn sống làm gì nữa”... Như vậy lòng yêu nước gắn chặt cá nhân với Tổ Quốc, gắn mỗi con người vào với cộng đồng dân tộc. Lòng yêu nước là cụ thể với muôn vàn biểu hiện cụ thể. Đồng thời cũng có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước của mình đối vối đất nước quê hương. Đặc biệt trong những thời điểm thử thách lịch sử gay cấn nhất. Khi đó, lòng yêu nước được đo bằng chính sự sống và cái chết.
 
Vì lòng yêu nước gắn bó con người với quê hương cho nên cuộc đời mỗi con người khi gắn mình với quê hương cũng không tách rời lòng yêu nước. Con người phải có trách nhiệm với quê hương và tính trách nhiệm đó cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước. Nói cách khác lòng yêu nước là phẩm chất mà mỗi con ngươi trong một đất nước phải có đối với đất nước đó. Vì sự gắn bó giữa con người và đất nước đảm bảo cho sự tồn tại bền vững của cá nhân đó trong cộng đồng. Mỗi khi đất nước lâm nguy thì sự nguy hiểm không chỉ đe doạ đất nước mà đe doạ ngay sự tồn vong của mỗi con người. Và vào thời điểm đó, lòng yêu nước sẽ trở thành sức mạnh để bảo vệ đất nước và đánh thắng kẻ thù.
 
Tác giả đưa vấn đề sống chết ra để phân tích. Tác giả chỉ ra các mặt khác nhau của cuộc chiến tranh: cuộc chiến tranh Hitle gây nên “không có linh hồn” do đó “tinh thần Risa Gơrômen rữa nát” trước khi hắn chết thật. Từ đó cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc trở nên thiêng liêng, bất tử, đó là cuộc đọ sức giữa những “người anh hùng” chiến đấu “vì lý tưởng; vì nhân dân, vì loài người, cho một xã hội tốt đẹp hơn” với những tên “hung phạm, sát nhân”. Cái chết của những người anh hùng khác xa với những người trong truyện trinh thám, khác xa về bản chất. Vì thế cái chết của người anh hùng là kết tinh cao nhất của lòng yêu nước.
 
Phần cuối của đoạn trích tác giả dẫn lại cái chết anh hùng của “năm người thuỷ quân đã chết, anh dũng bảo vệ Xêbattôpôn”. Cái chết của họ “không những chỉ ngăn cuộc tấn công của quân thù mà còn thổi một nguồn sống mới vào hàng triệu con người”. Cái chết đó “đã mở rộng và luyện chắc linh hồn nước Nga”. Do đó nó sống mãi. Và kỳ diệu thay cái chết oanh liệt của lòng yêu nước đó lại hóa thân thành lòng yêu nước của dân tộc, của đất nước và có khả năng đánh thức dậy những lòng yêu nước đang tiềm ẩn ở những con người khác, thúc dục động viên họ. Vì thế cái chết ấy trở thành bất tử, “nó sống mãi giữa những trận ác liệt”, “nó sống ngay cả sau ngày thắng lợi giữa muôn hoa rực rỡ tung nở trên khắp các đồng quê và ngay trong những giọng hát trong trẻo nhất của một bầy thiếu nữ đồng ca”. Cái chết được tạo ra, được hun đúc từ lòng yêu nước đã hoá thân vào cuộc sống đang đâm chồi nảy lộc, để rồi lại hoá thành lòng yêu Tổ Quốc muôn đời bất diệt.
 
Giọng văn hùng biện, lời văn thiết tha, lặp luận có lý có tình, có sức thuyết phục, khiến bài báo ăn sâu vào độc giả và được độc giả yêu quý.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây