© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Một số sáng tác của Nam Cao, đặc biệt là ở đề tài tiểu tư sản, đã mang đến cho chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực những yếu tố mới mẻ, độc đáo.

Thứ sáu - 02/06/2017 00:15
Dàn ý chi tiết đề bài: Trong bài “Chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ, độc đáo của Nam Cao – Sự ý thức về cá nhân”, ! Hà Bình Trị có viết: “... Một số sáng tác của Nam Cao, đặc biệt là ở đề tài tiểu tư sản, đã mang đến cho chủ nghĩa nhân đạo trong trào lưu văn học hiện thực những yếu tố mới mẻ, độc đáo... Trong đó, điều cốt lõi nhất là ý thức về giá trị sự sống, là ý thức về cá nhân”. (Tạp chí Văn học - số tháng Sáu - 1996, tr.45). Hãy bình luận ý kiến trên.
YÊU CẦU
 
- Thể loại

Kiểu bài bình luận văn học, cụ thể là bình luận về khía cạnh nội dung của tác phẩm văn học.
 
- Nội dung
 
Sáng tác của Nam Cao đóng góp cho chủ nghĩa nhân đạo: ý thức về giá trị sự sống, ý thức về cá nhân.
 
GỢI Ý
                                      
- Phân tích một số sáng tác của Nam Cao viết về đề tài người trí thức tiểu tư sản nghèo trước Cách mạng tháng Tám 1945 để bình luận.
 
- Thân bài gồm hai đoạn chính: bình và luận.
 
A. BÌNH
 
- Trong văn học giai đoạn 1930 - 1945, Nam Cao đã phát huy tinh thần nhân đạo trong các tác phẩm của các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng... Điều ấy được thể hiện rất rõ qua các sáng tác về đề tài người nông dân nghèo, ở đây, Nam Cao không chỉ xót thương cho những kiếp người bất hạnh, nghèo đói bị tha hóa mà còn trân trọng phát triển phẩm chất tốt đẹp của những nhân vật khốn khổ này.
 
Mặt khác, với những tác phẩm viết về đề tài về người trí thức tiểu tư sản nghèo, nhà văn đã thể hiện một quan niệm đầy đủ hơn, toàn diện về con người, sự phát triển của con người, về giá trị của sự sống. Đó là những yếu tố mới mẻ, độc đáo trong chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao.
 
- Phân tích các nhân vật (Hộ - Đời thừa, Điền - Trăng sáng, Thứ - Sống mòn...) để làm sáng tỏ hai vấn đề sau.
 
1. Các nhân vật trong các tác phẩm của Nam Cao về đề tài người trí thức tiểu tư sản nghèo luôn có ý thức về giá trị của sự sống.
 
- Sống phải có lí tưởng cao đẹp, có tình yêu thương đồng loại, phải có văn hỏa, có 'cảm giác và tư tưởng.
 
- Không chấp nhận lối sống mòn đáng thương, đáng sợ, không xứng đáng với cuộc sống con người. Không chấp nhận sống chỉ như một tồn tại sinh học.
 
- Sống phải làm việc, phải biết tôn trọng người khác và phải biết tôn trọng chính bản thân mình.

Từ quan niệm sống nêu trên, Nam Cao nghiêm khắc phê phán cái xã hội thù địch với con người, đẩy họ vào tình cảnh “chết mòn” không lối thoát. Đó là khía cạnh nối bật trong chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn.
 
2. Các nhân vật người trí thức tiểu tư sản nghèo của Nam Cao luôn có ý thức về cá nhân, về cuộc sống của cá nhân.
 
- Cuộc sống là những cái gì tốt đẹp của cá nhân con người được khẳng định và có điều kiện thuận lợi để phát triển.
 
- Mỗi cá nhân phải sống có lí tưởng, hoài bão, cũng có nghĩa là cá nhân con người phải được khẳng định trước cuộc đời.
 
- Muốn tự khẳng định, cá nhân phải được phát triển và sự phát triển của cá nhân phải góp phần vào sự tiến bộ chung của xã hội. Khi chết phải để lại cái gì đó cho nhân loại.
 
- Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, mỗi người phải tự ý thức về cá nhân của mình.
 
- Những người trí thức nghèo trong tác phẩm của Nam Cao không chỉ khổ sở vì nghèo đói, cùng quẫn mà điều quan trọng hơn là vì nghèo đói, cùng quẩn nên không được sống một cuộc sống đàng hoàng với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của nó, không có được một sự nghiệp để vừa nâng cao giá trị sự sống của bản thân, vừa đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển xã hội. Đó chính là tình trạng “sống mòn - chết mòn” của người tri thức nghèo trong xã hội cũ.
 
Chính từ những quan niệm sâu sắc trên, các nhân vật trí thức nghèo của Nam Cao đã thể hiện nỗi đau đớn (Hộ, Điền, Thư...), vì không thể nào phát triển khả năng mà mình vốn có.
 
Từ đó, ta thấy Nam Cao không chỉ yêu thương, trân trọng con người mà ông còn yêu cầu rất cao về con người đó họ có thể phát triển những gì cao đẹp nhất. Đây là nội dung quan trọng nhất trong chủ nghĩa nhân đạo của tác giả.
 
B. LUẬN
 
Những quan niệm về cuộc sống của các nhân vật trí thức trong tác phẩm của Nam Cao bao gồm:
 
1. Đặt ra vấn đề cá nhân, nói lên niềm khao khát của cá nhân là muốn khẳng định sự tồn tại của mình trước cuộc đời. Đây là khía cạnh mới mẻ trong chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao, chưa từng được đặt ra ở bất kì cây bút hiện thực nào trước đó.
2. Khi Nam Cao yêu cầu con người phải được khẳng định, phai được phát triển tột độ, chính là nhà văn đã nói lên tư tưởng khẳng định cái tôi, sự phát triển của cá nhân.
 
3. Qua nhân vật người trí thức, Nam Cao đã đặt ra vấn đề cá nhân một cách trực diện và quyết liệt. Nó không chỉ thể hiện “khát vọng thành thật” (Hoài Thanh) tức là được sống là mình, mà còn thể hiện khát vọng được sống đầy đủ cuộc sống tinh thần của cá nhân. Từ vấn đề này, ta thấy Nam Cao có sự gặp gỡ với văn học lãng mạn (so với một số các tác phẩm văn học lãng mạn của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân...).
 
4. Tuy nhiên, ý thức cá nhân của các nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao có những nét khác với ý thức cá nhân trong văn học lãng mạn: luôn hướng về xã hội. hướng tới cộng đồng, luôn gắn với tinh thần vị tha, nguyên tắc sống bằng tình thương mà bao trùm là gắn với tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Còn ý thức cá nhân trong văn học lãng mạn có phần thiên về cá nhân mà thôi.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây