© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý chi tiết: Phân tích tác phẩm "Bình Ngô đại cáo"

Thứ năm - 21/03/2019 12:28
Bình Ngô đại cáo là một văn bản tổng kết chiến tranh, và sự tổng kết ở đây thật là độc đáo… Nghệ thuật miêu tả chiến tranh của Nguyễn Trãi cũng thật là độc đáo. Với một số phương tiện ngôn từ tiết kiệm đến mức tối đa (bài văn gồm 1343 chữ), Nguyễn Trãi đã làm việc thu nhỏ lại toàn cảnh một cuộc chiến tranh rộng lớn và vô cùng phức tạp mà người đọc vẫn thấy chu tất, tỉ mỉ...
I. GIỚI THIỆU
1. Hoàn cảnh ra đời

Sau khi quân Minh bị đánh đuổi khỏi nước ta, đầu năm 1428, Nguyễn Trãi vâng lệnh Lê Lợi viết bài cáo này để công bố trước toàn dân.

2. Thể loại
Thể cáo, được viết theo lối văn biền ngẫu, thuộc loại văn chính luận, có mục đích tuyên bố, tuyên ngôn.

3. Bố cục
(1) Nêu chính nghĩa của cuộc kháng chiến.
(2) Tố cáo tội ác của giặc.
(3) Lược thuật quá trình kháng chiến:
- Buổi đầu gian khổ.
- Chiến thắng vang dội.
(4) Tuyên bố hòa bình độc lập.

4. Đại ý
Nêu lập trường chính nghĩa, tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh vô cùng gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới cho nước nhà.

5. Chủ đề
Ca ngợi tinh thần độc lập tự cường, niềm tự hào dân tộc trước thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.

II. PHÂN TÍCH
A. Nêu chính nghĩa của cuộc kháng chiến

Lập luận chặt chẽ, từng đôi vế câu biền ngẫu đối nhau thật chỉnh, giọng văn hùng hồn, đoạn đầu của bài cáo toát lên niềm tự hào dân tộc, tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng bình đẳng dân tộc.

1. Tư tưởng nhân nghĩa
- Nhân thể hiện bởi hành động chăm lo đời sống nhân dân được an vui; nghĩa thể hiện bàng hành động diệt lũ bạo ngược để an dân:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân;
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

- Tư tưởng nhân nghĩa ở đây có thể được tóm tắt: xuất phát từ (tư tưởng) nhân nghĩa, ta nhắm (mục đích) yên dân, vì muôn yên dân, ta phải (hành động) trừ bạo. Cho nên thực hiện việc nhân nghĩa cốt nhằm mục đích duy nhất là làm cho nhân dân được sống an vui hạnh phúc. Vì thương dân (điếu) đang bị giặc dày xéo mà ta khởi binh đánh dẹp (phạt) để diệt (trừ) lũ hung bạo (bạo).

2. Tư tưởng bình đẳng dân tộc
- Thể hiện tư cách độc lập dân tộc của nước ta đối với Trung Quốc.
- Khẳng định sự bình đẳng dân tộc của một đất nước có nền văn hiến lâu đời, có truyền thống bất khuất chống xâm lược:
Nước Đại Việt ta từ trước
……
Song hào kiệt đời nào củng có.

- Dẫn chứng bằng những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
……
Sông Bạch Đàng giết tươi Ô Mã.


B. Tố cáo tội ác của giặc
1. Kể tội ác của giặc Minh xâm lược
- Lừa dối nhân dân dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”:
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa;
- Bóc lột thuế khóa nặng nề:
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
- Đày đọa phu dịch:
Nặng nề những nỗi phu phen;
- Bắt dâng nạp của quý:
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng;

Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
- Phá hoại đời sống nhân dân:
Tan tác cả nghề canh cửi.
- Khủng bố, tàn sát dã man:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn;
- Cuối cùng, tổng kết tội ác của giặc:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội;
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi.

2. Thái độ căm thù
- Miêu tả quân giặc như một bầy dã thú:
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,
- Lên án chúng:
Lẽ nào trời đất dung tha;
Ai bảo thần dân chịu được.

3. Lập trường tố cáo
Tố cáo tội ác của giặc trên lập trường nhân dân - những người lao động bình thường: dân đen, con đỏ, phu phen, canh cửi…

C. Lược thuật quá trình kháng chiến
1. Buổi đầu gian khổ

(1) Phẩm chất của người lãnh đạo:
- Căm thù giặc sâu sắc:
Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giận nước thề không cùng sống.
- Tận tâm tận lực suy tính đại sự: nếm mật, nằm gai, trằn trọc, băn khoăn, phần thì giận, phần thì lo…

(2) Những khó khăn, gian khổ của buổi đầu cuộc khởi nghĩa:
- Binh lực yếu kém, có khi lương cạn, quân tan:
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Khi Khôi Huyện quân không một đội.
- Nhân tài hiếm hoi:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu.

(3) Phương lược chiến đấu:
- Chiến lược kháng chiến trường kỳ, đoàn kết quân dân:
Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới, Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
- Chiến thuật du kích, chú trọng mưu cơ hơn là binh lực:
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.

2. Chiến thắng vang dội
(1) Quá trình phản công rồi tiến công giặc gồm hai đợt:

(a) từ Thanh Nghệ đánh ra, bao vây Đông Quan,
(b) tiêu diệt viện quân Liễu Thăng, Mộc Thạnh và Vương Thông phải cầu hòa.
- Ta quyết tâm:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Cho nên trong đợt phản công, ta sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh, còn giặc mất vía, nín thở, ta hăng lại càng hăng, còn giặc thì trí cùng lực kiệt, ta mưu phạt tâm công, còn giặc thì thay lòng đổi dạ.
- Đợt tiến công càng tỏ rõ thế tất thắng của nghĩa quân: gươm mài đá, voi uống nước, nổi gió to, thông tổ kiến, ào ạt đến núi cũng mòn, sông phải cạn. Còn giặc hiện rõ thế bại vong: chủ tướng thất thế cụt đầu, tướng lãnh tử vong tự vẫn, tạ tội, xin hàng… ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
- Đoạn văn đã diễn tả những chiến thắng lừng lẫy, liên tục với khí thế vũ bão của nghĩa quân: Đợt phản công với chiến trận: Bồ Đằng, Trà Lân, Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động… Chiến thắng ngày càng dồn dập, vang dội: Chi Lăng, Mã Yên, Lạng Giang, Lạng Sơn, Xương Giang, Bình Than, Lê Hoa, Cần Trạm, Đan Xá.
- Câu văn biền ngẫu ngắn gọn, từng vế đối nhau chan chát, điệu văn gấp, tả cảnh xung sát dũng mãnh của nghĩa quân. Nhiều thành ngữ gợi hình ảnh được sử dụng, lối so sánh cường điệu nhấn mạnh bản chất của sự kiện… Tất cả đã tạo thành một bức tranh chiến trận hào hùng và cực kỳ sinh động.

(2) Giặc thất bại thảm hại: sạch không kình ngạc, tan tác chim muông, sạch lá khô, toang đê vỡ…
- Giặc tử vong nhiều không đếm xuể: máu chảv thành sông, thây chất đầy nội, thây chết đầy đường, máu trôi đỏ nước…
- Tướng giặc chạy trốn thục mạng hoặc đầu hàng nhục nhã. Hình ảnh bọn giặc:
Trần Tri, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
Lý An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân.
Hoặc chúng đã phải bêu đầu, cũng đành bỏ mạng hoặc lê gối trói tay, hoặc sợ bóng mà vỡ mật, xéo lên nhau để chạy thoát thân, hoặc như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng… đã trở thành những bức tranh ngàn đời bêu riếu bộ mặt đê hèn của bọn xâm lược.
- Đoạn văn còn thể hiện thái độ sảng khoái đến cao độ, khi tường thuật những chiến công lẫy lừng của ta, khi miệt thị giặc, kể cả bọn vua quan nhà Minh, thằng nhãi con Tuyên Đức, đồ nhút nhát Thạnh, Thăng…

(3) Với tinh thần nhân đạo (thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh) và duy trì hòa bình lâu dài (để nhân dân nghỉ sức), sau khi uy thế quân sự của giặc bị đập tan (họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng) ta đã tha chết và cho chúng về nước. Tiết tấu từng vế câu biền ngẫu toát lên tinh thần đại nghĩa chí nhân, tầm nhìn chính trị và phong thái đường hoàng của người chiến thắng.

D. Tuyên bố hòa bình, độc lập
Đã chấm dứt một giai đoạn chiến tranh và mở ra một thời kỳ thanh bình, xây dựng đất nước:
Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm,
Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn,
Nhịp điệu câu văn trở nên khoan thai, diễn tả tâm trạng sảng khoái, tự hào.

III. KẾT LUẬN
Bình Ngô đại cáo đã thể hiện trọn vẹn truyền thống bất khuất chống xâm lược, tinh thần anh dũng quyết chiến, quyết thắng giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nội dung này được thể hiện bằng nghệ thuật diễn đạt thật đặc sắc: bố cục logic theo quan hệ nhân quả, yếu tố trữ tình phát triển cao thành hơi văn của sử thi, văn pháp điêu luyện, giàu hình tượng, đầy sức biểu cảm.
Bình Ngô đại cáo xứng đáng là một “thiên cổ hùng văn”, được xem là một bản tuyên ngôn độc lập của nước ta.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây