© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hãy tìm hiểu những đặc điểm về nghệ thuật thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Thứ bảy - 03/06/2017 07:29
Xuân Diệu được xem là nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, đã đóng góp nhiều nhất cho văn học Việt Nam hiện đại. Hoạt động văn chương của ông thật đa dạng: sáng tác thơ, truyện, phóng sự, bút kí, viết phò binh, tiểu luận, nói chuyện thơ...
Nhưng thành tựu xuất sắc được ưa chuộng nhất của ông là thơ ca với mười lăm tập thơ, được hình thành trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của tác giả. Ta hãy tìm hiểu đặc điểm về nghệ thuật của Xuân Diệu, đặc biệt là mảng thơ trước Cách mạng tháng Tám 1945.
 
Có lẽ sự đóng góp của Xuân Diệu cho thơ ca hiện đại không phải là chỉ ở đề tài. Nét độc đáo trong thơ Xuân Diệu là ở cảm hứng, thi tứ, bút pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ lãng mạn phương Tây, đồng thời vẫn kế thừa truyền thống thơ ca dân tộc và thơ dân gian.
 
Cảm hứng về nỗi cô đơn được Tản Đà diễn tả.
 
Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông
 
Còn Nguyễn Bính thì:
 
... cô đơn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm có còn sang chơi.
 
Riêng trong thơ Xuân Diệu, cách diễn đạt nỗi cô đơn thật độc đáo. Dù có người, có cảnh vật nhưng nếu còn một chút gì xa cách về không gian hay thời gian, nhà thơ vẫn cảm thấy.
 
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề ...
 
Đôi khi nỗi cô đơn trở thành một ám ảnh:
 
Tôi là con nai bị chiều đánh lưới,
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối.

Thậm chí lúc dạo vườn đêm trăng cùng người yêu. Xuân Diệu vẫn thở than:
 
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.
 
Nghệ thuật diễn tả tình yêu trong thư Xuân Diệu cũng thật mới lạ, không bóng gió, ước lệ, tượng trưng như trước kia, mà cụ thể, đầy đủ với ý nghĩa tình yêu bao gồm cả tâm hồn lẫn thân xác. Có khi tình yêu mang những hình ảnh nhục thế:
 
 ……….đây gối lá,
Tay em đây mời khách ngả đầu say.

Mình em không được quấn chân anh
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài !
 
Không chỉ về tình yêu, khi nói về “cái tôi” hoặc thiên nhiên, Xuân Diệu cũng có nhữngcách nói rất mới theo kiểu văn chương lãng mạn phương Tây:
 
Tôi là con nai bị chiều đánh lưới.
…..
Hôm nay tôi đã chết trong người,
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi.
 
Ngoài ra, thơ ông cũng có những từ dịch từ văn chương lãng mạn phương Tây:
 
Trời ơi ta muốn uống hồn em,
….
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
 
Anh hưởng của thơ tự do Pháp cũng khá rõ qua cách ngắt nhịp, ngắt dòng thơ.
 
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa ...
Mau đi thôi! Màu chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
 
Chính Xuân Diệu đã có những phút bột phát, không bằng lòng với những từ quen dùng, bởi chưa diễn tả hết cảm xúc của mình. Ông đã sáng tạo những từ mới đặt câu gieo vần mới. Người đọc lại rất thú vị và tán dồng những ngôn ngữ thơ này:
 
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
…..
Tinh thổi gió màu yêu lên phấp phới,
……
Từng mảnh biếc hồn tôi trăng đã lấy,
Gió đem buồn đi tận tháng năm nào.
 
Tóm lại, Xuân Diệu đã có công tái tạo khi tiếp thu thành tựu nghệ thuật thơ phương Tây và cách tân thơ ca hiện đại để đạt hiệu quả thẩm mĩ cao.
 
Tuy nhiên, một phương diện nghệ thuật quan trọng luôn luôn được các nhà phê bình văn học chú trọng khi tìm hiểu thơ Xuân Diệu, là sự kế thừa truyền thống thơ ca dân tộc và dân gian. Tư duy, chất cảm xúc, chất trữ tình và ngôn ngữ trong thơ Xuân Diệu mang một cốt lõi vững chắc, những màu về dân tộc, dân gian đặc sắc. Cảm hứng trong thơ ông thật phong phú, cảm hứng dân tộc, dân gian rất rõ và nhiều mặt như mùa xuân, trăng, hoa, mây, nước, chim ..., cảm hứng về tình yêu trinh bạch thủy chung, cảm hứng về số phận trớ trêu, khắt khe của con người. Văn chương dân tộc, dân gian cùng cung cấp nhiều đề tài, thi tứ cho Xuân Diệu như trong các bài thơ Nguyệt cầm, Nhị hồ, Viễn khách, Lời kĩ nữ ... Hình ảnh, ngôn ngữ thơ Xuân Diệu có nhiều cái mới lạ, táo bạo nhưng cũng có không ít những cái nồng đượm hương vị cố nhân:
 
Đường lúc hoàng hôn xuống,
Là giờ viễn khách đi.
Nước đượm màu li biệt
Trời vương hương biệt li!
 
Có một vài bài thơ lục bát mang âm diệu dân gian thật gợi cảm:
 
Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
 
Đặc biệt là hơi thở phảng phất ý vị cổ điển của thơ phương Đông:
 
Nguời giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
 
Tóm lại, Xuân Diệu đã kết hợp truyền thống và hiện đại trong quá trình sáng tạo nghệ thuật thơ ca. Với nỗ lực gây dựng nền văn học mới đáp ứng với yêu cầu của thời đại, Xuân Diệu đã dóng góp nhiều công sức, như mội con ong thợ cần mẫn và khôn khéo tìm hút được nhiều nhụy hoa quý để làm ra một thứ mật bổ dưỡng cho đời. Qua thơ, Xuân Diệu để lại cho đời một tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, một niềm tin tha thiết đối vơi con người, một ý thức chân thành đối với văn chương.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây