© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giới thiệu một vài nét về Đường thi, về Lí Bạch và bài thơ Vọng Lư sơn bộc bố

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Thời đại nhà Đường (618-907) là một thời đại hoàng kim của đất nước Trung Hoa thời trung đại. Kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phồn thịnh. Giáo dục mở mang. Muốn làm quan phải đỗ Tiến sĩ, nên việc học càng phát triển mạnh.
Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào, đã làm cho đời sống tinh thần và nền văn hoá Trung Quốc thêm phần khởi sắc. Đặc biệt, văn học nghệ thuật phát triển kì diệu. Đúc chuông, tạc tượng, xây dựng chùa chiền, cung điện, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, ca vũ, thơ ca, dệt lụa... đạt đến một trình độ cao siêu tuyệt mĩ.

Thơ Đường là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của Trung Quốc, biểu tượng huy hoàng của nền văn minh nhân loại. Hơn mười ba thế kỉ đã trôi qua, ngày nay thơ Đường còn tồn giữ được trên 48.000 bài thơ của trên 2.300 thi sĩ; những con số làm ta ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Nội dung thơ Đường vô cùng phong phú, sâu xa, trong đó có những bài thơ viết về thiên nhiên, về tình quê hương, tình bạn, tình lứa đôi,... đã trở thành câu thơ trong trí nhớ hàng triệu con người gần xa.

Lý Bạch (1.200 bài), Đỗ Phủ (1.400 bài), Bạch Cư Dị (2.800 bài),... những nhà thơ vĩ đại ấy là niềm tự hào của nhân dân Trung Quốc, trở nên thân thuộc với nhân loại.

Về thi pháp, về ngôn ngữ, hình tượng, về biểu cảm, thi trung hữu hoạ, thi trung hữu cầm, ý tại ngôn ngoại, v..v... đã trở thành khuôn mẫu, sự chuẩn mực trong sáng tác, trong cảm thụ, mà thơ Đường và các thi sĩ đời Đường đã để lại cho chúng ta.

Thơ tứ tuyệt Đường luật, thơ bát cú Đường luật là hai thể thơ tiêu biểu cho đỉnh cao nền thi ca cổ điển Trung Hoa.

Thơ Đường đã du nhập vào nước ta khoảng một nghìn năm. Tổ tiên, ông cha ta đã sáng tác thơ Đường luật bằng chữ Hán, bằng chữ Nôm, bằng chữ Quốc ngữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều thơ chữ Hán, thơ tiếng Việt, sáng tác theo thi pháp Đường thi. Trong hai thế kỉ XIX và XX, nhiều nhà nho, nhiều nhà thơ của ta đã dịch nhiều thơ Đường ra tiếng Việt. Thơ Đường càng trở nên gần gũi và quen thuộc với nhiều người ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những bài thơ Đường trên trang sách Văn Trung học là món ăn tinh thần vô giá đối với tuổi trẻ chúng ta. Học thuộc nguyên tác một vài bài thơ Đường, học thuộc những bài dịch thơ Đường, âu cũng là một điều thú vị...

Lý Bạch (701 - 762) là một trong những nhà thơ cự phách đời Đường, Trung Quốc. Ông để lại khoảng 1.200 bài thơ kiệt tác, được tôn vinh là "Thi tiên". Ông viết thật hay về thiên nhiên hoa lệ, về tình bằng hữu, về tình cố hương của khách li hương. Với thanh kiếm hiệp sĩ và bầu rượu, túi thơ, ông đi thăm thú mọi cảnh đẹp trên đất nước Trung Hoa bao la, đề thơ vào sông núi. Nhũng bài thơ trăng, thơ viết về cảnh uống rượu của Thi tiên là hay nhất, đẹp nhất: Tĩnh dạ tứ (Đêm thanh tĩnh), Bá tửu vấn nguyệt (Nâng chén hỏi trăng), Quan Sơn nguyệt (Trăng nơi quan ải),Tương tiến tửu (Sắp mời rượu), ...

Bài “Vọng Lư sơn bộc bố” (Xa ngắm thác núi Lư) viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, miêu tả và ngợi ca vẻ đẹp tráng lệ của thác núi Lư trong một ngày nắng đẹp.

Cần học thuộc lòng bài thơ và hiểu nghĩa bản dịch. Học sinh giỏi nên học thuộc cả bài thơ chữ Hán.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây