© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hãy nêu một vài nét về tác giả, dịch giả, về nội dung và giá trị tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc

Thứ ba - 23/06/2020 10:16
Tác giả

Đặng Trần Côn quê ở làng Nhãn Mục, huyện Thanh Trì, ngoại thành Thăng Long. Ông sống vào nửa đầu thế kỉ XVIII. Ông đỗ Hương cống (Cử nhân) từng làm quan dưới thời Lê - Trịnh.
Ông để lại một số thơ văn chữ Hán; tác phẩm tiêu biểu nhất là “Chinh phụ ngâm khúc " gồm có 470 câu thơ chữ Hán dài, ngắn xen nhau theo thể tự do.

Ví dụ:
"Vị kiều đầu, thanh thủy câu,
Thanh thủy biên, thanh thủy đồ.
Tống quân xứ hề, tâm du du,
Quân đăng đồ hề, thiếp hận bất như câu.
Quân lâm lưu hề, thiếp hạn bất như châu "...
Dịch thơ:
" Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền "...

- Dịch giả

Hiện nay có 3, 4 bản dịch thơ "Chinh phụ ngâm khúc"

Bản dịch 408 câu thơ song thất lục bát rất được phổ biến, nhiều người cho là của bà Đoàn Thị Điểm, người cùng thời với ông Đặng Trần Côn.

Đoàn Thị Điểm quê ở làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà là một phụ nữ nổi tiếng: "đẹp người, đẹp nết, giỏi văn chương", là vợ thứ của tiến sĩ. Nguyễn Kiều, danh sĩ Bắc Hà thời Lê - Trịnh. Ngoài bản dịch "Chinh phụ ngâm khúc ", nữ sĩ còn để lại tác phẩm "Truyền kì tân phả" bằng chữ Hán.

- Nội dung

"Chinh phụ ngâm khúc" thể hiện nỗi thương nhớ, trông mong đợi chờ, nỗi buồn cô đơn, vất vả, dài dằng dặc của người vợ trẻ có chồng đi chinh chiến miền xa, đồng thời nói lên cảnh gian truân, nguy hiểm cúa người chồng trên chiến địa.

- Giá trị

Bản dịch "Chinh phụ ngâm khúc" là một kiệt tác của nền văn thơ cổ điển Việt Nam.

- Nó có giá trị nhân đạo sâu sắc, nói lên tình thương đối với những chinh phụ, những khách chinh phụ trong thời loạn lạc: nguy hiểm, chết chóc, lo buồn cô đơn; cảm thông với nỗi khát khao về hạnh phúc lứa đôi, về ước mơ sum họp gia đình. "Chinh phụ ngâm" còn là tiếng nói lên án chiến tranh thời phong kiến.

Về mặt nghệ thuật “Chinh phụ ngâm khúc” đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Về thể thơ song thất lục bát là đỉnh cao chưa có tác phẩm nào sánh được. Nhạc điệu du dương, ngôn ngữ trong sáng gợi cảm, hình tượng mĩ lệ, cách diễn tả tâm trạng tinh tế, sâu sắc, các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng cực kì điêu luyện. Nhiều câu thơ, đoạn thơ đã in sâu trong tâm trí hàng triệu con người. Ví dụ:

"Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lồng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai? "
Hay:
"Ôm yên, gối trống đã mòn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh"
Hay:
"Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong!
Cảnh buồn, người thiết thư lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun..."
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây