© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã định nghĩa đất nước như thế nào qua đoạn thơ sau đây: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi!...Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.”

Thứ bảy - 01/07/2017 06:55
Dàn ý chi tiết đề bài: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã định nghĩa đất nước như thế nào qua đoạn thơ sau đây: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi!...Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.”

I. Mở bài

- Đất nước là nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác văn học, đặc biệt là trong thơ ca hiện đại. Một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời kì chống Mĩ là Nguyễn Khoa Điềm. Ông đã thể hiện những cảm nhận và suy nghĩ của mình về đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng. Hai mươi chín dòng thư đầu có thể xem như một số định nghĩa về đất nước qua những hình tượng cụ thể, sinh động, gợi cảm, với giọng thơ sôi nổi, thiết tha (ghi lại đoạn thơ đề bài).

II. Thân bài

Hình ảnh đất nước trong đoạn thơ muôn màu muôn vẻ, sinh động lạ thường, lắng đọng trong tâm tưởng qua những liên tưởng kì thú. Ý nghĩa về đất nước được nhà thơ diễn đạt qua chiều dài của thời gian - đất nước đã có từ lâu đời - và qua chiều rộng của không gian - đất nước là cội nguồn của dân tộc.

A. ĐẤT NƯỚC ĐÃ CÓ TỪ LÂU ĐỜI

1. Không định nghĩa bằng những sử liệu, những khái niệm trừu tượng, nhưng nhà thơ đã giúp ta cảm nhận ý nghĩa đất nước bằng những điều thật cụ thể, thân thuộc, bình dị. Đất Nước dù có từ ngày đó... qua Sự tích trầu cau, qua truyền thuyết Thánh Gióng:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Sự tích trầu cau biểu hiện tình vợ chồng, nghĩa anh em thủy chung, gắn bó. Truyện Thánh Gióng thể hiện tinh thần bất khuất chống xâm lược của dân tộc ta từ thời dựng nước. Qua lời kể của người mẹ thân yêu, tuổi thơ ta thấm nhuần những tình cảm đầu đời về đất nước thân yêu.

2. Đất nước còn hình thành những mĩ tục thuần phong. Hình ảnh:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

gợi lại cội nguồn dân tộc là một trong những nét đặc thù của văn hóa Việt Nam không bao giờ bị ngoại lai, dù phải trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc.

Đất nước cũng hình thành từ lối sống giàu tình nặng nghĩa:

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Gợi nhớ từ câu ca dao:

Tay nâng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau.

3. Theo tiến trình phát triển, dân tộc ta tiến lên nền văn minh nông nghiệp, từ việc xây dựng mái nhà che mưa trú nắng:

Cái kèo, cái cột thành tên

đến cuộc sống lao động nông nghiệp vất vả để lo cái ăn:

Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng,
Đất Nước có từ ngày đó...

4. Ý thơ chợt quay về hiện thực đời thường thật cụ thể, gắn gửi, gắn bó với mỗi người của chúng ta:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm

Đó cũng là nơi khác ghi những kỉ niệm riêng tư thơ mộng tuyệt vời:

Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

5. Đất nước còn là giang sơn yêu quý qua làn điệu dân ca trữ tình:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

B. ĐẤT NƯỚC LÀ CỘI NGUỒN CỦA DÂN TỘC

1. Cùng với thời gian đằng đẵng, hình ảnh đất nước còn trải rộng trong không gian mênh mông, nơi phát sinh và phát triển của cộng đồng dân Việt từ thuở sơ khai qua truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên:

Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào từ trong bọc trứng

2. Cho nên đất nước luôn tiềm tàng mối quan hệ máu thịt giữa các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai:

Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Và con cháu mai sau.

Tất cả đều ý thức một cách sâu sắc về nguồn gốc tổ tiên, không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc:

Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.

Tất cả đoàn kết thành một khối, cùng vun đắp và phát triển cho Đất Nước vẹn tròn, to lớn.

III. Kết bài

Nguyễn Khoa Điềm đã nêu những định nghĩa đa dạng, phong phú về đất nước, từ chiều sâu của văn hóa dân tộc, xuyên suốt chiều dài của thời gian lịch sử đến chiều rộng của không gian đất nước.

Nhà thơ cũng vận dụng rộng rãi các chất liệu văn hóa dân gian, từ ca dao, dân ca đến các truyền thuyết lịch sử, từ phong tục, tập quán đến sinh hoạt, lao động của dân tộc ta qua những hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật đậm đà tính dân tộc và giàu chất trí tuệ.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây