© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

“Cảnh mùa xuân” là một bài thơ xuân cổ tuyệt hay của vua Trần Nhân Tông. Em hãy phân tích bài thơ ấy.

Thứ sáu - 13/01/2017 03:58
Trần Nhân Tông (1258-1308) là ông vua anh hùng dã cùng Trần Quốc Tuấn lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Ông còn là một anh hùng - thi sĩ. Có những câu thơ như tiếng vọng thần kỳ của sông núi thiêng liêng.
 
“Xã tắc hay phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng”
 
Thơ của ông viết đều bằng chữ Hán. Những bài thơ của ông như: “buổi sớm mùa
xuân “, “Cảnh mùa xuân”, “trăng” là những bài thơ hay nhất biểu lộ một hồn thơ đẹp.
 
Cảnh mùa xuân
Chim hót véo von liễu nở đầy,
Thềm hoa chiều ảnh bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân sự,
Chỉ tựa bao lơn đứng ngắm trời
 
Bài thơ miêu tả cảnh mùa xuân đẹp, ca ngợi đất nước yên vui thanh bình. Hai câu đầu tả cảnh mùa xuân đẹp:
 
“Chim hót véo von liễu nở đầy
Thêm hoa chiều ảnh bóng mây bay”,
 
Bốn nét châm phá, bốn thi liệu chọn lọc, chim hót, liễu nở, bóng nắng chiếu vào thềm hoa (ngọc) cung điện mây Trời. Tả ít mà gợi nhiều. Nhà thơ đang đứng ở lan can bao lơn) cung điện say mê ngắm cảnh đẹp. Tiếng chim hót véo von. Một chiều xuân tưng bừng. Những cây liễu xanh biếc thướt tha, búp liễu trắng nõn đẹp lắm. Sau này trong truyện Kiều Nguyễn Du cũng viết: “Lơ thơ tơ liễu buông mành “, Trần Nhân Tông tả cây liễu mang vẻ đẹp và sức sống mùa xuân qua hình ảnh hàm súc, gợi cảm: “liễu nở đầy”.
 
Bóng chiều vàng nhạt chiếu xuống thềm ngọc điện của nhà vua, thềm ngọc trở thành “thềm hoa” óng ánh sắc màu lộng lẫy; ánh chiều êm dịu làm đẹp thêm thềm ngọc. Câu thơ vừa thực vừa mộng.
 
Cảnh buổi chiều thêm đẹp, những áng mây nhởn nhơ bay qua bầu Trời. Chắc là bầu Trời xanh cao, mây trắng, vàng... lơ lửng bay theo chiều gió nhẹ.
 
Cảnh đẹp nên thơ. Tâm hồn thanh cao của thi sĩ đang giao cảm với mùa xuân, với đất Trời. Đó là một buổi chiều xuân đất nước đang sống yên vui thanh bình.
Hai câu cuối, tác giả mượn “khách “để nói đến cảnh:
 
“Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân sự
Chỉ tựa bao lơn đứng ngắm trời”
 
“Khách “ở dây có thể là một vị quan to trong triều đến yết kiến vua để bàn quốc sự. Cũng có thể là một tao nhân mặc khách đến để bàn luận văn chương thơ phú? “Khách “cũng có thể là nhân vật trữ tình - nhà vua - thi sĩ? Trần Nhân Tông đã
sử dụng biện pháp nghệ thuật thậm xưng trong miêu tả.
 
Người ta thường nói “đẹp mê hồn”, “đẹp say đắm lòng người”... Khách đến với vua đã quên hết nhân sự” chẳng hỏi chuyện nhân sự mà “chỉ tựa bao lơn đứng ngắm Trời”. Nhà thơ đã lấy khách để nói lên cảm xúc của mình trước cảnh đẹp.
 
Trần Nhân Tông yêu quê hương đất nước sâu nặng lắm. Tình yêu ấy đã biến hành quyết tâm, hành động “Sát Thát”, làm rạng rỡ Tổ quốc Đại Việt. Tình yêu ấy được diễn tả và gửi gắm trong nhiều vần thơ nói về thiên nhiên, về mùa xuân:
 
- ... “Song song đôi bướm trắng
Phấp phới sấn hoa bay”.
(Buổi sớm mùa xuân)
 
- “Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt,
Trên chùm hoa mộc, nguyệt lồng gương.”
(Trăng)
 
- “Theo lời kèn mục trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
(Thiên Trường vãn vọng)
 
“Cảnh mùa xuân “là một bài thơ xuân cổ kính, hoa lệ. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, bút pháp miêu tả thoáng mà đầy ấn tượng, chỉ phác hoạ một vài nét mà vẫn làm nổi bật cái hồn cảnh vật. Thi pháp cổ được vận dụng thần tình sáng tạo.
 
Tình yêu thiên nhiên, yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Đó là hồn thơ của Trần Nhân Tông. Thơ xuân của Trần Nhân Tông gợi nhiều bâng khuâng và man mác, đậm và ý vị. Tâm hồn nhà thơ trẻ đẹp mãi với mùa xuân của non nước muôn đời.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây