© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nêu cảm nghĩ của em khi đọc bài “Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân”.

Thứ sáu - 02/12/2016 05:34
Nước ta có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc. Lễ hội dân gian là một trong những nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Hầu như ở địa phương nào cũng có lễ hội dân gian: Hội Chùa Hương, Hội Yên Tử, lễ hội Kiếp Bạc, Hội Phủ Giày, Hội Vía Bà, v..v... Hội vật, hội chọi trâu, hội thổi cơm thi, hội dệt chiếu thi ở làng Hới... nhiều người đã biết.
 
Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân là một hội độc đáo.
 
Đồng Vân là một làng quê ở bên bờ sông Đáy. Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quán đánh giặc của người Việt cổ. Người lính ra trận vừa hành quân vừa nấu cơm, trong khi tay nấu cơm thì đôi chân cứ mải mê bước theo nhịp trống dồn. Trải qua hàng nghìn năm mà hội thổi cơm thi không hề mai một, trái lại ngày một thêm tưng bừng, ngày một thêm dồi dào ý nghĩa.
 
Bài văn của Minh Nhương cho ta biết về cách thức tổ chức hội cơm thi ở Đồng Vân diễn ra như thế nào.
 
Nới tổ chức cuộc thi là sân đình. Các đội thi gồm có nhiều nam nữ.
 
Sau hồi trống hiệu là trèo cây chuối bôi mỡ để lấy lửa. Cách trèo lên tụt xuống, hết người này đến người khác diễn ra trong tiếng trống, tiếng hò reo của dân làng. Lửa là cây hương. Lấy được hương, mỗi đội dự thi được phát 3 cây diêm để lấy lửa từ cây hương đang cháy để thắp lên bó đuốc.
 
Cùng lúc đó, người vót đũa bông, người lấy nước, người giã gạo, người giần sàng, người vo gạo nối tay nhau tíu tít.
 
Người nấu cơm là các cô gái. Chiếc cần tre uốn cong giắt vào cạp quần cạp váy uốn từ phía lưng qua đầu về phía trước có giá để đặt niêu cơm. Người nấu cơm, một tay cầm bó đuốc bập bùng, một tay đung đưa nồi cơm qua lại. Con trai con gái thuộc đội nào nhảy múa lượn vòng theo người nấu cơm thi của đội ấy. Cánh nấu cơm diễn ra náo nhiệt tưng bừng.
 
Phải nhanh tay và khéo léo. Sau độ một tiếng rưỡi, hồi trống thúc lên, kéo dài. Các đội đưa niêu cơm lên trình trước cửa đền. Mỗi niêu cơm được ghi một số riêng để giữ bí mật. Ban giám khảo chấm thi theo 3 tiêu chuẩn: cơm dẻo, gạo trắng, không có cháy.
 
Đội nào giật được giải lấy làm tự hào “khó có gì sánh nổi đối với dân làng”. Tiếng thơm đồn gần, tiếng lành đồn xa, sự khéo tay và sự nhanh nhẹn của các chàng trai, các cô gái trong hội thổi cơm thi được ca ngợi, truyền tụng. Đọc bài văn của Minh Nhương ta cảm thấy vui như được sống lại những ngày vui của lễ hội mùa xuân.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây