© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Em hãy nói lên cảm xúc và ý nghĩ của mình khi đọc mẩu chuyện “Chuyện cây khế thời nay”.

Thứ sáu - 02/12/2016 05:26
“Ăn một quả trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng” là lời nói của con chim phượng hoàng trong truyện cổ tích “Cây khế” mà nhiều bạn tuổi thơ chúng ta đã biết.
Còn “Chuyện cây khế thời nay” lại ca ngợi lòng nhân hậu của bà mẹ liệt sĩ, biểu dương tinh thần săn sóc, giúp đỡ gia đình liệt sĩ của các bạn nhỏ nơi xóm làng quê.
 
Trẻ con ở đâu và thời nào mà chẳng nghịch. Trèo đa, đá bóng, thả diều, bơi lội, hái khế, bứt ổi, v..v...
 
Các bạn nhỏ được nói đến ở đây cũng thế. Nhà bà Tư có cây khế ngọt trong vườn, bà vẫn hái đem ra chợ bán kiếm thêm tiền mua trầu cau. Hoàn cảnh bà rất đặc biệt: bà có hai người con là bộ đội đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước; tuổi già sức yếu, bà sống một mình cô đơn. Hoàn cảnh ấy của bà Tư thì bạn nhỏ nào cũng biết.
 
Thế nhưng tuổi thơ rất nghịch và dại dột đã chờ lúc bà Tư vắng nhà thì rủ nhau đến "tha hồ leo cây, vừa bứt lá, vừa hái quả". Bà Tư đã biết nhưng bà không hề than thở với ai. Điều đó nói lên tình thương và sự cảm thông của bà đối với các cháu nhỏ.
 
Khi bắt được quả tang lũ nhỏ đang trèo hái khế, câu nói của bà Tư thể hiện một tấm lòng nhân hậu bao la: "Các cháu xuống cẩn thận từng cháu một, kẻo té thì khổ bà. Rồi các cháu vào đây bà kể chuyện cổ tích cho nghe”.
 
Qua đó, ta thấy bà Tư không sợ mất khế, mà chỉ sợ các cháu nhỏ vì sợ hãi, vội vàng chạy trốn mà ngã, mà té thì lòng bà không nỡ. Bà coi chúng nó như đàn cháu ruột ngây thơ của mình.
 
Bà Tư kể chuyện cổ tích "Cây khế" cho lù trẻ nghe. Đứa nào cũng đã biết chuyện ấy rồi, nhưng tất cả đều xúc động “thấy thấm”, mới hiểu hết ý nghĩa của nó là “chê trách sự vô ơn và lòng tham lam”. Bà Tư không chỉ hiền hậu mà còn biết cách giáo dục đạo đức cho các cháu nhỏ một cách nhẹ nhàng, sâu sắc, thầm thía.
 
Lòng nhân hậu của bà Tư đã làm cho những đứa trẻ nghịch ngợm và dại dột trở nên ngoan ngoãn đáng yêu. Chúng rủ nhau đến chăm sóc, giúp bà những việc nhỏ trong nhà, hoặc hái khế giúp bà để bà đem ra chợ bán.
 
Đọc “Chuyện cây khế thời nay” ta càng yêu kính và quý trọng tấm lòng hiền hậu thơm thảo, của bà Tư, càng thấy bổn phận của trẻ em, học sinh là biết tìm mọi cách giúp đỡ các gia đình thương liệt sĩ.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây