© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bình Ngô đại cáo - Hùng văn muôn thuở

Thứ năm - 07/03/2019 11:27
Bình Ngô đại cáo - Hùng văn muôn thuở
Bình Ngô đại cáo là tác phẩm tiêu biểu cho thiên tài văn học Nguyễn Trãi. Hơn năm trăm năm qua, “khúc ca hùng tráng bất hủ” này đã đem lại biết bao sức mạnh và niềm tin cho nhiều thế hệ ... Bình Ngô đại cáo lớn vì mang tầm tư tưởng lớn. Khó mà tách bạch Nguyễn Trãi - nhà văn, người thảo Bình Ngô đại cáo và Nguyễn Trãi - nhà tư tưởng, nhà chiến lược, của cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta thế kỷ XV. Bình Ngô đại cáo là một luận văn tổng kết lịch sử tư tưởng yêu nước Đại Việt, dưới hình thức một áng văn được viết với “ngòi bút thần”, một áng hùng văn, hơn nữa, “thiên cổ hùng văn”. Bình Ngô đại cáo là sự chung đúc những tinh hoa của tư tưởng yêu nước Việt Nam, đến Nguyễn Trãi, qua Nguyễn Trãi đã được nâng lên một tầm cao chưa từng thấy trong lịch sử tư tưởng Việt Nam trước khi nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc gặp chủ nghĩa Mác - Lênin.

Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng, Nguyễn Trãi tổng kết ngắn gọn, súc tích lịch sử chiến đấu chống xâm lược của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng, Nguyễn Trãi nêu cao giá trị lớn lao của truyền thông dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó, theo ý Nguyễn Trãi là đáng “khảo xét” (kẽ chư vãng cổ) để “xét xưa nghiệm nay” (tức cổ nghiệm kim); vì đó là một trong những nhân tố lớn dẫn đến thắng lợi. Nguyễn Trãi cũng là người đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thấy được vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa trong việc cấu thành dân tộc; là người đầu tiên khẳng định sự tồn tại độc lập của nền văn hóa Đại Việt tách dứt khoát khỏi quỹ đạo của văn hóa phương Bắc. Độc lập dân tộc không phải chỉ dừng ở mức phân chia núi sông, cương vực: yếu tố lãnh thổ là rất quan trọng và đã được nhấn mạnh cùng với bài thơ - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Lý Thường Kiệt. Nhưng cùng với lãnh thổ là văn hóa mà Nguyễn Trãi quan niệm gồm văn (văn chương, sách vở…) và hiến (hiền tài, hào kiệt - chủ thể của văn hóa). Phải có dòng văn hóa dân gian của dân tộc mà Nguyễn Trãi chịu ơn sâu để có thể viết nên những bài thơ hay và đẹp trong Ức Trai thi tập. Nền văn hóa dân gian ấy với “phong tục” tập quán, lối cảm nghĩ, triết lý cùng lời ăn tiếng nói sản sinh ra trong đâu tranh dựng nước và giữ nước, lao động và chiến đấu đã luôn luôn chọi lại nền văn hóa mà phong kiến phương Bắc muốn áp đặt. Lại cũng phải có mấy trăm năm độc lập dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần… để xây dựng nên nền “văn hóa Thăng Long”, phải có những con người “trí mưu tài thức” đã làm nên “thi thư” của Đại Việt, những con người vừa làm nên chiến thắng vừa làm nên văn hóa của mấy trăm năm… để cho Nguyễn Trãi viết lên những dòng chói lọi về văn hóa, về con người Việt Nam:

Như nước Việt Nam ta
Thật là một nước văn hiến
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng đế mỗi phương
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu.


Sự khẳng định dứt khoát của Nguyễn Trãi về văn hóa, về con người Việt Nam là sự trả lời cho tư tưởng phân biệt giữa “hoa hạ” và “tứ di” vốn là tư tưởng cực kỳ phản động của các triều đại phong kiến Trung Quốc mà ông cha ta chống lại quyết liệt. Đặc biệt đối với triều Minh, triều đại đã xâm lược tàn bạo đất nước ta, mưu toan hủy diệt toàn bộ nền văn hóa dân tộc của ta, (…) thì những lời đanh thép trên kia của Bình Ngô đại cáo có giá trị như một tuyên ngôn văn hóa dân tộc.

Đi đôi với sự khẳng định truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc; Nguyễn Trãi khẳng định vai trò của nhân dân, đặc biệt của những người gọi bằng manh lệ. Đây là một bước phát triển mới so với tư tưởng yêu nước của thời Lý thời Trần.

(…) Nguyễn Trãi, một người trí thức đã sống trong nhân dân và đã thể nghiệm đầy đủ sức mạnh của nhân dân vùng lên từ trong điêu linh, lầm than giành lại nước. Nguyễn Trãi đã “Bữa ăn chỉ có dưa muối” cùng với nhân dân, ông đã tận mắt thấy “dân chúng bốn phương cõng địu nhau mà kéo đến” với nghĩa quân: “Manh lệ chi đổ tứ tập”, Nguyễn Trãi mang nặng Tổ quốc và nhân dân trong trái tim mình, Nguyễn Trãi không chỉ nghĩ về dân, Nguyễn Trãi không chỉ thây vai trò của nhân dân bằng lý trí; ông băn khoăn, thao thức, vì dân. Nhân dân là nỗi xót thương, niềm tin yêu, là sức mạnh cuồn cuộn như nước triều đông, nhân dân là sự định hướng cho toàn bộ tư tưởng của Nguyễn Trãi. Hai vế đầu tiên trong Bình Ngô đại cáo, hai định đề tổng quát của toàn bài, Nguyễn Trãi nói đến dân, hướng về dân: “an dân”, “điếu dân”, và vì “an dân”, “điêu dân" mà phải đánh kẻ có tội và trừ khử bạo ngược. Nguyễn Trãi nói đến nỗi đau khổ của nhân dân bằng những lời văn thống thiết và những hình ảnh cụ thể từ trong đời sống thực của nhân dân, từ những chiếc khung cửi bị bỏ phế đến sưu thuế và tạp dịch nặng nề, đến việc phải làm mồi cho cá mập, thuồng luồng để mò ngọc, phải xông pha lam chướng để đãi vàng. Đó là nỗi thống khổ ngút ngàn của người dân, của những người mà Nguyễn Trãi gọi là “dân mọn các làng”, là người dân trong “thôn cùng xóm vắng” là người đi cày, đi ở.

(…) Trên cơ sở của tư tưởng yêu nước và thân dân, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã chống lại những tín điều cơ bản của tư tưởng Nho giáo truyền thống, lợi khí tư tưởng của chủ nghĩa bành trướng nước lớn trong suốt hàng nghìn năm.

Trước hết, Nguyễn Trãi chống tư tưởng “con trời”, một tín điều quan trọng bậc nhất của Nho giáo. Đối với vua nhà Minh đang tại vị là Tuyên Đức, ông gọi hắn là “giảo đồng” (trẻ ranh, nhãi ranh), lên án hắn là tên đại diện cho những cuồng vọng xâm lược “cùng binh độc vũ”. Nguyễn Trãi chiến đấu cho quyền tồn tại độc lập của đất nước Đại Việt, ngang quyền với các triều đại Trung Quốc “mỗi đằng xưng đế một phương”. Quan hệ thiên tử - chư hầu; quan hệ nước lớn - phiên thuộc…, đã bị Nguyễn Trãi lật nhào một cách vô cùng dũng cảm. Thời bấy giờ, có người Trung Quốc nói rằng ông bị tru di ba họ là vì đã dám gọi vua Minh là “nhãi ranh” đủ biết Nguyễn Trãi đã vì đại nghĩa của dân tộc mà vượt qua cương thường của Nho giáo truyền thống.

Đối với phạm trù trung tâm trong học thuyết Nho giáo là nhân nghĩa bọn xâm lược nhà Minh lợi dụng như một chiêu bài, Nguyễn Trãi đã xé toang bức màn dối trá của nó: “Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng là “điếu dân phạt tội”, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn các làng không được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư?”.
Nhân, nghĩa theo Nguyễn Trãi là yêu nước, cứu nước, cứu dân; “triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân” (Phạm Văn Đồng):

Rút cuộc, đem đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.


Nhân và nghĩa hiểu như thế thì Khổng, Mạnh và toàn bộ Nho giáo chưa bao giờ hiểu. Trong Luận ngữ, gần 150 lần Khổng Tử định nghĩa về chữ nhân chưa bao giờ ông định nghĩa nhân bằng yêu dân, thương nước, Mạnh Tử có tinh thần dân chủ hơn Khổng Tử, ông thống trách các vua chúa đương thời “tranh đất, đánh nhau, giết người đầy đồng, tranh thành đánh nhau, giết người đầy thành” như thời Mạnh Tử là thời theo chính ông, không có “chiến tranh chính nghĩa” (Xuân thu vô nghĩa chiến), nên dù tiến bộ hơn Khổng Tử, ông cũng không thể đem lại cho khái niệm nhân nghĩa một nội dung chân chính như Nguyễn Trãi. Phải có Nguyễn Trãi “trái cây của thời đại mình”, theo lời của Các Mác, hay nói như Phạm Văn Đồng “Nguyễn Trãi đầu đội trời, chân đạp đất Việt Nam”, phải có Nguyễn Trãi của dân tộc Việt Nam ở thời đại đánh thắng bọn cuồng Minh, thì mới vượt qua được những hạn chế của tư tưởng Nho giáo truyền thống mà đi xa được đến thế trên hành trình tư tưởng của mình.

Những đặc sắc trên đây của tư tưởng yêu nước Nguyễn Trãi thể hiện trong Bình Ngô đại cáo đã làm cho nó trở thành đỉnh cao của tư tưởng Nguyễn Trãi. Và nếu như nói văn hay nhờ có tư tương lớn, thì Bình Ngô đại cáo là một áng văn như vậy. Sức mạnh của hùng văn trước hết phải là sức mạnh của tư tưởng, của trí tuệ lớn.
 

***


Tư tưởng và trí tuệ ấy lại được văn chương của Nguyễn Trãi thể hiện để trở thành “hùng văn thiên cổ”.

(…) Văn chương Bình Ngô đại cáo hay đến đâu mà được nhất trí khen tặng như vậy? Nó chứa chất trong nó những nhân tố gì để được gọi là hùng văn? Và tại sao, cho đến tận ngày nay, qua gần sáu thế kỷ, với một sự thụ cảm thẩm mỹ khác người xưa, chúng ta đọc Bình Ngô đại cáo vẫn thấy có cái cảm giác “đọc không chán miệng” của Phạm Đình Hồ, và vẫn nghĩ như Tô Thế Huy: “Hùng văn trong thiên hạ không ai hơn được nữa, đó là sông Giang sông Hán trong các sông và sao Ngưu sao Đẩu trong các sao vậy”).

Trước hết, chính bão táp chiến đấu của toàn dân tộc, của khởi nghĩa Lam Sơn mà Nguyễn Trãi là người ở trung tâm cơn bão táp, đã đem lại nguồn cảm hứng lớn lao cho Nguyễn Trãi, giục giã ông cầm bút viết nên những tư tưởng, những tình cảm cao quý, tổng kết lại những bước đường chiến đấu, những thử thách hiểm nghèo và những đỉnh cao của vinh quang toàn dân tộc. Không có mười năm tham gia chiến đấu, Nguyễn Trãi làm sao có được bút lực và tâm huyết để viết đại cáo bình Ngô? Văn chương không bao giờ, chưa bao giờ chỉ là chuyện chữ nghĩa, mà văn chương, trước hết là tâm huyết của đời sống, ở đây là đời sống chiến đấu của dân tộc. Có cảm tưởng là lúc viết Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã sống lại trong những giờ phút dạt dào cảm hứng ấy toàn bộ cuộc chiến đấu đã qua, và nhờ đó mà cảm hứng của ông như một cánh chim bằng bay lên cao mãi trên ngọn gió lớn của thời đại. Cảm hứng của Bình Ngô đại cáo, do đó, dồi dào đến nỗi đọc xong, người đọc có thể thấy tác giả có dư sức bút, ngọn bút tung hoành, mà vẫn giữ được “nhất khí quán hạ”.

Nhưng cảm hứng về hùng văn trong Bình Ngô đại cáo là sự tiếp nối từ những kiệt tác có tầm quan trọng lịch sử như bài Chiếu dời đô của Lý Công uẩn, như bài thơ Lý Thường Kiệt, bài hịch Trần Hưng Đạo, như những câu thơ “thoái lỗ” của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn… Nguyễn Trãi là nhà văn hóa lớn bậc nhất của nước Đại Việt xưa, người đã được đào tạo trong nền văn hóa Lý - Trần, Nguyễn Trãi đã có một sự kế thừa tất yếu đối với văn hóa dân tộc. Đồng thời, khi viết Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng đã kế thừa chính bản thân mình. Có thể nói, để viết Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trăi có cái “lam bản” là Quân trung từ mệnh tập. Quân trung từ mệnh tập, những bức thư luận chiến với giặc, về cơ bản, cũng là hùng văn. Cảm hứng của những bức thư ấy cũng là cảm hứng về chính nghĩa, về đại nghĩa; những tư tưởng thể hiện trong bức thư ấy là những tư tưởng lớn của thời đại và của nghĩa quân Lam Sơn, bút pháp, hình tượng của những bức thư ấy thật là đa dạng, biến ảo, kỳ diệu! Những hình tượng ấy, những tư tưởng ấy đến Bình Ngô đại cáo thì được nâng lên, được diễn đạt lại, nhưng về đại thể, có thể thấy nhiều ý trong Bình Ngô đại cáo bắt nguồn từ Quân trung từ mệnh tập.

Mặc dù những điều kiện khách quan thuận lợi ấy, vẫn cần phải có bản lĩnh sáng tạo của thiên tài văn học Nguyễn Trãi để biến “khả năng” thành “hiện thực”. Và đây rõ ràng là một trong số những thiên tài văn chương không có nhiều của dân tộc, của cả nhân loại, do một sự kỳ diệu của đời sống và lịch sử, đã trở thành người anh hùng, nhà chiến lược, những lãnh tụ của cuộc chiến tranh giải phóng. Phải có tài năng văn chương của Nguyễn Trãi được ông cha mình - được nền văn hóa dân tộc hun đúc, và được sự dùi mài công phu của bản thân mình - phải có thiên tài văn học của Nguyễn Trãi để làm bật ra được cái hay cái đẹp của “văn chương làm vẻ vang cho nước”.

(…) Bình Ngô đại cáo là một văn bản tổng kết chiến tranh, và sự tổng kết ở đây thật là độc đáo. Nguyễn Trãi đã dựng lại toàn bộ diễn biến của cuộc chiến tranh, từ nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ những ngày mới nổi dậy, trải qua những bước đường chiến đấu đầy gian truân thử thách mà lớn dần lên, có được thế chủ động chiến lược, thế áp đảo quân thù và cuối cùng giành được thắng lợi trọn vẹn. Nghệ thuật miêu tả chiến tranh của Nguyễn Trãi cũng thật là độc đáo. Với một số phương tiện ngôn từ tiết kiệm đến mức tối đa (bài văn gồm 1343 chữ), Nguyễn Trãi đã làm việc thu nhỏ lại toàn cảnh của một cuộc chiến tranh rộng lớn và vô cùng phức tạp mà người đọc vẫn thấy chu tất, tỉ mỉ, có cân nhắc… Nghệ thuật miêu tả các trận đánh cũng rất đa dạng, biến hóa. Có thể nói không trận nào giống trận nào. Từ Bồ Đằng “sấm vang sét dậy”, Trà Lân “trúc chẻ tro bay”, đến Ninh Kiều “máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm”; từ Tốt Động “thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm”, đến Lạng Giang, Xương Giang “thây chất đầy đường”, “máu trôi đỏ nước”, “phong vân phải đổi, nhật nguyệt phải mờ”…, mỗi trận đều được chỉ định một hình tượng riêng, một màu sắc riêng tinh tế. Đặc biệt trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tiêu diệt hai đạo viện binh Liễu Thăng, Mộc Thạnh và giải phóng Đông Quan, đã được Nguyễn Trãi dành cho một sự miêu tả tỉ mỉ hơn, xứng với tầm vóc của nó. Ngày tháng, diễn biến, các sự kiện chính đã được Nguyễn Trãi gợi lại trong một đoạn văn dài gồm 50 câu, một đoạn văn có thể nói là hào hứng nhất của bản văn.

Một trong những đặc điểm về mặt kết cấu Nghệ thuật của Bình Ngô đại cáo là nó có một kết cấu bề sâu theo hai tuyến ta - địch. Đây là tuyến đối lập trong thực tiễn được phản ánh vào trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Trãi và được biểu hiện thành hình tượng. Để nói về ta, Nguyễn Trãi đã dựng lại một cách đầy xúc cảm trữ tình hình ảnh người lãnh tụ cuộc chiến dấu là Lê Lợi; và qua Lê Lợi mà nói lên lòng căm thù quân giặc, nói đến những băn khoăn, đôi lúc có một chút gì như xao xuyến về những ngày gian khổ, thất bại lúc ban đầu và đặc biệt nói đến chiến lược, chiến thuật của khởi nghĩa. Chiến lược đó, chung quy là đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, từ manh lệ cho đến tướng sĩ trong đạo binh “phụ tử”, dưới ngọn cờ “đại nghĩa” và “chí nhân”. Với chí nhân và đại nghĩa, ta đã lớn lên nhanh chóng, cuối cùng chiến thắng kẻ thù, và cũng vì chí nhân và đại nghĩa mà ta đã kết thúc chiến tranh một cách “cực kỳ thâm viễn”, “xưa nay chưa nghe thấy bao giờ”: ta đã tha cho tất cả, từ bọn tướng giặc đầu sỏ đến những tên lính bại trận trốn chui trốn nhũi, bị “người chăn trâu kiếm củi” bắt được và không những tha mà còn cấp cho chúng phương tiện về nước.

Có thể nói trong việc thể hiện nhân vật trữ tình trung tâm của bài cáo là Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã có sự đồng cảm cao độ, đã có một sự hóa thân, nhập thân vào Lê Lợi như thế, thể hiện nhân cách Lê Lợi. Nguyễn Trãi cũng thể hiện cả nhân cách, tâm huyết, chí hướng của mình, về sau, khi viết văn bia Vĩnh Lăng (1433), khi làm những bài Hạ tiệp, Đề kiếm… dầu vẫn một lòng kính yêu Lê Lợi, Nguyễn Trãi không còn có được tình cảm nồng hậu như thế nữa. Vì sao, chúng ta đều đã rõ.

Lời văn của Nguyễn Trãi biết bao hùng tráng, sảng khoái khi nói về ta, thì cũng biết bao căm giận và khinh bỉ khi nói đến kẻ thù. Đó là bọn người mà Nguyễn Trãi gọi là thế thù, là nghịch tặc, bọn cuồng Minh, bọn làm thương nhân bại nghĩa, bọn hung tàn, cường bạo, bọn “cố chấp kỷ kiên”, bọn tham lam, và đặc biệt hèn nhát, tham sống sợ chết, ở đây ta thấy từ chữ dùng cho đến hình tượng nghệ thuật, Nguyễn Trãi đều có suy nghĩ, cân nhắc sao cho vừa khái quát được tâm địa và bản chất của kẻ thù, đồng thời không làm lu mờ những nét cá thể hóa. Từ tên vua đầu sỏ, tên Tuyên Đức, Nguyễn Trải dùng cho nó chữ “giảo đồng” (thằng trẻ con giảo quyệt), đến bọn Liễu Thăng, Mộc Thạnh được dán nhãn hiệu “nhụ tướng” (tướng hèn, tướng nhát); từ tên đô đốc Thôi Tụ “lê gôi dâng tờ tạ tội” đến tên thượng thư Hoàng Phúc “trói tay để tự xin hàng”, rồi đến bọn Vương Thông, Mã Anh, Mã Kỳ, Phương Chính, chúng nó đều một duộc như thế cả; có thể nói là chúng mỗi đứa mỗi vẻ hoàn chỉnh bức chân dung của tướng tá Thiên triều. Sự miêu tả của Nguyễn Trãi có tính chất nghệ thuật nhưng không phải là phóng đại hay ngoa dụ mà dựa trên sự thật lịch sử. Chẳng hạn, Toàn thư chép là “Khi quân Minh bị thua, Phúc bị quân ta bắt được xuống ngựa lạy rạp, quân ta không nỡ giết” (quyển 10); còn bọn Phương Chính, Mã Kỳ trước đây cực kỳ ngoan cố, tàn ác, nay được tha về “đều đến dinh Bồ Đề lạy tạ…, vừa cám ơn vừa xấu hổ đến chảy nước mắt”.

 Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của áng văn này là nhịp điệu của nó. Nhịp điệu hùng văn. Nhịp điệu của sử thi kết hợp với nhịp điệu trữ tình. (…) Bình Ngô đại cáo đã có một nhịp điệu phong phú và điều này giúp rất nhiều vào việc biểu hiện nội dung. Đây là một bài văn viết theo thể tứ lục biến cách, các câu đối nhau và móc xích vào nhau từ đầu đến cuối. Nguyễn Trãi rất sành dùng những từ làm móc xích (cố, khoảnh, nại di, tốt năng…), đó cũng là những chỗ nghỉ ngơi, những chỗ chuyển làn điệu, chuyển bố cục. Nhịp điệu bài văn nổi lên mạnh mẽ hào sảng ngay từ đầu và cứ thế, như những đợt sóng dồn dập, liên tiếp nhau, gối đầu lên nhau cho đến cuối bài. Nhưng đọc kỹ nguyên tác thì thấy để tránh rơi vào đơn điệu, tác giả đã nhiều lần thay đổi nhịp, làm cho nó khi thì trầm lắng, phấn khích, thể hiện sự căm hờn tội ác quân Minh; khi thì hào hùng, dồn dập, sảng khoái… khi nói đến chiến thắng, nói đến lòng tự hào. Để tạo ra được nhịp điệu phong phú như vậy, trong một đoạn, tác giả thay đổi độ dài ngắn của câu. Lấy ví dụ đoạn đầu (…) chỉ trong một đoạn, độ dài ngắn của từng cặp câu đối nhau đã thay đổi đến 6 lần, tức là toàn bộ tiết nhịp của đoạn văn cũng đã được thay đổi. Các đoạn khác, cũng đều như vậy.

Nhạc điệu, từ ngữ, và cả cú pháp nữa đã góp phần tạo cho văn Bình Ngô đại cáo một sự đa dạng mà nhất quán, dứt khoát, mạnh mẽ mà liên tục, xuôi thoát, tạo nên sự truyền cảm, sự lôi cuốn, tạo nên sự khẳng khái, sự mãnh liệt, tạo nên “áng văn hùng tráng của muôn đời” 

Mai Quốc Liên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây