© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Phân tích đoạn “Vào phủ chúa Trịnh” trích “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác.

Thứ hai - 22/05/2017 07:10
Dàn ý chi tiết đề bài: Phân tích đoạn “Vào phủ chúa Trịnh” trích “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác.
I. Mở bài.
 
- Lê Hữu Trác, biệt hiệu Hải Thượng Lãn ông, là một nhà văn tài hoa, một danh y lỗi lạc thời Lê - Trịnh, ông nghiên cứu y học và viết bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 66 quyển. Thượng kinh kí sự, quyển cuối của bộ sách này, là một tác phẩm văn học đặc sắc.
 
- Thượng kinh kí sự ghi lại những cảm nhận của tác giả về cảnh vật, con người mà mình đã chứng kiến trong thời gian được triệu về kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Đoạn trích thuật lại việc vào phủ chúa Trịnh của Lê Hữu Trác.
 
II. Thân bài.
 
Bằng tài quan sát tinh tế và nét bút ghi chép chân thực, sắc sảo, Lê Hữu Trác đã vẽ lại một bức tranh về cuộc sống xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh, đồng thời qua đó cũng bộc lộ thái độ coi thường danh lợi của mình.
 
A. SINH HOẠT TRONG PHỦ CHÚA
 
1. Quang cảnh và những sinh hoạt trong phủ chúa được ghi lại khá tỉ mỉ qua con mắt quan sát của một người thầy thuốc miền quê lần đầu bước chân vào thế giới mới lạ này. Tác giả tuy là con quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, từng biết nhiều nơi trong cấm thành, nhưng việc trong phủ chúa thì chỉ mới nghe nói.
 
- Quang cảnh phủ chúa cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần thâm nghiêm, nói lên quyền uy tột bậc của nhà chúa:
Khi vào phủ phải qua nhiều lần cửa, với những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp; nghi trượng, sập, cột đều sơn son thếp vàng, những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy.
 
Trong khuôn viên phủ chúa, người giữ cữu truyền báo rộn ràng, người có việc quan qua lại như mắc cửi, cho thấy Chúa giữ vị trí trọng yếu và có quyền uy tối thượng trong triều đình.
 
Hai câu thơ của tác giả minh chứng rõ thêm quyền uy và sự sang cả của phủ chúa:
 
Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặt
Cả trời Nam sang nhất là đây!
 
2. Hệ thống quan lại, quân lính, cung tần, người hầu kẻ hạ... trong phú chúa Trịnh bây giờ rất đông, bao gồm: quan Chánh đường Huy Quận công, quan truyền mệnh (truyền lệnh, truyền chỉ), người truyền mệnh, người giữ cửa, vệ sĩ canh giữ cửa cung, quan hầu cận, quan nội thần, quan tả viện, tiểu hoàng hôn, các vị lương y của sáu cung, hai viện, người đứng đầu hai bên, các phi tần chầu trực, cung nhân đứng xúm xít, lính khiêng cáng, đầy tớ của quan Chánh đường, thị vệ, quân sĩ...
 
- Số lượng, chức vụ, tính chất của những người phục vụ nêu trên cho thấy uy quyền của nhà chúa và hệ thống quan liêu ăn bám rất lớn. Phủ chúa không chỉ giống cung vua, mà còn uy nghi, oai vụ hơn cả cung vua. Ngoài gia đình nhà chúa, các nhân vật lớn nhỏ khác, tuy quyền hành và phận sự có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ cùng dựa dẫm, khúm núm, ninh bợ người trên, củng cố địa vị cá nhân.
 
B. VIỆC KHÁM BỆNH THẾ TỬ TRỊNH CÁN.
 
1. Không khí khám bệnh cho thế tử Trịnh Cán vô cùng khẩn trương, nhộn nhịp. Tuy nhiên, tác giả không trực tiếp dùng các từ chỉ sự hối hả, tấp nập, khẩn trương nhưng người đọc vẫn cảm thấy rất rõ không khí đó. Ngay từ sáng tinh mơ đã bị hối thúc bởi tiếng gõ cửa rất gấp,  người đưa tin thì thở hổn hển vì phải chạy để báo tin cho kịp. Lính thì đã đem cáng đến chờ sẵn ở ngoài cửa và yêu cầu phải vào phủ chúa ngay.
 
- Cảnh đi đường được tác giả dựng lên vừa tức cười, vừa đáng thương. Đầy tớ phải chạy đàng trước hét đường, cáng thì chạy như ngựa lồng khiến người được khiêng bị xóc một mẻ, khổ không nói hết...
 
- Khi bước chân vào cửa phủ chúa, không khi càng khẩn cấp hơn. Người giữ cửa truyền báo rộn ràng, các danh y, cung nữ tấp nập hầu hạ xúm xít bên Trịnh Cán...

- Người tường thuật tuy không bộc lộ thái độ của mình bằng ngôn ngữ trực tiếp, nhưng qua cách xưng hô về chúa, cách miêu tả sự việc đã toát lên một giọng điệu hài hước, châm biếm.
 
Các quan ngự y ngày đêm chầu chực ở “phòng trà” để liệu phương thuốc trị bệnh cho Trịnh Cán, nhưng lại sợ trách nhiệm, chỉ dựa ý quan Chánh đường Hoàng Đình Bảo để ra toa. Ngay cả Hoàng Đình Bảo, sự phu thuộc còn thảm hại hơn, hoàn toàn đặt mọi hi vọng, danh vọng, ngôi vị vào chú thế tử bé con ốm yếu, bệnh hoạn.
 
2. Hình ảnh thế tử Trịnh Cán xuất hiện trong khung cảnh vây bọc thâm nghiêm, giữa vàng son vương giả nhưng thiếu sinh khí: ở trong tối om (...) Đi qua độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy, đến một cái sập thép vàng. Một người ngồi trên sập độ năm, sáu tuổi, mặc tơ lụa đỏ (...) cây nến to cắm trên một cái giá bằng đồng (...) Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt.
 
- Cách kể trực tiếp, Thế tử cười; “Ông này lạy khéo” , gợi rõ bản chất thơ trẻ, hồn nhiên nhưng cũng ra vẻ “bề trên” của thế tử. Song, khi cởi áo, xem bệnh thì tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò... nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức. Vừa kể chuyện, trò chuyện với quan Chánh đường, vừa miêu tả, vừa nhận xét, chẩn đoán bệnh, tác giả cho thấy chân dung nhân vật hiện ra thật sinh động cùng với nguyên nhân của bệnh: vì Thế tử ở trong chốn màn the, trướng phủ, ăn quá nom mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi.
 
3. Tâm trạng, suy nghĩ của tác giả trước khi bốc thuốc:
 
Sau khi thăm bệnh, đã tìm ra cách chữa cho Thế tử nhưng tác giả lại nghĩ ngợi, đắn đo:
 
- Nếu chữa được bệnh thì sẽ bị danh lợi nó ràng buộc, không làm sao về núi được nữa. Do đó, ông định dùng phương thuốc hòa hoãn, nếu không trùng thì cũng không sao bao nhiêu, để rút lui về quê sống tự do.
 
- Tuy nhiên, nghĩ lại, tác giả chọn cách phải dốc hết cả lòng thành, để nối tiếp cái lòng trung của cha ông mình.
 
Ông đã kê toa chữa bệnh đúng lương tâm của người thầy thuốc.
 
C. Nghệ thuật
 
- Ghi chép sự việc theo cách vừa thuật sự chân thực, cụ thể vừa nhận xét khéo léo. kín đáo (Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ, tôi bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia).

- Khắc họa chân dung nhân vật sinh động bằng vài chi tiết (hình ảnh Thế tử Trịnh Cán).

- Dẫn dắt tình tiết theo trình tự thời gian và không gian rất phù hợp với diễn biến câu chuyện.

- Giọng văn kể chuyện khách quan đồng thời lại xen những câu ý vị. hài hước, tạo sự thú vị cho người đọc: Tôi nín thở đứng chờ ở xa; bị xóc một mẻ; tối tom không tháy có cửa ngõ gì cả...
 
III. Kết bài
 
- Vào phủ Chúa Trịnh là một bức tranh hiện thực sắc nét về sinh hoạt của vua chúa thời xưa, cụ thể là uy quyền và cảnh sống xa hoa của chúa Trịnh Sâm.
 
Qua đoạn trích, với bút pháp kí sự tài hoa, người đọc còn thấy được bức chân dung tự họa của tác giả: một con người trung thực, một danh y có tài, thờ ơ với lợi danh, khinh ghét bọn quyền thế.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây