© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Em hiểu lời dạy trong câu ca dao: Lời nói chẳng mất tiền mua như thế nào?

Thứ bảy - 29/02/2020 10:03
Ca dao Việt Nam có câu:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Em hiểu lời dạy trên như thế nào? Em rút ra được những bài học gì cho bản thân?
Trong cuộc sống, con người phải biết chọn lựa lời nói sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp và ứng xử. Chính vì vậy, mọi người thường khuyên bảo nhau:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói chữ vừa lòng nhau.

Lời nói là một công cụ dùng để giao tiếp và ứng xử trong mối quan hệ giữa con người vái con người. Do đó, khi nói ta cần phải biết “lựa lời mà nói” sao cho hay, cho đẹp.
Trước hết, “lựa lời mà nói” có tác dụng lôi cuốn, cảm hóa được người nghe, làm cho người nghe biết rung động và kính nể người nói. Bác Hồ là người luồn đạt được những thành công lớn trong vấn đề này. Ngày 02-9-1945, lúc đang đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, Bác có nói một câu thể hiện sự quan tâm sâu sắc: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã làm cho hàng triệu trái tim xúc động mãnh liệt.

Rõ ràng tình cảm của Người trong lời nói ấy quá da diết, không gì có thể so sánh được. Còn khi nhắc đến miền Nam ruột thịt, Bác nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Những câu nói của người cho đến tận bây giờ, nhân dân Việt Nam không thể nào quên. Đối với thanh niên, học sinh, Bác nói nhiều câu như lời dạy của một nhà giáo dục yêu trẻ, yêu nghề:

Không có việc gi khó
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.

hay: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

Đối với giới tri thức nghiên cứu khoa học, nhiều người phải xa quê hương sinh sống và làm việc tại nước ngoài, bằng lời nói của mình, Bác đã cảm hóa được tâm hồn họ, khiến họ nghe theo Bác về quê hương Việt Nam thân yêu để phục vụ. Tiến sĩ Nông học Lương Định Của hay Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là những điển hình. Nói chung, dù ở bất kì thời điểm nào, lời nói của Bác Hồ cũng luôn làm “vừa lòng” người nghe.

Ngược lại, trong xã hội, có không ít con người không biết liệu lời mà nói dẫn đến nhiều tác hại cho bản thân và mọi người. Đó là những lời nói thô tục, thiếu văn hóa, thiếu thiện chí nhằm thỏa mãn ý thích cá nhân hoặc nói mà thiếu suy nghĩ.

Ngoài ra còn có những lời phát ngôn không phù hợp với đối tượng tiếp nhận như: ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, trẻ em và những đối tượng khác. Chẳng hạn như đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người nói cần phải tỏ thái độ kính trọng, nể nang, lễ phép, khiêm tốn.

Những lời nói không đẹp bao giờ cùng mang lại những hậu quả nặng nề. Chỉ vì một lời nói mà người đang giữ chức vụ quan trọng có thể cho bị thôi việc sớm. Chỉ vì một lời nói mà dẫn đến tan nhà, nát cửa, con xa cha, vợ xa chồng. Chỉ vì một lời nói mà người này trở thành kẻ thù của người kia.

Lời nói phản ánh trình độ văn hóa cũng như thước đo nhân phẩm, danh dự con người. Người càng có tài và đức, có uy tín lớn thì lời nói của người ấy càng có giá trị, càng được mọi người học hỏi, phát huy. Tuy nhiên, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoàn toàn khác biệt với thái độ a dua, nịnh hót, nể nang một cách vô lí trong quan hệ bạn bè, đồng chí. Vì vậy trong quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè, chúng ta cần thẳng thắn góp ý những khuyết điểm của bạn, để họ tích cực sửa chữa. Ngược lại, chúng ta vui vẻ và sẵn sàng nghe lời phê bình của bạn bè. Nếu được như thế thì chẳng những tình bạn được duy trì bền bỉ, thâm sâu, mà còn làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

Câu ca dao trên đây đã đặt một nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục đích giao tiếp và ứng xử trong một xã hội văn minh. Do đó, chúng ta phải học tập thật giỏi, tăng cường rèn luyện đạo đức thật tốt để trở thành một con người vừa có trình độ văn hóa cao, vừa có một phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây