© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Có người cho rằng sự ham muốn vô độ về tiền bạc dễ dẫn con người đến chỗ sa đoạ tâm hồn. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Có thể rút ra bài học gì cho bản thân?

Thứ sáu - 16/06/2017 00:07
Dàn ý chi tiết đề bài: Có người cho rằng sự ham muốn vô độ về tiền bạc dễ dẫn con người đến chỗ sa đoạ tâm hồn. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Có thể rút ra bài học gì cho bản thân?

I. Mở bài

- Một câu châm ngôn phương Tây từng nhắc nhở ta: “Tiền bạc không tạo ra hạnh phúc, mà chỉ góp phần vào hạnh phúc” (Largent ne íầit pas le bonheur, mais y contribue).

- Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, một số người vẫn mưu cầu sung sướng, hạnh phúc bằng bất cứ hành động nào, bất chấp thủ đoạn để kiếm thật nhiều tiền. Họ cho rằng có tiền sẽ có được mọi thứ, kể cả hạnh phúc, mà không ý thức được rằng “sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy họ vào chỗ sa đọa tâm hồn”.

- Ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu nói trên, từ đó rút ra bài học cho bản thân.

II. Thân bài

A. GIẢI THÍCH

1. Từ xưa con người đã nhận rõ giá trị vạn năng của đồng tiền. Có tiền là có thể chiếm hữu mọi thứ tài sản, quyền thế, địa vị, nhất là trong xã hội có giai cấp. Tiền bạc làm thỏa mãn lòng ham muốn của con người: Có tiền mua tiên cũng được.

2. Cuộc sống hiện tại đặt ra nhiều nhu cầu cá nhân cho con người. Cho nên, thay vì nhận thức đúng đắn giá trị của tiền bạc, một số người cho rằng phải kiếm thật nhiều tiền để thõa mãn mọi tiện nghi đời sống vật chất. Do quan niệm sai lầm đó về hạnh phúc, họ sinh lòng ham muốn vô độ về tiền bạc.

3. Sự thèm muốn vô độ đó sữ đẩy con người vào chỗ sa đọa tâm hồn.

- Bị tiền bạc ám ảnh, người ta phải tiêu phí quá đáng công sức, thì giờ, quay cuồng đầu óc vì chuyện kiếm tiền. Sự ham muốn ích kỉ nào cùng làm cho người ta khổ sở, nhất là sự ham muốn vô độ.

- Tiền bạc có thể làm cho con người dễ tráo trở:

Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,

Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Quên cả nhân nghĩa:

Tiền tài hai chữ, son khuyên ngược

Nhân nghĩa đôi đường, nước chảy xuôi.

(Nguyễn Công Trứ)

Đôi khi trở nên tàn nhẫn, độc ác:

Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

(Truyện Kiều)

B. BÀI HỌC

1. Cần nhận thức đúng đắn về giá trị đồng tiền

- Tiền bạc chỉ có giá trị như một phương tiện đảm bảo cuộc sống của ta được ấm no, hạnh phúc.

- Đừng để tiền bạc phi nghĩa trở thành ông chủ sai khiến ta làm chuyện bất nhân, hại người, dày vò, áp bức ta, biến ta thành một tên nô lệ.

2. Cần quan niệm đúng đắn về hạnh phúc và cuộc sống

- Hạnh phúc không phải la sự thỏa mãn mọi ham muốn cá nhân một cách ích kỉ. Hạnh phúc chính là sự thỏa mãn lâu dài những ước mơ, lí tưởng cao đẹp về cuộc sống hạnh phúc của ta và mọi người chung quanh, của đồng bào ta...

- Con người, ngoài tài sản vật chất do lao động chân chính tạo ra, còn có những bảo vật tinh thần: một tâm hồn trong sáng, một nhân cách thanh cao, niềm say mê lao động phục vụ xã hội, đất nước... Những thứ này không thể nào mua được bằng tiền bạc.

III. Kết bài

- Khẳng định giá trị câu nói ở đề bài.

- Vận dụng bài học vào cuộc sống.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây