© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hãy phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Lượm của Tố Hữu

Thứ ba - 17/03/2020 09:44
Lượm là một bài thơ hay. Hình ảnh Lượm đã để lại trong em cảm nghĩ sâu sắc. Nhà thơ Tố Hữu đã vẽ lên trước mặt người đọc hình ảnh một thiếu nhi Việt Nam trong những ngày đầu kháng chiến:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.

Hình ảnh Lượm thật đẹp. Lượm còn bé lắm, bé “loắt choắt” nhưng đã tham gia cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Lượm đã mang “cái xắc xinh xinh” lên đường đi công tác. Và cậu bé này đã vô cùng tự hào vì được nhập vào dòng người kháng chiến. Chân cậu bước “thoăn thoắt”, còn đầu thì “nghênh nghênh”.

Lượm là hình ảnh tiêu biểu cho những chú bé Việt Nam sinh ra trong đói nghèo. Cậu nhỏ bé, gầy gò nhưng toát lên từ đáng dấp đó là sự nhanh nhẹn, vui tươi. Lượm vui vì cuộc cách mạng đã đem lại tự do, bình đẳng cho người nghèo. Đối với Lượm, cách mạng là một ngày hội lớn:

Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà.

Hình ảnh Lượm để lại trong em niềm vui, sự luyến tiếc: Giá như em cũng được tham gia cuộc kháng chiến như Lượm thì sung sướng biết bao. Nhà thơ tiếp tục gợi lên vẻ đẹp của Lượm:

Như con chim chích
Nhảy tràn đường vàng...

Hình ảnh con “đường vàng” gợi cho em nghĩ đến con đường rộng dài vô tận, con đường nhuộm ánh nắng mùa thu của ngày Cách mạng tháng Tám.

Trên con đường đó, Lượm như một con chim nhỏ đang nhảy nhót. Thật đẹp, thật đáng yêu. Nhưng chỉ là vẻ đẹp hồn nhiên của chú bé Lượm trong cuộc sống đời thường. Trong chiến đấu, Lượm còn mang vẻ đẹp của người chiến sĩ dũng cảm. Khi có lệnh, Lượm đã thể hiện tinh thần của người lính:

Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chỉ hiểm nghèo

“Đạn bay vèo vèo” nhưng Lượm vẫn lao “vụt” lên. Lượm không sợ “hiểm nghèo” bởi thư đề “Thượng khẩn”. Lúc này chỉ chậm một giây phút là có thể trả giá đắt bằng xương máu của các anh bộ đội thân yêu. Là người liên lạc, phải thực hiện ngay lệnh cấp trên, Lượm “vụt” lên để truyền đạt tin tức dù phải hi sinh.

Và đau xót thay, đạn địch “bay vèo vèo” như thế thì làm sao thoát được, nên Lượm đã ngã xuống:

Thôi rồi, Lượm ơi!

Nhà thơ nghẹn ngào. Và em cũng không cầm được nước mắt. Chú bé đáng yêu đó đã vĩnh viễn ra đi.

Em nghĩ đến cậu bé làng Gióng, Trần Quốc Toản, Kim Đồng. Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, biết bao thiếu nhi Việt Nam ta đã ngã xuống. Họ là những tấm gương sáng cho muôn đời sau.

Thánh Gióng bay lên trời. Còn Lượm thì:

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...

Cho đến lúc hi sinh, Lượm vẫn mang vẻ đẹp trọn vẹn. Người con của làng quê lúc ra đi vẫn gắn bó với quê hương, vẫn “nằm trên lúa” và bàn tay vẫn “nắm chặt” bông lúa. Lượm đi thanh thản, Lượm nằm xuống trên cánh đồng lúa đang “thơm mùi sữa”. Đứa con yêu của quê hương vẫn còn mãi với ruộng đồng:

Hồn bay giữa đồng...

Hình ảnh Lượm hiện lên thật đáng yêu trong khổ thơ cuối:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh...

Hình ảnh Lượm để lại trong em nhiều xúc động, gợi em suy nghĩ về nghĩa vụ đối với đất nước. Chiến tranh không còn nữa nhưng công cuộc xây dựng đất nước còn khó khăn, em phải đóng góp như thế nào để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng với những người đã hi sinh vì đất nước như Lượm.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây