© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn (Đề số 2)

Thứ sáu - 31/05/2019 01:48
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn, có đáp án và hướng dẫn giải.
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, tức là chữ - để thể hiện một trạng thái tâm ỉ đang rung chuyển khác thường. Làm thơ là đang sống, không phải chỉ nhìn lại sự sống, làm một câu thơ yêu, tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt. Bài thơ là những câu, những lời diễn lên, làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc. Bài thơ là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc, Ta nói truyền sang hình như người đọc chỉ đứng yên mà nhận. Nhưng kì thực, cái trạng thái tâm lí truyền sang ấy là người đọc tự tạo cho mình, khi nhìn những chữ, khi nghe những lời, khi một sợi dây của tâm hồn rung lên vì chạm thấy những hình ảnh, những ý nghĩ, những mong muốn, những tình cảm mà lời và chữ của bài thơ kéo theo đằng sau như vùng sáng xung quanh ngọn lửa.
Nói đến hình ảnh trong thơ. Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sổng. Toé lên ở những nơi giao nhau giữa tâm hồn với ngoại vật, trước hết là những cảm xúc. Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn.
Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng phải dính liền với sự suy nghĩ. Nhưng tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự. Không ai đọc thơ riêng bằng lí trí mà yêu thơ. Hiểu thơ kì thực là vấn đề của cả tâm hồn.
(Mấy ý nghĩ về thơ - Nguyễn Đình Thi, 1949)
 
1. Đoạn văn trên thuộc thể loại gì? Khái quát nội dung cơ bản của đoạn văn.
2. Nguyễn Đình Thi cho rằng đặc trưng cơ bản của thơ là gì? Cảm xúc trong thơ có đặc điểm như thế nào?
3. Đọc đoạn văn trên, anh/chị hiểu như thế nào về mối quan hệ giữa tư tưởng với cảm xúc trong thơ, về mối quan hệ giữa bạn đọc với nhà thơ?
 
Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
4. Nhận xét về giọng điệu của khổ thơ.
5. Nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp vườn thôn Vĩ qua từ ngữ và thủ pháp so sánh ở câu thơ thứ ba.
6. Phân tích ý nghĩa của từ “che ngang” ở câu thơ thứ tư.
 
PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (3 điểm)
Trình bày suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc đoạn thơ dịch dưới đây:
Nếu tôi không đốt lửa
Nếu anh không đốt lửa
Nếu chúng ta không đốt lửa
Thì làm sao
Bóng tối
Sẽ trở thành
Ánh sáng!
(Nazim Hilsmet)
 
Câu 2 (4 điểm)
Phân tích, so sánh nỗi nhớ được thể hiện trong hai đoạn thơ sau:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiếu lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy...
(Việt Bắc - Tố Hữu)
 
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức...
(Sóng - Xuân Quỳnh)
 
-----------------------------------
 
ĐÁP ÁN


PHẦN I
1. Cái tên tác phẩm đã gợi về thể loại (Mấy ý nghĩ về thơ). Đoạn văn thuộc dạng bình luận, suy nghĩ về văn học,
Đoạn văn có nhiều nội dung liên quan chặt chẽ với nhau: bản chất của sáng tác thơ, cảm xúc trong thơ, mối liên hệ giữa tư tưởng, lí trí với tình cảm khi sáng tác thơ, giữa nhà thơ với bạn đọc.
2. Để hiểu về đặc trưng cơ bản của thơ, cần chú ý các chỗ sau trong đoạn văn; một trạng thái tăm lí đang rung chuyển khác thường..., Làm thơ là đang sống, không chỉ nhìn lại sự sống..., Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống.
- Khi làm thơ, nhà thơ đang sống trực tiếp cùng cuộc đời, cùng con người như ngay trước mặt mình với những rung động khác thường.
- Cảm xúc trong thơ là phản ứng tức thời, tự nhiên của nhà thơ khi tiếp xúc với cuộc sống. Nó toé lên ờ những nơi giao nhau giữa tâm hồn với ngoại vật. Cảm xúc là phần xương thịt hơn cả của đời sống tâm hồn.
3. Về mối quan hệ giữa tư tưởng với cảm xúc trong thơ cần chú ý mấy câu cuối của đoạn văn: Tư tưởng trong thơ dính liền với cuộc sống, nằm ngay trong cuộc sống chứ không phải là những triết lí trừu tượng. Nhà thơ đốt cháy tư tưởng thành cảm xúc và diễn tả tư tưởng bằng cảm xúc, bằng nhiệt hứng. Tu tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự.
Về mối quan hệ giữa nhà thơ với bạn đọc: bài thơ là sợi dây dẫn truyền tình cảm tới bạn đọc. Nó làm sống lên trong lòng bạn đọc những cảm xúc, những nỗi niềm. Bạn đọc tự nhiên mà cùng rung động, cùng yêu, ghét với nhà thơ..,
Chú ý câu “Hiểu thơ kì thực là vấn đề của cả tâm hồn\ Bạn đọc với nhà thơ là những tâm hồn đồng điệu ...”
4. Khổ thơ là sự hoà nhuyễn của nhiều cảm xúc, nhiều giọng điệu: lời hỏi, lời trách móc nhẹ nhàng, tiếng mời mọc tha thiết. Thi sĩ tưởng như người thôn Vĩ đang hỏi, đang trách, đang mời mình mà cũng tự vấn, tự trách mình.
5. Cảm nhận vẻ đẹp của vườn thôn Vĩ ở câu thơ thứ ba cần chú ý từ mướt, thủ pháp so sánh xanh như ngọc... Một màu xanh tươi non, mỡ màng... Một vẻ đẹp trong trẻo, thanh khiết lạ thường...
Vẻ đẹp vườn thôn Vĩ được diễn tả qua giọng điệu hỏi và cảm thán với đại từ phiếm chỉ ai và từ quá. Câu thơ bộc lộ nỗi ngỡ ngàng, lời trầm trồ tấm tắc trước vẻ đẹp mới mẻ, thanh tân đang tưới mát cả tâm hồn nhà thơ…
6. Từ “che ngang” khiến câu thơ thật giàu tính tạo hình. Lá trúc thường thưa, nằm ngang trong không gian, vốn biểu tượng cho sự thanh quý... Mặt chữ điền vuông vức, toát lên vẻ trung thực, phúc hậu... Chữ “che ngang” không hề làm khuất lấp đi mà tôn lên vẻ đẹp của mặt chữ điền. Đằng sau những tầng lá trúc thưa cứ thấp thoáng gương mặt, lấp lánh ánh mắt những con người, con chữ... Hình ảnh thơ vừa gần lại vừa xa, vừa rõ lại vừa không, vừa thực lại vừa ảo.
 
PHẦN II
Câu 1.
Những ý chính cần có:
* Giải thích nội dung ý nghĩa của đoạn thơ (điều Nazim Hilsmet muốn khơi gợi, gửi gắm).
- Ý nghĩa của các từ ngữ qua cách nói hình ảnh của nhà thơ:
+ “Đốt lửa”: hành động nhằm thay đổi tình trạng hiện tại, nhằm cải tạo, chiến thắng hoàn cảnh.
+ “Bóng tối”: sự âm u tăm tối, tình trạng trì trệ, xấu xa. Đó là những gì phản nhân đạo, nhân văn, làm mất đi niềm vui, hạnh phúc của con người.
- Đoạn thơ diễn đạt theo lối tăng cấp, ngày càng mở rộng (tôi - anh - chúng ta) và bao hàm mối quan hệ nhân quả ( nếu...thì...)
Điều nhà thơ muốn khơi gợi, thúc giục: Nếu mỗi cá nhân không hành động, nếu tất cả mọi người chung hoàn cảnh, chung quyền lợi và chí hướng không cùng hành động thì chẳng thể nào cải tạo được hoàn cảnh, chiến thắng được thử thách.
* Phân tích, bàn luận về nội dung ý nghĩa của đoạn thơ
- Nếu ai cũng chấp nhận, đầu hàng trước hoàn cảnh thì “bóng tối” mãi mãi là “bóng tối”.
- Sự chờ đợi một cách thụ động không bao giờ đem thành công tới cho con người. Trong thực tế, những thành quả, những chiến công của xã hội, của loài người đều là kết quả của nhiệt tình hành động, của sự đồng lòng đồng sức lao động, đấu tranh.
- Thực trạng càng tăm tối, thử thách càng lớn lao thì càng đòi hỏi sự nỗ lực hành động của từng cá nhân, của cả cộng đồng, vấn đề quan trọng là phải có những hành động đúng đắn, thích hợp như trong bóng tối, gặp bóng tối thì phải biết đốt lửa.
- Khi mọi người cùng thống nhất hành động thì sẽ có sức mạnh lớn lao, thì “bóng tối” sẽ trở thành “ánh sáng”. Chẳng hạn đoàn kết, quyết tâm hành động trên tinh thần “tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ” đã cho dân tộc ta sức mạnh chiến thắng bao kẻ thù tàn bạo, vượt qua bao thử thách gian nan,..
* Ý nghĩa của lời khơi gợi, thúc giục từ đoạn thơ:
- Nhắc nhở mỗi cá nhân có trách nhiệm đối với cộng đồng, khát vọng cải tạo hoàn cảnh, chiến thắng thử thách.
- Truyền dẫn ý thức tiên phong, tinh thần dám nghĩ dám làm.
- Nội dung nhắc nhở, truyền dẫn trên càng có ý nghĩa trong bối cảnh xã hội ta hiện nay. Trước tình trạng xuống cấp, trước nhiều điều không phải của đời sống, của đạo đức xã hội, không ít người cứ ngoảnh mặt làm ngơ, xem như việc của ai khác. Nhiều người thấy cái sai, biết mình sai mà cứ làm, mà không dám cưỡng lại, ngừng lại, dường như chờ đợi sự đổi thay sẽ đến từ đâu đó một cách mơ hồ... Nếu ai cũng vậy, cũng không chủ động hành động, cùng nhau “đốt lửa” thì thực trạng chẳng bao giờ được thay đổi.
* Giới thiệu chung về hai bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu), Sóng (Xuân Quỳnh), về hai đoạn thơ được trích dẫn
- Việt Bắc ghi nhận một đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của một ngọn cờ đầu trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Bài thơ ra đời ở một bước ngoặt đáng nhớ của lịch sử dân tộc (tháng 10 năm 1954), trở thành bản anh hùng ca về Cách mạng và Kháng chiến, bản tình ca về đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú, cao đẹp của con người Việt Nam.
- Sóng được Xuân Quỳnh sáng tác vào cuối năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Tiếp nối một đề tài, sử dụng một tứ thơ đã trở thành quen thuộc nhưng Sóng mang theo nhịp đập của một trái tim chân thành, tha thiết, thể hiện những trăn trở, khát vọng trong tình yêu thật riêng của Xuân Quỳnh.
- Hai đoạn thơ đều diễn tả nỗi nhớ tha thiết của những tâm hồn giàu cảm xúc, giàu ân nghĩa.
* Phân tích nỗi nhớ được thể hiện trong đoạn thơ của bài Việt Bắc
- Đoạn thơ mang giọng điệu độc thoại nội tâm. Nhập vai vào người cán bộ sắp về xuôi, Tố Hữu như tự nhìn vào lòng mình, cất tiếng hỏi mình để diễn tả nỗi nhớ nôn nao lạ thường. Nhớ nghĩa tình cách mạng, nghĩa tình kháng chiến mà như nhớ người yêu vậy, Qua so sánh này, cái chung đã tự nhiên thành cái riêng, những tình cảm cộng đồng đã tự nhiên thành cảm xúc của riêng tư, của lứa đôi, …
- Nhớ những cảnh vật, những vẻ đẹp thật riêng của núi rừng Việt Bắc (Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương).
- Những vẻ đẹp của cảnh, của người Việt Bắc hiện lên thật sinh động, cụ thể qua điệp từ “nhớ từng” đứng đầu các câu thơ lục bát. Nếu không sống thật sâu với kỉ niệm, không yêu Việt Bắc nồng nàn thì không thể “nhớ từng” như thế.
- Vẻ đẹp mờ ảo, thấp thoáng của những bản làng Việt Bắc qua màn khói, làn sương... Hình ảnh bếp lửa toát lên sự nồng hậu, cuộc sống gia đình ấm áp. Bếp lửa càng thân thương, càng đáng nhớ khi gắn với bóng dáng “người thương đi về”. Phải chăng đó là hình ảnh những bà mẹ, những người chị, người em gái - những người phụ nữ sớm hôm tần tảo nhen nhóm và giữ yên bếp lửa.
- Từng rừng nứa bờ tre, từng con ngòi, dòng sông, ngọn suối Việt Bắc đều in dấu kỉ niệm của “mình”“ta” trong “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Suối Lê có khi vơi khi đầy, cuộc sống có lúc gian nan, mất mát, có lúc vui tươi, thắng lợi nhưng nghĩa tình bao giờ cũng đầy ăm ắp.
- Câu thơ cuối đoạn mang dáng dấp tổng kết, nhìn suốt lại “những ngày”... “Mình đây ta đó” luôn sóng đôi, luôn sẻ chia cả “đắng cay” lẫn “ngọt bùi”.
* Phân tích nỗi nhớ được diễn tả trong đoạn thơ của bài sóng
- Một nỗi nhớ cứ thường trực trong lòng. Xuân Quỳnh đã mượn đặc điểm của sóng để diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu. Bằng cách diễn đạt qua đối sánh, Xuân Quỳnh đã mở rộng các dạng thức, các không gian tồn tại của sóng (Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước), ở dạng thức nào, ở không gian nào, sóng cũng nhớ bờ, cũng tìm về với bờ. Cũng vậy, dù ở đâu, dù lúc nào, lòng em cũng nhớ về anh. Sóng cứ thao thức “ngày đêm không ngủ được” thì lòng em cũng chẳng lúc nào yên bởi nỗi nhớ xốn xang, ám ảnh.
- Nỗi nhớ được diễn tả thật độc đáo: Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức. Lúc thức nhớ. Cả trong mơ em cũng nhớ. Hình ảnh anh trong giấc mơ em cứ rõ ràng y như lúc thức vậy. Một nỗi nhớ bao trùm khắp không gian, xuyên suốt thời gian, tràn ngập cả tâm hồn...
* Tổng hợp về sự giống nhau, điểm khác nhau của hai đoạn thơ
- Đều diễn tả chân thực nỗi nhớ da diết lạ thường, đều giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.
- Nỗi nhớ trong Việt Bắc thiên về hoài niệm, nặng ân tình. Qua nhớ, Tố Hữu đã tái hiện những vẻ đẹp thật riêng của cảnh và người Việt Bắc trong Cách mạng, trong Kháng chiến. Những tình cảm chung của cộng đồng được chuyển hoá tự nhiên thành tình cảm lứa đôi, cảm xúc tình yêu. Đoạn thơ thể hiện sở trường trữ tình hoá những vấn đề chính trị một cách khéo léo, nhuần nhuyễn của ngòi bút thơ Tố Hữu.
- Nỗi nhớ trong Sóng toát lên sự hiện hữu, cái hiện tại và trực tiếp đó là câu chuyện của tình yêu lứa đôi. Nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ được Xuân Quỳnh gửi gắm qua các tương đồng với sóng ngoài đại dương. Sự hoà khớp giữa hai phía này (lòng em - sóng biển) đã tạo nên sức lay động, sức thuyết phục của cảm xúc, của hình ảnh thơ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây