© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra giữa kỳ 1, môn Ngữ Văn 6 sách Cánh Diều

Thứ tư - 02/11/2022 09:57
Đề kiểm tra giữa kỳ 1, môn Ngữ Văn 6 sách Cánh Diều
Đề kiểm tra giữa kỳ 1, môn Ngữ Văn 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đề thi gồm hai phần Đọc hiểu và Viết. Có đáp án trắc nghiệm và bài văn mẫu tham khảo.

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau:
ANH CÚT LỦI
(trích)
       “ ...Chương trình xây nhà của Cun Cút khá quy mô và tỉ mỉ. [...] Đến lúc phải bắt tay vào việc. Nhưng Cun Cút chợt nghĩ: “Gì mà phải vội! Ngày mai rồi sẽ bắt đầu cũng chẳng sao. Hôm nay là tiết xuân, phải đi chơi một vòng đã.”
[...]
       Hôm sau, Cun Cút lại bắt tay vào việc. Nhưng cũng lại chợt nghĩ: “Gì mà phải vội! Ngày mai rồi bắt đầu cũng được chứ sao! Đêm qua phải lủi mấy lần mệt quá! Hôm nay phải nghỉ cái đã, nhất là phải ngủ thêm một giấc. Không có gì tốt cho sức khoẻ bằng một giấc ngủ ngon. Đó chính là lời của bác sĩ giỏi nói với ta vậy.”. Cun Cút chui vào bụi, ngủ gà ngủ gật. Một ngày nữa đã trôi qua. [...]
       Và cứ thế, ngày nào Cun Cút cũng muốn bắt đầu nhưng rồi cũng có lí do để hoãn việc, lúc thì thấy đau đầu, lúc thì thấy chóng mặt, lúc thì nắng gắt quá, lúc thì sẽ có cơn mưa,... [...] Chương trình xây dựng từ mùa này đến mùa khác, từ năm này đến năm khác vẫn còn nằm trong dự định.
       Ong thợ gặp Cun Cút hỏi:
- Nhà cửa đã xong chưa?
- Chưa xong gì cả.
- Thế khâu nguyên liệu đã đến đâu rồi?
- Cũng chưa có gì cả.
- Gì chứ gỗ tốt với tre trúc thì có thiếu gì. Tre gỗ bạt ngàn, làm gì cho hết. Nhưng đã nghĩ là phải làm. [...] Chúng tôi không bao giờ để đến ngày mai một việc có thể làm ngay hôm nay được. Cứ lấy cớ này cớ nọ để lùi việc lại ngày mai, có lúc đó cũng là hình thức của sự tránh việc, của sự lười biếng.
     Anh lười biếng hay kiếm chuyện nói quanh. Cun Cút có nhiều lí do để lùi việc làm nhà. Mãi cho đến ngày nay, Cun Cút vẫn phải chui bờ, ở bụi.”
(Theo Võ Quảng, Những truyện hay viết cho thiếu nhi, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2021)

Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?
A.Tự sự                                B. Biểu cảm                C. Miêu tả                               D. Thuyết minh

Câu 2. Đoạn trích trên thuộc thể loại gì?
A.Truyện ngắn                     B.Truyện ký                C. Truyện đồng thoại               D. Truyện dân gian

Câu 3. Nhân vật chính trong đoạn trích trên là ai?
A. Ong thợ                           B. Nhà                        C. Cun Cút                                   D. Tre trúc

Câu 4. Để làm nổi bật cuộc sống của Cun Cút, nhà văn đã sáng tạo ra cuộc đối thoại giữa nhân vật Cun Cút với nhân vật nào?
A. Bồ Chao                           B. Cóc                          C. Nhái                                     D. Ong thợ

Câu 5. Suy nghĩ nào của Cun Cút được lặp đi lặp lại để từ đó làm bật lên tính cách của nhân vật này?
A. Phải chấm dứt cuộc đời luôn luôn lủi tránh
B. Gì mà phải vội! Ngày mai rồi sẽ bắt đầu cũng chẳng sao
C. Hôm nay là tiết xuân, phải đi chơi một vòng đã        
D. Không có gì tốt hơn cho sức khỏe bằng một giấc ngủ ngon

Câu 6. Trong đoạn trích, đâu không phải là lý do Cun Cút hoãn việc làm nhà?
A. Lúc thì thấy đau đầu                                           B. Lúc thì thấy chóng mặt      
C. Lúc thì kêu phải ngủ thêm một giấc                   D.Lúc thì nắng gắt quá, lúc thì sẽ có cơn mưa

u 7. Theo em, qua nhân vật Cun Cút, nhà văn muốn phê phán kiểu người nào?
A. Kiểu người lười biếng                                          B. Kiểu người tự kiêu
C. Kiểu người bất mãn                                             D. Kiểu người chậm chạp

Câu 8. Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích là gì?
A. So sánh                                  B. Ẩn dụ                  C. Hoán dụ                               D. Nhân hoá

Câu 9. Xét về mặt cấu tạo của từ, nhóm từ nào trong các nhóm từ dưới đây cùng thuộc một nhóm?
A. Lười biếng, bạt ngàn                                            B. Nhà cửa, Ong
C. Bạt ngàn, nhà cửa                                                D. Nguyên liệu, bạt ngàn

Câu 10. Cho các từ ngữ: ngôi thứ nhất, giấu mình, xuất hiện trực tiếp, ngôi thứ ba, em hãy chọn từ thích hợp để hoàn thành câu sau:
Đoạn trích từ văn bản “Anh Cun Cút” được kể theo ………………tức là người kể…………..

Câu 11. Xét về mặt cấu tạo của từ, nhóm từ nào trong các nhóm từ dưới đây không cùng thuộc một nhóm?
A. Tre trúc, nhà cửa, lười biếng.                                B. Lười biếng, nguyên liệu, Ong.
C. Tre trúc, bạt ngàn, tre gỗ.                                      D. Nhà cửa, nguyên liệu, chóng mặt.

Trả lời câu hỏi / Thực hiện yêu cầu:
Câu 12. Vì sao anh Cun Cút đến ngày nay vẫn phải nằm bờ, nằm bụi?
Câu 13. Câu nói của Ong thợ: “Nhưng đã nghĩ là phải làm. [...] Chúng tôi không bao giờ để đến ngày mai một việc có thể làm ngay hôm nay được” giúp em rút ra bài học gì cho bản thân? (trả lời từ 3-5 câu)

II. VIẾT

Hãy viết một bài văn kể lại một lần mắc lỗi của em 
------------------------------------
ĐÁP ÁN

I. Đọc hiểu
Câu 1. A          Câu 2. C         Câu 3. C
Câu 4. D          Câu 5. B         Câu 6. C
Câu 7. A          Câu 8. D        Câu 9. D
Câu 10. “Anh Cun Cút” được kể theo ngôi thứ ba tức là người kể giấu mình
Câu 11. B

Trả lời câu hỏi / Thực hiện yêu cầu:
Câu 12. V​​​​ì Cun Cút luôn đưa ra lí do để lùi việc.
Câu 13. 
Việc hôm nay chớ để ngày mai. Phải luôn nhắc nhở bản thân hoàn thành ngay những việc cần làm hôm nay, nếu không bản thân mình sẽ gánh hậu quả. Nếu ta để việc hôm nay kéo dài đến ngày mai thì ta sẽ không bao giờ thành công.

II. Viết: Hãy viết một bài văn kể lại một lần mắc lỗi của em.
Là đứa trẻ sống xa sự chăm sóc của cha và được mẹ bù đắp tình yêu thương đã khiến tôi lớn nhanh hơn các bạn cùng trang lứa. Nhưng có một lần phạm lỗi khiến mẹ đau lòng làm tôi nhớ mãi không quên.

Từ lúc sinh ra tôi đã được vòng tay của mẹ che chở. Tôi quen dần với sự vắng mặt của cha và tự nhủ mình phải mạnh mẽ hơn để có tể bảo vệ mẹ. Dường như tôi đã làm được điều đó nên cha cũng yên tâm công tác nơi xa. Nhưng có một lần tôi đã làm mẹ buồn phiền.

Lần đó sắp đến sinh nhật mẹ, tôi suy nghĩ, băn khoăn về những món quà. Cuối cùng, tôi nghĩ đến chùm điểm mười ý nghĩa tặng mẹ. Suốt cả tháng đó, tôi miệt mài, ra sức học tập. Tôi muốn dành cho mẹ sự bất ngờ lớn nhất. Và cố gắng của tôi đã được đền bù. Những điểm chín, mười lần lượt được các thầy cô ghi tặng vào tập vở. Trong tôi dâng lên niềm vui hạnh phúc. Gần ngày sinh nhật mẹ, tôi có một bài kiểm tra văn một tiết. Hôm trước, tôi đã có kế hoạch ôn tập. Nhưng chiều hôm đó, bạn tôi đến rủ đi chơi với rất nhiều trò hấp dẫn. Không thể cưỡng lại, tôi tự nhủ tối về ôn bài vẫn kịp. Thế là tự cho mình một buổi chiều, tôi vô tư đi chơi cùng bạn. Buổi đi chơi vui quá, biết bao trò thú vị, nó khiến tôi dần quên hẳn đi bài kiểm tra vào ngày hôm sau. Tối hôm đó về nhà, bỗng tôi bị sốt. Mẹ lo lắng chăm sóc tận tình, từng li từng tí một. Năm sốt trên giường, bỗng tôi thấy lo lắng về bài kiểm tra. Cố gượng mình ngồi dậy học bài nhưng không thể, tỏi thấy mình bất lực quá. Thế là cơ hội có thêm điểm cao tặng mẹ của tôi không những không còn nữa mà nguy cơ bị điểm kém là rất lớn.

Nỗi lo ấy càng lớn hơn khi tôi phải đối diện với đề bài. Cô ra đề bài rất hay nhưng cũng khá khó. Giá như ôn bài rồi thì có lẽ tôi đã không ngồi căn bút như thế này. Tôi bắt đầu thấy sốt ruột. Nếu bị điểm kém mẹ tôi sẽ buồn lắm mà cô giáo cũng sẽ rất thất vọng bởi tôi vôn là cô học trò khá văn. Thời gian lặng lẽ trôi đi, chậm rài mà khiến tôi không sao bình tĩnh được. Quay sang bên cạnh thây bạn bè cắm cúi làm bài, cô giáo ngồi trên bục giảng đọc sách. Bất chợt, tôi nảy ra ý định xem trộm tài liệu. Đó là điều tôi chưa bao giờ làm cả nên thật khó khăn. Giằng co giữa hai suy nghĩ, trung thực và nhận điểm kém hay quay bài để được điểm cao, mang về tặng mẹ.... Trong giây lát, tôi liều lấy tập vở trong ngăn bàn ra xem.

Những dòng chữ trong mắt tôi bỗng dưng nhảy múa, tôi không nhìn rõ chúng nữa, có lẽ vì quá hồi hộp. Nhưng một lúc sau vẫn không có ai đế ý nên tôi yên tâm hơn, dần định thần trở lại. Bỗng... bộp... cuốn vở trên đùi như muôn tố cáo tôi rơi ngay xuống đất. Không gian yên tĩnh trong lớp bị phá vỡ, mọi người quay lại nhìn tôi. Tôi ngẩng đầu lên vừa kịp bắt gặp ánh mắt thất vọng của cô giáo. Không ai nói gì cả lại càng khiến mặt tôi nóng bừng lên. Thế là thời gian còn lại của buổi kiểm tra tôi ngồi lặng thinh suy nghĩ miên man...

Ngày sinh nhật của mẹ cuối cùng đã đến. Tôi vui mừng tặng mẹ tất cả chùm điểm cao của mình. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của mẹ tôi thấy thật hạnh phúc. Nhưng sâu thẳm trong ánh mắt mẹ tôi thoáng thấy mẹ buồn. Dù vui nhưng những lời nói của mẹ khiến tôi thật sự suy nghĩ. Phải chăng mẹ đã biết tất cả. Tôi không biết phải làm sao, định thú nhận với mẹ chuyện bài kiểm tra nhưng tôi cũng không muốn mẹ buồn trong ngày sinh nhật.

Những ngày sau đó, lúc nào tôi cũng thấy mẹ buồn. Tôi dần ít thấy những nụ cười tươi tắn nở trên môi mẹ. Trong lòng tôi cũng không thoải mái, một cảm giác nặng nề như đè nén lên lồng ngực. Tôi thương mẹ vô cùng nhưng chưa đủ dũng khí để nói thật với mẹ. Tôi chí mong có một vị thần hiện ra giúp tôi bày tỏ được với mẹ, giúp tôi nói với mẹ lời xin lỗi.

Nhưng điều ước mong của tôi chỉ là ước mong mà thôi, chẳng có vị thần nào có thể giúp được. Bởi lỗi lầm là do tôi gây ra. Chỉ vì mải chơi mà tôi đã quên mất việc học của mình. Vì không kiên quyết với chính mình nên tôi đã không trung thực. Vì không dũng cảm tôi đã không thành thật với mẹ, thành thật với bản thân. Từ những sai lầm đầu tiên tôi đã để mình trượt dài trên những lỗi lầm sau, khiến mẹ càng buồn lòng. Có lẽ mẹ mong đợi nhiều lắm ở tôi một lời nhận lỗi vì mẹ luôn dạy tôi dù có chuyện gì xảy ra thì lòng trung thực cũng phải được giữ gìn để nó luôn trong sạch, bền vững. Nhớ đến lời dạy của mẹ, tôi hối hận vô cùng. Tôi muốn chạy thật nhanh về nhà nói với mẹ, mong mẹ tha thứ và cũng tự hứa với bản thân không bao giờ mắc lại sai lầm đó nữa.

Một lần mắc lỗi đã giúp tôi nhận ra được rất nhiều. Cảm ơn mẹ, cảm ơn tấm lòng bao dung của mẹ đã giúp con vượt qua được tất cả khó khăn. Con hứa sẽ không bao giờ mắc lỗi nữa đâu mẹ ạ. Con đã biết lòng trung thực quan trọng thế nào rồi.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây