© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Em hãy chứng minh rằng lối sống ỷ lại, thụ động là một lối sống không tốt, kìm hãm sự phát triển của xã hội

Thứ năm - 05/03/2020 09:56
Em hãy chứng minh rằng lối sống ỷ lại, thụ động là một lối sống không tốt, kìm hãm sự phát triển của xã hội
Xã hội đang ngày càng phát triển nâng động nhưng vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ sống và học tập thụ động. Em hãy chứng minh rằng lối sống ỷ lại, thụ động là một lối sống không tốt, kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Trong cuộc sống đang ngày càng năng động, phát triển như ngày nay, chúng ta cần tự đấu tranh để loại bỏ một số thói hư tật xấu còn ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ. Vậy đâu là thói hư tật xấu cần phê phán nhất? Nếu được hỏi, tôi sẽ nói: đó là thói ỷ lại, sự thụ động trong học tập và rèn luyện của không ít người, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ các bạn học sinh.

Ỷ lại, thụ động là gì? Ý lại là trông chờ, thậm chí phó mặc cho người khác việc mà đúng ra mình phải làm. Giờ kiểm tra, bạn chẳng học gì hết, bạn đến lớp và chờ “cóp” bài của người khác. Cả tổ đến lịch trực lao động, bạn không đi vì nghĩ: Đã có người khác làm,...Đó là những biểu hiện sinh động cho thói ỷ lại trong học tập và rèn luyện của khá nhiều bạn học sinh.

Thụ động là sự chậm chạp, lười biếng trong vận động tư tưởng, bị động trước mọi thay đối, chỉ trông chờ vào người khác. Nếu bạn là người không bao giờ chuẩn bị bài trước khi lên lớp? Bạn là người chẳng khi nào mảy may có một ý kiến xây dựng bài, đóng góp ý kiến cho tập thể?,...Tôi xin thưa: Bạn là người thụ động!

Rõ ràng ỷ lại và thụ động luôn đi cùng với nhau tạo thành một “cặp bài trùng” đáng ghét. Nó thường xuất hiện ở những bạn lười biếng, quen ăn chơi, được nuông chiều và đặc biệt là ích kỉ, không có ý thức.

Trái với ỷ lại, thụ động là tích cực, chủ động. Đó là thái độ sẵn sàng tìm tòi, khám phá cái mới, luôn tự giác tìm hiểu những điều mình cần biết và chưa biết. Chủ động là nguồn gốc của sáng tạo, của văn minh.

Thói ỷ lại, sự bị động trong mọi việc đều cần phải lên án, nhưng ỷ lại và thụ động trong học tập, rèn luyện ở lứa tuổi học sinh càng cần lên án hơn. Tại sao vậy?

Đối với một đời người, độ tuổi dễ tiếp thu tri thức nhất là độ tuổi đi học, quãng thời gian rảnh rang nhất để nghiên cứu học tập là thời học sinh, vậy mà bạn ỷ lại, thụ động thì rõ ràng bạn đang từ chối việc thu nhặt “túi khôn” nhân loại, rèn luyện trí não. Mà bạn biết đấy, thời đại ngày nay không có tri thức thì chúng ta chỉ là những kẻ vô dụng mà thôi! Tai hại hơn, thói xấu kia còn làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Tôi đã nghe hàng trăm lời phàn nàn: nó nhìn bài của tớ mà điểm cao hơn tớ? Nó chẳng làm bài gì cả, toàn hội mình làm hết, tại sao phải cho nó điếm của cả nhóm? Điều ấy chứng tỏ xung quanh kẻ ỷ lại, thụ động có rất nhiều người chịu thiệt, công sức họ bỏ ra đã không được đánh giá công bằng.

Như trên đã phân tích thì thói xấu này là nguồn gốc của những tiêu cực trong thi cử, kiểm tra. Ỷ lại, thụ động chắc chắn sẽ học kém, song nhiều ông bố bà mẹ mạnh về kinh tế không muốn chấp nhận thực tế ấy. Họ ra sức chạy chọt, xin xỏ cho con. Những hành động này tạo ra những tiêu cực nguy hiểm trong học đường. Ngay bản thân mỗi học sinh kia, họ cùng sẽ tiếp tục có những hành động sai trái: cóp bài, gian lận,... Với những tác hại cơ bản đó, chúng ta có đầy đủ lí do để không ỷ lại, thụ động, nhất là trong học tập.

Có nhiều con đường để khám phá thế giới và hoàn thiện bản thân, nhưng con đường nào cũng cần đến lòng nhiệt huyết, sự đam mê và thái độ tích cực, chủ động. Rõ ràng con đường ấy không chấp nhận sự ỷ lại, thụ động trong suy nghĩ và hành động. Bạn nhớ cho tôi “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây