© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Mở lối về cõi xưa Kinh Bắc

Thứ ba - 25/10/2016 21:42
Mở lối về cõi xưa Kinh Bắc
Chỉ hai tiếng “Kinh Bắc” thôi đã đủ gợi lại cho mỗi người Việt chúng ta một quá vãng đẹp, hào hùng có lúc đến bi tráng, một không gian xa mà vẫn biêng biếc gần gũi chan chứa yêu thương của dân tộc.
Trên đầu, nghe vi vút tiếng bay ngựa sắt đưa Thánh Gióng về Trời, một ông Gióng đánh tan giặc xâm lược vừa xong đã trút bỏ giáp trụ mà đằng vân.

Về phía Tây, dòng Tiêu Tương còn mãi mãi vẳng lên tiếng hát Trương Chi “Người thì thậm xấu” hẳn lời ca vẫn da diết yêu, ai oán nhớ, ta vẫn nghe dòng lệ Mị Nương ràn rụa rơi xuống chén gỗ bạch đàn như một điệu hồ cầm tiếc hận đằng đẵng và thương xót không cùng.

Hãy tạm kể từ khi có một ông vua do Hoà thượng Lý Khánh Văn chùa Tiêu Sơn “nhặt” được ở một cái bọc ai đặt vào só cổng chùa lúc chập tối, nhà sư mở bọc thấy một chú bé sơ sinh còn đỏ hỏn, đem về nuôi đến lớn khôn, dạy chú bé cả văn cả võ, đến năm chú 17 tuổi, hòa thượng đưa cậu con nuôi ấy vào Hoa Lư làm lính, trải hơn mười lăm năm đánh đông dẹp bắc, có đức độ lớn, tài năng và chí khí cao, người dũng sĩ anh hùng ấy đã được quân dân và các hiền sĩ, các tăng lữ tôn vinh lên ngôi nối nghiệp nhà Tiền Lê đã suy tàn do hôn quân bạo chúa Lê Ngọa triều coi máu người như nước lã.

Lý Thái Tổ mở đầu một triều đại, một thời kỳ quốc gia đủ mạnh, một chính thể đường bệ với giường mối vững vàng, có nền văn hóa văn minh và nhân văn cao đẹp rạng rỡ.

Có thể nói Lý Công Uẩn là ông vua duy nhất trong lịch sử dân tộc được dân “bầu” lên, một bậc minh quân tài trí với đức độ của Phật Thích Ca, đã xây dựng nền dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Từ khi vua Lý rời đô từ Hoa Lư ra đến mép dòng sông lớn Hồng Hà đặt tên kinh đô là Thăng Long, vâng, chỉ tạm kể từ đó thôi, vùng Kinh Bắc đã được các triều đại kế tiếp (Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Trịnh) gọi là “phên dậu của Kinh kỳ”. Thế nào là phên dậu? Tre nứa thế thôi cho đúng với nền văn minh lúa nước và sắc thái văn hóa Luy Lâu nhưng đích thực trấn Kinh Bắc xưa là bức trường thành vững chắc nhất để giữ gìn đất nước, chống chọi với bao phen bão tố ào xuống từ phương bắc. Bão thốc qua đây rồi những Thánh Gióng xua tan nó cũng từ đây. Cũng qua đây những con em của Tổ quốc Việt, từ Châu Hoan, Châu ái xa xôi, từ Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình bao la ruộng đồng màu mỡ, những con em đất nước cứ lằng đẵng “đi lên xứ Lạng cùng anh” mà chặn bão, ngăn lũ luân phiên theo thời hạn “ba năm trấn thủ lưu đồn”. Bởi có nhiều người đi không về nữa nên khí thiêng trời Nam đất Việt mới phóng lên nơi địa đầu Tổ quốc một nàng Tô Thị vọng phu “đau thương bằng Thánh”1. Gần ngay kinh kỳ, còn rung động tiếng thơ bi ai, sầu tư nàng công chúa Ngọc Hân khóc nhớ người chồng, người anh hùng “áo vải cờ đào giúp dân dựng nước”.

Xa chút nữa, đúng giữa lòng Kinh Bắc, hỏi đã bao nhiêu đời huê tình Quan họ, Lý sang sông, Lý con sáo, Lý cây đa đã phả hơi thở nồng nàn vào truyện Kiều, tiếng kêu đứt ruột của người trai, người gái Kinh Bắc?

Cũng chỉ cách vài dặm đường quê, tiếng hát cô gái hái chè đã bắc cầu vàng cho một nhan sắc nghiêng nước sông Đuống, sông Cầu để bước lên đài vinh quang lộng lẫy, để rồi làm nghiêng, làm sụp cơ đồ Chúa Trịnh hơn hai trăm năm “phi đế phi bá, quyền khuynh thiên hạ”.

Lại qua một con sông sắc nước nâu hồng, hai bờ cát trắng, con sông có lẽ từ nghìn năm vẫn “nằm nghiêng nghiêng” trằn trọc không ngủ, thao thức, trăn trở suy tư về số phận quê hương. Qua đó để thấy đôi mắt cực kỳ hiền hậu, vô cùng sắc sảo của một cô gái 20 tuổi đứng tựa cây lan bên cổng Chùa Dâu mà quyến rũ một Lý Thánh Tông tài trí. Để rồi đôi mắt kỳ diệu ấy lại trị vì đất nước, làm cho thần dân nhà Lý an cư lạc nghiệp, xanh rờn hạnh phúc tầm tang ngô lúa trong hương khói màu Thiền. Tên người con gái kỳ diệu ấy đã thành tên Đền Bà Tấm, phải chăng cô Tấm từ cổ tích bước ra làm thành dáng đẹp cao quý thiêng liêng nhất của triều đại Lý?

Hạnh phúc người Kinh Bắc hẳn đã “cao như núi, dài như sông”2 thì những nỗi oan khiên cũng đến lệch trời xô đất. Nỗi oan Mỵ Châu, nàng công chúa nửa huyền sử mà có người phán xét là “Trái tim nhầm chỗ”3 đời đời còn làm đau lòng người Việt đến nỗi tượng thờ cũng phải chém đầu, liệu có một nhà thơ nào, một nhà sử học nào viết sách minh oan? Không, trái tim Mỵ Châu vẫn là trái tim trong sáng đến nay vẫn đều đều nhịp đập của tình yêu cho hàng triệu người Việt Nam thương cảm xót xa vì cái mệnh trời đa đoan, khắc nghiệt.

Hơn nghìn năm sau Mỵ Châu oan khuất lại đến nỗi oan ngất trời của một bậc đại trí thức Gia Bình đời Lý Thần Tông đem dâng hiến tất cả trí tuệ, tài năng làm cho dân bình nước trị, giữ vững được từng tấc đất cho xứ sở, không để giặc ngoại xâm dòm ngó tước đoạt, vị trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử văn hóa dân tộc, một con người tận tuỵ vì dân vì nước như thế mà bị vu cáo âm mưu giết vua cướp ngôi nhà Lý rồi bị truất quyền, bị lưu đày lên vùng ma thiêng nước độc. Đến khi già yếu, muốn về chết ở xứ quê nơi mình được chôn nhau cắt rốn mà lê lết vượt đèo lội suối gắng sức hàng tháng trời, đến lúc chỉ còn cách ngôi nhà tổ phụ có chín mười dặm cỏ thì trút hơi thở cuối cùng bên bờ sông Đuống. Vậy đến bao giờ nỗi oan ấy được làm sáng tỏ hoàn toàn để oan hồn Lê Văn Thịnh được giải sạch ám khí còn nhập nhoà đen trắng mà bay lên bầu trời Kinh Bắc, bầu trời Việt Nam sáng toả lung linh và màu nhiệm như sao Khuê, sao Đẩu? Bao giờ ở Hà Nội này, ở kinh thành Thăng Long bất tử, nơi Lê Văn Thịnh đã để lại một sự nghiệp chính trị, văn hóa vĩ đại, nơi ông đứng đầu Nhà nước hơn chục năm ròng rã, bao giờ có một tên phố lớn Lê Văn Thịnh hay ít ra cũng có một học viện, một nhà trường mang tên Lê Văn Thịnh?

- Bao giờ?

ơi những con sông những triền núi, những gò cao, đồi thấp những bến những thuyền, những chùa chiền miếu mạo, đền đài, lăng tạ của đất Kinh Bắc cổ kính và thanh tao, một dáng mây về sớm, một con chim lẻ bạn sang chiều, đến cả một sợi cỏ may, một búp măng tre đều còn ứ đọng tinh hoa của nền văn hóa văn minh đồng bằng Bắc bộ. Kể từ một thiền sư ấn Độ đưa Đạo Phật (nghĩa là đưa từ bi hỉ xả, bác ái, công bằng và hòa bình hạnh phúc) vào cắm rễ rồi đâm chồi nảy lộc từ Chùa Dâu (Thuận Thành) toả ra khắp nước Đại Việt, từ thế kỷ thứ nhất của công nguyên. Lại cũng nơi Luy Lâu ấy sang thế kỷ thứ hai, Đạo Nho, Đạo Lão cũng bước theo Đạo Phật vào hội nhập thành nền tảng vững chắc, uy nghi và cao khiết cho văn hóa Việt Nam nảy nở, lan toả suốt nghìn năm đến đời Lý (1010) hòa hợp thành “tam giáo đồng nguyên” tạo ra sức mạnh dựng nước, giữ nước, yên dân, bảo vệ dân tộc Việt Nam đi hẳn vào cõi xanh tươi của thanh bình và nhân ái.

Một mảng giang sơn như thế ắt sinh ra nhiều nhân tài qua nhiều thế kỷ. Khí thiêng sông núi hun đúc ra một Trần Thị Tần ở làng Bựu Xim, Tiên Du, Kinh Bắc. Bà Trần Thị Tần lại cảm thụ khí thiêng sông núi Hồng Lĩnh Lam giang do làm vợ ba tể tướng Nguyễn Nghiễm mới sinh ra được một đại thi hào cho giang sơn gấm vóc mọi miền. “Văn chương nết đất”, đại thi hào Nguyễn Du nói thế, hẳn nhờ quê mẹ Kinh Bắc, quê cha Hồng Lĩnh.

Vùng Luy Lâu, từ thế kỷ thứ nhất được coi là thủ đô chính trị văn hóa đất Giao Châu, Lĩnh Nam, trải dài 18 thế kỷ lại sinh ra một nhà thơ lớn nữa, Nguyễn Gia Thiều khóc chào đời ở Thuận Thành và khóc cho tài sắc của bao nhiêu cung phi bị chôn vùi thân thế nơi đế đô.

Luy Lâu, từ lâu lại sinh ra một nghệ thuật độc đáo, có thể nói là chỉ có một, đó là nghệ thuật múa rối nước mà bây giờ, thế giới phương Tây ngưỡng mộ, coi đó là “một loại hình nghệ thuật độc đáo tuyệt vời của phương Đông huyền bí”. Chỉ qua một con sông, văn hóa Luy Lâu lại kết tinh vào dân ca, tình ca và ban cho cuộc sống tâm tình đầy ước mơ khao khát của chúng ta một chuyện Từ Thức gặp tiên dạo chơi dưới trần để thành tên Tiên Du quá đẹp cho một huyện nho nhỏ, xinh xinh, có chùa Phật Tích, chùa Bách Môn, chùa Tiên Sơn, đặc biệt ở Phật Tích đã diễn ra cuộc hôn phối tuyệt vời giữa nghệ thuật điêu khắc Chămpa và Đại Việt. Quan họ cũng là cuộc hôn phối mê say giữa dân ca đồng bằng và trung du nằm trong vùng văn hóa Luy Lâu, văn hóa Sông Hồng của nước Đại Việt với dân ca nước Chàm của các vương triều mang dòng họ Chế từ thế kỷ 11, thế kỷ rực rỡ nhất của vương triều Lý.

Suốt chiều dài lịch sử, tiếng hát quan họ sớm chiều đằm thắm nâng cho tuổi trẻ cất cánh bay lên bầu trời của yêu thương và hạnh phúc. Suốt chiều rộng của quê hương, những bức tranh Đông Hồ tạo thêm niềm vui đời thường cho những người chân lấm tay bùn, để đọng lại trong tâm hồn mỗi người dân Kinh Bắc, mỗi con em nước Việt những dáng vẻ, màu sắc, đường nét tiêu biểu của đời sống đơn sơ chất phác mà sâu đậm qua nhiều thế hệ.

Hoàng Cầm

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây