© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hình tượng ông lái đò Sông Đà

Thứ năm - 14/02/2019 09:58
Nguyễn minh châu đã coi Nguyễn Tuân là cái định nghĩa về người nghệ sĩ. Ông là nhà văn tài năng và có phong cách nghệ thuật độc đáo trong nền văn học Việt Nam hiện đại và cũng là một cây bút luôn luôn tìm kiếm khám phá vẻ đẹp tài hoa sang trọng của cuộc sống. Nguyễn Tuân luôn “xê dịch” để đi tìm “chất vàng mười” còn tiềm ẩn trong lòng người đó đây và ông đã tìm được “chất vàng mười” đó ở hình tượng người lái đò sông Đà trong bài kí cùng tên của nhà văn.
Bài kí có hai nhân vật: con sông Đà và người lái đò trên dòng sông ấy thế nhưng theo cách nhìn của nhà văn bức tranh hùng vĩ diễm lệ của sông Đà chỉ là cái nền để tác giả ca ngợi sự tài hoa khéo léo cũng như bản lĩnh toát ra từ hình tượng ông lái đò.
 
1. So sánh người lái đò với thế giới nhân vật trong văn Nguyễn Tuân trước cách mạng.
Là một nhà văn dễ có cảm hứng trước những vẻ đẹp phi thường tuyệt mĩ, trước cốt cách thanh cao của con người cho nên thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân trước cách mạng thường là những con người tài hoa nhân cách, thiên lương trong sáng. Đó là một cụ kép có dung mạo như một ông tiên: tóc bạc, lông mày bạc, chòm râu bạc thấp thoáng ở vườn lan, nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự cho hoa thơm, cỏ quý “hương cuối”, hay một Huấn Cao cổ đeo gông chân vướng xiềng ngày mai về kinh để chịu án đại hình vậy mà trong đêm tối nơi nhà ngục vẫn buông bút nghiêng cả cuộc đời mình đi gạn lọc lấy dòng máu tài hoa gửi lại cho cuộc đời. Sau cách mạng Nguyễn Tuân vẫn đi tìm một vẻ đẹp tài hoa nhưng ông không tìm trong vang bóng một thời nữa mà đã hướng ngòi bút của mình về cuộc sống mới của đất nước nhân dân. Nguyễn Tuân không chỉ thấy vẻ đẹp ở tầng lớp trí thức mà còn ngay ở tầng lớp lao động bình dân để từ đó xây dựng thành công hình tượng người lái đò nghệ sĩ trong nghề nghiệp chèo đò vượt thác. Với Nguyễn Tuân hai chữ “nghệ sĩ” không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà chỉ cả những người đạt đến trình độ điêu luyện tài hoa trong nghề nghiệp, ở đây người lái đò tây bắc được nhà văn khắc họa thực sự là một nghệ sĩ từ vóc dáng đến tính cách.
 
2. Tên tuổi và ngoại hình.
– Nhà văn đã xóa mờ gần hết những nét riêng biệt của chân dung ông lái đò, ông lái đò không tên, không tiểu sử điều này không phải ngẫu nhiên. Nguyễn Tuân muốn tạo ra một chân dung vô danh để lẫn vào đám đông nhưng chính con người bình dị ẩn khuất giữa núi rừng ấy lại chứa đựng “chất vàng 10” đích thực của tâm hồn và tài năng. Cảm hứng ngợi ca lao động, ngợi ca con người của Nguyễn Tuân hướng vào những vẻ đẹp dễ khuất lấp ấy.
 
– Nhà văn chỉ khắc họa đôi nét về ngoại hình, dù chỉ là mấy nét phác họa của Nguyễn Tuân nhưng chân dung ông lái đò hiện ra vô cùng ấn tượng.
 
+ tay dài lêu nghêu như cái sào, chân lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh như kép lấy cái cuống lái tưởng tượng. Ngoại hình của ông mang yếu tố đặc biệt của con người lao động trên sông nước.
 
+ không dừng lại ở đây nhà văn còn so sánh liên tưởng: người cao to gọn quánh như chất sừng, chất mun. Nếu bịt cái đầu bạc hói đi người ta cứ ngỡ tưởng đó là một chàng trai. Nhỡn giới vời vợi, giọng ào ào như tiếng trước mặt ghềnh. Những so sánh liên tưởng đó cho ta thấy vẻ đẹp tráng kiệt, dũng mãnh khỏe khoắn mang bóng dáng của những con người phi thường, khác thường, người anh hùng nơi sông Đà giang.
 
3. Nghề nghiệp và tài nghệ sĩ của ông lái đò.
a. Nghề nghiệp:
Ông lái đò bình dị nhỏ bé khiêm nhường nhưng hiện lên trên trang văn của Nguyễn Tuân là một con người thạo nghề sông nước nay xuôi mai ngược, nay đề thác lũ, mai cưỡi bờm sóng mà đi. Ông tạo nghệ tới mức nếu ví sông Đà là một thiên anh hùng ca thì ông thuộc cả những chỗ chấm câu, chấm than, dấu xuống dòng.
 
Bờ vai ông có nổi lên những “củ nâu” dấu vết, chứng tích của những ngày chèo đò vượt thác. Những “củ nâu” ấy chính là huân chương lao động siêu hạng mà Nguyễn Tuân ưu ái sáng tạo ra để dành tặng cho người lái đò. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân người lái đò sông Đà được mô tả như một người lao động trí dũng song toàn, một nghệ sĩ tài hoa. Người xưa quan niệm cưỡi cơn gió mạnh, đạp đầu sóng dữ, chém cá kình ở biển đông là những biểu hiện của hành động phi thường của người anh hùng thì ở đây người lái đò được nhà văn khắc họa chính là con người cưỡi cơn gió mạnh đạp đầu sóng dữ.
 
b. Tài nghệ của ông lái đò qua 3 lần vượt thác giao tranh.
* Nhận xét nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân:
– Người xưa quan niệm “có gió lay mới biết tùng bách cứng”, “có lửa mới biết là vàng thật hay thau” vì vậy để làm nổi bật tài nghệ và trí dũng của ông lái đò. Nguyễn Tuân đã dụng công mô tả ba cuộc giao tranh giữa ông lái đò với con sông Đà. Dòng sông hung dữ như một thứ lửa để làm ánh lên chất vàng 10 vô cùng quý giá ở ông lái đò. Khi miêu tả cuộc giao tranh giữa ông lái đò và dòng sông Đà. Nguyễn Tuân đã vận dụng mọi sự hiểu biết uyên bác về lĩnh vực thể thao, võ thuật, binh pháp, quân sự, điện ảnh, ông vốc tới ngớt 300 động từ mạnh để ganh đua với cơn cuồng nộ sông Đà, ông tạo ra những so sánh nhân hóa, ẩn dụ liên tưởng, ông như một nhà quay phim lão luyện cống hiến cho độc giả những cảnh quay kịch tính hồi hộp và cho người đọc được xem những thước cảnh sát phim bằng ngôn từ đặc sắc.
 
* Vòng 1:
Ở vòng giao tranh thứ nhất sông Đà hiện lên như một loài thủy quái nham hiểm xảo quyệt, tàn ác. Nó bày ra 5 cửa trận : 4 tử 1 sinh– 1 cuộc giao tranh không cân sức giữa thiên nhiên hoang dại với người lao động bình dị khiêm nhường. Đá ở trên sông thì lộ vẻ oai phong, ngỗ ngược, xắc xược. Nhà văn đã truyền hồn sống cho những thớ đá, truyền cho đá cái linh động của ma quái, biến chúng thành một bầy thạch tinh hung hãn. Người đọc như nghẹt thở trước cơn cuồng phong động từ lên cùng cơn thịnh nộ của sông Đà: đa trái, thúc gối, đội cả thuyền lên, túm lấy, bóp chặt... việc miêu tả con sông dữ tợn và hung hãn như thế thực chất chính là một cách gián tiếp tác giả ca ngợi sự mạnh mẽ, dũng cảm cùng tài nghệ của ông lái đò.
 
Quả vậy đối với con thủy quái sông Đà ông lái đò không hề nao nong: “thạch trận dàn bầy vừa xong thì con thuyền vụt tới”. Câu văn này cho người đọc thấy ông lái đò dũng cảm gan góc thấy sóng cả nhưng không ngã tay chèo mà vẫn xung trận với khí thế nghênh chiến quyết thắng. Để diễn tả giây phút nguy hiểm: “mặt sông trong tích tắc lóa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”.
 
Mặc dù vậy, mặc dù đau đớn méo bệch đi nhưng người ta vẫn nghe thấy tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái đưa con thuyền vượt qua bốn cửa tử vào với cửa sinh bình yên. Như vậy ông lái đò tựa như một vị thuyền trưởng mưu trí dũng cảm tài ba.
 
* Vòng 2:
Để tô đậm hình ảnh ông lái đò tài hoa bản lĩnh Nguyễn Tuân lại tiếp tục miêu tả cuộc vượt thác lần thứ 2. Ở cuộc giao tranh này ta thấy dưới ngòi bút độc đáo và óc tưởng tượng cực kì phong phú của Nguyễn Tuân sông Đà hiện lên như một vị thần chiến tranh đầy tham vọng, nó tăng nhiều cửa tử lệch cửa sinh. Không dừng lại ở đây nhà văn còn đem đến cho ta cảm giác sông Đà như một con mãnh thú man dại: dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà lại thêm 4, 5 bọn thủy quân cửa ải nước. Có thể nói sông Đà như kẻ thù số 1 của con người nó hiện thân cho sức mạnh của thiên nhiên khó chế ngự.
 
Nhưng cũng như lần trước ông lái đò không hề nao núng. Ông không phải là con người có phép màu nhiệm, cũng không có cánh tay của héc–quyn, cánh tay sánh ngang với thần nước trong thần thoại hy lạp, cũng không có sức mạnh của sơn tinh bốc những quả đồi lên để ngăn dòng nước lũ. Nhưng để đổi lại vị thần chiến tranh sông Đà thì ông lái đò có vũ khí là mái chèo, con thuyền và đặc biệt là trí tuệ, trí nhớ siêu việt nắm chắc binh pháp thần sông, thần đá. Đó là cốt lõi trong nghệ thuật đánh phá trận đồ sông Đà. Mặc cho dòng sông ác hiểm ông lái đò vẫn nắm chặt bờm sóng ghì cương lái một hình thức ẩn dụ khiến cho con thuyền bỗng trở thành con chiến mã còn ông lái đò vụt trở thành người kị binh anh hùng điều khiển con chiến mã tung hoành trên chiến trận sông Đà. Nhờ có bản lĩnh thạo nghề, ông lái đò đã đưa con thuyền vượt qua rất nhiều cửa tử để vào với cửa sinh. Ông như một người anh hùng đang tung hoành trên chiến trận sông Đà.
 
* Vòng 3:
Ở cuộc giao tranh thứ ba mà ông lái đò vượt qua thực sự là cuộc giao tranh đầy kịch tính như gõ lên dây thần kinh độc giả. ở đây ta thấy ngòi bút Nguyễn Tuân trở nên bay bổng linh hoạt bởi những liên tưởng tạt ngang đầy thú vị khi miêu tả cách vượt thác của người lái đò sông đà lúc này đã bị thua ở hai vòng trên, không còn gì để mất, nó hung dữ, nham hiểm, xảo quyệt, ít cửa hơn bên phải bên trái đều là luồng chết, cái luồng sống lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ như vây sự sống của ông lái đò trở nên rất mong manh, nguy hiểm thần chết bủa vây ở mọi nơi. Nhưng chính trong ranh giới giữa sự sống, cái chết ấy, người đọc càng tháy ở ông lái đò tỏa sáng tài nghệ chèo đò vượt thác. Ông mưu trí phóng thẳng con thuyền đuôi én chọc thủng trùng vây thuyền như một mũi tên xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượm được. Nguyễn Tuân ca ngợi ông lái đò là “tay lái ra hoa”. Ở Nguyễn Tuân “hoa” là tài hoa, là cái đẹp, “tay lái ra hoa” tức là tay lái đạt đến trình độ điêu luyện để trở thành cái đẹp cái sang. Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân ông lái đò thực sự là một nghệ sĩ trong nghề nghiệp chèo đò vượt thác.
 
Đọc những câu văn tả cảnh ông lái đò vượt thác gợi cho ta nhớ đến những sa dạ sa đồng trong truyện thơ “vượt biển” của dân tộc tày nùng. Các sa dạ sa đồng vượt qua những rán nước dữ dội “nước xôi to phùn phút, nước dựng đứng trông trời” và khi gặp những thác nước như vậy các sa dạ sa đồng chỉ còn biết van xin “biển ơi đừng giết tôi – nước hỡi đừng xua đẩy thuyền” làm cho ta cảm thương về những kiếp người nô lệ còn ở đây ông lái đò cũng là người bình dị nhưng ông không hề than thở van xin mà đã vượt lên tất cả nguy nan trở thành một dũng tướng bách chiến bách thắng. Dưới ngòi bút nha trang cuộc đụng đầu quyết liệt giữa con sông đà và người lái đò quả là một bức tranh chiến trận hào hùng. Ngôn ngữ Nguyễn Tuân nâng lên thành khúc tráng ca để xưng tụng con người lao động trong cuộc quyết đấu với thiên nhiên giành sự sống.

Nguyễn Quang Trung

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây