© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn cách làm bài văn biểu cảm

Chủ nhật - 08/12/2019 11:20
Hướng dẫn cách làm bài văn biểu cảm trước hết là tìm hiểu đề, xác định đối tượng biểu cảm, sau đó tìm ý và lập dàn ý gồm có 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài.
1. Tìm hiểu đề, xác định đối tượng biểu cảm
Đề văn biểu cảm thường chỉ rõ những yếu tố sau:
- Yêu cầu: thường được thể hiện bằng các từ “cảm nghĩ về”, “cảm xúc về”,...
Nếu đề không chỉ rõ yêu cầu biểu cảm thì đối tượng biểu cảm sẽ giúp người viết định hướng được điều này.
- Đối tượng biểu cảm thường là một sự vật (cái cây, dòng sông,...), một con người hay một tác phẩm văn học.
Do đối tượng có thể là sự vật, người, tác phẩm văn học em yêu thích nên ngay cả khi đề bài không xuất hiện trực tiếp yêu cầu biểu cảm thì người viết cũng có thể ngầm hiểu đó là yêu cầu nêu cảm nghĩ, cảm xúc.
Chẳng hạn:
a. Loài cây em yêu.
b. Cảm nghĩ về tình bạn.
c. Cảm xúc về người thân.
d. Cảm nghĩ về mái trường thân yêu.
Đề (b), (c), (d) đã chi rõ yêu cầu biểu cảm là “cảm nghĩ về”, “cảm xúc về” tình bạn, người thân, mái trường em theo học. Đề (a) yêu cầu biểu cảm không xuất hiện trực tiếp nhưng qua đối tượng là “loài cây em yêu”, người viết có thể ngầm hiểu được đó là yêu cầu nêu cảm nghĩ, cảm xúc.

2. Lập ý, lập dàn ý
a) Lập ý
- Tìm ý:
Sau khi xác định đối tượng biểu cảm, người viết cần xác định những tình cảm, cảm xúc dành cho đối tượng. Có thể thực hiện những thao tác sau:
- Để tất cả những hình ảnh về đối tượng hiện lên tự nhiên trong trí nhớ của mình (hồi tưởng về đối tượng). Chú ý đến những đặc điểm nổi bật nhất hoặc được lặp đi lặp lại trong nhiều trường hợp. Có thể tưởng tượng hình ảnh đối tượng đó trong tương lai sẽ như thế nào. Hoặc tưởng tượng một tình huống giả định nào đó để làm nổi bật bản chất đối tượng cũng như cảm xúc của bản thân.
Chẳng hạn, có thể tưởng tượng hình ảnh dòng sông quê hương trong tương lai sẽ tấp nập tàu thuyền qua lại; có thể mở dịch vụ du lịch bằng du thuyền trên sông... Có thể tưởng tượng một ngày kia khi cánh đồng làng bị thay thế bằng những tòa nhà cao tầng, những khu công nghiệp...
- “Lắng nghe” những cảm xúc của mình, tự xác định những cảm xúc, suy nghĩ của mình về đối tượng?

- Sắp xếp lại những tình cảm, cảm xúc ấy theo một thứ tự nhất định, hợp lí.
Chú ý rằng, mỗi đối tượng sẽ có một đặc trưng riêng. Bởi vậy, trong quá trình tìm ý cũng cần căn cứ vào những đặc trưng ấy để tìm ý. Cụ thể là:
+ Với đối tượng là sự vật, các đặc điểm nổi bật là hình dáng, công dụng, việc sử dụng các đồ vật ấy của em (nếu là các đồ vật); hình dáng, sự thay đổi theo thời gian (nếu là cảnh vật).
- Với đối tượng là người thân, cần chú ý đến hình dáng, tính tình, tình cảm của người đó dành cho em.
- Với đối tượng là tác phẩm văn học, nên tập trung vào những giá trị nội dung, nghệ thuật, đặc điểm các nhân vật...
Ví dụ:
* Với đề bài “Cảm nghĩ về dòng sông quê em”, có thể tiến hành tìm ý như sau:
- Hình dáng dòng sông như thế nào? (uốn khúc quanh làng em).
- Hình ảnh dòng sông qua các thời điểm trong ngày (lúc sáng sớm sông mơ màng trong sương; lúc trưa sông lấp lánh xôn xao những giọt nắng; chiều về, sông lộng lẫy trong ráng chiều đỏ rực, trong năm (mùa hạ nước lũ, mùa đông nước cạn...).
- Những kỉ niệm em đã có với dòng sông?
- Tưởng tượng, hình dung trong tương lai sông có thể được khai thác phục vụ du lịch (như sông Hương của Huế...).

* Với đề bài “Cảm nghĩ về mẹ” có thể tìm ý theo các bước sau:
- Hình ảnh của mẹ hiện lên như thế nào (dáng vẻ, gương mặt, mái tóc nhất là đôi mắt, đôi bàn tay...).
- Tình cảm của mẹ dành cho gia đình, đối với công việc ra sao?
- Tình cảm mẹ dành cho em? Nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc đã có với mẹ. Những cảm xúc của em khi được mẹ chăm sóc?
- Tưởng tượng sau này khi lớn lên, khi dần rời xa vòng tay mẹ, em vẫn nhớ và yêu quý mẹ như thế nào?

* Với đề bài “Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương”, có thể tìm ý như sau:
- Nội dung bài thơ đề cập đến vấn đề gì? vấn đề đó khiến em cảm thấy như thế nào?
- Nghệ thuật của bài thơ có gì hay, độc đáo?

b) Lập dàn ý
Bài văn biểu cảm cũng có cấu trúc ba phần:
- Mở bài:
+ Giới thiệu đối tượng biểu cảm;
+ Khái quát những cảm nghĩ, tình cảm dành cho đối tượng.

- Thân bài:
Thể hiện những tình cảm, cảm xúc của mình về đối tượng thông qua việc nêu lên những đặc điểm tiêu biểu, gợi cảm nhất của đối tượng (chú ý phần Lập ý);
+ Đó là tình cảm gì?
+ Tại sao lại có tình cảm đó?
+ Tình cảm đó được thể hiện như thế nào?

- Kết luận: những suy nghĩ, mong ước,... dành cho đối tượng được biểu cảm.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây