© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc là đặc điểm sâu sắc nhất của tâm hồn Việt Nam

Thứ hai - 30/10/2017 03:39
Nhận xét về nét đặc sắc, truyền thống của văn học Việt Nam, sách văn học 10, tập một có viết: “Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc là đặc điểm sâu sắc nhất của tâm hồn Việt Nam”.
​​​​​​​Qua những tác phẩm văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX mà anh (chị) đã học, đã đọc, hãy làm sáng tỏ nhận định trên

Lịch sử văn học một dân tộc là lịch sử tâm hồn của dân tộc ấy. Và lịch sử văn học Việt Nam cũng chính là lịch sử tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Nền văn học Việt Nam mặc dù trải qua nhiều thời kì lịch sử, nhiều bước thăng trầm nhưng vẫn không ngừng phát triển và vẫn giữ được bản sắc riêng. Nội dung lớn xuyên suốt lịch sử văn học dân tộc đó là: Lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Sách Văn học 10, tập một có viết: Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc là đặc điểm sâu sắc nhất của tâm hồn Việt Nam”.

Nhận định trên được thể hiện rõ qua các tác phẩm văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX.

Tinh thần yêu nước luôn thường trực trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Quê hương - đó là hai tiếng thiêng liêng mà con người Việt Nam luôn giữ trong tâm hồn mình, luôn hướng về quê hương với những tình cảm cao đẹp nhất. Tình yêu quê hương đất nước đó thể hiện thắm thiết trong thời bình và càng nồng cháy khi đất nước gặp chiến tranh. Trước nạn ngoai xâm, tinh thần ấy được biểu hiện qua những áng hùng văn sôi nổi tinh thần quyết chiến và những hình tượng anh hùng cứu nước. Đất nước bị ngoại xâm đã làm đau lòng hàng triệu con tim của người dân Việt Nam. Nỗi đau trước cảnh nước mất nhà tan đã làm day dứt, trăn trở người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong bài Hịch tướng sĩ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Nỗi đau đó đã đi vào từng bữa ăn, từng giấc ngủ của Trần Hưng Đạo, và khi lên đến đỉnh điểm đã trở thành lòng căm thù không đội trời chung với lũ giặc cướp nước “chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho tràm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.

Trước cảnh đất nước gặp rối ren, vô cùng lo lắng cho vận mệnh của non sông đất nước, Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra cho tướng sĩ thấy được tội ác tầy trời của lũ giặc cướp nước: “ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loại lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường. Ưốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn”.

Đất nước lâm nạn nhưng các tướng sĩ không biết lo lắng mà còn ham thú vui chơi. Ông đã chỉ ra những sai lầm cho các tưởng sĩ: “Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn v;v...”.

Trần Quốc Tuấn không những chỉ ra sai lầm của các tướng sĩ mà ông còn kích thích lòng tự ái, tự tôn dân tộc để các tướng sĩ tu tỉnh và có những hành động cụ thể để bảo vệ vận mệnh của non sông đất nước.

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc còn được thể hiện rõ qua Bình Ngô đại cáo của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Trước hết đó là lời tuyên bố đầy tự hào về nền độc lập của nước Nam: “Nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng văn hiến đã lâu”.

Khi đất nước bị xâm lăng, cuộc khởi nghĩa hướng tới lí tưởng cao đẹp - đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Khi giặc đến, khí thế chiến đấu anh dũng, hào hùng của nhân dân đã được Nguyễn Trãi ghi lại:

“Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”


Và trước khí thế anh hùng, trước tinh thần chiến đấu anh dĩnig của nhân dân ta, lũ giặc cướp nước đã phải trả giá cho tội ác của mình:

“Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông”


Tình yêu đất nước đôi khi còn thể hiện ở một nỗi xót xa, đau đớn, một tâm trạng bất chợt như buồn man mác, như nuối tiếc về quá khứ xưa. Tú Xương đã nuối tiếc về đất nước, quê hương:

“Sông kia giờ đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vảng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

(Sông Lấp)

Nhà thơ luôn hướng về quê hương và trong thời kì này không biết bao nhiêu những tâm hồn bị rạn nứt vì nuối tiếc, vì trăn trở với quê hương.

Yêu quê hương, con người Việt Nam đã yêu những mảnh đất bé nhỏ, đơn sơ trên đất Việt. Cảnh sắc Đèo Ngang đã được Bà huyện Thanh Quan miêu tả dưới con mắt của một thi sĩ với cách nhìn rất tế nhị, độc đáo:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”

Cảnh sắc Việt Nam, dưới con mắt Bà huyện Thanh Quan rất gần gũi, thân thuộc nhưng cũng rất thơ và trong cảnh sắc thân thuộc của quê hương, bà đã bộc lộ tâm sự thầm kín của tâm hồn mình:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta”


Câu thơ đọc lên ta như cảm nhận được một tâm trạng buồn khắc khoải. Phải chăng đây chính là nỗi buồn của nhà thơ trước cuộc sống đương thời? Nhưng trong hoàn cảnh đó, nhà thơ vẫn gửi gắm tâm hồn mình với thiên nhiên, với cảnh sắc Việt Nam.

Nói đến làng quê Việt Nam, nói đến một làng quê thanh bình là nói đến những con đò, những dòng sông êm đềm trôi, nói đến những luỹ tre xanh ngát, giản dị mà rất đẹp. Cảnh sắc quen thuộc thân thương đó đã đi vào thơ Nguyễn Khuyến:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làm hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa veo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”


Chỉ là một “ao thu” nho nhỏ, một “chiếc thuyền”, một “ngõ trúc” nhưng những hình ảnh đó hiện lên trong thơ Nguyễn Khuyến rất đẹp, rất gần gũi thân thuộc và mang màu sắc riêng của làng quê Việt Nam. Nhà thơ đã cảm nhận được những nét đẹp riêng của làng quê Việt Nam. Dường như nhà thơ cảm thấy thư thái, thanh thản trước cảnh sắc bình dị nhưng cũng rất đẹp, rất thơ của Việt Nam.

Thơ văn Việt Nam có sức sống mãnh liệt. Thơ văn Việt Nam đã phản ánh đúng cuộc sống, tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam. Qua những tác phẩm văn học đặc biệt, từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX chúng ta đã thấy rõ được nội dung lớn của văn học Việt Nam đồng thời cùng là tâm hồn tình cảm người Việt, đó là: “Tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc sâu sắc”. Phải chăng chính điều đó, chính những tình cảm rất thật của người Việt Nam mà văn học đã thể hiện, đã tạo thành sức sống mãnh liệt riêng? Không những thế văn học Việt Nam ngày càng được phát triển và đã có những thành tựu rực rỡ.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây