© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Chứng minh câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim

Thứ hai - 11/02/2019 10:56
Trong cuộc sống, làm bất cứ việc gì nếu vội vàng hấp tấp ta thường bị hỏng việc. Trái lại, nếu cố gắng, bền bỉ, kiên trì thì dù việc đó có khó khăn đến đâu ta cũng có thể hoàn thành. Cũng chính vì thế, nên tục ngữ có câu: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Để khuyên dạy con cháu.
Đọc câu tục ngữ, trước tiên ta gặp nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của câu tục ngữ. Một thanh sắt thô sơ, cứng cáp, ngày này qua ngày khác thanh sắt đó được mài, mài mãi… cho đến mọt ngày nào đó thanh sắt đó sẽ trở thành một cây kim bé nhỏ, tiện dụng. Mài sắt thành kim, mới nghĩ như vậy, nhiều người đã ngại ngùng vì thấy công việc này tưởng như khó khăn không thể làm nổi. Song có người lại không nghĩ như vậy. Họ bỏ ra nhiều công sức, nhỏ không ít giọt mồ hôi mài đi mài lại để cuối cùng thanh sắt thành cây kim. Cho nên cây kim dù nhỏ bé, không đáng gì nhưng nó lại là thành quả của lòng kiên trì, nhẫn nại.

Bên cạnh nghĩa đen trên, c6au tục ngữ còn có nghĩa bóng. Đó là một lời khuyên, một bài học mà ông cha ta từ ngàn đời truyền lại cho con cháu: có sự kiên nhẫn, có quyết tâm cao, thì việc gì dù khó đến đâu cũng có thể làm xong.

Có biết bao tấm gương đã chứng minh điều đó.

Vào thời vua Trần Thái Tông, Nguyễn Hiền người làng Dương Miện, tỉnh Hà Nam. Nhà nghèo quá ông phải đi chăn trâu cho một phú ông. Phú ông có nuôi một ông thầy để dạy học cho các con. Là người hiếu học thông minh, cậu bé chăn trâu Nguyễn Hiền chỉ nhìn trộm học lén qua cách dạy đó. Ông đã chịu khó học khi ở trên lưng trâu, lúc bên cối xay lúa ... Có lần ông nói với mẹ: Mặt đất dưới chân con là giấy, cành cây trên đầu con là bút của con. Nhờ chăm chỉ, kiên trì học tập, Nguyễn Hiền đã đỗ trạng nguyên lúc còn nhỏ tuổi. Còn tấm gương luyện chữ của Nguyễn Văn Siêu vẫn là bài học nhắc nhở chúng ta phải rèn luyện ý chí, nghị lực. Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng học giỏi, văn hay nhưng khi đến khi đi thi, do viết chữ quá xấu Thần Siêu bị đánh tụt xuống hàng thứ hai trong bảng cử nhân. Khi đi thi tiến sĩ, cũng do chữ xấu ông chỉ được xếp trúng trong bảng phụ. Ông thấy rõ tác hại của việc chữ xấu nên đã về nhà ngày đêm khổ công tập viết. Cuối cùng chữ của ông đẹp nổi tiếng như lời văn hay. Ngày nay, bút tích ghi lại nét chữ đẹp của ông còn lưu lại ở đền Ngọc Sơn Hà Nội, được nhiều người chiêm ngưỡng và bái phục.

Mạc Đĩnh Chi, con nhà nghèo, ban ngày còn phải làm kiếm sống chỉ tối đến mới có thời gian học tập. Nhưng không có tiền mua dầu thắp đèn, cậu bé họ Mạc phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng rồi soi lên trang sách mà đọc chữ. Với ngọn đèn đom đóm ấy, cậu bé miệt mài học tập và đến khoa thi năm 1304 cậu đã thi đỗ trạng nguyên rồi trở thành một vị quan có tài năng lớn trong triều nhà Trần.

Gần gũi với chúng ta là tấm gương sáng của Bác Hồ. Bác đã quyết chí đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ. Ở nơi đất khách quê người, Bác đã làm mọi việc để kiếm sống và làm cách mạng: lúc làm phụ bếp trên tàu thuỷ, khi làm người cào tuyết giữa mùa đông lạnh giá ở Luân Đôn…

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

(Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của nước)

Vượt qua bao khó khăn gian khổ, Bác đã tìm ra con đường cứu nước và đưa dân tộc ta, đất nước ta làm cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi, giành lại độc lập, tự do.

Trong lao động sản xuất, tấm gương của tiến sĩ Lương Đình Của là một bằng chứng hùng hồn về sự say mê khoa học, đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào cuộc sống. Để lai tạo thành công giống lúa mới có năng suất cao, không sâu rầy, ông phải làm việc vô cùng vất vả, khó nhọc. Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, ông đã ra ruộng để quan sát, thử nghiệm ... mãi cho đến tối mịt mới về. Ông bám ruộng đồng liên tiếp và phải vài ba vụ mới hoàn chỉnh một đợt nghiên cứu, thể nghiệm. Hết đợt này đến đợt khác ... Công sức của ông đổ ra để thể hiện một quyết tâm là mang lại no ấm hạnh phúc cho con người, sự phồn vinh cho xã hội.

Nhìn ra nước ngoài ta thấy nhà khoa học nổi tiếng Niutơn, là một tấm gương kiên trì về học tập và nghiên cứu. Sinh ra trong một gia đình nông thôn ở nước Anh, mãi đến năm 12 tuổi mới được ra thành phố học tập và kết quả học tập năm đầu chỉ đạt mức trung bình. Đến cuối năm thứ hai, cậu bị một anh bạn học giỏi nhất lớp bắt nạt. Cậu tức quá, quyết tâm học giỏi hơn anh ta để trả thù. Sau đó cậu say mê làm việc, miệt mài đọc sách và trở nên giỏi nhất lớp. Năm 16 tuổi, Niutơn phải nghỉ học về quê sống với mẹ. Bà mẹ muốn hướng cậu vào công việc làm ăn nhưng cậu lại chẳng thiết tha mà chỉ chăm chú đọc sách. Năm sau, nhờ sự góp ý của ông chú, bà mẹ cậu lại cho cậu vào đại học. Ở đấy Niutơn đã bỏ hết thời gian vào việc nghiên cứu học tập và cuối cùng ông đã trở thành một nhà bác học vĩ đại của thế giới.

Lui Paxtơ cũng là một nhà khoa học nổi tiếng nhưng khi đi học phổ thông, ông chỉ là một học sinh trung bình. Xếp hạng môn hoá ông đứng thứ 15 trong tổng số 22 học sinh của lớp. Nhưng sau này nhờ kiên trì tự học, tìm tòi, thí nghiệm và nghiên cứu ông đã trở thành một nhà bác học lớn của nhân loại, có công phát minh ra thuốc chữa bệnh chó dại cứu sống hàng triệu người trên trái đất.

Qua một vài tấm gương tiêu biểu trên đây, ta có thể rát ra kết luận: chỉ có kiên trì, nhẫn nại, bền lòng, quyết chí, con người mới có thể làm nên sự nghiệp giống như người bền bỉ mài mãi một miếng sắt để làm nên vây kim. Nếu thiếu sự kiên trì, bền chí thì mỗi người chúng ta làm sao có thể vượt qua trăm ngàn trở ngại luôn chắn ngang con đường đi tới của mình? Sự nản chí, thiếu nhẫn nại, vững lòng chỉ dẫn tới đầu hàng và thất bại.

Tóm lại, điều mà câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim muốn nhắn ngủ mọi người là quá đúng đắn và xác thực. Chính là từ rất nhiều kinh nghiệm sống mà nhân dân ta đã đúc kết nên câu tục ngữ trên. Mỗi chúng ta có thể ngẫm nghĩ về câu tục ngữ và xem đó là một bài học rất quý giá giúp ta trau dồi ý chí nhằm vươn tới, tiến lên.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây