© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ Văn 6 (đề số 5), học kì 2

Thứ tư - 13/02/2019 13:32
Đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ Văn 6, học kì II, gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận. Có đáp án và hướng dẫn giải.
1. TRẮC NGHIỆM (2 điểm)
Đọc đoạn văn sau:
Trời bỗng sáng ra. Những luồng sáng chiếu qua các chùm lộc mới nhú, rực rỡ hơn. Những gợn sóng trên hồ hoà nhịp với tiếng họa mi hót, lấp lánh thêm. Da trời bỗng xanh xao, những làn mây trắng hơn, xốp hơn, trôi nhẹ nhàng hơn.
(Họa mi hót - Võ Quảng)
 
Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Tự sự
D. Thuyết minh
 
Câu 2: Chủ đề của đoạn văn là gì?
A. Tả cảnh thiên nhiên sáng sớm.
B. Vẻ đẹp tươi sáng, rộn rã của thiên nhiên, đất trời lúc sáng sớm.
C. Tả vẻ đẹp của ánh nắng, da trời vào buổi sáng.
D. Vẻ đẹp của ánh nắng ban mai và thanh âm của chim họa mi.
 
Câu 3: Từ “bỗng” trong câu “Trời bỗng sáng ra” mang nét nghĩa nào sau đây?
A. Tâm trạng ngỡ ngàng, thú vị.
B. Bất ngờ, thú vị.
C. Giật mình trước ánh sáng hắt mạnh.
D. Bâng khuâng, buồn bã.
 
Câu 4: Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của đối tượng được miêu tả, làm cho những hình ảnh đó hiện lên trước mắt người đọc, người nghe không chỉ về hình dáng bên ngoài và bản chất bên trong của đối tượng. Nhận định này đúng hay sai?
A. Sai
B. Đúng
 
2. TỰ LƯẬN (8 điểm)
Câu 1 (3 điểm)
Theo em: quan sát, liên tưởng, tưởng tượng có vai trò như thế nào trong viết văn miêu tả?
 
Câu 2 (5 điểm): Đọc bài thơ, trả lời theo yêu cầu bên dưới:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
 
A. Câu thơ đầu sử dụng biện pháp tu từ gì?
B. Câu thơ nào tác giả dùng giác quan để quan sát?
C. Câu nào sử dụng liên tưởng, tưởng tượng?
 
-------------------------------------
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

1. TRẮC NGHIỆM (2 điểm)
Câu 1 2 3 4
Đáp án A B A B
 
2. TỰ LUẬN (8 điểm)
Câu 1 (3 điểm): Vai trò của quan sát, liên tưởng, tưởng tượng:
- Quan sát mới có thể tái hiện được sự vật, hiện tượng. Tập trung quan sát bằng các giác quan như mắt, tai, xúc giác, khứu giác,... Cùng với quan sát, ta phải suy nghĩ, nhận xét, lựa chọn.
- Liên tưởng, tưởng tượng giúp cho đối tượng được miêu tả hiện lên một cách sinh động, hấp dẫn. Nhờ liên tưởng và tưởng tượng mà lời văn miêu tả giàu hình ảnh, cảm xúc.
Tóm lại: Quan sát, liên tưởng, tưởng tượng có vai trò quan trọng trong văn miêu tả, vừa làm nổi bật những đặc điểm tiêu biểu của sự vật vừa tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn.
 
Câu 2 (5 điểm)
A. Câu thơ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” sử dụng biện pháp tu từ so sánh.
B. Ba câu đầu tác giả sử dụng các giác quan để quan sát (chủ yếu là thị giác). Miêu tả hoa sen từ khái quát đến cụ thể, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần.
C. Câu thơ cuối sử dụng phép liên tưởng, tưởng tượng, ẩn dụ để nói về phẩm chất đạo đức của con người.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây