© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

Thứ hai - 22/04/2019 21:48
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn, gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn, có đáp án và hướng dẫn trả lời.
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam là lòng tôi lại bồi hồi nhớ về cô giáo dạy Ngữ văn năm lớp 8.  Tôi học đều các môn nhưng nổi trội nhất là môn văn. Những cảm xúc mà tôi có được chính là cách khơi gợi cảm hứng học từ cô Lành  -  giáo viên dạy văn năm lớp 8 của tôi. Những bài giảng của cô vừa dễ hiểu, lại sâu sắc vô cùng.
 
Cũng năm học lớp 8, chúng tôi được học một trích đoạn trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Nội dung nói về cảnh chị Dậu phải bán cái Tý cho nhà Nghị Quế để có tiền đóng sưu thuế.
 
Cho đến giờ, tôi vẫn còn thuộc lòng những câu văn mà cô đã đọc cho lớp tôi nghe trong tiết học hôm ấy. Khi cô đọc đến đoạn: “U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này. Trời ơi! Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?” tôi thấy mắt cô đỏ hoe. Và thế là không ai bảo ai, cả cô và trò đều khóc, có bạn nấc lên thành tiếng.
 
Năm tháng qua đi, bây giờ tôi đã là giáo viên dạy Ngữ văn nối nghiệp cô ở một thành phố lớn. Tôi yêu nghề, không cảm thấy hổ thẹn với nghề ấy là nhờ tình yêu cô, yêu thơ, yêu chị Dậu, cái Tý...
 
Hôm rồi, tôi nhận được tin nhắn của cô với nội dung ngắn gọn, trầm buồn nhưng đầy chân thành: “Hoài à, cô đã nghỉ hưu rồi. Bảng đen phấn trắng giờ chỉ còn trong hoài niệm. Cho dù cuộc đời còn lắm trớ trêu thì em cũng nên giữ lửa với nghề để nuôi dưỡng lòng đam mê và làm nhiệm vụ vẻ vang trồng người, em nhé”.
 
Nhớ lời cô, tôi chọn phương châm sống: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
 
Hôm nay, tôi viết những dòng tâm tình này thay cho những đóa hoa tươi thắm kính dâng lên cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam với sự tri ân và tấm lòng biết ơn sâu nặng.
 
Tôi cũng muốn gửi lời nhắn đến các đồng nghiệp đang giảng dạy trên khắp mọi miền Tổ quốc: “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”.
(Theo: Phan Thế Hoài, http://www.nguoiduatin.vn/)
 
Câu 1. Đặt một nhan đề phù hợp cho văn bản.
Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản.
Câu 3. Vì sao tác giả không hổ thẹn với nghề?
Câu 4. Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với Anh/Chị?
 
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Từ  nội dung  Đọc hiểu, Anh/Chị  hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) bày tỏ  suy nghĩ về vai trò của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách của mỗi một con người.
 
Câu 2.
Cảm nhận của Anh/Chị qua hai đoạn thơ sau:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(“Tây Tiến”, Quang Dũng)
 
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(“Đây thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mặc Tử)
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1  - HS đặt được một nhan đề phù hợp với văn bản. Ví dụ: “Nhớ về cô giáo dạy văn.”
Câu 2  -  Nội dung chính: HS có thể  trình bày những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo nội dung chính sau:
+ Những kỉ kiệm không thể nào quên của tác giả với cô giáo dạy văn.
+ Cô giáo đã góp phần hình thành về nhân cách, lối sống cho tác giả.
Câu 3  -  Tác giả yêu nghề, không cảm thấy hổ thẹn với nghề ấy là nhờ tình yêu cô, yêu thơ, yêu chị Dậu, cái Tý...
Câu 4  - HS có thể rút ra một thông điệp có ý nhất đối với bản thân và trình bày bằng một đoạn văn ngắn từ 5-7 dòng.
-  Gợi ý: tình thầy trò, người thầy góp phần tác động đến nhân cách, lối sống của mỗi học sinh, …
 
II. LÀM VĂN
Câu 1.  Suy nghĩ về  vai trò của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách của mỗi một con người.
-  HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để  triển khai vấn đề  nghị  luận theo nhiều cách, sau đây là một số gợi ý:
+ Giáo dục là quá trình tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực. Nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các yêu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại.
-> Theo nghĩa rộng, giáo dục là toàn bộ sự tác động của gia đình, nhà trường, xã hội (bao gồm cả dạy học và các tác động giáo dục khác) đến con người.
-> Theo nghĩa hẹp, giáo dục có thể xe, như quá trình tác động đến tư tưởng, đạo đức, hành vi con người (giáo dục đạo đức,  giáo dục lao động, giáo dục lối sống, hành vi).
 
Câu 2.  Cảm nhận hai đoạn thơ trích trong “Tây Tiến”“Đây thôn Vĩ Dạ”.
* Mở bài.
- Giới thiệu hai tác giả, hai bài thơ.
- Khái quát nội dung của hai đoạn thơ.
* Thân bài.
Đoạn thơ trong bài thơ “Tây Tiến”.
-  Đoạn  thơ  trong  bài  thơ  “Tây  Tiến”  là  cảnh  sông  nước  miền  Tây  hoang  sơ,  thơ mộng, trữ tình.
+  Giữa  khói  sương  của  hoài  niệm,  Quang  Dũng  nhớ  về  một  “chiều  sương  ấy” - khoảng thời gian chưa xác định rõ ràng nhưng dường như đã khắc sâu thành nỗi nhớ  niềm thương trong tâm trí nhà thơ. Đó có thể  là khi đoàn quân chia tay một bản làng Tây Bắc chăng?
+ Quá khứ  vọng về  là những hình  ảnh mờ  mờ  ảo  ảo, lung linh huyền hoặc:  “hồn lau nẻo bến bờ”, “dáng người trên độc mộc” và “hoa đong đưa”.  Cảnh vật hiện lên qua nét vẽ  của Quang Dũng dù rất mong manh mơ hồ  nhưng lại rất giàu sức gợi, rất thơ, rất thi sĩ, rất đậm chất lãng mạn của người lính Hà thành:“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”/“Có nhớ dáng người trên độc mộc”.
-> Câu hỏi tu từ  với phép điệp  “có thấy”, “có nhớ”  dồn  dập như gọi về  biết bao kỷ niệm của một thời đã xa. Trong tâm tưởng của nhà thơ, cây lau tưởng như vô tri vô giác cũng mang hồn. Cách nhân hoá có thần đã khiến thiên nhiên trở  nên đa tình thơ mộng hơn. Thiên nhiên mang  “hồn”  là bởi nhà thơ có cái nhìn hào  hoa nhạy cảm hay bởi nơi đây còn vương vất linh hồn của những đồng đội của nhà thơ? Sự  cảm nhận tinh tế  hoà quyện với thanh âm da diết của nỗi nhớ đã làm vần thơ thêm chứa chan xúc cảm.
-> Bên  cạnh  thiên nhiên, hình  ảnh  con người  thấp  thoáng  trở  về  trong hồi  ức của Quang Dũng.  “Có nhớ  dáng người trên độc mộc”-  chiếc thuyền làm bằng cây gỗ  lớn, bóng dáng con người hiện lên đầy kiêu hùng, dũng cảm mà tài hoa khéo léo giữa dòng nước xối xả, mạnh mẽ  đặc trưng của miền Tây. Phải chăng  tư  thế  đó  đủ  để  người  đọc  nhận ra  vẻ  đẹp riêng  của con  người Tây Bắc, của đoàn binh Tây Tiến trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng?.
-> “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Có thể  khẳng định rằng, đây là một trong những chi tiết “đắt”  nhất mà Quang Dũng tạo nên cho bức tranh thiên nhiên miền Tây. Đoá hoa giữa dòng là hội tụ  của cái nhìn đa tình vốn có trong tâm hồn người lính Hà Thành trẻ  tuổi và vẻ  thơ mộng của cảnh sắc nơi đây. Nói như thế là bởi, ta nghiệm ra rằng, hình ảnh “hoa đong đưa” khi đang “trôi dòng nước lũ”  là hình  ảnh không thể  có trong thực tại nhưng lại rất hợp lý khi đặt giữa mạch cảm hứng trữ  tình của bài thơ. Cánh hoa như đôi mắt đong đưa, lúng liếng với người lính trẻ  hay bởi tâm hồn các anh quá hào hoa, quá lãng mạn yêu đời nên mới có thể nhìn thiên nhiên bằng cái nhìn đa tình đến như thế?
=> Bút pháp lãng mạn hào hoa, phép nhân hoá thần tình, cách dùng điệp từ  khéo léo đã quyện hoà với nỗi nhớ  chưa bao giờ  nguôi ngoai trong sâu thẳm tâm trí nhà thơ về  đồng đội và thiên nhiên miền Tây Tổ  quốc. Tất cả  tạo nên điểm sáng lấp lánh của tâm hồn một người chiến sĩ thiết tha với Tây Tiến, với quê hương.
Đoạn thơ trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ”.
-  Đoạn thơ trong bài  “Đây thôn Vĩ Dạ”  là khung cảnh sông nước xứ  Huế  qua cảm nhận của cái tôi trữ tình đầy tâm trạng.
+ Khổ  thơ thứ  nhất nói về  cảnh vật thôn Vĩ khi  “nắng mới lên”.  Ở  khổ  thơ thứ  hai, Hàn Mặc Tử  nhớ  đến một miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ  thuật nhiều thương nhớ  và lưu luyến. Có gió, nhưng  “gió theo lối gió”; cũng có  mây, nhưng  “mây  đường  mây”.  Mây  gió  đôi đường,  đôi ngả:  “Gió theo  lối gió,
mây đường mây”.
+ Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế  tiểu đối, gợi ta một không gian gió, mây chia lìa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ  “gió”  và “mây”  được điệp lại hai lần trong mỗi vế  tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông. Thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và xa cách nên mới cảm thấy gió mây đôi ngả đôi đường như tình và lòng người bấy nay. Ngoại cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mạc Tử.
+ Không có một bóng người xuất hiện trước  cảnh gió mây  ấy. Mà chỉ  có  “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”.  Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã hóa thành “dòng nước buồn thiu”, càng thêm mơ hồ, xa vắng. “Buồn thiu” là buồn héo hon cả gan ruột, một nỗi buồn day dứt triền miên, cứ  thấm sâu mãi vào hồn người. Hai tiếng “buồn thiu”  là cách nói của bà con xứ  Huế. Bờ  bãi đôi bờ  sông cũng vắng vẻ, chỉ  nhìn thấy  “hoa bắp lay”.  Chữ  “lay”  gợi tả  hoa bắp đung đưa trong làn gió nhẹ. Hoa bắp, hoa bình dị của đồng nội cũng mang tình người và hồn người.
-> Hai câu thơ 14 chữ  với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ  hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh chiều hôm? Hàn Mặc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng mà  ấn tượng. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ  biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn.
-  Hai  câu  thơ  tiếp  theo  gợi  nhớ  một  cảnh  sắc  thơ  mộng,  cảnh  đêm  trăng  trên Hương Giang ngày nào.  “Dòng nước buồn thiu”  đã biến hóa kì diệu thành  “sông trăng” thơ mộng: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?”
+ Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Hàn Mặc Tử được nhiều người ngợi ca, kết tinh rực rỡ bút pháp nghệ thuật tài hoa lãng mạn. Một vần lưng tài tình. Chữ “đó” cuối câu 3 bắt vần với chữ  “có”  đầu câu 4, âm điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi  thầm  “có  chở  trăng  về  kịp  tối  nay?”.  “Thuyền  ai”  phiếm  chỉ,  gợi  lên  bao  ngỡ ngàng bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi. Con thuyền mồ côi nằm trên bến đợi  “sông trăng”  là một nét vẽ  thơ mộng và độc đáo. Cả  hai câu thơ của Hàn Mạc Tử, câu thơ nào cũng có trăng. Ánh trăng tỏa sáng dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở  người (vì người xa cách chia li) mà chỉ “chở trăng về” phải “về kịp tối nay” vì đã cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng.
Con thuyền tình của ước vọng nhưng đã thành vô vọng! Bến sông trăng trở  nên vắng lặng vì  “thuyền ai”:  Con thuyền vô định. Phiếm chỉ  -  là con thuyền mồ  côi.
Còn đâu cô gái Huế  diễm kiều, e  ấp, mà chơ vơ còn lại con thuyền mồ  côi khắc khoải đợi chờ trăng!
=> Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng. Cảnh đẹp một cách mộng ảo. Cả  ba hình ảnh ấy đều biểu hiện một nỗi niềm, một tâm trạng cô đơn, thương nhớ  đối với cảnh và người nơi thôn Vĩ. Như ta đã biết, thời trai trẻ, Hàn Mặc Tử  đã  từng học ở  Huế, từng có một mối tình đơn phương với một thiếu nữ  thôn Vĩ, mang tên một loài hoa. Với chàng thi sĩ tài hoa đa tình và bất hạnh, đang sống trong cô đơn và bệnh tật, nhớ Vĩ Dạ là nhớ  cảnh cũ người xưa. Cảnh “gió theo lối gió, mây đường mây”, cảnh thuyền ai đậu bến sông trăng đó là cảnh đẹp mà buồn. Buồn vì chia lìa, xa vắng, lẻ loi và vô vọng.
Nét tương đồng và khác biệt.
- Tương đồng:
+  Cả  hai  đoạn  thơ  đều  là  sự  cảm  nhận  của  cái  tôi  trữ  tình  về  khung  cảnh  sông nước quê hương.
+ Chính cái  tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh vật thêm thơ mộng, huyền ảo, lung linh. Cả hai đoạn thơ đều cho thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ.
- Khác biệt.
-  Đoạn thơ trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”  mang màu sắc tâm trạng chia ly, mong nhớ khắc khoải.
- Đoạn thơ trong bài thơ “Tây Tiến” mang nỗi nhớ da diết về thiên nhiên miền Tây, về kỷ niệm kháng chiến.
* Lí giải sự tương đồng và khác biệt.
- Cả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử đều là những hồn thơ lãng mạn, tài hoa.
-  Mỗi nhà thơ đều mang một cảm xúc riêng khi đứng trước khung cảnh sông nước.
- Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng của mỗi nhà thơ và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc và hình ảnh thơ của mỗi nhà thơ.
* Kết bài.
-  Hai đoạn thơ thể hiện cho vẻ đẹp tâm hồn của hai nhà thơ ở hai thời cuộc, hai cảnh ngộ khác nhau.
- Hai đoạn thơ kết tinh tài năng nghệ thuật của Hàn Mặc Tử và Quang Dũng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây