© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra 1 tiết môn Ngữ Văn 7, học kì II (Đề số 6)

Thứ hai - 04/03/2019 12:42
Câu 1. (5 điểm)
Để chứng minh cho luận điểm “Tiếng Việt trong cấu tạo của nó, thật sự có những đặc sắc của một thứ tiếng khá đẹp”, tác giả Đặng Thai Mai đã xây dựng luận cứ như thế nào? Em hãy phân tích nghệ thuật xây dựng luận cứ của tác giả?

Câu 2. (5 điểm)
Tục ngữ có câu:
“Có công mài sắt có ngày nên kim”
Em hãy viết bài văn chứng minh cho lời khuyên trên.
Câu 1. Câu hỏi này, các em phải dựa vào văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” để phân tích hiệu quả nghệ thuật trong xây dựng luận cứ của tác giả.
- Để chứng minh cho luận điểm “Tiếng Việt trong cấu tạo của nó, thật sự có những đặc sắc của một thứ tiếng khá đẹp”, tác giả xây dựng luận cứ sau:
+ Luận cứ 1: Tiếng Việt đẹp về ngữ âm.
♦ Tiếng Việt có hệ thống nguyên âm, phụ âm khá phong phú. Có sự hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu và nhịp điệu.
♦ Tiếng Việt giàu thanh điệu (6 thanh điệu: thanh huyền, thanh sắc, thanh hỏi, thanh ngã, thanh nặng và thanh ngang).
♦ Tiếng Việt là thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm.
+ Luận cứ 2: Tiếng Việt hay trong việc trao đổi tình cảm, ý nghĩa giữa người với người.
♦ Tiếng Việt có vốn từ vựng phong phú đa dạng; bản thân tiếng Việt có khả năng sáng tạo từ ngữ mới phù hợp với sự phát triển của xã hội. Ví dụ: những từ ngữ hiện đại như tin học, vi tính, in-tơ-net...
♦ Tiếng Việt có khả năng trau dồi về hình thức diễn đạt. Cú pháp tiếng Việt có yêu cầu tự nhiên về sự hài hòa, cân xứng.
♦ Tiếng Việt có khả năng Việt hóa những từ ngữ và cách nói của dân tộc anh em để thỏa mãn nhu cầu thể hiện tình cảm, tâm hồn người Việt.
=> Tác giả đã đưa ra những chứng cứ đầy đủ, toàn diện; sắp xếp chứng cứ theo trình tự khoa học, hợp lí.
 
Câu 2. Đây là đề quen thuộc, tích hợp đọc văn, làm văn.
* Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
+ Muốn biến ước mơ thành hiện thực, mỗi con người phải biết kiên trì, nhẫn nại, có ý chí, nghị lực vượt lên nhưng khó khăn gian khổ.
+ Vậy, kiên trì, nhẫn nại là đức tính quan trọng dẫn đến thành công.
=> Câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” là lời khuyên hữu ích đúng với mỗi con người và mọi thời đại.
- Thân bài:
+ Giải thích nghĩa đen: chú ý các từ, cụm từ.
“Công” là công sức lao động; mồ hôi, nước mắt.
“Sắt” là vật rắn, cứng.
“Kim” là vật dụng dùng trong sinh hoạt.
- Nghĩa bóng: Làm bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất cũng phải kiên trì và nhẫn nại, vượt qua thử thách mới có ngày thành công.
=> Câu tục ngữ đề cao vai trò của đức tính kiên trì, nhẫn nại trong lao động.
* Chứng minh trong cuộc sống học tập, sinh hoạt có thể là đã qua hoặc đang diễn ra.
♦ Truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ xưa đến nay
♦ Những tấm gương vượt khó học giỏi.
♦ Những con người chiến đấu với hoàn cảnh, số phận bất hạnh.
- Kết bài:
♦ Khẳng định lại đức tính kiên trì và nhẫn nại là mẹ của thành công.
♦ Rút ra bài học cho bản thân, vận dụng trong học tập, lao động.
 
BÀI LÀM THAM KHẢO

Mỗi người đều có một ước mơ và cố gắng không ngừng nghỉ để có thể đạt được ước mơ đó. Song có nhiều vấp ngã, nhiều khó khăn, thử thách đang đợi bạn ở phía trước. Lúc đó cần có bản lĩnh, có thể kiễn nhẫn và vượt qua tất cả. Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” mang ý nghĩa răn dạy, giáo dục chúng ta cần phải nỗ lực, kiên trì và cố gắng không ngừng để đạt được ước mơ đó.

Câu tục ngữ chia thành hai vế sóng đôi, mang ý nghĩ bổ sung cho nhau. Để hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, cần hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Về nghĩa đen, câu tục ngữ rất dễ hiểu. Khi chúng ta muốn mài một cây sắt to thành một cái kim thì rất khó khăn, nhưng không phải không thể. Sự kiên trì, cố gắng sẽ giúp bạn làm được điều đó. Xét về nghĩa bóng thì câu tục ngữ nhắn nhủ mọi người về ý chí, nghị lực, bền bỉ để có thể hoàn thành thật tốt công việc cũng như theo đuổi ước mơ của mình.

Mài một cây sắt thành cây kim đối với nhiều người là chuyện ảo tưởng, không thể, mất nhiều công sức và thời gian. Đúng vậy, mỗi con người đều có con đường đi của mình, để chạm được cái đích đến thực sự không hề dễ dàng. Bởi vậy điều mà chúng ta cần phải có chính là bản lĩnh, sự kiên trì và cố gắng không ngừng nghỉ.

Nhân dân ta từ xưa đến nay phải trải qua bao nhiêu khó khăn, mất mát. Để có được ngày tháng yên bình, cha ông ta đã phải đổi máu, đổi nước mắt. Đó chẳng phải là sự cố gắng bền bỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ của mọi người hay sao?

Câu tục ngữ được biểu hiện rất nhiều trong đời sống. Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký là một minh chứng tiêu biểu có ý chí và tinh thần đáng quý đó. Ông sinh ra đã bị cụt hai tay, tuy nhiên bằng ý chí, nghị lực, sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, ông đã có thể viết bằng chân, viết rất đẹp. Như vậy tinh thần mài sắt thành kim của ông thực sự đáng khâm phục và ngưỡng mộ.

Cuộc sống của chúng ta đầy rẫy khó khăn và thử thách. Nếu vội vàng bỏ cuộc vì gian nan phía trước thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đượ kết quả như mình mong đợi.

Bên cạnh những người có sự kiên trì và cố gắng không ngừng nghỉ đó vẫn còn tồn tại rất nhiều người không có ý chí tiến thủ, nhanh chán, nhanh bỏ cuộc giữa chừng. Thực ra vì họ ngại khó, ngại khổ, ngại vất vả nên mới không chịu làm, chịu học hỏi.

Câu tục ngữ “Có kim mài sắt có ngày nên kim” có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống của mỗi người, khuyên răn con người nên học hỏi, nên cố gắng, kiên trì làm việc đến cùng. Chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây