© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 7 (Đề số 2)

Thứ tư - 27/03/2019 11:33
Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 7, gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận, có đáp án và hướng dẫn chấm.
1. TRẮC NGHIỆM. (3 điểm)
Chọn câu trả lời đúng nhất.
Câu 1: Văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” (Phạm Văn Đồng) đã đề cập đến sự giản dị của Bác ở những phương diện nào?
A. Bữa ăn, công việc.
B. Đồ dùng, căn nhà.
C. Quan hệ với mọi người và trong lời nói, bài viết.
D. Cả ba phương diện trên.
 
Câu 2: Văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” là của tác giả:
A. Hoài Thanh.
B. Phạm Văn Đồng.
C. Chủ tịch Hồ Chí Minh.
D. Đặng Thai Mai.
 
Câu 3: Văn bản “Ý nghĩa văn chương” (Hoài Thanh) thuộc kiểu nghị luận chính trị - xã hội.
A. Đúng.
B. Sai.
 
Câu 4: Chọn từ điền vào chỗ trống của câu tục ngữ:
“Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại …...”
A. gió
B. bão
C. lụt
D. mưa
 
Câu 5: Câu nào sau đây là câu rút gọn.
A. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
B. Chúng ta ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây.
C. Ai ăn quả cũng phải nhớ kẻ trồng cây.
D. Tất cả đều sai.
 
Câu 6: Câu đặc biệt
A. Là câu có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ.
B. Là câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ.
C. Là câu chỉ có chủ ngữ.
D. Là câu chỉ có vị ngữ.
 
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Giải thích câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
 
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
 
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án D D B C A B
 
2. TỰ LUẬN ( 7điểm)
1. Mở đầu. (1,5 điểm)
Giới thiệu về vấn đề cần giải thích “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
 
2. Thân bài. (4 điểm)
- Giải thích câu tục ngữ.
- Tại sao “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
- Làm thế nào để thể hiện thái độ biết ơn?
- Phê phán sự vô ơn.
 
3. Kết bài. (1,5 điểm):
Khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ trên./.
 
Bài làm tham khảo
 
Ông cha chúng ta từ xưa đến nay vẫn thường căn dặn con cháu phải biết nhớ đến những người đã không tiếc máu xương để giành lại quyền độc lập, tự do cho đất nước ta. Nhưng đó không chỉ là các anh bộ đội, các chị thanh niên xung phong mà còn là biết bao thế hệ người Việt Nam ta đã cùng chung sức, chung lòng mới có được đất nước Việt Nam tươi đẹp, phồn vinh như hôm nay. Chúng ta, những thế hệ cháu con phải biết khắc cốt, ghi tâm công lao trời biển đó của ông cha và không ngừng phát huy những thành quả mà những người đi trước đã nhọc nhằn mang lại. Đây chính là lời khuyên mà câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” muốn gửi đến mọi người chúng ta và muôn đời con cháu mai sau.
 
Được hưởng một nền độc lập, tự do như hôm nay nhiều bạn trẻ đã quên mất một điều rằng cuộc sống hôm nay được đổi bằng máu xương, mồ hôi và nước mắt của bao lớp người đi trước. Câu tục ngữ là một lời khuyên với chúng ta: khi ăn một quả thơm ngon ta phải nhớ đến người đã trồng ra cây đó. Trồng được một quả ngọt phải đổ bao nhiêu mồ hôi và phải dãi dầu mưa nắng. Như ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ lại muốn khuyên chúng ta khi được hưởng một thành quả nào đó thì phải nhớ ơn những người đã tạo ra thành quả đó. “ăn quả” ở đây là hình ảnh nói về những người hưởng thành quả, còn “trồng cây”  là hình ảnh nói về những người làm ra thành quả cho người khác hưởng thụ. Nếu ta hiểu cuộc sống ấm no tốt đẹp này hôm nay là thành quả mà ta hưởng thụ vậy ai là người đã làm ra thành quả của ngày hôm nay? Trước hết đó là cha, mẹ người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng từ khi ta còn bé cho đến ngày lớn khôn. Họ là người luôn dõi theo từng bước đi của chúng ta, an ủi, động viên, dìu dắt chúng ta trở thành những người có ích cho xã hội. Đó là thầy, cô giáo – người đã cho chúng ta ánh sáng tri thức – một hành trang quý giá nhất để chúng ta vững bước vào đời. Đó là những anh bộ dội, những chị thanh niên xung phong đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cùng một phần xương máu của mình để góp phần tạo nên cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Đó là những nhà khoa học đã dốc sức lao động trí óc để tạo nên những của cải, vật chất làm giàu cho xã hội, cho chúng ta được hưởng thụ và còn biết bao nhiêu người khác nữa đang âm thầm cống hiến mà không cần được tôn vinh. Những con người đó dù ở vị trí nào vẫn luôn luôn cố gắng hết mình, phấn đấu hết mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước…
 
Nhưng bên cạnh đó trong xã hội của chúng ta vẫn còn tồn tại những kẻ vô ơn. Ngoài xã hội, cũng có những kẻ lãng quên quá khứ, “Vong ân bội nghĩa”, “Ăn cháo đá bát” chỉ biết coi trọng đồng tiền, giàu sang, phú quý, chạy theo danh vọng mà quên rằng: ai là người sinh ra họ, đã nuôi dưỡng và dạy dỗ họ nên người. Đối với cha mẹ, họ ỷ lại vào công việc, mà không quan tâm chăm sóc mẹ mình. Ỷ lại đồng tiền, họ bỏ mặc ba mẹ ở trại dưỡng lão, không thèm hỏi han quan tâm đến cha mẹ của mình. Đối với loại người đó, xã hội chúng ta cần phải lên án và phê phán.
 
Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tuy mộc mạc, giản đơn nhưng đã dạy cho chúng ta một bài học quý giá: không có thành quả nào tự nhiên mà có, mà tất cả đều được tạo ra từ thành quả lao động, bằng mồ hôi, xương máu của những người đi trước. Chúng ta là thế hệ tương lai của đất nước, nguyện sẽ chăm chỉ học tập tốt để xây dựng, bảo vệ và giữ gìn những thành quả mà ông cha ta đã tạo ra, không quên nhắc nhở nhau rằng: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây