© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Phân tích ý kiến của Hoài Thanh về một số bài thơ trong "Nhật kí trong tù" của Hồ Chí Minh.

Thứ năm - 08/06/2017 06:03
Dàn ý chi tiết đề bài: Đọc “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, Hoài Thanh có nhận xét: “Nhưng giữa bao nhiêu tối tăm dày đặc, ánh sáng vẫn ngời lên. Ánh sáng của một tấm lòng thương người và yêu đời vô hạn. Giữa bao nhiêu khổ cực, Bác vẫn cảm thấy cái vui tràn đầy trong cuộc sống”. Hãy phân tích ý kiến trên và dùng một số bài thơ trong “Nhật kí trong tù” để chứng minh.
YÊU CẦU
 
- Thể loại
 
Kiểu bài phân tích và chứng minh (một khía cạnh về tác giả, tác phẩm).
 
Nội dung:
 
• Tấm lòng thương người và yêu đời.
• Tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh (trong Nhật kí trong tù).

GỢI Ý
 
Lần lượt chọn và phân tích dẫn chứng để chứng minh hai nội dung trên.
 
A. ÁNH SÁNG CỦA MỘT TẤM LÒNG THƯƠNG NGƯỜI VÀ YÊU ĐỜI VÔ HẠN VẪN NGỜI LÊN GIỮA BAO NHIÊU TỐI TĂM DÀY ĐẶC
 
1. Cảnh nhà ngục tối tăm dày đặc
 
Tù nhân sống không ra con người: ăn đói, ngủ rét, bị xiềng gông:
 
Bốn tháng cơm không no,
Bốn tháng đêm thiếu ngủ.
Bốn tháng  áo không thay,
Bốn tháng không giặt giũ
(Bốn tháng rồi)
 
Cảnh sống ngục tù đầy bất công, vô lí như hối lộ, đánh bạc:
 
Mới đến nhà giam phải nộp tiền
Lệ thường ít nhất năm mươi “nguyên”.
(Tiền vào nhà giam)
 
Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội,
Vào tù đánh bạc được không khai
(Đánh bạc)
 
Thật là cảnh tối tăm dày đặc, một địa ngục ở trần gian.
 
2. Ánh sáng của một tấm lòng thương người và yêu đời vô hạn vẫn ngời lên.
 
- Trong cảnh sống đen tối đó, Bác luôn luôn quan tâm đến những nỗi khổ đau của người khác, những số phận bất hạnh.
 
+ Thương người bạn tù đau ốm, chết thảm:
 
Thân anh da bọc lấy xương,
Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi.
Đêm nay còn ngủ bên tôi,
Sáng nay anh đã về nơi suối vàng
 
(Một người tù cờ bạc chết)
 
+ Thương em bé mới nửa tuổi đã bị giam cầm:

Oa...! Oa...! Oaa...!
Cha sợ sung quân lính nước nhà;
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Cháu bé trong ngục Tân Dương)
 
+ Thương mến và cảm thông nỗi vất vả của người lao động:
 
Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,
Phu đường vất vả lắm ai ơi.
Ngựa xe, hành khách thường qua lại,
Biết cảm ơn anh được mấy người?
(Phu làm đường)
 
+ Lòng yêu dời vô hạn;
 
• Yêu thiên nhiên:
 
Đất trời một thoáng thu màn ướt;
Sông núi muôn trùng trái gấm phơi;
Trời ấm hoa cười chào gió nhẹ,
Cây cao, chim hót rộn cảnh tươi
(Trời hửng)
 
• Yêu cuộc đời:
 
Tới đây khi lúa còn con gái,
Gặt hái hôm nay quá nửa rồi;
Khắp chốn nông dân cười hớn hở.
Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.
(Cảnh đồng nội)
 
B. GIỮA BAO NHIÊU TỐI TĂM KHỔ CỰC BÁC VẪN CẢM THẤY CÁI VUI TRÀN ĐẦY TRONG CUỘC SỐNG
 
1. Cái vui tràn đầy trong cuộc sống
 
- Thơ làm trong tù mà vẫn rạng rỡ ánh trăng:
 
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(Ngắm trăng)

- Có cả cái vui trong sinh hoạt hàng ngày:
 
Nhà lao mà giống tiểu gia đình,
Gạo, cút, muối, dầu tự sắm sanh:
Trước mỗi phòng giam bày một bếp,
Suốt ngày lụi hụi với cơm, canh.
(Nhà lao Quả Đức)
 
- Cười cợt với gian khổ:
 
Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
Lính tráng thay phiên đến hộ tống;
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng!
(Pha trò)
 
2. Lạc quan, tin tưởng vào tương lai.
 
- Giữa cảnh nhà tù tối mịt, Bác vẫn thấy:
 
Anh hồng trước mặt đã bừng soi.
(Buổi sớm)
 
Bị giải đi sớm trong gió rét, Bác vẫn thấy cảnh bình minh rực hồng:
 
Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
(Giải đi sớm)
 
- Đó là niềm lạc quan, tin tưởng của người nắm được quy luật phát triển của sự vật:
 
Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.
(Tự khuyên mình)
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây